Truy tìm kho báu 600 tấn vàng của Nga

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 16/10/2011 08:20:00 +07:00

Sa hoàng Nicholas II đã ra lệnh chuyển 600 tấn vàng từ ngân khố quốc gia sang thành phố Kazan, nay là thủ đô của nước cộng hòa Tatarstan thuộc Nga.

Việc mất tích 600 tấn vàng của Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay vẫn đang nằm trong bí ẩn. Người Nga thì cho rằng, họ đã bị Nhật cuỗm mất, phía Nhật thì lại phản pháo: Họ không liên quan gì tới 600 tấn vàng đó. Vậy tung tích về số tài sản khổng lồ này đang nằm đâu?

600 tấn vàng biến mất bí ẩn

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, Nga chính thức tham chiến. Năm 1915, với thế lực như vũ bão, quân Đức đã áp sát thủ đô Matxcơva. Để đảm bảo an toàn cho tài chính quốc gia, sa hoàng Nicholas II đã ra lệnh chuyển 600 tấn vàng từ ngân khố quốc gia sang thành phố Kazan, nay là thủ đô của nước cộng hòa Tatarstan thuộc Nga.

Trong 3 năm đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, 600 tấn vàng được nằm an toàn tại thành phố Kazan. Năm 1918, sau khi chế độ phong kiến Nga hoàng bị lật đổ, tình hình chính trị nước Nga rất phức tạp. Nhiều phe phái hình thành, trong đó nổi lên hai lực lượng mạnh nhất: Quân bạch vệ và hồng quân.

Tháng 8/1918, một đội quân bạch vệ với thành phần ô hợp gồm người Nga, Serbia và Czech, dưới sự chỉ huy của đại tá Kappel đã tấn công vào thành phố Kanzai để cướp vàng. Quân bạch vệ đi trên tàu hơi nước, lợi dụng bóng đêm, tiến gần sát kho trữ vàng ở Kazan. Rạng sáng ngày 6/8/1918, quân bạch vệ đã tấn công bất ngờ, vớ được hơn 538 tấn vàng thỏi, chưa kể một cơ số tiền vàng, bạc lớn và vô số trang sức... Sau đó, toàn bộ số vàng trên được đưa lên tàu, theo đường sông Volga về căn cứ của quân bạch vệ tại Samara.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, lực lượng hồng quân (ảnh 1) và quân bạch vệ (ảnh 2) tranh nhau 600 tấn vàng của Sa hoàng nhưng cuối cùng lượng vàng khổng lồ đó lại được đồn đoán đã rơi vào tay quân chiếm đóng của Nhật tại Mãn Châu. 

Sau khi nghe tin số vàng bị mất, hồng quân đã lập tức tung ra nhiều đơn vị đặc biệt truy đuổi. Họ đi bằng tàu thủy lẫn tàu hỏa đến Samara. Với sức lực có hạn, quân bạch vệ đã không địch lại được Hồng quân nên đã thất thủ ngày 10/9/1918. Tuy nhiên, tại căn cứ bạch vệ ở Samara, hồng quân đã không tìm thấy vàng. Trước khi rút lui, theo thông tin mà hồng quân nhận được, quân bạch vệ đã nhanh chân chuyển vàng được đóng gói cẩn thận lên một chiếc xe lửa, đến thành phố Ufa?.

Quân chiếm đóng Nhật nẫng tay trên?

Theo nhiều tài liệu lịch sử của Nga có ghi lại, trên đường trốn chạy hồng quân, đại tá Kappel đã nhận được sự đánh tiếng từ Nhật về việc trông coi giùm số vàng khổng lồ này. Ở thời điểm đó, ngoài một số nước phương Tây, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất công nhận quyền lực của lực lượng bạch vệ tại Nga. Mặc dù cũng muốn nhận được sự giúp đỡ từ lực lượng bên ngoài bảo vệ số vàng, tuy nhiên do lo sợ quân Nhật sẽ trở mặt nên đại tá Kappel khi đó đã thẳng thừng từ chối.

Vào ngày 10/9/1918, trước khi lực lượng bạch vệ bị thất thủ, viên đại tá Kappel ra lệnh đưa 600 tấn vàng đã được đóng gói cẩn thận trong 63 thùng gỗ chuyển lên xe lửa, đến Ufa, một thành phố cách xa địa phận sông Volga.

Một điều không nằm trong kế hoạch của viên đại tá Kappel đã xảy ra khi chuyến tàu chở vàng đi qua địa phận thành phố Irkutsk- một trong những thành phố lớn nhất ở vùng Siberi của Nga- chuyến tàu đã bị chặn lại. Một thành viên của bạch vệ quân tại thành phố Irkutsk khi nghe tin về chuyến tàu chở vàng đã lật mặt, đem quân chặn giữ ngay tại nơi Kappel và lực lượng trung thành với viên đại tá này đi qua.

Lực lượng bạch vệ của hai bên đã suýt động thủ với nhau để chiếm số vàng, tuy nhiên người đứng đầu cả hai bên đã nhanh chóng tiến hành thương lượng. Theo đó, 30 thùng vàng được chuyển giao lại cho lực lượng bạch vệ tại thành phố Irkutsk, 33 thùng còn lại vẫn thuộc về quyền sở hữu của viên đại tá Kappel.

Mặc dù chỉ còn lại 33 thùng vàng nhưng viên đại tá Kappel vẫn bị hồng quân truy đuổi gắt gao. Đầu năm 1920, với sự đánh tiếng của Nhật, Kappel đã đi tàu vượt biên sang vùng Mãn Châu của Trung Quốc, nơi quân Nhật đang chiếm đóng. Tại đây, Kappel được hứa hẹn là vừa đảm bảo được an toàn số vàng, vừa có một nơi trú ẩn tuyệt đối để gây dựng lại lực lượng, quay về nước chống lại hồng quân.

