Đấu súng kinh hoàng với trùm ma túy ở Quế Phong

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 29/09/2011 09:10:00 +07:00

Nơi rừng thiêng nước độc đã và đang diễn ra những cuộc săn đuổi tội phạm ma túy kinh hoàng, gay cấn chẳng khác gì phim hành động…

Thời gian gần đây, hễ nhắc tới huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) là người ta nói đến vấn nạn ma tuý. Ở đó, có những địa danh đã trở thành nổi tiếng trên bản đồ ma tuý quốc tế. Và, ở đó, nơi rừng thiêng nước độc đã và đang diễn ra những cuộc săn đuổi tội phạm ma túy kinh hoàng, gay cấn chẳng khác gì phim hành động…

Những cứ điểm chết chóc

Thâm nhập những nơi từng được cho là sào huyệt của tội phạm ma túy ở Quế Phong, nơi đầu tiên tôi tìm đến là xã Châu Kim. Xã này nằm giáp với thị trấn, nổi danh trên "bản đồ ma tuý" bởi có "thung lũng chết" bản Mồng. Thời gian trước, khi lực lượng Biên phòng, Công an chưa tổ chức những cuộc tấn công quyết liệt vào "cứ điểm" này thì bản Mồng được xem như là một trạm trung chuyển ma tuý tầm cỡ quốc gia, thậm chí là khu vực. Tại đây, dựa vào địa hình hiểm trở của đỉnh Pú Kạ ngay sau bản, những "thương gia", "sứ giả của thần chết" đã cắt rừng bằng những con đường mòn độc đạo đến mở những boong-ke ma tuý trên núi.

Theo Trưởng Công an xã Châu Kim, Vi Văn Du thì thời kỳ ma tuý thẩm lậu qua đường biên đến thung lũng bản Mồng rầm rộ nhất là vào cuối năm 2005 kéo dài đến đầu năm 2007. Thời kỳ ấy, trên rừng Pú Kạ có đến gần 30 "lái buôn" cỡ bự. Chúng đa phần là người Mông, quốc tịch Lào, ở tỉnh Hủa Phăn, một tỉnh giáp biên giới. Để việc buôn bán thần chết của mình được thuận buồm mát mái, tất cả chúng đều được trang bị vũ khí quân dụng, lựu đạn cùng các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại.

Súng, tang vật của những vụ án ma túy ở Quế Phong. 

Đến Pú Kạ, những "chiến binh" của vị thần cầm lưỡi hái ấy đã chia tốp, mỗi tốp từ 5 đến 10 người, tản ra những khu vực hiểm trở nhất để dựng lán, tổ chức bán ma tuý. Tuỳ theo "thời tiết" mà những lán đó được dựng nhiều hay ít. Nếu đang trong đợt truy quét cao điểm của các lực lượng chức năng thì những lán đó chỉ được làm tạm bằng lá cây rừng và với số lượng ít. Còn khi trời yên biển lặng, lán khá kiên cố, được phủ bạt sẽ mọc lên. Mỗi tốp có thể dựng đến cả chục lán để mời chào con nghiện và những chân rết xách ma tuý vào sâu trong nội địa. Tất nhiên, tuy lán được dựng tạm thời nhưng hoạt động buôn bán lại rất quy củ. Mỗi lán đều có vài tay súng canh gác, bất cứ chuyện gì bất chắc, thấy nghi là ngay lập tức những tay súng đó thực thi nhiệm vụ của mình.

Được vũ trang đến tận chân răng cùng với sự liều lĩnh, táo tợn sẵn có nên ngay khi đổ bộ vào Pú Kạ, những "ác thú rừng xanh" ấy tổ chức bán ma tuý như thách thức các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại. Trưởng Công an xã Vi Văn Du kể, khi ấy, mỗi ngày có cả trăm con nghiện cùng những tay buôn thứ cấp tìm đến bản Mồng. Sự việc diễn ra ngang nhiên đến nỗi bất cứ ai, chẳng cần biết lạ, quen thế nào nhưng khi lên núi cũng đều có thể mua được ma tuý.

