Kỳ công xem “vua chúa” mặc “quần đùi trắng” trên núi

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 11/07/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ở ngọn núi này, bọn voọc như những ông vua, bà chúa, một mình một lãnh địa, không ai dám xâm phạm.

(VTC News) - Ở ngọn núi này, bọn voọc như những ông vua, bà chúa, một mình một lãnh địa, không ai dám xâm phạm.


Tôi cứ ám ảnh mãi với câu chuyện của Tiến sĩ Tilo Nadler (người Đức) 10 năm trước về đàn voọc “mặc quần đùi trắng” ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ngày ấy, ngồi giữa cánh rừng ẩm ướt đầy muỗi vắt, ông kể rằng, hồi về Cúc Phương nghiên cứu, ông đã ngỡ ngàng gặp cảnh người dân nhốt chú voọc như mặc quần đùi trắng với máu me be bét ở chân trong lồng ngồi bán ở chợ.

Theo trí nhớ của Tilo, chú voọc mà người ta bán ở chợ là loài voọc quần đùi trắng có tên Trachypithecus delacouri, và chúng là loài mà nhân loại tiến bộ ghi nhận đã tuyệt chủng. Hình ảnh cuối cùng của nó ở một con tem cổ trong bộ sưu tập của một cụ già người Ba Lan. Nhìn cảnh chú voọc được ghi nhận đã tuyệt chủng bị còng tay chân nhốt vào rọ tre như bán chó bán mèo ở chợ, Tilo đã rớt nước mắt.

Tiến sĩ Tilo. (Ảnh: Hữu Thắng). 

Lập tức Tilo trở về Đức, trình bày phát hiện của mình với Hội Động vật Franhfut, nơi ông làm việc, và ngay sau đó, ông trở lại Việt Nam, mang theo con tem cùng các tài liệu về loài linh trưởng đặc biệt hiếm này. Voọc quần đùi trắng là lý do để Tilo cùng đồng nghiệp ở nhiều quốc gia phương Tây xa xôi gắn bó với núi rừng Việt Nam, đặc biệt là VQG Cúc Phương.

Sau 20 năm ra sức bảo tồn, từ chỗ loài voọc quần đùi trắng bên bờ vực tuyệt chủng, đã có sự hồi sinh kỳ diệu. Loài voọc này đã trở thành linh hồn của VQG Cúc Phương.

Mỗi năm, có hàng vạn khách du lịch vào VQG Cúc Phương thăm thú, tuy nhiên, chẳng ai có diễm phúc được nhìn thấy bọn voọc quý hiếm này, cũng chẳng thể nghe được tiếng kêu đặc trưng “tác dộc” của chúng. Bản thân ông Tilo, các đồng chí kiểm lâm, hàng ngày lặn lội trong rừng cũng ít khi chạm mặt chúng, vì chúng rất nhát, toàn trốn ở những nơi sâu, xa, hiểm trở, không có người qua lại.

 
Voọc quần đùi trắng trên núi Hoàng Quyển. (Ảnh: Carthazin Workmen) 

Nhưng kỳ lạ thay, ở Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long (Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình), lại cũng có một đàn voọc mặc quần đùi sống quây quần trên một dãy núi có tên Hoàng Quyển. Khu bảo tồn ngập nước này nằm tách biệt hoàn toàn với VQG Cúc Phương, ngăn cách bởi trùng điệp cánh đồng, làng xóm, đường sá. Các nhà khoa học hiện tại vẫn chưa giải thích được điều đặc biệt này. Chắc chắn chẳng có ai đi tóm voọc ở VQG Cúc Phương để thả lên ngọn núi Hoàng Quyển trơ trọi giữa đồng bằng.

Hoàng Quyển là dãy núi duy nhất ở Vân Long có sự hiện diện của voọc quần đùi trắng. 

Mỗi tháng dăm bảy lần, Tilo lại đến khu ngập nước Vân Long, ngồi trên mỏm núi nào đó, bằng những thiết bị hiện đại, dõi theo từng tên voọc một, xem có tên nào bệnh tật, tên nào mang thai, tên nào già yếu, có thêm thành viên mới nào không. Ông chi tiền thuê những 20 người, người là cán bộ công an, dân quân, người từng là thợ săn làm bảo vệ, hàng ngày tuần tra quanh dãy núi để xua đuổi thợ săn, giữ không gian sống bình yên cho bọn voọc. Quả thực, ở ngọn núi này, bọn voọc như những ông vua, bà chúa, một mình một lãnh địa, không ai dám xâm phạm.