Khi sang được Trung Quốc, quân Nhật đã yêu cầu đại tá Kappel phải ký một cam kết chuyển giao số vàng đó cho Nhật để "Đảm bảo an toàn tính mạng cũng như của cải của bạch vệ". Cực chẳng đã, đại tá Kappel cũng đã ký cam kết để Nhật giữ hộ 33 thùng vàng, đổi lại là nhận được sự bảo vệ cũng như những lời hứa hẹn.

Không dừng lại ở đó, sau khi nghe tin về 30 thùng vàng bị cướp giữa đường, quân đội Nhật đóng tại vùng đông bắc của Trung Quốc khi đó đã huy động binh lính, vượt biên đến thành phố Irkutsk giành lấy số vàng. Với quân số mạnh và đông đảo, không lâu sau khi 30 thùng vàng bị cướp trên đường ngày nào đã được Nhật đem về đại bản doanh ở Trung Quốc. Như vậy cả 63 thùng vàng mà đại tá Kappel lấy đi cuối cùng đã rơi vào tay quân Nhật. Theo tính toán, giá trị của số vàng này còn cao gấp đôi toàn bộ ngân khố của Nhật tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, có một điều là số vàng khổng lồ này lại không hề được chuyển vào ngân khố quốc gia của Nhật. Trong báo cáo mà quân Nhật gửi về từ Mãn Châu tới Nhật hoàng vào năm 1920 có ghi rõ: "Ngày 19/4/1920, hầu hết những chiến lợi phẩm của quân đội Nhật tại Mãn Châu đã bị cướp. Số tài sản ít ỏi còn lại đã được bán đi để bù chi phí sinh hoạt cho lực lượng quân đội đóng tại đây".

Dấu vết mong manh

Trong một số tài liệu của Nga còn ghi lại thì trên thực tế, một phần của số vàng khổng lồ này đã được tẩu tán bởi các chỉ huy quân đội Nhật đóng tại Mãn Châu- Trung Quốc. Một số tài liệu vẫn còn ghi rõ: "Một sỹ quan chỉ huy cao cấp của Nhật sau khi từ Trung Quốc về đã bỗng nhiên trở nên giàu có, chuyển mình trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của một đảng lớn nhất tại Nhật khi đó.

Quân bạch vệ. 

Được biết, nhân vật này đã dùng rất nhiều tiền để chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng nhưng đã không thành công. Sau khi mở cuộc điều tra về sự giàu có bất thường của nhân vật này, người đứng đầu đội điều tra mới chỉ hé lộ rằng, ông này giàu do cướp được nhiều vàng". Tuy nhiên, khi thông tin này chưa chính thức được công bố thì người đứng đầu đội điều tra đã bị sát hại dã man.

Còn về phần của viên đại tá Kappel, sau khi giao lại toàn bộ số vàng cho quân đội Nhật ở Mãn Châu, ông này đã đến Thượng Hải. Ở đây, Kappel mở một studio nhỏ để sinh sống. Tuy nhiên, vào năm 1932, chính quyền Liên Xô lúc đó đã bắt được Kappel khi ông này quay về thăm gia đình và yêu cầu Kappel  phải đòi lại số vàng đã giao cho Nhật.

Khi Kappel sang Nhật và đưa ra hàng loạt chứng cứ và giấy tờ chứng minh quân đội Nhật ở Mãn Châu đã "giúp Kappel trông giữ”  số vàng khổng lồ, thông tin này đã gây ra một chấn động lớn. Năm 1940, một loạt những cuộc điều tra đã được mở, tuy nhiên cuối cùng tòa án cao cấp nhất của Nhật khi đó đã kết luận: Không thể thụ lý vụ án. Năm 1941, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng tới Thái Bình Dương, lúc này do không còn tiền để theo đuổi vụ án đòi vàng của mình, Kappel đã vượt biên sang Mỹ cùng với tất cả giấy tờ chứng minh nguồn gốc 600 tấn vàng.

Tuy nhiên, trong chuyến đi, do sóng to, gió lớn, tất cả tài sản của Kappel đã bị cuốn trôi xuống biển?. Như vậy những giấy tờ chứng minh được về nguồn gốc số tài sản khổng lồ trên cũng đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đại dương.
Tiếp tục tranh cãi giữa chính phủ Nga - Nhật về 600 tấn vàng Sau khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga đã nghiêm túc xem xét vấn đề 600 tấn vàng ngày nào. Theo một số nhà sử học Nga tính toán vào giai đoạn năm 1991 thì giá trị của 600 tấn vàng này ở thời điểm đó là khoảng 8 tỷ USD. Đây là một con số cực kỳ lớn với một đất nước vừa trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng như Nga. Vì thế vào năm 1995, Chính phủ Nga đã yêu cầu phía Nhật phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Đáp trả lại cáo buộc của Nga, Chính phủ Nhật đã hoàn toàn phủ nhận về 600 tấn vàng. Tuy nhiên, gần đây một số sử gia của Nhật cho rằng: Số vàng này thực ra đã bị một tổ chức tội phạm lớn của Nhật cướp đi để thực hiện những âm mưu đen tối về chính trị nhưng đã không thực hiện được. Được biết, số vàng khổng lồ này đã được quân Nhật tại Mãn Châu chuyển về Tokyo một thời gian. Tuy nhiên sau đó được di dời đi đâu thì người ngoài không ai biết.

TheoANTĐ


Bình luận
vtcnews.vn