Khi "thánh địa" bản Mồng ở Châu Kim bị tấn công, dòng thác ma túy lại chuyển hướng sang Mường Nọc, một xã rộng nhất huyện Quế Phong. Từ Lào, nếu muốn đưa ma tuý vào sâu trong nội địa Việt Nam thì con đường ngắn nhất là đổ "hàng" xuống Mường Nọc để về đường 48.

UBND xã Mường Nọc nằm kẹp giữa hai đỉnh Nhọt Huồi Đô và Bù Con Cắng. Cũng như ở bản Mồng, tại Nhọt Huồi Đô, những tay buôn xuyên biên giới ấy cũng dựng nhiều lán, trại để phân phối ma tuý. Để những lán, trại ấy hoạt động một cách an toàn thì ngoài việc được trang bị vũ khí nóng, các thiết bị liên lạc hiện đại thì trên mỗi con đường dẫn lên núi, các ông trùm ma tuý còn bố trí những chòi gác trên cao hệt như của các doanh trại quân đội thời trước. Mỗi chòi gác ấy có một tay súng cùng các thiết bị cảnh giới tối tân trấn giữ. Mỗi khi có biến, từ chòi gác này, thông tin sẽ được phát đi khắp các lán, trại.

Ông Lương Trường Sơn, Trưởng Công an xã Mường Nọc kể, ngày trước, khi sóng điện thoại chưa phủ đến vùng đất này, các ông trùm ma tuý liên lạc với nhau bằng bộ đàm, có thể truyền tin xa đến mấy chục cây số. Khi có sóng điện thoại thì chúng dùng điện thoại di động có đầu số Việt Nam. Bởi vậy, cứ khi các lực lượng chức năng chuẩn bị xuất quân là chúng nắm được hết và từ từ rút chạy.

Nhọt Huồi Đô bị tập kích, để duy trì mạng lưới của mình, những "người rừng" ấy lại tiếp tục di chuyển địa bàn hoạt động của mình. Lần này, chúng chọn những cánh rừng ngút ngàn trên đỉnh Bù Con Cắng làm nơi tập kết. Bù Con Cắng là dãy núi giáp với xã Châu Kim, Hạnh Dịch. So với các "cứ điểm" khác thì dãy núi này là nơi hiểm trở nhất. Tại đây, những lán, trại phân phối ma tuý vẫn mọc lên khi thì công khai, khi thì lén lút. Tuy nhiên, bất kể "thời tiết" nào thì các con nghiện, các tay buôn vẫn lũ lượt kéo đến. Tại trạm trung chuyển này, mỗi ngày có đến vài chục lượt người vào mua ma tuý. Nhiều hôm, xe máy của các đối tượng dựng tràn cả lối vào rừng.

Mãnh chúa rừng xanh

Tại mỗi "cứ điểm" ma tuý trên đều có những "chúa sơn lâm" thống lĩnh. Những đối tượng này nắm trong tay quyền sinh, quyền sát. Mọi hoạt động phân phối "hàng trắng" đều chịu sự điều hành của những người này. Với những người dân bản địa thì những mãnh chúa rừng xanh đã là nỗi khiếp sợ bởi sự tàn bạo mà chúng đã gieo rắc trên mảnh đất này...

Ma túy và súng luôn đi kèm với nhau. 

Người từng thống lĩnh "thung lũng bản Mồng", từng gieo bao nỗi khiếp đảm cho người dân địa phương ấy là Lỳ Pá Trò - một quái nhân của vùng biên này. Lỳ Pá Trò là người Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong). Khi hô mưa gọi gió trong thế giới ngầm, Trò cùng gia đình đang cư trú trái phép ở bản Nậm Bống, vùng Viên Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Nói đến ông trùm ma tuý này, bây giờ, ở Tri Lễ nhiều người vẫn còn thấy tiếc cho việc lầm đường lỡ bước của y. Theo ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch xã Tri Lễ thì, Trò từng phục vụ trong quân đội, từng có thời gian công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong. Năm 1998, không hiểu vì lý do gì, Trò ra quân và trở lên bất mãn, lầm đường lạc lối.

Năm 2001, Trò đã đưa cả gia đình vượt biên, sang sinh sống tại bản Nậm Bống. Có lẽ, trước khi tìm đường xa xứ, nhờ những mối quan hệ có từ trước nên Trò đã nghĩ đến việc "làm giàu không khó" bằng con đường phi pháp, buôn bán heroin. Tuy định cư ở hai quốc gia khác nhau nhưng người Mông ở vùng biên giới thường có quan hệ huyết thống, dòng họ. Bởi thế, khi đưa cả gia đình sang nước bạn, Trò đã rất dễ dàng trong việc ổn định cuộc sống cũng như "tìm mối" cho công việc "làm ăn" của mình.
Và, cũng bởi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã từng tham gia luồn rừng trong những ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ, nên những cánh rừng vùng biên, từng đường ngang ngõ tắt, Trò thuộc như lòng bàn tay. Thêm nữa, từng sống trong quân đội, được đào tạo bài bản, lại thông thạo chính sách, đường hướng đấu tranh với tội phạm ma tuý của ta nên Trò có nhiều lợi thế để… vươn lên thành một ông trùm.

Trung tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Đồn Biên phòng 517 nhớ lại, ngày ấy (năm 2005- 2006), bởi sự tác yêu tác quái của Trò mà những "cứ điểm" Nhọt Hẹ, Nhọt Tám… (thuộc thung lũng bản Mồng) hoá thành vùng chết chóc. Dưới sự chỉ huy của Trò, ma tuý được bày bán công khai. Tại đó, bất cứ ai, mua bao nhiêu "hàng" băng đảng của Trò cũng có thể đáp ứng. Khi các lực lượng chức năng còn đang lúng túng trong việc xua đuổi, vây bắt, Trò còn cho mang cả máy phát điện sang để phục vụ cho việc buôn bán của mình.

Theo lời kể của một kẻ đã từng lên núi để thoả cơn nghiền khi đó, mỗi lúc Trò xuất hiện luôn có hai tay súng đi kèm. Trông mặt ai cũng lạnh như tiền, hệt như trong phim hành động. Theo nguồn tin trinh sát, trong số những đàn em thân tín của Trò có cả những tên trước đây còn tham gia hoạt động trong những đảng nhóm thổ phỉ, chuyên thâm nhập vào các bản làng vùng biên giới này để thực hiện hành vi nhũng nhiễu, cướp bóc.

Trước vấn nạn ma tuý nhức nhối trên, đầu tháng 6 năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An đã khẩn cấp phê duyệt kế hoạch phối hợp các lực lượng đấu tranh, "đánh đuổi" "giặc" ma tuý ở các điểm nóng vùng biên giới. Và, trong kế hoạch đó, băng nhóm của Trò được "ưu tiên" "làm" trước. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ đội Biên phòng, cụ thể là Đồn 517 và lực lượng phòng chống ma tuý của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực thi.

Trung tá Nguyễn Thế Hùng kể, sau nhiều ngày bàn bạc kế hoạch tác chiến, lực lượng Biên phòng đã thống nhất, đón lõng để bắt sống Trò và đồng bọn khi chúng trên đường "đi chợ" về.
Để nắm được quy luật đi lại của ông trùm ma tuý này, lực lượng Biên phòng đã phải chia nhiều tổ, mũi, nhiều ngày cơm vắt ngủ rừng lần theo dấu chân của quỷ.
Theo đó, Trò thường dẫn đàn em vượt biên một đường, khi quay về thì lại đi trên con đường khác. Nắm chắc "đường đi nước bước" của Trò nên lực lượng Biên phòng đã quyết định giăng thiên la địa võng ở đèo Keo Chóng, địa điểm giáp với hai xã Nậm Giải và Hạnh Dịch.

Những chiến sĩ Biên phòng đã thực hiện chuyên án này kể lại, từ trung tâm xã Nậm Giải đến đèo Keo Chóng phải mất tới trên 3 giờ luồn rừng. Hôm đó, ngày 15 tháng 6 năm 2006. Bởi Trò luôn có sẵn những vệ tinh theo dõi nhất cử nhất động của các cơ quan chức năng, nhất là với Bộ đội Biên phòng nên tổ truy bắt đã phải rời điểm xuất kích từ đêm. Cứ cắt rừng, ngậm tăm mà đi. Tới điểm mai phục khi trời vừa sáng tỏ, theo kế hoạch, mỗi điểm mai phục, lực lượng truy bắt đều bố trí những tay súng cừ khôi, sẵn sàng nhả đạn nếu lệnh chiêu hàng bị Trò và các chiến hữu phản kháng.

