Kỳ lạ miền quê có 150 người tự sát trong 10 năm

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 12/10/2011 09:09:00 +07:00

Bị trêu chọc - tự tử; không bằng lòng với vợ con - tự tử... Từ năm 2000 đến nay, làng quê này đã có số lượng tự tử thuộc dạng "kỷ lục Việt Nam": 150 vụ tự sát.

Bị trêu chọc - tự tử; không bằng lòng với vợ con - tự tử... Từ năm 2000 đến nay, làng quê này đã có số lượng tự tử thuộc dạng "kỷ lục Việt Nam": 150 vụ tự sát.

Nếu chưa đến vùng đồng bào dân tộc H’re sinh sống tại huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định), có nằm mơ người ta cũng không thể tin nổi người dân nơi đây có quan niệm hết sức kì cục mà hậu quả đau lòng: Có thể chỉ cần nói nặng lời với nhau một câu, hay vì buồn chán những sự việc nhỏ nhặt là người ta tìm đến cái chết. Chỉ trong vòng từ năm 2000 đến nay, làng quê này đã có số lượng tự tử có lẽ thuộc dạng “kỷ lục Việt Nam”: gần 150 vụ tự sát.

Vợ con mê phim Hàn Quốc, chồng lặng lẽ thắt cổ

Cuộc sống hàng ngày có rất nhiều biến cố, con người sống với nhau trong mối quan hệ giữa người với người có thể có rất nhiều sự va chạm. Nhưng những cán bộ địa phương tại đây cho biết, với đồng bào dân tộc H’re thì lòng tự trọng của họ rất cao, chỉ cần một câu nói lỡ lời đụng chạm dù rất nhỏ thôi cũng là nguyên nhân tự sát, và có đến 101 lý do dẫn đến những cái chết đau lòng.

Một ngày đầu tháng 7/2002, thông tin anh Đinh Văn H (sinh năm 1974, Phó bí thư một xã thuộc huyện) treo cổ tự tử trong nhà bếp không chỉ khiến người thân, mà cán bộ toàn huyện đều bàng hoàng bất ngờ. Tìm hiểu kỹ mới biết nguyên do, hôm đó trong nhà chuẩn bị làm đám cưới cho em dâu, buổi trưa anh H uống rượu với bạn bè. Lúc về nhà, anh thấy vợ và hai đứa con đang ngồi xem vô tuyến bên nhà ngoài.
Những vụ tự sát có lý do không thể tin được ở An Lão

Anh Đinh Văn Đ. (sinh năm 1978), do mâu thuẫn với cô ruột nên đã dùng dao rạch bụng của mình. Rất may được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu, giành lại được tính mạng từ bàn tay tử thần.

Anh Đinh Q (xã An Nghĩa), vào tháng 10/2003, trong một chầu nhậu say sưa cùng các “chiến hữu”, khi rượu vào lời ra thì mọi người “khích bác” thi gan. Để “thể hiện khí phách” của mình, Q đã dùng 1 sợi dây thừng để thắt cổ.

Cùng xã nêu trên có Đinh Văn T (sinh năm 1975), vào tháng 8/2003 do uống quá nhiều rượu lại nghĩ quẩn, không làm chủ được bản thân, T “xơi” ngon lành 1 chai thuốc cỏ.

Anh Đinh Văn H (27 tuổi, ngụ xã An Nghĩa) vốn là người bắn súng giỏi, nhưng khi đi dự hội thao quân sự ở địa phương lại bắn trượt, không giành được thành tích, bị bạn bè trêu chọc, khích bác, H một mình đem dây thừng vào rừng thắt cổ chết trên cây.

Một trường hợp khác, công an viên Đinh Văn C (22 tuổi, ngụ xã An Hưng) do … bất lực “cảm thấy không trấn áp được tội phạm phá rối trật tự ở địa phương” nên đã uống cạn một chai thuốc trừ sâu.

Người vợ đau đớn thuật lại: “Ông ấy không hề nói nặng lời và vợ chồng tôi cũng không hề cãi nhau gì. Lúc về ông ấy có dặn mấy mẹ con tôi tắt ti vi vào ngủ nhưng lúc đó tôi và các con mê phim quá, cứ mải chúi mũi vào màn hình nên không để ý lời ông ấy nói.

Có lẽ thấy tủi thân vì vợ con không nghe lời nên ngay sau đó ông ấy cầm đoạn dây thừng vào trong bếp thắt cổ chết, khi xem ti vi xong vào thì ông ấy đã chết mất rồi”. trong đám tang của người xấu số, chứng kiến cảnh người cha của nạn nhân là ông lão nguyên Phó công an huyện đau đớn tóc bạc tiễn tóc xanh, không ít người đã phải rớt nước mắt thương cảm.

