“Hội bà bầu” quái gở và những "bụng chửa"... 30 tháng

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 12/06/2011 06:00:00 +07:00

Một “hội bà bầu” tập trung hàng trăm phụ nữ nghĩ rằng mình “có thai”, rất nhiều người mang thai vài chục tháng mà vẫn không chịu sinh nở…

Một “hội bà bầu” tập trung hàng trăm phụ nữ nghĩ rằng mình “có thai”, rất nhiều người mang thai vài chục tháng mà vẫn không chịu sinh nở… Có phụ nữ còn một lúc có mang “em bé trai, em bé gái” trong bụng… Câu chuyện kỳ bí khiến tôi quyết tâm dò đường về tận những làng quê nghèo ven biển của Nam Định – nơi khởi nguồn của những tin đồn…

Hoang mang từ… Hà Nội

Chị Nguyễn Mỹ H. – chủ một cửa hiệu lớn ở Hà Nội có nhà ở Ngã Tư Sở khi nghe tôi kể về câu chuyện “bà bầu ngậm thai” mãi không đẻ, mới thở dài và kể: “Mấy năm trước, một người giúp việc cho gia đình chị, quê dưới Hải Phòng, cũng kể một câu chuyện tương tự.

Số là, nhà cô giúp việc này có bà cô họ, tuổi đã ngoại tứ tuần. Bà cô này không chồng con, trước giờ vẫn ở vậy. Sau một thời gian ngắn bà đi tận đẩu tận đâu, về nhà mang theo cái bụng lùm lùm…

Cả nhà bán tín bán nghi: hay là “bằng ấy tuổi đời mà cô ấy vẫn chưa trót đời” như câu mắng xéo của bà cô Thị Nở trong câu chuyện bi kịch của cố nhà văn Nam Cao.

Nhiều người khác trong gia đình thì nửa mừng nửa vui: thôi thì, cá vào ao ta thì ta hưởng. Cô ấy bằng ấy tuổi, có đứa con sau này làm chỗ dựa thì cũng mát mặt lúc nhắm mắt xuôi tay.

Người phụ nữ mang bầu 30 tháng cho chúng tôi xem chiếc bụng bầu của mình... 

Tuy nhiên, những người phụ nữ có kinh nghiệm trong việc sinh nở thì không khỏi băn khoăn hồ nghi: bằng đấy tuổi rồi, phụ nữ đã bị “tắt kinh” thì làm gì còn chuyện bầu bí, sinh hoạt chăn gối có khi còn không màng chứ nói chi đến chuyện đẻ đái…

Những lùm xùm ban đầu rồi cũng qua. Cả nhà khấp khởi sắm đủ thứ chuẩn bị cho ngày bà cô ra ở cữ. Nhưng rồi, 9 tháng 10 ngày trôi qua, cái bụng to thì có to đấy, nhưng lúc dày lúc mỏng, lúc căng lúc xẹp… Cả nhà tá hỏa lo lắng, nhưng bà cô vẫn im thin thít. Đủ mọi cách khuyên cô ra khám siêu âm ngoài bệnh viện xem thế nào, cô cũng nhất định không chịu.

Bây giờ thì “cái thai” đã lên đến tháng thứ 30. Cả nhà đâm chán, chẳng ai đoái hoài chuyện “sinh nở bầu bí” gì nữa, mà chỉ ngay ngáy bà cô này có cái ung bướu gì trong bụng. Để lâu thì chỉ tổ mang họa, thiệt thân.

Kết thúc câu chuyện, như sức nhớ điều gì, bà chị bạn của tôi mới hỏi: Nhưng mấy năm trước cũng nghe báo đài nào nói có trường hợp mang thai vài chục tháng ở trong Sài Gòn, rồi chuyện bệnh viện nào mổ lôi ra cái bọc nước mấy chục cân kia mà… Thế là thế nào nhỉ?