Theo nguồn tin trinh sát báo về thì hôm đó là ngày Trò và đồng bọn ngược rừng về nhà để chuẩn bị cho một chuyến hàng mới. Và, cũng theo nguồn tin ấy, Trò và đồng bọn sẽ rút về đường này. Thế nhưng, càng chờ càng mất mặt.

Rừng tối nhanh, đồng hồ mới chỉ quá 17h mà cả màu đen u tịch đã loang khắp chốn. Đang khi sự nóng ruột lên tới đỉnh điểm thì từ phía xa có tiếng chân người lạo xạo cùng tiếng thở khò khè. "Con mồi" đã xuất hiện? Rừng này, đường này thì chỉ có hắn chứ không ai khác! Đúng là Trò thật! Nhanh như con sóc, hắn đi thoăn thoắt. Sau hắn là một tuỳ tùng, tên Mùa Nhìa Dì. Tên này trước đây từng tham gia lực lượng phỉ quân, gây bạo loạn bất thành ở Lào hồi cuối năm 2003. Theo nguồn tin trinh sát, Mùa Nhìa Dì là một đầu mối tích cực trong việc nhận hàng trắng từ vùng Tam Giác Vàng. Nhận hàng từ Mùa Nhìa Dì, Trò có nhiệm vụ phân phối về Việt Nam.

Chờ cho "con mồi" lọt vào "tầm ngắm", lệnh chiêu hàng tức tốc được phát ra. Thế nhưng, khi loa gọi hàng vừa cất lên, Trò đã giương súng bắn thẳng. Một loạt đạn khô khốc vang lên, xé toang rừng chiều tĩnh lặng. Biết không thể "nói chuyện suông" với ông trùm khét tiếng tàn bạo này, lệnh nổ súng đã được lực lượng truy bắt thực thi. Chỉ sau một loạt đạn, thân hình cao lớn của Lỳ Pá Trò đã đổ gục như chuối. Mùa Nhìa Dì thì nhanh chân tháo chạy. (Thế nhưng, khi về bên kia biên giới, bởi sự phối hợp tác chiến với lực lượng truy quét ma tuý của Lào, Dì cũng đã nhanh chóng bị bắt).

Theo Trung tá Nguyễn Thế Hùng, tang vật thu được ở "chiến trường" hôm đó là một khẩu súng AK, 18 viên đạn, 20 lọ đựng chất màu trắng, nghi là heroin. Sau khi ông trùm Lỳ Pá Trò bị tiêu diệt, cứ điểm ma tuý bản Mồng bị đánh xập. Những đàn em thân tín của Trò như rắn mất đầu, dần dần tan rã hoặc bị bắt. Một nhóm khác mang quốc tịch Lào cũng lặng lẽ tìm đường rút về nước.

Những cuộc đấu súng như phim hành động

Khi mãnh chúa rừng xanh Lỳ Pá Trò bị tiêu diệt, dòng thác ma tuý đổ về Quế Phong đã tạm lắng. Buổi giao thời ấy, nhiều người đã lạc quan rằng, từ nay, núi rừng thượng nguồn sông Hiếu sẽ được yên, những bóng ma đến từ bên kia biên giới sẽ không lai vãng đến đất này nữa. Thế nhưng, mọi người đã nhầm. Như nước tìm về chỗ trũng, bởi lợi nhuận kếch xù, dòng thác ma tuý vẫn ầm ập tìm về. Trước dòng thác điên cuồng ấy, nhiều đối tượng cộm cán, nguy hiểm đã phải tra tay vào còng hoặc phải đền tội ác sau những cuộc đấu súng kinh hoàng.

 Lỳ Pá Trò bị tiêu diệt.