Ai dám nghĩ một cán bộ nòng cốt của địa phương, có tương lai lại vì “tủi thân” mà có hành động dại dột đến thế.

Có đến gần 70 % các vụ tự tử xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, bất đồng quan điểm sống trong quan hệ sinh hoạt giữa mẹ - con, chồng – vợ, anh – em, bạn bè…Gần đây nhất, vào ngày 25/9/2011, vì giận chồng mà một phụ nữ tên Hồng thắt cổ tự tử chết, để lại bức thư có nội dung rằng “ Tôi chết bởi vì anh ấy đối xử lạnh nhạt, giữa vợ chồng có mâu thuẫn không thể sống chung được nữa…”.

Vì cuộc sống vợ chồng nên thường xuyên xảy ra những bất hòa, chồng chị không đáp ứng thường xuyên những nhu cầu tình cảm trong cuộc sống gia đình. Chị chết nhưng để lại 3 đứa con còn nhỏ nheo nhóc. Người chồng và bà con họ hàng không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước sự ra đi bất ngờ của chị.

Cũng có những cái chết chỉ vì vợ chồng cãi nhau, anh chồng giận vợ, phẫn chí cầm dao bảo rằng “ Tao nói mày không nghe thì tao chết cho rồi” thế là cầm dao cứa vào cổ. Cũng có trường hợp vì vợ không giết gà làm mồi nhậu tiếp bạn, người chồng giận  quá mất khôn uống thuốc sâu tự vẫn.

Cũng có những vụ, con xin tiền bố mẹ mua xe máy nhưng không được, hay vì nhà nghèo không có tiền bị bạn bè cười chê… thì cũng tìm đến cái chết. Ví dụ như những trường hợp đau lòng của những học sinh xã An Hòa: em Trang (6/2006) vì bị ba mẹ la mắng nên đã thắt cổ tự sát, Kiên (5/2004) vì không đủ điều kiện dự thi đại học nên uống thuốc, Vũ (8/2006) vì thi rớt đại học nên dùng dây thắt cổ tự vẫn chết, Đinh Văn Quang 3 năm liền thi rớt tốt nghiệp, không ra trường được, trong lúc nhậu bạn nè lờ lời khiến Quang hổ thẹn tự tử.

Cũng có những cái chết bắt nguồn từ tình yêu trai gái, chỉ vì “mày uống nhiều rượu, cái bụng tao không yêu mày nữa”, khi tình yêu bị từ chối hay dở dang người thanh niên cảm thấy đau khổ tìm đến sự giải thoát…Những tình yêu đơn phương hay tan vỡ đều là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nhiều bạn trẻ người dân tộc H’re.

 

“Lời nói, đọi nói”

Nghe câu chuyện của những người H’re, khách lạ không khỏi thắt lòng khi hiểu quan niệm của họ, có lúc họ dù chỉ bị “hắt hơi, sổ mũi” nhưng nếu thấy người khác nói mình bị ốm nặng là nghĩ quẩn: Bênh kéo dài không thể chữa được, sống chỉ gây khổ thêm cho con cháu và bản thân nên tìm đến cái chết. Nhìn chung, rất nhiều vụ tự tử xảy ra vì những lí do hết sức “lãng xet”, đối tượng không tìm cách vượt qua những thử thách dù rất nhỏ của cuộc sống mà đơn giản chỉ muốn tìm đến cái chết bằng đủ mọi cách có thể.

Họ cũng chưa đủ nhận thức để hiểu hết hậu quả của việc làm đó tác động như thế nào không chỉ đối với bản thân mà còn gia đình và những người xung quanh.

Chúng tôi đến nhà của ông Đinh Văn Nghểu (75 tuổi, thôn 2, xã An Hòa) có vợ thắt cổ chết vì nghe người khác nói rằng bệnh mình không thể chữa được. Mái tóc đã bạc, nước da ngăm đen, khuôn mặt khắc khổ, ông lão nghẹn ngào kể lại chuyện vợ mình tự sát. Mãi mãi ông sẽ không bao giờ quên được cái đêm định mệnh, khi nói chuyện lần cuối cùng với bà vào tháng 10/2008.

Ông rưng rưng trong nước mắt: “Hôm ấy trời mưa lớn. Tui ngồi đan gùi, bà ngồi nấu nước chè, hơ lửa vuốt đùi. Bà kể ngày hôm trước khi đi châm cứu ở dưới bệnh viện huyện, có một bà cùng đi nói rằng “cái bệnh khớp ấy có chữa bao lâu cũng không bao giờ khỏi,càng già càng đau nặng hơn thôi”.Bà buông tiếng thở dài não nuột, tôi mải làm chỉ động viên bà vài câu”.

Khoảng 3 giờ khuya, ông lên giường đi ngủ, sáng hôm sau khi đi làm rẫy mãi không thấy bà lên và “ lúc này như có linh tính, tui và mấy đứa con chạy đôn chạy đáo khắp trong ngoài nhà mà không thấy. Gần trưa thì tìm thấy bà ấy thắt cổ chết trên cây quýt gần hầm tiêu sau vườn”.

Ông và người nhà gần như chết lặng vì sự ra đi bất ngờ của bà. Chồng đau đớn mất vợ, con khắc khoải tiễn đưa người mẹ mới hôm qua đang kề bên. Chỉ vì mơ hồ nghe người khác nói như vậy, sợ đau đớn lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chồng con bà đã tự vẫn. Ông Nghểu nói: “ bà ấy mất được một thời gian thì thằng con tui cũng ngã cây mà chết. Mẹ con nó bỏ tui đi, để tui sống cô độc một mình…”

Còn có những cái chết không để lại bất cứ một mạnh mối gì, chỉ có những lời đồn thổi “ đoán gì đoán non” mà thôi. Khi chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Phia, cách ông Nghểu hai nhà trong xóm thì nhà đóng cửa im lìm. Thông qua một cán bộ người dân tộc H’ re, hỏi hàng xóm chúng tôi mới biết người vợ đi làm rẫy chưa về.

Nguyên nhân cái chết của ông Phia không ai có thể giải thích được, chỉ biết rằng vào một buổi sáng giữa năm 2010, ông đi canh rẫy, không hiểu thế nào mà đến trưa thì người dân phát hiện thấy ông chết trong tư thế treo cổ ở chòi canh.

Gia đình có 4 người con đều đã lớn, đi lập nghiệp phương xa, bao nhiêu công việc đồng áng, nương rẫy đều đè lên vai vợ ông. “Bà vợ khi chồng chết rồi thì nay khổ lắm, sáng thức dậy đi làm từ lúc mặt trời chưa lên, lúc về nhà khi gà đã lên chuồng”. Làm quần quật, lầm lũi một mình”, người hàng xóm cho biết.

Nỗi đau ở lại

Huyện An Lão có 8 xã miền núi, 9 xã có đồng bào dân tộc sinh sống. Trong tổng số 26 ngàn dân của toàn huyện thì đồng bào dân tộc H’re có khoảng gần 8000 người đang sinh sống. Theo thống kê của công an, từ năm 2000 đến nay đã có 149 người tự tử trên địa bàn huyện, trong đó có 52 người chết và 96 người được cứu sống. Trong chuỗi dài danh sách những người tự tử, có những năm số lượng rất cao như: 19 vụ (2001), 22 vụ (2002), 29 vụ (2004), 14 vụ (2005), 7 vụ (2010) …Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, đã xảy ra 7 vụ tự sát trong đó chỉ cứu được 3 người, chết 4 người.

Ở huyện An Lão, tỷ lệ người tự sát tập trung đông nhất ở xã An Vinh, An Quang, An Trung và Tam Quan. Đa số các vụ được cứu sống đều do nạn nhân uống thuốc sâu, thuốc cỏ, uống xà phòng, thuốc khử, thuốc chuột, thậm chí có cả trường hợp uống thuốc tiêm bò, dùng dao cắt cổ, tự rạch bụng…và được người nhà phát hiện kịp thời đem đến trạm y tế cấp cứu.

Những nạn nhân còn lại, trước kia đa số ăn lá ngón, rễ cây độc, sau này thắt cổ, cũng có trường hợp nhảy giếng, nhảy thác…Khi người nhà phát hiện đã quá muộn không thể cứu sống được nữa. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, để có được “dũng khí”, trên 70 % số vụ, người ta dùng đến rượu trước khi tự sát như một “liều thuốc tinh thần”.

Vấn nạn đồng bào tự tử ở địa phương này là một bài toán khó đã tồn tại lâu, thế nên khi nhắc đến đề tài này, thượng tá Nguyễn Văn Ánh, Phó trưởng công an huyện không khỏi trầm ngâm: “Quan niệm tự tử thậm chí ăn sâu bám rễ vào vô thức của một số người dân, là một bài toán nan giải của chính quyền suốt bao nhiêu năm qua.

