Tận mắt voọc hoang dã quý hiếm nhất thế giới (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 12/07/2011 06:09:00 +07:00

(VTC News) - Gặp khỉ, vượn và đặc biệt là voọc giữa thiên nhiên hoang dã luôn là một thứ xa xỉ đối với người Việt Nam.

(VTC News) - Gặp khỉ, vượn và đặc biệt là voọc giữa thiên nhiên hoang dã luôn là một thứ xa xỉ đối với người Việt Nam.


Ngày thứ 3, đến 17h30, mặt trời đã đỏ quạnh sau dãy núi phía VQG Cúc Phương (Ninh Bình), khi chúng tôi đã thực sự chán nản, định bỏ cuộc, thì Nhàn reo lên: “Voọc kìa! Voọc kìa. Cả một đàn!”. Nhàn chỉ mãi, tôi và nhà báo Lê Quân nhìn mãi, nhưng chả thấy voọc đâu. Nhàn lấy máy ảnh zoom lại từ từ để tôi tập trung nhìn vào khu vực đó. Ôi trời ơi! Mất mấy ngày trời để rồi nhìn thấy bọn voọc bé như một con muỗi nhảy nhót trên ngọn cây, vách đá.

Voọc quần đùi trắng trong VQG Cúc Phương. Ảnh: Giang Phong. 

Voọc về mỗi lúc mỗi nhiều, có mấy đàn liền lấp ló ở khu vực núi Mâm Xôi. Tôi chụp đến cả trăm kiểu ảnh, mà chỉ thấy rừng xanh đá trắng, chả thấy voọc đâu. Nếu đem những tấm ảnh này mà đi khoe đã nhìn thấy voọc, chắc mọi người cười thối mũi, vì không rõ đấy là voọc hay đốm trắng của núi đá! Nhàn bảo, thì mọi người đi xem voọc cũng chỉ được nhìn vậy thôi, không có cách nào khác. Nếu muốn có ảnh chụp rõ voọc, có lẽ phải sắm bộ máy ảnh nhiều trăm triệu.

Trời nhá nhem, chúng tôi rời dãy núi Cửa Chùa. Thôi thì cứ coi như đã được nhìn thấy những chú voọc quý hiếm nhất thế giới, thỏa khát vọng rồi. Tôi đề xuất Nhàn chèo thuyền đi theo con đường vòng lượn sát phía chân núi Hoàng Quyển. Con đường này về bến xa gấp đôi, nhưng được thỏa thích thả hồn giữa đầm sen bát ngát.

Nhàn núp dưới đầm sen theo dõi voọc. 
Những chú voọc hiếm khi xuất hiện ở núi Cây Hột. 

Lúc đi sát vào chân núi, Nhàn thì thào nhè nhẹ: “Voọc kìa! Voọc ở vách núi Cây Hột!”. Tôi nhìn lên vách núi, giời ạ, mấy tên voọc liền đang nhảy nhót, nghịch ngợm. Bình thường, rất hiếm khi voọc về khu vực Cây Hột, vì đây là núi thấp, ở cuối dãy, rất nguy hiểm với chúng nếu xuất hiện những kẻ có ý đồ săn bắn.

Chúng tôi vạch sen chèo thuyền nhẹ nhàng tiến về phía chân núi. Đàn voọc 4 con nhìn nhỏ như con chuột, với bộ lông trắng toát ở mông như mặc quần đùi nhảy nhót, nô đùa trên vách đá. Thi thoảng chúng lại đứng im, chổng mông về phía chúng tôi, thả cái đuôi thòng lõng dài ngoằng xuống.

Chúng ngồi quay mông về phía chúng tôi, thả cái đuôi dài thòng lõng. 

Nhàn bảo, mỗi khi phát hiện ra người hoặc bất cứ sự đe dọa nào, chúng lại ngồi im lặng để nghe ngóng. Con đầu đàn sẽ quan sát xung quanh để ra phương án chỉ đạo. Nếu có sự nguy hiểm, con đầu đàn phát ra tiếng kêu “tác cộc” và đàn voọc sẽ lẩn sâu vào các khe đá, chui tọt vào các lùm cây.

Dù chụp ảnh trong cảnh ngồi trên con thuyền bé xíu, tròng trành, song tôi cũng có được một vài bức ảnh ưng ý. Phóng to ảnh thì thấy được những chú voọc hiện lên khá rõ, với cái “quần đùi” trắng toát và cái đuôi dài thòng lõng xù lông to tướng.

Cong đuôi đi thong thả trên vách đá. 

Giữa khung cảnh thanh bình, đẹp mê hồn của buổi chiều tà đỏ quạnh ngát hương sen, được tận mắt loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, được cả thế giới dõi theo, bảo tồn, thì quả thực không có thú nào bằng. Từ lâu, gặp khỉ, vượn và đặc biệt là voọc giữa thiên nhiên hoang dã luôn là một thứ xa xỉ đối với người Việt Nam.

Bóng đêm phủ đen những ngọn núi và vùng ngập nước Vân Long. Từ trên dãy núi Hoàng Quyển thi thoảng vang lên tiếng “tác cộc” như từ cõi thiên thai của thuở hồng hoang vọng lại. Có lẽ, voọc cất tiếng gọi bầy trở về tổ ấm.

Được nhìn thấy voọc ngoài tự nhiên luôn là thứ xa xỉ. 

Theo ông Tilo, voọc quần đùi trắng chỉ còn khoảng 200 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Cúc Phương và Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long. Thi thoảng bọn voọc chạy từ Cúc Phương sang rừng Thanh Hóa (VQG Cúc Phương giáp Thanh Hóa) và từ dãy núi Hoàng Quyển sang rừng Hòa Bình (Khu bảo tồn Vân Long giáp Hòa Bình và dãy núi Hoàng Quyển kéo dài đến tận đất Hòa Bình) thay đổi không khí. Vậy nên Thanh Hóa và Hòa Bình cũng là 2 tỉnh vinh dự có loài voọc mặc quần đùi quý hiếm nhất thế giới.

Phải nói thẳng căng ra rằng, nếu không có sự quan tâm đầu tư của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là tình yêu vô bờ của ông Tilo, sự cống hiến suốt 20 năm nay, yêu voọc như con đẻ mình, thì có lẽ, đàn voọc quần đùi trắng ở VQG Cúc Phương cũng như trên dãy Hoàng Quyển đã biến thành món giả cầy và thành thú nhồi bông cả rồi. Từ chỗ núi Hoàng Quyển chỉ có 30-40 cá thể vào năm 2001, giờ đàn voọc đã đông đúc hơn, với sự ghi nhận 75-85 cá thể.

Ảnh: Carthazin Workmen. 

Theo ông Trần Xuân Quang, trên núi Hoàng Quyển có 10 đàn voọc, mỗi đàn voọc có 5 đến 10 con, gồm một voọc đực, vài voọc cái, còn lại là voọc con. Voọc trưởng thành cân nặng từ 8-10kg. Voọc đực chính là ông chủ của một đại gia đình, sở hữu nhiều bà vợ và một đàn con đông đúc. Nếu voọc đực chết, thì các bà vợ trở thành góa bụa và đàn con sẽ mồ côi suốt đời. Các bà vợ và đàn con không chấp nhận sự có mặt của voọc đực khác. Nếu voọc đực chết đi, đàn voọc sẽ có nguy cơ biến mất.

Hình vẽ voọc quần đùi. Ảnh chụp lại. 

Loài voọc này ăn lá cây và quả cây. Đặc biệt, chúng chỉ ăn 1/3 lá. Mỗi cây chúng chỉ ăn một ít, chứ không chén trụi lá, không tha lá gì, kể cả lá ngón như bọn dê núi. Ngoài ra, bọn voọc sống ở một địa danh nhất định, ít đi xa. Vậy nên, ở Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long, có 4 dãy núi, với môi trường tương tự nhau, song voọc chẳng bao giờ rời khỏi dãy Hoàng Quyển. Với đặc tính sinh sống như thế, nên chúng rất dễ bị săn bắt. Thợ săn chỉ cần nhìn cách ăn lá cây là biết nơi cư trú của voọc và nói dại, nếu thợ săn mò lên dãy núi này, có thể hạ sát cả đàn voọc dễ như chơi.

Cách đây gần chục năm, tôi đã có dịp theo nhóm thợ săn Hà Giang đi rừng cả chục ngày để bắn thú. Nhóm săn thú kể rằng, sướng nhất là đi bắn vượn. Cứ tìm những cây móc mật, dâu da quả chín mọng mà ngồi phục kích hoặc nằm ngủ. Khi nào nghe bọn vượn ríu rít hót vang rừng rủ nhau đến thì lên đạn mà bắn. Một con bị bắn rụng, con khác run lẩy bẩy bám chặt cành, núp sau tán lá. Thợ săn cứ bình tĩnh lên đạn bắn rụng từng con một. Vượn mẹ chết rồi, vượn con nhảy xuống ôm xác mẹ buồn bã, không để tâm gì đến họng súng đen ngòm của thợ săn nữa.

Cứ chiều xuống, du khách lại đi thuyền vào đầm xem voọc. 

Vượn đã ngu, voọc còn ngu hơn. Ăn lá để lại 2/3, rồi đi đến đâu thì tưới nước tiểu ra đến đó, khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Bọn voọc tuy ăn lá, quả, nhưng lại thích mùi mỡ. Ngửi thấy mỡ là mò đến. Vậy nên, thợ săn đặt bẫy sập, nhử mồi, có thể tóm cả nhà voọc trên dưới chục con.

Bọn voọc quần đùi trắng trên núi Hoàng Quyển đã được sự bảo vệ của chính quyền, sự chăm lo của các nhà khoa học trong nước và thế giới, nhưng tôi nhìn cái dãy núi khá nhỏ, cao độ 300-400m giữa đồng bằng, cây ít đá nhiều, cứ thấy lo lo cho bọn voọc!

Voọc quần đùi trắng hay voọc mông trắng có pháp danh khoa học Trachypithecus delacouri, loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ khỉ Cựu thế giới (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates), đặc hữu của Việt Nam. Tại Việt Nam, là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong "Sách Đỏ" của Việt Nam và thế giới, cần được bảo vệ. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu.

Voọc có trọng lượng cơ thể 8 - 10 kg, chiều dài đầu và thân 0,46 - 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen. Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi, chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Thức ăn chủ yếu là chồi cây, lá và quả cây.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn