Chuyện trong ngôi nhà có 4 người con bị “quỷ ám”

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 28/08/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Đôi mắt đục mờ như nước gạo của Mẫn và Nam khiến tôi cảm nhận thấy căn bệnh đã nặng lắm rồi, cuộc sống không còn bao lâu nữa...

(VTC News) - Cái căn bệnh quái gở, con virus nó xơi cả cơ mặt, khiến khuôn mặt hai anh em dúm dó như nhau. Đôi mắt đục mờ như nước gạo của Mẫn và Nam khiến tôi cảm nhận thấy căn bệnh đã nặng lắm rồi, cuộc sống không còn bao lâu nữa...

Chị Xa Thị Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) không cần giở sổ cũng đọc vanh vách tên tuổi từng bệnh nhân mắc căn bệnh “quỷ ám” trong xã. Chị Thành cũng không biết phải gọi tên căn bệnh này như thế nào, nhưng nó quá khủng khiếp. Đã bao lần chị đau lòng bất lực khi nhìn ánh mắt tủi hờn của người nhà những bệnh nhân đặc biệt này.

Chị Thành không rõ thời xa xưa trong xã có ai mắc căn bệnh quái gở này không, nhưng gia đình bất hạnh đầu tiên trong xã bị căn bệnh “quỷ ám” mà chị biết rõ là gia đình ông Xa Mính, ở xóm Nà Mười.

Hai anh em Mẫn và Nam. 

Lần dò hỏi đường, rồi tôi cũng tìm thấy căn nhà sàn xiêu vẹo. Tôi gọi mấy câu, thì thấy một người đàn ông đi ra. Ông Mính mời tôi lên nhà. Ông Mính năm nay mới 62 tuổi, mà tóc bạc trắng như cước. Ông là trụ cột cái gia đình lắm nước mắt và nỗi đau này, không chóng già mới là chuyện lạ. Nhìn ông như ông lão 80. Mấy ngày nay, ông Mính ốm nên nằm bẹp ở nhà. Đám con đứa chăn trâu, đứa lên rừng chặt củi, bẻ măng kiếm sống.

Ông Xa Mính từng xung phong vào chiến trường miền Nam, chiến đấu ở nhiều vùng đất khốc liệt. Ông cũng từng đóng quân nhiều năm ở Tây Nguyên, vùng đất mà giặc Mỹ rải thảm chất độc hóa học. Chẳng hiểu thứ chất độc kia có phải là tác nhân gây ra thảm họa cho gia đình ông hay không nữa.

Dù bệnh tật, song Mẫn rất chăm chỉ, ngày nào cũng hái rau rừng về ăn. 

Rời chiến trường, ông Mính cưới người mà ông đã hẹn thề từ trước khi vào Nam. Vợ chồng trẻ cất căn nhà bên suối, rồi phát nương trồng sắn, trồng ngô. Hạnh phúc mỉm cười khi cậu bé bụ bẫm Xa Văn Khoa chào đời.

Nhưng cay đắng thay, đứa con đầu đẹp đẽ của vợ chồng ông đã mắc một căn bệnh lạ lùng. Người bé cứ nổi mẩn lạ, như phát ban, dị ứng. Những nốt này không lặn đi, mà cứ căng nước rồi vỡ ra. Mới 3 tuổi, bé Khoa đã mang một khuôn mặt của “quỷ dữ”, loang lổ, tróc lở, trắng đen vằn vện. Có bà họ hàng ở xa đến thăm cháu, nhìn thấy khuôn mặt đứa cháu của mình liền rú lên rồi ngã vật ra đất. Ông Mính kể lại chuyện này mà lòng đau như dao chém.