Xuất phát từ tính tự ái cao, dễ bị mặc cảm, tự ti, chỉ cần người khác nói lỡ lời xúc phạm không vừa ý là tự tử. Họ bị tác động bên ngoài cộng với mặc cảm ở trong lòng, nhưng không nói ra mà tự giải quyết theo hướng tiêu cực, có rất nhiều trường hợp nhờ đến hơi men để tìm đến cái chết”.

Một nguyên nhân khác không thể không nhắc tới là người dân tộc H’re rất tin tưởng vào tín ngưỡng thần linh, tin vào cuộc sống của thế giới bên kia. Họ cho rằng chết đi sẽ thanh thản, trở về bên những người thân đã mất ở “làng ma” không phải chịu khổ sở nữa.

Chính vì tư tưởng như vậy nên họ không xem trọng cuộc sống hiện tại, chỉ cần gặp bất cứ điều gì không vừa lòng cũng có thể đưa họ đến với cõi chết như một lẽ tất nhiên bình thường vậy.

Đứng trước tình trạng đó, Công an phối hợp với Huyện ủy đã tiến hành triển khai đề án “Ngăn chặn tệ nạn tự sát trong đồng bào dân tộc thiểu số” từ năm 2001 đến nay, qua 10 năm hoạt động đã rút kinh nghiệm và hiện đang tiếp tục thực hiện tiếp giai đoạn 2011 – 2015, góp phần tuyên truyền làm giảm tỉ lệ người tự tử trong cộng đồng dân cư các xã miền núi của huyện.

Ông Phạm Văn Nam, Phó bí thư huyện An Lão cho biết: “Đây là một tập tục lạc hậu xuất phát từ trình độ dân trí thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số sống rất thẳng thắn, bộc trực, có lòng tự trọng cao, tự ái, tự ti rất lớn. Khi bị xúc phạm, có thể họ không nói năng gì mà “tự xử” bằng tự sát. Hiện tại, huyện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn từng bước tiến tới loại bỏ, nhưng khó có thể giải quyết dứt điểm do nhận thức người dân còn hạn chế.

Chúng tôi đã tiến hành triển khai đề án, nhưng chủ yếu là tuyên truyền, vận động, giải thích để phòng ngừa là chính”.

Ông Đinh Văn Tuấn, Bí thư huyện An Lão cho biết: “Do mâu thuẫn giữa các cá nhân mà xảy ra nhiều vụ tự tử, muốn xác định được để xử lý rất khó, thường là sau khi vụ việc đã xảy ra. Tình hình hiện nay đã giảm nhiều so với trước nhưng chưa thể chấm dứt được”.

Chạy dọc qua những con dốc cao ngút giữa núi rừng, những bản làng người dân nhấp nhô mờ ảo sau ánh chiều tà. Khách khi đến tò mò, khách khi đi nặng trĩu lòng vì những câu chuyện đau lòng tưởng chuyện bịa mà hóa ra có thực, day dứt với câu nói: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để vui sống, khát khao sống; sao người ta lại dại dột tự tử như một sự giải thoát, để lại nỗi đau và sự tiếc nuối cho người ở lại không sao bù đắp được?”.
Hậu quả của tự sát ngang với gánh nặng chiến tranh

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), có khoảng 1 triệu người đã tự sát trên thế giới riêng trong năm 2000. Tự sát nằm trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi nước và là một trong số 3 nguyên nhân đứng đầu gây tử vong ở nhóm người từ 15 – 35 tuổi. Tác động về tâm lý và xã hội của tự sát lên gia đình và xã hội thì không thể đo lường được. Trung bình một trường hợp tự sát tác động sâu sắc tới ít nhất 6 người khác. Nếu tự sát xảy ra ở trường học hoặc nơi làm việc thì có thể tác động tới hàng trăm người.

Hậu quả của tự sát ngang với gánh nặng chiến tranh và tội phạm giết người, gấp 2 lần gánh nặng chi phí cho bệnh đái tháo, và ngang với hậu quả của ngạt và chấn thương lúc đẻ. Vào năm 1998, tự sát là nguyên nhân của 1,8% tổng chi phí cho bệnh tật trên toàn thế giới, dao động giữa 2,3% ở các nước thu nhập cao và 1,7% ở các nước thu nhập thấp.

Theo PL&TĐ
Bình luận
vtcnews.vn