Đau đớn người đàn bà “mọc sung” khắp người

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 13/10/2011 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Tôi tưởng tượng, có đến cả ngàn “quả sung” mọc trên toàn bộ bề mặt da của người đàn bà tật nguyền, xấu số này.

(VTC News) - Tôi tưởng tượng, có đến cả ngàn “quả sung” mọc trên toàn bộ bề mặt da của người đàn bà tật nguyền, xấu số này. Thật không thể dùng từ ngữ gì để mô tả xác thực hơn những tấm hình cận cảnh.

Có thể nói, bà Nguyễn Thị Đáng là người nổi tiếng nhất xã Đồng Du (Bình Lục, Hà Nam). Bà nổi tiếng không phải vì giàu sang, phú quý hay có tài cán đặc biệt gì. Thật xót xa, bà nổi tiếng vì 50 năm nay, bà mắc căn bệnh quái dị, khủng khiếp không tưởng tượng nổi.

Vậy nên, đến đầu xã Đồng Du, hỏi người đàn bà mắc căn bệnh khủng khiếp, ai cũng biết và chỉ đường tường tận. Người ta thường chua thêm rằng: “Bà ấy bị quỷ ám đấy!”. Nghe mấy từ ấy, tôi đã tưởng tượng ra nỗi xót xa, nó như đám mây u ám bao quanh lấy người đàn bà có số phận giời đày.

Bà Nguyễn Thị Đáng trước ngôi nhà nhỏ của mình. 

Tôi đã từng gặp nhiều bệnh nhân mắc những căn bệnh quái dị. Họ thường bị người đời xa lánh. Chẳng ai muốn dây vào “quỷ”. Họ thường sống cô đơn giữa những người hàng xóm.

Người dân xóm Đền chỉ tôi tường tận ngôi nhà bé tin hin nằm ngay mặt ngõ sau mấy lần quành. Ngôi nhà có vẻ như được dựng trên mảnh đất thừa thẹo hình tam giác của xóm. Ngôi nhà rộng chừng 10 mét vuông, cửa rả xộc xệch nhưng khóa im ỉm.

U mọc khắp người bà Đáng. 

Tôi gọi cửa một lát thì có tiếng lục cục mở cửa. Người đàn bà thấp đậm vén bức mành lên. Dù đã chuẩn bị tinh thần vững vàng, song quả thực, tôi vẫn có cảm giác sợ hãi. Tôi tưởng tượng, có đến cả ngàn “quả sung” mọc trên toàn bộ bề mặt da của người đàn bà tật nguyền, xấu số này. Thật không thể dùng từ ngữ gì để mô tả xác thực hơn những tấm hình cận cảnh.

Riêng lương y Phạm Văn Thanh (từ Lào Cai xuống gặp bà) thì không có cảm giác sợ hãi gì. Anh coi bà như một bệnh nhân bình thường. Anh nắm nay, nắm chân, kiểm tra các khối u, thậm chí khoác vai bà chụp ảnh.

Khuôn mặt bà Đáng không còn chỗ hở. 

Không giống như những người mắc bệnh tật quái dị, khủng khiếp khác, bà Nguyễn Thị Đáng khá cởi lòng. Bà cười nói vui vẻ, giọng nói lảnh lót. Mỗi khi bà cười, chẳng còn thấy đôi mắt đâu cả, vì những cục thịt rung rinh che lấp đi mất. Chỉ còn lộ ra hàm răng trắng tinh. Riêng khuôn mặt bà cũng đeo tới nhiều trăm “quả sung”.

Số phận bà Đáng cũng buồn thảm như căn bệnh của mình. Cha bà là người đàn ông đa tình, lấy những 3 vợ. Mẹ bà có số phận hẩm hiu, đẻ xong 3 chị em bà thì chết. Mẹ chết, bố đi lấy vợ khác, bỏ mặc 3 chị em ở nhà. 3 chị em đi ở cho nhà người ta để có miếng ăn. Sau bà Đáng bị bệnh, chủ nhà đuổi, bà lại về làng sinh nhai.

 

Người chị và người em của bà Đáng sau cũng lấy chồng, có con. Người chị ở xã khác, giờ già cả, bệnh tật, nhà nghèo rách nghèo nát. Cô em gái lấy ông chồng thần kinh, bị đánh đập suốt ngày. Cả chị và em đều chẳng lo lắng được cho bà.

Bà Đáng sinh năm 1953. Năm lên 10 tuổi, học lớp 2, mới biết chữ O, chữ A, thì nghỉ học vì nhà nghèo. Lúc đó, Đáng đã là cô bé tật nguyền, phải chống gậy đi cà nhắc. Bà Đáng kéo ống quần, tôi thấy bàn chân trái của bà vẹo vọ, xương ống trật khỏi bàn chân.

Bàn chân tật nguyền đầy u cục của bà Đáng. 

Lúc 10 tuổi, những nốt mụn nhỏ xíu như hạt gạo, hạt đỗ đã lấm tấm mọc trên người bé Đáng. Ngày đó, nhìn Đáng cũng sợ lắm, nhưng nhà quá nghèo nên chẳng ai đưa đi khám bệnh.