Thế nhưng, những điểm nóng ma tuý vẫn chẳng có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cơ quan chức năng đã khẳng định rằng, nơi thâm sâu ấy hiện đang có một ông trùm nương náu. Hắn là ai thì không ai biết, chỉ biết rằng, chốn này hắn đang là số một. Oai danh của hắn khiến những kẻ theo đóm ăn tàn khiếp sợ. Qua đấu tranh với những đối tượng bị bắt trước đó, chẳng kẻ nào dám hé răng xung quanh tung tích của ông trùm này. Như bóng ma, hắn lạc vào màn đêm bí ẩn. Và, phải chờ đến tháng 6 năm 2007, khi hai đối tượng Sồng Xây Hờ, Thò Bá Tủa đều ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ bị bắt thì hắn mới lộ nguyên hình.

Theo Trung tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Đồn Biên phòng 517 thì Tủa và Hờ bị bắt giữ tại núi Pù Què, nơi tiếp giáp 3 xã Tri Lễ, Nậm Giải và Châu Thôn. Tang vật của vụ bắt giữ trên là 1 súng ngắn, 1 súng thể thao, 2 bánh heroin, 11 viên đạn. Qua quá trình khai thác hai đối tượng này, chúng đã khai nhận, chúng từng quan hệ làm ăn với một người tên là Lầu Bá Xúa, người Mông ở huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Qua những lời khai ấy, các cơ quan chức năng của ta đã nhận định, Lầu Bá Xúa chính là kẻ mà bấy lâu khiến lực lượng phòng chống ma tuý ở tuyến biên giới này đau đầu.

Bá Xúa sinh năm 1964, ở huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn. Đổ bộ vào Việt Nam, phân phối "hàng trắng" ở nhiều điểm nhưng năm 2007, Lầu Bá Xúa quyết định an cư ở hang Phà Nỏn, thuộc cánh rừng Nà Ạc, nơi tiếp giáp với 3 xã Nậm Giải, Châu Thôn, Tri Lễ… Xúa có một đặc điểm là rất ham gái. Bởi thế, dù ở bất cứ đâu, Xúa cũng đều phải có gái sửa túi nâng khăn. Về hang Phà Nỏn, nơi thâm sơn cùng cốc, Xúa cũng không từ bỏ sở thích thái quá ấy. Mỗi khi về hang, ngay lập tức Xúa cho gọi vài gái làng chơi đến để phục vụ mình.

Trung tá Nguyễn Thế Hùng cho biết, kế hoạch bủa lưới hang Phà Nỏn được tiến hành vào trung tuần tháng 8 năm 2008. Đêm ấy, đồng hồ vừa chỉ 21 giờ, lực lượng Biên phòng xuất kích khi trời mưa như trút. Mưa, hành quân thì khổ nhưng với trận đánh này, theo Trung tá Hùng, mưa lại là một điều may mắn. Mưa sẽ vô hiệu những vệ tinh, những cặp mắt cú vọ cảnh giới ở phía ngoài hang, đồng thời, việc áp sát cửa hang sẽ ít bị lộ hơn.

Tiếp cận mục tiêu, cũng vừa lúc cơn mưa rừng ngớt. Khi các vị trí đã sẵn sàng thì lệnh chiêu hàng bằng tiếng Mông, tiếng Thái được phát ra, cùng với đó là loạt đạn chỉ thiên giòn tan uy hiếp đối thủ. Trong hang, đang say giấc nồng cùng với hai gái làng chơi Xúa hốt hoảng vùng dậy. Biết là đã bị bao vây nhưng với bản lĩnh của một ông trùm khét tiếng, vơ khẩu súng ở cạnh nơi mình nằm, Xúa điên cuồng chống cự. Đạn bay ràn rạt, nhức óc đinh tai. Thâm hiểm hơn, con rắn độc ấy đã nhẫn tâm lùa những ả gái làng chơi cùng những kẻ tay chân người Việt bởi nghiện ngập mà phải lên hang hầu hạ hắn ra ngoài làm bia đỡ đạn.