Câu chuyện “cắc bụp” nêu trên là chuyện có thật 100%, là người nhà của chính cô giúp việc của chị bạn tôi, nên chẳng ai có thời gian mà đặt điều, buôn chuyện làm gì. Thế nhưng, “tin đồn” về hội 200 bà bầu “ngậm thai” thì chắc chắn phải kinh hoàng hơn rất nhiều…

Xôn xao quê biển

Lần đường tìm về huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) – nơi khởi nguồn của những tin đồn có tới hàng trăm bà bầu ngậm thai không đẻ, tôi cũng không chắc có lần được manh mối gì. Nhưng, để thỏa cái sự tò mò, tôi vẫn vượt nắng gió và gần 200km đường đất hướng đến.

Đến ngã ba Quần Vinh, dò hỏi một thanh niên có tên là Thư có cửa hàng bán đồ điện tử và cho thuê xe du lịch, anh Thư dửng dưng: “Cái chuyện ấy ở đây nhiều lắm, mà từ lâu rồi. Ở Nghĩa Hưng, một vệt các xã như Nghĩa Thắng, Nghĩa Hùng, Nghĩa Tân, Nghĩa Lạc…, chuyện những bà bầu không “ấy” mà chửa nhiều lắm. Nhưng có ai đẻ đái gì đâu. Tôi thì tôi chẳng tin gì sất. Tôi thì tôi nghĩ họ bị bệnh… béo bụng!”.

Một trường hợp "ngậm thai" tại Nam Định 

Nói rồi, anh chỉ đường cho tôi về xã Nghĩa Thắng: chạy thẳng đường này, đến cột mốc Quần Vinh 1km, gặp cái cầu đang xây dở thì chạy thẳng. Đấy là xã Nghĩa Thắng…

Người phụ nữ “mang bầu” ở Nghĩa Thắng có tên là N.T.Y (tên các nhân vật đã được thay đổi). Lấy chồng hơn chục năm nhưng hai vợ chồng vẫn “bặt vô âm tín”, không thấy đẻ đái gì. Trong khi bạn bè trang lứa, muốn “phanh” mà cũng không được. Ở các làng quê ven biển của Nam Định, chuyện phụ nữ 25 tuổi đã là mẹ của 3, 4 đứa con nhóc nhách chẳng phải là hiếm gì. Nhưng, cũng nhiều gia đình vẫn mãi chỉ là những “gia đình nhỏ” một vợ một chồng, đến bữa chỉ có hai cái bát, hai đôi đũa… như vợ chồng son.

Trở lại câu chuyện của Y. Chồng Y. tham gia công tác thôn, cả hai vợ chồng đều sốt ruột chuyện con cái, đằng đẵng bao nhiêu năm dẫn nhau đi chữa mà không được, đông y, tây y, chỗ nào nghe hóng thấy chữa vô sinh hai vợ chồng cũng lặn lội tìm xuống. Nghe bảo, chồng Y bị cái bệnh “tinh trùng… chết” nên không thể kết nhụy khai hoa được…

Đang trong lúc chán nản thì có người mách vào trong Nam có cơ sở cầu được con. Hai vợ chồng Y vào thật. Và, kết quả là Y cũng có một cái bụng “lặc lè” như mong muốn.

Bà con làng xóm khẳng định: cái bụng nó to lùm lùm như người có mang 9 tháng sắp đẻ. Nhưng rồi, mãi mà “bà bầu” vẫn không được ở cữ.

Đúng 9 tháng 10 ngày trôi qua, cái bụng bầu của Y vẫn không biến chuyển. Sau khi gia đình thuyết phục không được, đã phải “lừa” Y đến bệnh viện để khám. Bác sỹ khám bệnh cho Y bảo: “Nhà chị có mà đẻ ra… khúc gỗ ấy. Chị phải nhập viện để chúng tôi mổ cho, chứ cứ giữ mãi cái bọc này lâu ngày có mà mang họa…”.

