500 ngày mẹ cõng con lên giảng đường đại học

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 26/09/2011 06:34:00 +07:00

Cần mẫn suốt hai năm trời làm đôi chân cho con, con gái chị đã tốt nghiệp Đại học trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 50 tuổi ở số nhà 01, ngõ 107 đường Nguyễn Thiếp, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Gia đình chị đang có tất cả bỗng chốc mất sạch khi đứa con gái đầu lòng đang học năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bị tai nạn kinh hoàng trong một chuyến dã ngoại. May mắn giữ lại được mạng sống, nhưng cô con gái yêu Tô Thị Yến đã mất đi khả năng đi lại.

Thương con, sau những cuộc phẫu thuật điếng người, chị đã cùng với con khăn gói ra Hà Nội thuê nhà trọ, đi làm thuê để con gái thực hiện được tâm niệm hoàn thành chương trình đại học. Cần mẫn suốt hai năm trời làm đôi chân cho con, con gái chị đã tốt nghiệp Đại học trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Gia đình ngọt ngào

Căn nhà của mẹ con chị nằm nép mình khiêm nhường ở phía sau siêu thị Intemex Nghệ An, ngay trước khách sạn Phương Đông đồ sộ giữa lòng thành Vinh ồn ã. Sau những biến cố gia đình xảy ra kể từ khi con gái bị tai nạn, căn nhà cũng trở nên tuềnh toàng hơn, nhưng như chị bảo, nghèo về vật chất nhưng được cái tình cảm gắn bó, đằm thắm hơn.
 
Chồng chị, anh Tô Văn Chủng hiện đang phải làm công việc bảo vệ tại một khách sạn ở thị xã biển Cửa Lò cách nhà 20km, mỗi tuần chỉ tranh thủ về thăm con được một lần. Trong khi đó, cậu em trai cũng đã phải bỏ ngang chuyện học hành để làm nhân viên giao hàng trên địa bàn thành phố, kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống và trả bớt nợ nần. Khó khăn một chút nhưng mọi người trong gia đình chị vẫn cảm thấy hạnh phúc, ấm áp bởi không chỉ giữ lại được cô con gái bé bỏng mà hơn thế nữa, chị đã giúp con hoàn thành tâm nguyện là tốt nghiệp xong đại học.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt bên con gái. 

Mọi cái lại đang trở về con số không tròn trĩnh, nhưng ẩn đằng sau nét mặt trầm tư, lo âu của chị, tôi vẫn nhận ra có một niềm hạnh phúc rạng ngời mà có lẽ ai trong đời có kinh qua khoảnh khắc đau thương, mất mát, thất vọng tột cùng rồi đến hy vọng và sau cùng là vỡ òa niềm hạnh phúc như chị mới cảm nhận hết được dư vị ngọt ngào này.
 
Chị Nguyễn Thị Nguyệt kể, chị và anh Tô Văn Chủng gặp nhau và kết hôn năm 1987. Hai vợ chồng trẻ đều là công nhân, cuộc sống uy vất vả, khó khăn nhưng anh chị rất đỗi yêu thương nhau. Sau ngày cưới, hai vợ chồng dắt nhau về thị xã Vinh sống, dành dụm mãi mua được mảnh đất ở vùng chiêm trũng Trung Đô. Hạnh phúc của đôi vợ chồng son càng nhân lên gấp bội khi  lần lượt vào các năm 1988 và 1992, anh chị đã cho ra đời hai thiên thần, cô chị Tô Thị Yến và cậu em Tô Ngọc Anh.
 
Cuộc sống của 4 con người trong căn nhà nhỏ cứ thế bình lặng trôi đi, ngày ngày anh Tô Văn Chủng cần mẫn làm việc để kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học nên người. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã xin được việc làm ổn định tại một công ty nhà nước trên địa bàn, mức lương tháng tuy không cao, nhưng đã giúp cho anh chị có được cuộc sống tạm ổn ở phố xá ồn ã.
 
Với nhiều người, gia đình của chị Nguyệt - anh Chủng lúc bấy giờ là cả một niềm mơ ước. Không phải về vật chất mà ở tình cảm gia đình và cách nuôi dạy con cái. Cả Tô Thị Yến lẫn Tô Ngọc Anh đều rất ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và luôn nghe lời cha mẹ. Bằng chứng là sau khi tốt nghiệp cấp 3, Yến đã thi đậu với số điểm cao vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Noi gương chị, cậu em Tô Ngọc Anh cũng bước vào một trong những trường cấp 3 danh giá nhất thành Vinh bằng chính thực lực của mình.

Trước sự thành đạt từng ngày của con cái, anh Chủng, chị Nguyệt chỉ còn biết thầm cảm ơn cuộc đời và ngày ngày cần mẫn làm lụng kiếm thêm đồng tiền để giúp con đủ đầy hơn trong cuộc sống, để hai đứa không cảm thấy thiệt thòi hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. Những tưởng, hạnh phúc ấy sẽ mãi ở lại với tổ ấm ngọt ngào của gia đình thì nào ngờ, một tai ương bất ngờ đổ ập xuống đã làm cho mọi thứ bị đảo lộn. Tai nạn đã cướp đi đôi chân của cô bé đang phơi phới dậy tương lai, và chỉ có sự hy sinh hết mình của người mẹ rất mực yêu con, gia đình nhỏ ấy mới lại hồi sinh trong sự kỳ diệu.

Tai nạn kinh hoàng và bước ngoặt số phận nữ sinh viên năm thứ 3 đại học


Cho đến bây giờ, cả chị Nguyễn Thị Nguyệt, em Tô Thị Yến lẫn những ai biết đến vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ngày định mệnh hôm đó vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nghĩ đến. Biến cố đã đến với cuộc đời cô sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phơi phới tương lai, hệ lụy kéo theo là những xáo trộn đến với gia đình đang êm ấm ở quê. Ngồi trên chiếc giường nhỏ trong căn nhà hẹp, em Tô Thị Yến xa xăm, hôm đó là vào một ngày cuối tháng 10, khi em cùng với nhóm bạn trong lớp chạy xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên để tham dự buổi liên hoan của một người bạn thân.
 
Trước lúc đi chơi, em đã cẩn thận gọi điện thoại về nhà xin phép bố mẹ. Em cũng không còn nhớ rõ được từng chi tiết, chỉ biết rằng trong đêm tối, chiếc xe máy do đứa bạn gái cầm lái, chở theo Yến phía sau. Trên đường đi, do tránh một chiếc xe ô tô ngược chiều tại khúc cua đột ngột, đứa bạn đã không làm chủ được tay lái và hậu quả là chiếc xe máy tông vào chiếc ô tô văng ra một đoạn dài. Do ngồi phía sau, thụ động nên Tô Thị Yến bị văng ra xa, toàn thân quăng quật vào dải phân cách trước khi ngã dập xuống đường ngất lịm. Yến chẳng nhớ được gì nhiều, chỉ biết rằng khi tỉnh dậy thì em đã thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân trắng toát, bên cạnh là người mẹ đang phủ phục cầu nguyện cho con.
 
Chị Nguyệt giúp con đi lại bằng xe lăn. 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt thì run run khi phải nhớ lại những khoảnh khắc mà chị nhìn đứa con gái bé bỏng của mình đối diện giữa sự sống và cái chết ấy. Chị bảo, cái buổi chiều không đáng nhớ ấy lại cứ trở đi trở lại trong ký ức như một nỗi đau dấm dẳng. Chiều hôm ấy, sau khi gác máy con gái gọi về, sau niềm phấn khởi khi Yến khoe đã xin được giấy xác nhận của nhà trường để vay vốn ưu đãi ngân hàng, linh cảm của một người mẹ như đang mách bảo chị có điều gì đó không hay, sau phút tần ngần, chị đã tự trấn an mình, có lẽ do trời oi nồng nên lòng người cũng thoáng chút lăn tăn.
 
Nhưng rồi, nỗi lo lắng mơ hồ ấy đã bỗng chốc trở thành hiện thực khi mâm cơm chiều vừa dọn ra, mọi người chưa kịp ngồi vào bàn thì chuông điện thoại đổ dồn. Chị tất tả nhấc ống nghe lên, suýt chút nữa thì chị ngã quỵ khi từ đầu dây bên kia giọng nói của một người như thể lạc đi: “Yến bị tai nạn ở Thái Nguyên. Gia đình chuẩn bị ra ngay kẻo không kịp”.
 
Mọi người như không tin vào tai mình, lập cập bấm máy gọi cho Yến nhưng đáp lại chỉ là những tiếng tút tút kéo dài đến lạnh người. Không còn kịp suy nghĩ, cả nhà vội vã bắt xe ra Bắc ngay trong đêm. Chị Nguyệt vừa vuốt lại mái tóc cho Yến, vừa run run kể, đến Thái Nguyên tầm 4 giờ sáng, chúng tôi ào vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, thấy con gái bất động trong tình trạng đa chấn thương, toàn thân rụng rời. Chị Nguyệt càng đau đớn hơn khi bác sỹ ca trực cho hay, cháu Yến bị thương rất nặng, với toàn thân bị đa chấn thương, chảy máu màng não và gãy đốt sống số 3, 4 và số 5. Cùng với đó là phổi bị xẹp hẳn đi, sự sống mong manh hơn bao giờ hết.
 
Lúc này, sau cơn đau, tình thương con của một người mẹ đã biến chị thành một con người khác, mạnh mẽ và sáng suốt hơn bao giờ hết. Chị bảo với chồng , phải đưa con về Hà Nội gấp, còn nước còn tát, không thể cứ như thế mà nhìn con trong tuyệt vọng. Vậy là, Tô Thị Yến được chuyển về Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Tại đây, các bác sỹ cho hay, Yến bị mất quá nhiều máu, phổi lại bị xẹp nên phải mổ gấp để dẫn lưu hai bên màng phổi may ra còn giữ lại được mạng sống. Các bác sỹ cũng cảnh báo, chi phí cho việc mổ và điều trị sẽ không lường trước được. Lúc ấy, chị Nguyễn Thị Nguyệt đã nói như thét vào tai bác sỹ, dù cho phải ra đứng đường mà giữ lại được Yến bên cạnh, gia đình chị cũng sẽ sẵn lòng.
 
Ca mổ cho em Tô Thị Yến lập tức được tiến hành. Với sự tận tâm của ê kíp mổ, sau hơn 9 giờ đồng hồ, kíp mổ đã thành công, nhưng vì sức khỏe quá yếu nên em đã chìm vào cơn hôn mê 10 ngày. Trong thời gian ấy, chị Nguyễn Thị Nguyệt chẳng một phút rời con, chị cũng không chợp mắt trong suốt hơn một tuần chỉ để cầu nguyện cho con. Khi Yến vừa kịp tỉnh lại chưa được một ngày thì em lại phải vào phòng mổ để phẫu thuật cột sống, bởi như các bác sỹ bảo, nếu chậm thêm nữa, khả năng ngồi của em sẽ rất khó.
 
Sau cùng thì cột sống của em cũng tạm ổn định. Lúc này, được sự hướng dẫn của bác sỹ, mẹ con chị lại khăn gói sang Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị màng não và phục hồi chức năng. Hai tháng ròng tại đây, một tay chị Nguyệt vừa chăm sóc cho Yến, vừa cuống quýt chạy đi kiếm việc làm thêm để bù thêm vào số tiền ít ỏi mà anh Tô Văn Chủng cùng đứa con trai gửi ra hàng tuần.
 
Ngày đi làm, đêm về chị vừa bóp chân tay cho con, những lúc bác sỹ tập các bài tập vận động cho con bé, chị lại đứng nép sau cửa sổ, học lén những bài tập vận động cơ bản để khi chỉ có hai mẹ con, chị lại kiên nhẫn tập thêm cho Yến với khát vọng cháy bỏng là mong cháu sớm phục hồi chức năng, có thể vận động đi lại được như trước.

Còn tiếp...

Tĩnh Nhi (phunutoday)


Bình luận
vtcnews.vn