Ra khỏi hang, đám người này chạy tán loạn như chim vỡ tổ. Mấy tên đàn em khác của Xúa cũng lợi dụng tình thế đó mà nhanh chân đào tẩu. Trong hang, chỉ còn một mình Xúa vẫn hung hăng không chịu buông súng quy hàng. Cứ mỗi lời chiêu hàng được phát ra là Xúa lại đáp trả bằng những phát đạn lạnh lùng. Kiên nhẫn, sau khi "nhót" được đám gái làng chơi, các chiến sĩ Biên phòng đã vận động nhờ một ả được Xúa cưng nhất nép mình vào cửa hang làm "thuyết khách". Thế nhưng, Xúa vẫn cứng đầu. Không còn phương án nào khác, một chiến sĩ bắn tỉa cừ khôi nhất đã được ban chuyên án trưng dụng. Phương án B buộc phải tiến hành. Bắn tỉa, hạ thương Xúa rồi bắt sống. Và, chỉ một đường đạn sắc lẻm, đang hăng máu bỗng Xúa rống lên rồi đổ gục. Khi mọi người ập vào, Xúa đã nằm bất động trên đống máu. Tay hắn vẫn ghì chặt khẩu súng, lăm lăm tư thế siết cò.

Piêng Chà Lấng, dịch theo tiếng Kinh là đỉnh núi cao. Tại đỉnh núi này, nơi đèo Keo Chóng, ông trùm Lỳ Pá Trò bị tiêu diệt. Cũng tại "chốn cũ" ấy, đầu năm 2009, một ông trùm ma tuý khác cũng phải đền tội ác.

Trưởng Công an xã Châu Kim Vi Văn Du kể, hiện giờ, trên đỉnh Piêng Chà Lấng, ngôi mộ của trùm ma tuý Bá Dê cũng vừa xanh cỏ. Người Mông quan niệm, khi chết là chấm dứt hết mọi duyên nợ trần gian bởi thế, họ cũng không cần quan tâm đến phần mộ của người đã khuất. Chính bởi tục lệ này nên khi Bá Dê bị Bộ đội Biên phòng tiêu diệt, tiến hành chôn cất trên núi, người thân của y cũng chẳng sang để lấy xác về.

Bá Dê người vùng Viên Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Y tham gia buôn bán ma tuý tại vùng biên viễn này từ năm 2006. Hoạt động trong nghề đã lâu nhưng chỉ đến khi kết hợp với ông trùm Xây Lỳ thì việc đánh hàng trắng qua biên giới của Bá Dê mới thực sự đạt đến độ chuyên nghiệp. Mỗi lần đi "hàng", Bá Dê và đồng bọn thường mang theo cả chục bánh heroin và tiến hành phân phối bằng lán trại ở khắp đỉnh Piêng Chà Lấng, nơi tiếp giáp của ba xã Mường Nọc, Nậm Giải, Châu Kim.

Nhiệm vụ xoá xổ băng nhóm của Bá Dê và Xây Lỳ được thực thi vào đầu tháng 2 năm 2009. Trung tá Nguyễn Thế Hùng kể, khi ấy, đang đêm, trinh sát báo về, Bá Dê và Xây Lỳ tiếp tục đưa "hàng" qua biên giới. Quan tái lạnh tê người, ngoài trời, sương đêm đặc quánh, chẳng ai muốn hé mặt qua khe cửa. Thế nhưng, bao ngày đợi tin… tốt lành, không thể bỏ lỡ cơ hội quý giá này được. Mệnh lệnh hành quân được phát ra, anh em vội vã lên đường. Khi ấy, đồng hồ chỉ đúng nửa đêm.

Tới điểm phục kích, trời đã chạng vạng. Rét nhưng quân phục của tất thảy mọi người đều ướt đẫm mồ hôi. Bởi sợ "con mồi" đến… điểm hẹn sớm hơn nên chẳng kịp lót dạ bằng tấm lương khô mà theo lệnh của chỉ huy, anh em đã vội vàng vào vị trí. Bất động nằm chờ.

"Chờ đợi mãi cuối cùng… người cũng đến", 11h40 phút, từ vệt đường mòn, "con mồi" đã xuất hiện. Lần đi "hàng" này, ngoài Bá Dê, Xây Lỳ còn một kẻ lạ mặt nữa. Mỗi tên đi cách nhau mấy trăm mét, tên nào tên nấy vai đeo tay nải, súng, mắt đảo láo liên. Chờ chúng lọt hẳn vào điểm mai phục, lệnh tấn công được thi hành. Như tất cả những tên sói rừng cộm cán khác, vừa khi anh em Biên phòng gọi hàng, chúng đã vội vàng nổ súng chống trả.