Y lấy lý do phải về bàn bạc với gia đình rồi… trốn một mạch. Từ đó đến nay, cái bụng của Y đã “phình phình” đến tháng thứ 20. Kỳ lạ nhất, đấy là nó có thể… to lên xẹp xuống theo ngày: hôm nào làm việc mệt mỏi vất vả thì cái bụng xẹp xuống; hôm rảnh rang, thư thái thì cái bụng to lên. Thậm chí, chồng nói nặng một câu em bé cũng “dỗi” mà bỏ đi đâu mất…

Bà con, hàng xóm rồi cả họ hàng nói mãi, nhìn mãi cùng thành quen, rồi thây kệ, không nhắc gì đến chuyện sinh nở của Y nữa. Thế nhưng, Y vẫn chắc chắn một điều rằng cô sẽ sinh nở được, vì đã có người “mang bầu” đến tháng thứ 30 mà vẫn còn kiên nhẫn.

Thế nhưng, chuyện của Y vẫn chưa ly kỳ bằng việc có người ở xã bên còn “xin” được cả thiên thần, và đã “mẹ tròn con vuông”…

200 bà bầu “ngậm thai”

Ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, mát mẻ của chị N.T.N nằm ở giữa xóm, sát một con dong (đường xóm) đã được láng bê tông. Hai mẹ con chị N đang ở nhà. Anh chồng chị N, người đàn ông ngoài 40 tuổi, ngồi uống được chén trà thì vội vàng đứng dậy xin kiếu vì phải đi phun thuốc sâu.

Buổi chiều vùng quê biển êm đềm. Gió biển hào phóng nhưng cũng nhiều hiểm họa. Chị N. đon đả: mát thì mát thật đấy, nhưng mà chỉ gió cũng đủ cháy da, nên vùng biển da ai cũng đen thui.

Chị chỉ lên những nóc nhà cấp 4 thấp lè tè của hàng xóm xung quanh, giải thích: kiểu lợp nhà ở đây cũng rất lạ, tinh bằng cây cói dài trờm từ trên nóc trờm xuống, tõe ra hai bên và rất dày, nhưng phải có lớp lưới phủ lên trên, nếu không gió biển mạnh tới mức sẽ tốc hết mái.

 

Câu chuyện về chị N. “xin” được thiên thần. Chị thành thật: “Úi giời ơi, người ta đồn ầm như thế. Cái hôm tôi vừa sinh cháu về, bao nhiêu bà, bao nhiêu chị kéo đến chúc mừng, chia vui, và cứ nắc nỏm khen cháu nhà tôi xinh xắn, đẹp đẽ…”.

Chỉ vào bé gái chừng bốn tuổi đang chơi đùa bên cạnh, chị N cười hạnh phúc: “Đấy, thiên thần của nhà tôi đấy…”. Cháu bé gái trắng trẻo, xinh xắn, mấy lọn tóc xoăn rủ trên trán, và ngoan hiền như búp bê.

Chuyện của chị N. cũng dài dòng, và chị bị “gom” vào đội “bà bầu xin con” một cách đầy… oan uổng. Chị thật thà: hai vợ chồng chị “kế hoạch” sinh con thưa. Cháu lớn học lớp 2 mới tính chuyện có em bé nữa. Nhưng mà hai lần sau thì sẩy. Lần thứ 3, lúc đó chị cũng đã có “dấu hiệu” thì đúng lúc “cơn sốt” xin con của nhiều người hiếm muộn, nạ dòng… bắt đầu “lên” ở Nghĩa Hưng.

“Chim hãi cành cong”, hai lần trước đã bị sẩy, chị sợ lần thứ ba này nếu có gì xảy ra thì cũng chết, lại bán tín bán nghi vì những câu chuyện người ta thêu dệt như mật rót vào tai. Thế là, chị cũng khăn gói một lần vào đó.

Chị chân thành: “Nói thật là mình đến đấy nhưng cũng chỉ lầm rầm cầu khấn cho nhẹ nhõm về tâm lý, tư tưởng, chứ lúc ấy tôi cũng đã có mang cháu được vài tuần rồi…”.

Về nhà, đúng 9 tháng 10 ngày thì chị N sinh nở: cháu bé bây giờ đã bốn tuổi, đẹp đẽ, xinh xắn, khỏe mạnh đang hiện hữu trước mặt tôi.

Và, chị N. trở thành “hiện tượng” đối với các “bà bầu khát con”. Lũ lượt bao nhiêu người kéo đến chỉ để nhìn tận mặt cháu bé, mong được “lấy vía” để về nhà có cơ hội mẹ tròn con vuông.

Chị N. cười hiền hậu: “Cũng thương các chị, các bà ấy. Khát khao làm mẹ ai chả có, nhưng cứ cố như thế thì cũng vất vả!”.

Câu chuyện của chị N. có nhắc đến hội bà bầu tập trung khoảng vài trăm phụ nữ cùng hoàn cảnh: thường rủ nhau thuê xe đi cầu khấn, “họp nhóm” để chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức đi thăm các “bà bầu” trong nhóm sinh nở “thành công”… Nhóm bà bầu này, người thấp nhất mang thai được trên chục tháng, người nhiều nhất cũng phải vài chục tháng…

Tuy nhiên, lý do chính mà chị N. “né” không nói đến, đó là “lập hội” để liên minh chống lại những dị nghị, điều tiếng mà họ hàng, làng xóm nhìn vào. Ai cũng hiểu, cũng biết quy luật sinh học, đấy là chín tháng mười ngày sinh nở, ai vượt quá cái cữ đấy đã lo sốt vó, nói gì đến chuyện “ngậm thai” hàng năm trời. Thế nên, “hội bà bầu” lập nên mục đích chắc chắn vì lý do đó.

Vui chuyện, chị N. kể chuyện về trường hợp bà N.T.H, nhà ở gần bên. Bà H. năm nay ngoài 50 tuổi, và cũng đang “lạch bạch” mang cái bụng bầu sang đến tháng thứ 30.

Hôm đó, xã Nghĩa Hùng có đám giỗ. Trong lúc mọi người đang xếp hàng, chen chân để làm thủ tục phúng viếng thì bà H. đến. Thấy cảnh bà đã luống tuổi mà vẫn “bầu bí”, mọi người giãn ra nhường lối cho bà. Mấy bà, mấy chị không biết chuyện bà H. có bầu, hồn nhiên hỏi: “Bà dạo này ngã bệnh hay sao mà bụng bỗng dưng to thế?”.

Bà H. giận lắm. Thấy thái độ bất thường của bà, mấy chị kia tự thấy tẽn tò, tìm cách rút hết. Những người còn lại véo von hỏi thăm thì bà vui ra mặt. Bà gọi “em bé” ra chơi với mọi người.

Một người chứng kiến sự việc kể: “Bà H. bảo “em bé” ra chào mọi người, cái bụng bà bỗng dưng lớn hơn bình thường, mà mắt thường nhìn thấy được. Có người không tin, xoa xoa, rồi ấn ấn vào vùng bụng của bà H. Họ bảo, đúng là cái bụng ấy rắn lên chứ không phải được “độn”. Bà H. rất tự hào về việc bà đang mang một lúc hai “em bé”, một trai một gái, hai em bé rất hiếu động, thường ra trò chuyện với bà, “ba mẹ con” nói chuyện với nhau mãi không chán…

Những câu chuyện về các “bà bầu ngậm thai” ở Nam Định như cơn gió có chân chạy đi khắp các xã nghèo ven biển. Tôi cũng không tin được, ở những làng quê yên ả ấy lại đang có một bộ phận không nhỏ những phụ nữ đang triền miên chìm vào cơn mê mang thai – một điều huyễn hoặc không bao giờ xảy ra, bởi một người bình thường nhất cũng có thể hiểu: chẳng có phép thần thánh gì ở thời đại ngày nay có thể “oanh tạc” khiến người ta… to bụng, rồi sau đó là sinh được hẳn em bé.

Thế mà, truyền thuyết ấy lại đang có ở nhiều xã Nam Định, và cũng có nhiều người tin…

Còn tiếp…

TheoGiáo dục Việt Nam


Bình luận
vtcnews.vn