Chỉ trỏ mãi, song vẫn chẳng nhìn thấy chú voọc nào. Từ dãy núi Cửa Chùa, nhìn chúng nhỏ như... con ruồi, con muỗi. 

Mong ước tận mắt bọn voọc mặc quần đùi trắng nhảy nhót, nghe tiếng hót “tác dộc” trong rừng Cúc Phương bao năm chẳng thể thành hiện thực, nên khi biết chuyện khu ngập nước Vân Long cũng có giống voọc quý hiếm nhất thế giới này tôi mừng lắm.

Trình bày đủ các thủ tục với chính quyền xã, khu bảo tồn, tôi mới được ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng trạm du lịch Vân Long cho phép lên dãy núi Cửa Chùa. Khu ngập nước Vân Long gồm 4 dãy núi là Cửa Chùa, Mèo Cào, Ba Chon và Hoàng Quyển, nhưng giống voọc lại chỉ ở dãy Hoàng Quyển, không có mặt ở bất kỳ dãy núi nào khác.

Mỏm núi dãy Cửa Chùa là nơi ngồi quan sát voọc. 

Dãy Hoàng Quyển là nơi bất khả xâm phạm, không ai được phép bước chân vào. Nếu muốn xem voọc, chỉ có thể ngồi ở cuối dãy Cửa Chùa, nằm cạnh dãy Hoàng Quyển, rồi phóng tầm mắt qua đầm sen để quan sát hoạt động của chúng.

Việc phát hiện ra loài voọc quý nhất thế giới ở Vân Long khá tình cờ. Một nhà khoa học đến nhà ông Trần Văn Thêu chơi, và ngỡ ngàng khi thấy con voọc mặc quần đùi đứng trên… nóc tủ. Xưa kia, cụ Thêu là thợ săn giỏi, ông bắn chết nhiều Voọc quần đùi để nhồi bông đem bán.

Nhìn thấy voọc khó như chơi đề.

Người dân ở Gia Vân biết đến loài voọc mặc quần đùi này lâu rồi. Như lời các cụ kể thì nó có trước khi con người đến vùng này ở. Nhưng người dân trong vùng không gọi chúng là voọc, mà gọi là con tắc dộc, theo tiếng kêu “tác cộc” của nó, hoặc gọi là vượn mặc quần đùi trắng, vì phần mông và nửa đùi của nó màu trắng, trông như mặc quần đùi trắng. Giờ biết nó là voọc thì gọi là voọc quần đùi trắng.

Vì giống voọc này thịt gây và hoi, ăn không ngon bằng khỉ, không có giá trị “ẩm thực” nên không bị săn lùng ráo riết. Thợ săn chỉ bắt về nhồi bông làm cảnh mà thôi. Nhưng từ khi biết loài voọc quê mình là giống quý hiếm nhất thế giới, bà con không săn bắn nữa, mà ra sức bảo vệ.

Quan sát từ núi cửa chùa nhìn thấy voọc nhỏ như con ruồi bám trên vách đá. 

Căn cứ vào tiêu bản voọc quần đùi trắng này, các nhà khoa học, kiểm lâm đã vào cuộc tìm kiếm và họ ngỡ ngàng phát hiện trên núi Hoàng Quyển, trồi lên giữa cánh đồng ngập nước giữa vùng đồng bằng, có một quần thể voọc quần đùi quý hiếm chừng 30-40 cá thể. Chúng sống thành từng đàn, với một con làm đầu đàn. Mỗi đàn có từ 7 đến 10 cá thể. Vì có đàn voọc độc đáo này, mà Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long mới ra đời. Voọc quần đùi trắng là linh hồn của khu bảo tồn đẹp như thiên đường này.

Chúng tôi được anh chàng Nguyễn Văn Nhàn, người chở đò kiêm cộng tác viên trông nom voọc dẫn đi rình voọc. Sáng bắt đầu ngồi trên mỏm dãy Cửa Chùa từ 6 giờ, chiều chỉ rời núi khi đã nhập nhoạng tối. Chúng tôi liên tục dõi mắt sang dãy núi Hoàng Quyển chỉ có 2 màu, xanh của những bụi cây và trắng của vách đá, song chẳng thấy bóng dáng voọc đâu.

Một chú voọc quần đùi đang ngồi trên ngọn cây. 

