Ngỡ ngàng đường dây buôn thận tại BV Việt Đức

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 17/06/2011 06:30:00 +07:00

Trong vai người cần bán thận để trả nợ, nhóm PV đã thâm nhập vào một đường dây mua bán thận có “đại bản doanh” ngay Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Trong vai những người đang cần bán thận để trang trải nợ nần, nhóm phóng viên đã thâm nhập vào một đường dây mua bán thận có “đại bản doanh” ngay Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Kỳ 1: Đem thận đi nhử cò mồi

Chỉ một dòng rao vặt trên mạng: “Phước, 24 tuổi, nhóm máu A, cần bán thận gấp. Ai cần liên hệ số điện thoại...”, phóng viên đã nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi mua. Sau khi cân nhắc, phóng viên quyết định “bắt sóng” với một nam thanh niên tự xưng tên Hùng, gọi đến từ số điện thoại: 09148797xx.

Lấy thận nhử “cò”

Hùng bắt đầu liên lạc với phóng viên từ dịp đầu tháng 11/2010. Qua các cuộc điện đàm, Hùng hỏi kĩ phóng viên về nhóm máu, quê quán, thể trạng của phóng viên. Sau khi “nạp” đủ thông tin, Hùng sẽ liên hệ lại ngay khi có người cần thận trùng với nhóm máu của phóng viên.

 

Bẵng đi chừng gần 1 tháng, thấy Hùng không gọi lại, phóng viên liền bật mí với “cò thận” này rằng có một cậu bạn cũng đang nợ đầm đìa, muốn bán thận trả nợ. Phóng viên cũng “quảng cáo” rằng con nợ này mang nhóm máu O, một nhóm máu phổ biến nên thận có thể ghép với nhiều người. “Chiêu thức” này lập tức phát huy tác dụng.

Một ngày giáp Tết Tân Mão, Hùng cho phóng viên số điện thoại 0902.104.4xx của một “cò thận” khác tên là Hồng. Hùng dặn phóng viên khi gọi cho người phụ nữ này, nhớ nói là được Hùng “Điện Biên” giới thiệu.

Trao đổi qua điện thoại, phóng viên nói với Hồng: “Em tên Phước, 24 tuổi, nhóm máu A và cậu bạn bằng tuổi em, nhóm máu O. Bọn em được anh Hùng “Điện Biên” giới thiệu gặp chị. Hai đứa em có nhu cầu bán thận...”.

Vừa nghe đến hai từ “bán thận”, Hồng lập tức ngắt lời: “Ở đây không dùng từ “bán thận”. Cậu phải nói là “hiến thận”. Nếu không, vào tù cả lũ. Nhớ đấy, tuyệt đối không dùng từ “bán thận”!”.

Chân dung “siêu cò”

Sau khi cuống cuồng dạ vâng với Hồng về “nguyên tắc sống còn” trên, phóng viên mới được tiếp tục trình bày về mong muốn “hiến thận” để lấy tiền trang trải nợ nần.

Nghe thông câu chuyện, chị ta cho chúng tôi một lịch hẹn: “Mùng 10 Tết âm lịch, cậu và bạn cậu lên Hà Nội rồi gọi cho tôi. Khi đi, các cậu nhớ mang theo giấy tờ tùy thân để tiện cho công việc”.

Sáng 12/2/2011 (tức mùng 10 Tết Tân Mão), phóng viên gọi cho Hồng. Chị ta nói gọn lỏn: “Em ra Bệnh viện Việt Đức, tìm số nhà 67 Phủ Doãn rồi gọi chị”. Chiều cùng ngày, tôi và cậu bạn có mặt tại điểm hẹn. Đây là một quán cà phê nằm cách cổng chính Bệnh viện Việt Đức chừng 300m.

5 phút sau khi phóng viên gọi điện cho Hồng, một phụ nữ bước vào quán cà phê, nhìn ngó dáo dác. Người này có dáng người thấp nhỏ, chạc tuổi 30, đeo khẩu trang kín mặt.

Đoán đây là Hồng, phóng viên chủ động chào, chị ta cũng gật đầu đáp lễ rồi ngồi xuống như thân quen từ lâu. Chiếc khẩu trang vẫn che kín gần hết khuôn mặt Hồng nhưng bà chủ quán và cô nhân viên vẫn nhận ra chị ta và hỏi: “Hôm nay uống gì?”. Hồng trả lời: “Vẫn bột sắn, như mọi khi”.

Hồng chủ động khơi gợi câu chuyện bằng cách hỏi thêm về hoàn cảnh gia đình chúng tôi. Chuyện “hiến thận” được nhắc đến nhưng không nhiều, ngoài những câu hỏi về độ chắc chắn trong quyết định “hiến thận” của tôi và cậu bạn đi cùng.

Khi biết chúng tôi đã quyết định 100% về việc này, Hồng mới rút điện thoại ra gọi cho một người, nói ngắn gọn: “Đến điểm hẹn đi. Bọn nó đến rồi. Có đứa nhóm máu O mà chị đang cần đó”. Tiếp đó, Hồng gọi điện cho một người nữa nhưng người kia nói bận, không tới được.

Gọi người xong, Hồng dặn dò: “Tạm thời, chiều nay chỉ có người cần mua thận nhóm máu O tới gặp các em. Ngày mai, người mua thận nhóm máu A của em sẽ đến gặp em sau. Mọi thắc mắc, bọn em nói với chị. Không hỏi gì về người mua thận. Họ hỏi chuyện tiền nong, em bảo có gì hỏi chị”.

Từ bệnh nhân thành cò mồi

15 phút nhanh chóng trôi qua. Một phụ nữ trạc tuổi 50 bước vào quán, tiến về phía bàn chúng tôi. Người này tự giới thiệu mình tên Dung, đang là bệnh nhân chạy thận trong khoa Thận thuộc Bệnh viên Việt Đức.

Hồng quay sang nói với bà Dung rằng đã tìm được người có thận trùng nhóm máu của nữ bệnh nhân này. Sau đó, Hồng bà Dung cứ thế trò chuyện với nhau, để mặc phóng viên ngồi im đó.

Chúng tôi ngớ người ra khi nghe Hồng nói bới bà Dung: “Em nằm cùng phòng điều trị trong khoa Thận với chị. Nhà em ở Hà Nội. Em bị thận từ năm 3 tuổi, tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên, từ ngày ghép thận thì ổn cả rồi. Giờ em chỉ nằm viện để tiện theo dõi thôi. Trước đây, em có biết chuyện ghép thận là gì đâu. Mà cùng ghép lần này với chị còn có thằng Đ quê Bắc Ninh cũng đang điều trị trong khoa đó. Ngoài ra còn một con bé nhà bên Gia Lâm nữa. Mấy đứa này đều do em tìm người “hiến” thận giúp đó. Chị yên tâm”.

Kết thúc câu chuyện, bà Dung hỏi Hồng về số điện thoại của một bác sỹ điều trị trong khoa Thận, Bệnh viện Việt Đức để báo cho vị bác sỹ này biết ngày mai sẽ có người “hiến thận” cho mình đến xét nghiệm. Không cần tra danh bạ điện thoại, Hồng đọc vanh vách số điện thoại 0912...

Trước khi ra về, Hồng bảo bà Dung đưa 1 triệu đồng cho cậu bạn có nhóm máu O của phóng viên và nói cậu ta cầm lấy vì đây là “luật”.

2 ngày sau lần gặp đầu tiên, Hồng hẹn chúng tôi đến Bệnh viện Việt Đức để gặp bệnh nhân đang cần mua thận của người mang nhóm máu A.

“Luật im lặng”

Sáng 14/2, trước lúc cho phóng viên gặp người mua thận, Hồng gặp riêng chúng tôi để dặn dò kỹ hơn những việc cần làm, những điều phải tránh.

“Các em đến đây thì các em là người của chị. Bán mỗi trái thận, các em sẽ nhận được 80 đến 100 triệu đồng. Sau này, nếu được việc thì chị sẽ nói họ bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên, mọi việc đều phải được chị thông qua. Các em chỉ được phép “làm việc” với chị thôi.


Giấy xét nghiệm bước đầu của phóng viên tại bệnh viện Việt Đức sau khi đồng ý bán thận. 

Các em không cần phải thắc mắc bên kia rằng họ chi hết bao nhiêu tiền, vì có rất nhiều khâu chị phải lo. Ngược lại, khi những người đó hỏi bọn em nhận được bao nhiêu tiền, các em phải nói là có vấn đề gì cứ làm việc với chị Hồng, không giải thích thêm” - Hồng dặn đi dặn lại chúng tôi điệp khúc này.

Hồng chỉ dẫn tiếp: “Khi hiến thận, các em cần bảo đảm các giấy tờ như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh. Ngoài ra, các em lo thêm giấy chứng nhận chưa có tiền án, tiền sự. Khi chuẩn bị cho thận, các em cần lo thêm một loại giấy tờ quan trọng nữa là bản cam kết tự nguyện cho thận có chữ ký của người thân. Nếu có vợ thì do vợ ký, không có vợ thì bố mẹ ký vào. Mọi thứ giấy tờ này các em đưa cho chị cầm”.