Cho đến nay, khi đã mắc bệnh tổng cộng 50 năm, bà Đáng mới có một lần đi khám ở trạm y tế. Cũng chưa có bác sĩ nào đến khám cho bà. Bà vẫn chẳng biết mình mắc phải căn bệnh gì. Hàng xóm bảo bà bị bệnh “quỷ ám”. Thôi thì bà cứ gọi căn bệnh của mình là “quỷ ám”.

Bà Đáng sống một mình mấy chục năm nay. 

Mẹ chết, cha đi lấy vợ khác và cũng chết lâu rồi. Một mình bà Đáng mưu sinh với 2 sào ruộng chiêm khê mùa thối để sống. Căn nhà mái rạ dột nát, che mãi mà nắng vẫn xiên, mưa vẫn xối vào. Khi căn nhà đổ hẳn thì làng xã, xóm giềng gom góp dựng cho bà một ngôi nhà bé xíu trên mảnh đất thừa thẹo của làng.

Xưa kia, còn sức khỏe, bà vẫn cà nhắc ra đồng cấy hái lấy thóc để ăn. Thức ăn thì là cua, tép, ốc, trai mò được ngoài đồng. Tuy nhiên, mấy năm nay, bệnh nặng, ốm yếu, bà không làm lụng được gì nữa. Mảnh ruộng cho người khác thuê, mỗi vụ họ trả mấy chục kg thóc. Với số thóc đó, bà ăn dè sẻn lắm cũng chẳng đủ. Làng xóm thương tình, nên cuối mùa mỗi người một bát gạo phụ giúp thêm.

Dù mọi người coi như "quỷ", song bà Đáng vẫn rất lạc quan, hay cười nói. 

Nguồn thu chỉ có mấy chục kg thóc một vụ, không có gì khác nữa, nên thức ăn của bà chỉ là cơm chan nước sôi cùng mấy hạt muối. Thi thoảng cà nhắc ra bờ bụi, hái được rau cỏ gì thì được cải thiện.

Cuộc sống của bà đã đỡ vất vả hơn khi mới đây, các cán bộ xã đã làm thủ tục giúp bà có được tiền trợ cấp người tàn tật trị giá 180 ngàn đồng/tháng. Với số tiền đó, bà đã đủ đong gạo để ăn.   

 

Dù người ta gọi bà là “người đàn bà quỷ ám”, song bà không thấy buồn lòng vì điều đó. Cuộc đời bà Đáng đã trải quá nhiều khổ đau, cô đơn, lạc lõng, nên những nỗi đau đã thành chai sạn. Bà cũng tự biết mình mang thân thể gớm ghiếc, nên bà ít khi ra ngoài, tránh để mọi người sợ. Những người hàng xóm thân thuộc nhìn bà mấy chục năm qua cũng đã quen mắt, nên không sợ nữa. Bà vẫn sang nhà hàng xóm xin nước về ăn.

Lương y Phạm Văn Thanh tặng quà cho bà Đáng.  

Bà Đáng vui vẻ kéo ống quần, ống tay để tôi xem những cục thịt u tròn. Bà nói vui: “Chỗ nào cũng có u cục, cứ như cây sung sai quả từ gốc lên ngọn ấy!”. Tôi hỏi bụng, lưng thì sao? Bà bảo, chỗ nào cũng có. Bà ngượng ngùng mãi mới dám he hé vén áo ở bụng. Ôi trời! Những cục thịt ở bụng còn khủng khiếp hơn. Cục nhỏ thì bằng quả vả, cục to thì bằng quả cam. Tôi thực sự không nỡ chụp lại những hình ảnh đau lòng ấy.

Tôi hỏi, mong ước lớn nhất của bà là gì? Điều kỳ lạ là bà Đáng không mong được chữa bệnh, được các bác sĩ khám, điều trị, mà mong cuộc đời về sau có được những bữa no. Có lẽ, bà tự biết rằng, căn bệnh của bà vô phương cứu chữa. Cả đời đói rách, bà mong được ăn no đến khi về trời! Âu cũng là một điều ước lớn. Bà thấy thế là hạnh phúc lắm rồi.

Sau khi thăm khám, lương y Phạm Văn Thanh cho biết, bệnh của bà Đáng có tên cổ là khí lựu (mọc u cục như quả lựu). Y học hiện đại gọi bệnh này là u thần kinh da. Từ hàng ngàn năm trước, đông y đã biết đến căn bệnh này, mặc dù cực kỳ hiếm gặp. Bệnh này thường phát tác ở tuổi dậy thì.

Trong đông y cũng có bài thuốc điều trị, gồm uống và đắp phối hợp. Bài thuốc uống có tên “Thông khí tán kiên hoàn” và bài đắp là “Tiêu lựu nhị phản cao”. Tuy nhiên, bài thuốc chỉ hiệu quả khi mới phát bệnh. Với trường hợp của bà Đáng, đã phát bệnh 50 năm nay, thì điều trị theo đông y không có hiệu quả. 

Dương Phạm


Bình luận
vtcnews.vn