Tình thế một mất một còn, lực lượng vây bắt cũng buộc phải đáp trả. Súng nổ giòn tan. Đạn găm vào gốc cây phầm phập, va vào đá chan chát. Sau loạt đạn inh tai nhức óc đó, Bá Dê đổ gục xuống thảm rừng. Xây Lỳ và tên lạ mặt kia biết không thể chống chọi, nhanh chân bỏ chạy. Truy đuổi một hồi không có kết quả, anh em quay về tiếp quản "chiến địa". Tang vật tại hiện trường mà anh em thu được là một khẩu súng AK, 7 viên đạn, 2 gói bột màu trắng, 4 triệu đồng và 300 USD.

Mặt trận không tiếng súng

Trưởng Công an xã Mường Nọc, ông Lương Trường Sơn cho chúng tôi một con số giật mình. Cả xã hiện nay có trên 200 người đi tù vì những tội danh liên quan đến ma tuý. Con số này có lẽ chẳng có một điểm nóng ma tuý nào trên cả nước này sánh kịp. Hầu hết những đối tượng trên dính vào vòng lao lý là bởi tham gia vào đường dây vận chuyển, phân phối ma tuý cho những ông trùm đến từ bên kia biên giới.

Ở xã điểm nóng này, bấy lâu nay vẫn tồn tại khái niệm, "đói thì lên núi kiếm ăn". Theo ông Hà Xuân Mạo, Phó Chủ tịch xã Mường Nọc, khái niệm đó xuất hiện khi các ông trùm ma tuý rạch rừng tìm về Pả Bùa, Nhọt Huồi Đô, Bù Con Cắng. Lên núi, làm công việc cảnh giới, làm "tay sai" cho các bố già “người rừng”, hay đơn giản là đem lương thực, thực phẩm lên bán, thù lao cũng bằng mấy lần vã mồ hôi sôi nước mắt trên nương. Chính thế, ở Mường Nọc này vài năm gần đây đã hình thành một đội quân tiếp tế chuyên nghiệp. Điều đặc biệt là trải qua quá trình sàng lọc, đào thải "tự nhiên", đội quân hữu dụng ấy chỉ toàn phụ nữ.

Có nhiều lý do để các ông trùm ma tuý tín nhiệm chị em hơn là cánh nam giới sức dài vai rộng. Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều người dân bản địa, nguyên nhân thứ nhất là những chị em đã lặn lội lên núi thì chắc chắn không phải là "cớm". Một nguyên nhân chủ yếu khác, các chiến sĩ Biên phòng, Công an từng tham gia đánh án ở các "cứ điểm" ma tuý trên, mỗi lần hốt các lán trại, "chiến lợi phẩm" mà "quân ta" thu được ngoài heroin, súng đạn ra còn có rất nhiều những… bao cao su. Và, qua công tác đấu tranh khai thác với những đối tượng nữ giới đã dấn thân vào hang quỷ, nhiều ả đã thừa nhận, mình lên núi chỉ để làm gái.

Chung nỗi đau với Mường Nọc là xã Châu Kim. Ông Vi Văn Du, Trưởng Công an xã thiểu não cho hay, từ khi cơn lốc ma tuý ở thung lũng bản Mồng ập về, trên địa bàn xã đã có xấp xỉ 100 đối tượng vướng vào vòng xoáy tội lỗi này. Có những thời điểm, xã vắng hẳn đàn ông bởi họ đang "tạm trú" ở tù.

Hôm tôi vào Quế Phong, đoàn công tác do Đại tá Vi Văn Việt, Phó Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang lặn lội trong Nậm Giải để phát động phong trào toàn dân biên giới tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma tuý. Theo vị chỉ huy Biên phòng dày dặn kinh nghiệm trận mạc này, thì chỉ có thế trận nhân dân mới đẩy lùi được vấn nạn đang diễn ra nhức nhối nơi đây
 
Theo CSTC


Bình luận
vtcnews.vn