Lấy lý do chưa lo đủ số giấy tờ trên, tôi chỉ nộp cho Hồng sổ hộ khẩu, bản sơ yếu lý lịch. Cậu bạn đi cùng thì đưa cho Hồng chứng minh thư. Xem qua, Hồng bỏ vào túi rồi nói: “Bây giờ chị sẽ giữ những cái này. Khi nào xong việc, chị sẽ trả lại các em”.

Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện giao - nhận tiền, Hồng nói: “Trước khi các em lên bàn mổ và người nhà các em ký vào giấy đồng ý hiến thận thì sẽ có người bên ngoài nhận tiền cho bọn em. Người đó có thể là chị hoặc một ai đó do các em ủy quyền”.

Đối tượng Hồng (áo đen, ngồi giường) và một người cần mua thận đang trao đổi. 

Một điều rất quan trọng Hồng dặn chúng tôi nhiều lần là khi vào gặp bác sỹ, nếu bác sỹ hỏi chúng tôi có quan hệ thế nào với bệnh nhân mà lại hiến thận thì nhất định không được nói hiến thận vì mục đích nhận tiền mà phải nói là do thấy thương hoàn cảnh nên hiến thận.
Sau này, khi phóng viên gặp bệnh nhân đang cần mua thận của người nhóm máu A mà Hồng giới thiệu, người này cũng tâm sự: “Hồng dặn là không cần hỏi bọn em về chuyện tiền nong. Chị cũng chỉ biết làm việc với Hồng về những vấn đề đó”.

Những “luật” im lặng trên được Hồng quy định ra phải chăng để che giấu những khoản tiền chênh lệch của người cần thận chi ra cho người “hiến” thận?

Trăm dâu đổ đầu... bệnh nhân

Sau khi giảng giải kỹ lưỡng cho phóng viên đầy đủ về “luật im lặng” khi “hiến thận”, Hồng nói thêm những quyền lợi mà chúng tôi được hưởng.

Theo đó, người bệnh sẽ phải lo mọi chi phí đi lại, ăn ở của chúng tôi từ lúc bắt đầu bước chân vào bệnh viện để làm các thủ tục xét nghiệm. Chi phí nằm viện cũng do bên phía bệnh nhân lo. Sau buổi xét nghiệm đầu tiên, chúng tôi sẽ được ứng trước mỗi người 1 triệu đồng.

Trưa ngày 14/2, sau khi đã gặp mặt người mua thận để thống nhất lại kế hoạch “đối phó” với các câu hỏi của bác sỹ, chúng tôi được đưa vào một phòng nằm trong Khoa Thận - Bệnh viện Việt Đức để bắt đầu làm các thủ tục đầu tiên.

Lúc này, Hồng đưa lại cho tôi giấy tờ tùy thân để xuất trình với các bác sỹ. Hồng không quên dặn: “Xong việc thì mang về cho chị”.

Cô bác sỹ trẻ bị bao vây bởi bốn con người vừa mới quen nhau thông qua sự dắt mối của “cò” Hồng. Những câu hỏi mà cô bác sỹ này đưa ra đều nằm trong dự liệu của Hồng hết nên không mấy khó khăn để chúng tôi đánh lừa vị bác sỹ này tin vào mục đích cao cả: “Em thấy thương các chị ấy nên hiến thận để mang lại sự sống cho bệnh nhân!”.

Sau khi qua được vòng “sơ khảo”, tôi và cậu bạn đi cùng được dẫn đi xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp chiếu sơ qua về thận. Những thủ tục đơn giản này tốn mất gần 600.000 đồng/người. Tiền thì tất nhiên là do các bệnh nhân lo chi trả.

Bà Dung - bệnh nhân chạy thận đang cần mua thận của người mang nhóm máu O tâm sự: “Sau buổi xét nghiệm này, sẽ còn rất nhiều những xét nghiệm khác để xem quả thận của em có hợp với chị không. Chi phí xét nghiệm trước khi lên bàn mổ dễ tốn cả vài chục triệu chứ không ít. Tuy nhiên, vì sự sống thì mình phải cố thôi”.

Không cam tâm nhìn người bệnh chi trả những khoản tiền quá lớn từ việc nhận quả thận được “hiến” thông qua “cò” Hồng, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định rút lui.

Biết chuyện, Hồng nhắn tin cho tôi với giọng bực tức: “Em làm ăn buồn cười thật đấy, như trẻ con vậy”.

Còn tiếp…

Thọ Phước - Bảo Ngọc (PLVN)
Bình luận
vtcnews.vn