 

Ngày đó bệnh xá không có, giao thông trắc trở, nên ông không có điều kiện đưa con về xuôi. Suốt mấy năm trời, vợ chồng ông Mính nhờ các thầy lang điều trị, rồi các thầy mo cúng bái, nhưng chẳng ăn thua gì. Vì còn nhỏ, không có ý thức bảo vệ cơ thể, nên mỗi khi ngứa ngáy, bé Khoa lại gãi rách cả da, tróc cả thịt. Ngứa quá, Khoa còn dụi lưng, cổ vào cạnh bàn, gốc cây khiến máu chảy toe toét.

Không hiểu con vi khuẩn quái quỷ gì, nó xơi ruỗng cả khuôn mặt Khoa, ăn cả vào các dây thần kinh, cơ vận động, khiến khuôn mặt biến dạng, cái miệng méo xẹo. Bản làng khi đó nghĩ vợ chồng ông Mính sinh ra quỷ, nên chẳng ai dám bén mảng đến. Trong bản có lễ lạt, hội họp, thấy bóng dáng vợ chồng ông Mính, họ đều lảng tránh. Riêng cậu bé Khoa thì chỉ quanh quẩn xó nhà một mình.

Căn bệnh quái ác đã lan đến chân Nam rồi. 

Dù kết quả tình yêu là một đứa con mắc căn bệnh khủng khiếp, song vợ chồng ông Mính vẫn hy vọng. Hồi Khoa tròn 4 tuổi, thì mẹ sinh thêm em bé, đặt tên là Xa Văn Khe.

Lúc lọt lòng, Khe cũng như anh, bụ bẫm, đẹp đẽ. Ngày ngày, mỗi khi đi nương về, việc đầu tiên là ông Mính ngó khuôn mặt con, vạch cả mông đít ra xem có biểu hiện gì khác lạ không. Và rồi, những cái mụn oan nghiệt đã nổi lên. Vợ ông sợ hãi, như phát điên, chạy vào rừng ngồi khóc. Ông Mính phải mất trọn một ngày luồn rừng mới tìm thấy vợ mình ngồi bần thần trên mỏm đá. Khi đó, vợ ông đã có ý định tự vẫn. Nhưng không hiểu sao, ông Mính lại bình tĩnh đến lạ. Ông kiên quyết với vợ, thua keo này sẽ bày keo khác, nhất định phải có được một đứa con khỏe mạnh, dù có đẻ ra một đàn… “quỷ dữ”.

Những đứa trẻ sống thu mình từ bé. 

Dù hai đứa con trông rất quái dị, nhưng là máu mủ của mình, nên vợ chồng ông Mính thương yêu như khúc ruột. Nhưng hai bé Khoa và Khe đoản mệnh, nên không ở được trần gian bao lâu. Năm 7 tuổi thì Khoa chết vì vết thương nhiễm trùng nặng. Khoa mất được tròn tháng, thì cậu em cũng theo anh.     

Thời điểm đó, vợ chồng ông Mính đứng trước sóng gió ghê gớm lắm. Gia đình ông Mính thì đổ lỗi cho con dâu, còn gia đình vợ thì đổ cho ông. Đã vậy, xóm bản lại xa lánh, ruồng rẫy. Vợ chồng ông cứ sống lủi thủi tủi hờn ở mỏm đất ven suối.

Chúng chỉ quanh quẩn chân nhà sàn. 

Niềm khát khao có một mụn con vượt qua cả nỗi sợ hãi. Vợ chồng sinh liên tiếp 2 đứa con nữa, gồm Xa Văn Mẫn và Xa Văn Nam, đứa nọ hơn đứa kia chỉ 1 tuổi. Nhưng “quỷ dữ” vẫn không tha. Cả Mẫn và Nam đều mắc căn bệnh quái ác như hai người anh đã mất của chúng. Nhưng có điều đặc biệt, đó là Nam và Mẫn, dù mắc căn bệnh quái gở, song vẫn có sức sống mãnh liệt.

Cứ nghĩ ông trời thế nào cũng có mắt, nên vợ chồng ông Mính đẻ tiếp thêm 2 đứa nữa. Ông trời có mắt thật. Hai người con cuối cùng hoàn toàn bình thường khỏe mạnh. Ông Mính nhớ lại cái cảm giác khi xưa, lúc nào tim cũng như sắp vỡ. Hôm nào nhìn thấy nốt mụn trên mặt, trên người con, dù là vết muỗi đốt, rệp cắn, ông bà cũng mất ăn, mất ngủ. Vợ ông thì khóc lóc ướt nhẹp vai chồng.

Người đời xa lánh, nhìn họ như "quỷ đội lốt người". 

Mặt trời lặn đằng Tây, ánh nắng xiên qua vách núi, chiếu những tia sáng cuối cùng, cũng là lúc hai anh em Mẫn và Nam từ trong rừng đi ra. Mẫn dắt theo con trâu, lại gùi trên lưng một bó rau rừng. Nam thì lặc lè với bó củi trên vai, còn to hơn cả cơ thể mình.

Gặp tôi, như thể người từ hành tinh khác, Mẫn và Nam cứ rụt rè, bẽn lẽn nép sau cột nhà sàn. Từ ngày sinh ra, mang thân thể xấu xí, hai anh em bị người đời xa lánh, nên cũng tự thu mình, sống khép kín trong ngôi nhà ven suối, sát vách rừng. Cuộc sống của hai anh em chỉ có muông thú, tiếng chim, tiếng dế làm bạn mà thôi. Vậy nên, nhìn thấy người lạ, hai anh em đều xấu hổ, ngượng ngùng.

 

Tôi hỏi Mẫn và Nam bao nhiêu tuổi, hai cậu lắc đầu không nói. Ông Mính cũng không nhớ rõ hai cậu con mình bao nhiêu tuổi nữa, chỉ áng chừng ngót nghét 30. Mẫn chỉ hơn Nam có 1 tuổi. Ôi trời, hai chàng ngót 30 tuổi mà quắt queo, bé tẹo. Nhìn kỹ khuôn mặt thì mới thấy cũng nhăn nheo lắm rồi. Cái căn bệnh quái gở, con virus nó xơi cả cơ mặt, khiến khuôn mặt hai anh em dúm dó như nhau. Đôi mắt đục mờ như nước gạo của Mẫn và Nam khiến tôi cảm nhận thấy căn bệnh đã nặng lắm rồi, nhựa sống không còn nhiều nữa.
Xem Video "Quặn đau nhìn những người mắc bệnh quái ác ở Hòa Bình"
Ông Mính bảo, hai người con của ông tuy bệnh tật nghiêm trọng bao năm nay, song lại rất chăm chỉ, chịu khó. Sáng sớm, Mẫn và Nam đã dậy theo cha lên nương, đứa vác cuốc, đứa dắt trâu. Làm nương hùng hục cả ngày, song khi về, lúc nào cũng lúc lỉu bó củi, cuộn rau hoặc nắm măng trên lưng. Thi thoảng còn bẫy được con dúi, con chuột rừng, con sóc. Chẳng mấy khi hai chàng trai bệnh tật này để cha mẹ phải mua thức ăn ngoài chợ.

Cuộc đời của hai chàng trai bị “quỷ ám” buồn quá. Thương quá!

Còn tiếp…

Nguyệt Diễm – Bình Thủy
Báo điện tử VTC News kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước quyên góp giúp đỡ những người mắc phải căn bệnh quái ác đang ngày đêm phải chịu nỗi đau tột cùng này.

Mọi đóng góp và chia sẻ xin gửi về:

Báo điện tử VTC News

Tài khoản số: 002-1-00-024899-1 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Mọi đóng góp xin đề rõ: Đóng góp giúp các bệnh nhân mắc căn bệnh lạ ở Hòa Bình.

Hoặc bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng: 01255 911 911 (gọi từ trong nước) và +84 1255 911 911 (gọi từ nước ngoài) để được giải đáp chi tiết.


Bình luận
vtcnews.vn