Nhàn bảo, đi xem voọc khó như đánh đề. Có những đợt chèo thuyền tuần tra quanh núi cả tháng chả thấy voọc đâu. Tuy nhiên, với mong mỏi được thấy loài voọc quý nhất thế giới này, nên tôi cứ chịu khó sáng chèo thuyền vào núi Cửa Chùa vài tiếng, chiều lại vào núi Cửa Chùa ngồi ngóng vài tiếng. Bọn voọc thường đi kiếm ăn vào lúc trời mát, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, nên chỉ lúc đó mới có cơ hội nhìn thấy chúng. Chỗ chúng tôi ngồi cũng là chỗ ông Tilo thường đặt ống nhòm, máy ảnh hiện đại để theo dõi voọc.

Nhàn là người thường xuyên dẫn các nhà khoa học đi xem voọc nên khá hiểu về chúng. Kể từ ngày phát hiện ra voọc quần đùi ở núi Hoàng Quyển, đã có tổng cộng 34 đoàn làm phim quốc tế đến ăn dầm ở dề mấy ngọn núi này để quay. Thậm chí, một nhà khoa học người Mỹ, bà Carthazin Workmen đã ở cả năm trời tại Vân Long để nghiên cứu và hoàn thành luận văn tiến sĩ về loài linh trưởng quý hiếm “mặc quần đùi trắng” này.

Hai chú voọc đang vặt lá ăn? 

Đàn voọc ở Gia Vân đã nổi tiếng khắp thế giới, đến nỗi, một Tham tán sứ quán Anh sang thăm Việt Nam, đã bỏ tuor du lịch để về Gia Vân… xem voọc. Bà thích đàn voọc quá, đã tặng nóng ông Tilo 30  ngàn USD để ông thuê thêm người trông coi voọc. Đàn voọc mấy chục con nổi tiếng là thế, nhưng lạ một điều, là chẳng mấy người trong nước biết đến sự tồn tại của chúng.

Ngày thứ hai đi xem voọc, cũng lại như ngày thứ nhất. Dãy Hoàng Quyển vẫn nghiêng mình soi bóng xuống đầm sen, tạo ra một bức tranh sơn thủy như trong cổ tích. Một cán bộ chèo thuyền dưới đầm quát vọng lên với giọng dữ dằn: “Mấy người kia làm gì ở đây?”. Đội bảo vệ voọc phân công tuần tra vài người một ngày, nên chẳng biết mục đích sự hiện diện của chúng tôi. Nhàn phải hô to rằng: “Nhà báo đấy, đã xin phép anh Quang rồi!”.

Bảo vệ tuần tra bằng thuyền quanh núi để bảo vệ voọc. 

Núi Hoàng Quyển cheo leo hiểm trở, với những bức tường đá dựng đứng, gồm nhiều ngọn nhấp nhô. Nhàn chỉ tay bảo kia là ngọn Ba Đào, rồi đến ngọn Mâm Xôi, Cánh Cổng, Thung Ông Nhất, Vách Đỏ, Hang Địn, và cuối dãy là đỉnh Cây Hột. Bọn voọc hay về núi Mâm Xôi, Cánh Cổng và Cây Hột, nên tôi, Nhàn và anh bạn đồng nghiệp Lê Quân (báo Công an Nhân dân), cứ mỗi người dán mắt vào một đỉnh núi. Nhìn đến toét mắt mà chỉ thấy màu xanh của rừng và màu trắng của đá.

Ông Trần Xuân Quang là người vinh dự được nhìn thấy voọc nhiều nhất. Mấy chục lần ông ăn dầm ở dề trên núi dẫn đoàn làm phim. Bọn voọc quen với sự có mặt của ông rồi, nên chúng chẳng sợ. Ông còn được tận mắt nhìn bọn voọc con bé bằng con chuột, lông màu vàng chóe. Voọc mẹ bế voọc con nựng tình cảm lắm, chả khác gì con người. Xem đại gia đình nhà voọc âu yếm, nô đùa thì cả ngày không chán. Phải gần 1 tuổi lông voọc con mới chuyển sang màu đen với cái mông và nửa đùi trắng toát, như mặc quần đùi. Chỉ ông Quang là được nhìn cận cảnh voọc, chứ kiểm lâm, bảo vệ cũng chẳng có diễm phúc được lên núi nhìn chúng. Chân dãy núi Hoàng Quyển là lãnh địa cấm dấu chân người.

Vân Long được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Từ năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, đã biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha. Những ngọn núi bị cô lập thành đảo đá giữa thung nước mênh mông. Tại Vân Long, người ta đã phát hiện nhiều loài động thực vật quý, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như tuế lá rộng, mã tiền, lát hoa, gấu ngựa, báo gấm, kỳ đà hoa, voọc quần đùi trắng...

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn