Tranh cãi: Mộ Đề Thám hay mộ người ăn mày?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 09/04/2011 11:11:00 +07:00

(VTC News) – Không vô cớ bà con lại coi ngôi mộ “người hành khất” là mộ “cụ Đề Thám” nếu không có chuyện phát hiện 2 xương dóng chân của người dưới mộ...

(VTC News) – Sau khi Báo điện tử VTC News đăng phóng sự 2 kỳ, nêu nghi vấn về ngôi mộ người ăn mày mà người dân xóm Tân Lập coi là mộ cụ Đề Thám, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, có ý kiến của ông Nguyễn Thế Tính. VTC News đăng tải những ý kiến nhiều chiều để rộng đường dư luận. Cũng mong, qua cuộc tranh luận này, các nhà khoa học sẽ vào cuộc, làm sáng tỏ vấn đề.

Cờ - Hậu – Yên – Thế. Đây là 4 chữ đầu của 4 câu trong bài thơ do ông Sử và bà con xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tìm thấy tại phần mộ “người ăn mày” ngày xưa mà hiện tại bà con nơi đây đang coi là phần mộ “cụ Hoàng Hoa Thám”. Bài thơ đã qua nhiều người dịch đều có nội dung giống nhau: “Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/ Hậu thế nghìn năm ai biết không/ Yên ngựa nghỉ (gửi) vào nơi lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai biết (tỏ) chăng”. Lấy 4 chữ đầu ghép lại ta được cụm từ: Cờ - Hậu – Yên – Thế.

Bài thơ được cho là tìm thấy dưới ngôi mộ bí ẩn. 

Bài viết gần đây nhất của Thảo Lăng trên VTC News ngày 19/3/2011, 2 kỳ với 2 tựa đề. Kỳ 1: Người nằm dưới mộ là hành khất hay cụ Đề Thám; Kỳ 2: Biến mộ người ăn mày thành mộ cụ Hoàng Hoa Thám?. Bài viết này đã được nhiều trang báo điện tử đăng lại.

Tác giả bài viết này có cách xem xét buộc người đọc quan tâm đến sự việc phải suy nghĩ, muốn bàn thêm.

1. Việc nghi vấn “Người nằm dưới mộ là hành khất hay cụ Đề Thám” là điều mà những người biết chuyện quan tâm đang trăn trở, muốn có được sự xem xét, kết luận của các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước vào cuộc, làm cho sáng tỏ.

2. Tác giả bài viết buông một câu làm tựa đề “Biến mộ người ăn mày thành mộ cụ Hoàng Hoa Thám” thì quả là phũ phàng, chà đạp lên tình cảm của bà con nơi đây đối với người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế lịch sử.
Không vô cớ bà con nơi đây lại coi ngôi mộ “người hành khất” là mộ “cụ Đề Thám” nếu không có chuyện phát hiện 2 xương dóng chân của người dưới mộ với hiện vật lưu giữ bài thơ tìm thấy bên cạnh phần mộ được bảo quản rất công phu, không kém phần khoa học, đã ngót trăm năm.

3. Tác giả là người đã cất công đến tận xóm Tân Lập, chụp ảnh ngôi mộ, miếu thờ cụ Hoàng Hoa Thám do bà con nơi đây xây dựng lên; cũng đã biết cả “Thông tin đáng chú ý: Năm 2005, ông Trần Văn Lạng, khi đó là Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, đã trực tiếp về Tân Lập tiếp nhận hiện vật đào được ở cạnh ngôi mộ cụ hành khất. Hiện vật bao gồm một chiếc liễn sành úp ngược xuống đất, được ốp chặt đáy bằng một chiếc đĩa, bên trong có hai tờ giấy, một tờ có một bài thơ ký tên Loan. Xung quanh được ốp bằng lá trầu khô và một lớp vữa (vôi và cát)”, Mà sao lại còn “khiến tôi băn khoăn rằng, ngôi mộ cụ Hoàng Hoa Thám ở xóm Tân Lập phải chăng chỉ là tin đồn, đoán mò?”?!.

4. Tác giả Thảo Lăng lại viết: “Nhưng, xét về góc độ văn chương, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm Việt Nam) cho rằng: “Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, là một thể thơ cổ Đường Thi. Tuy nhiên, bài thơ này đã phá vỡ tính vần luật của thơ Đường. Nếu đọc theo mặt chữ (chưa dịch thành thơ) sẽ không ra vần vận của thơ. Hay nói cách khác, xét về góc độ văn chương, đây là một bài thơ không có vần vận”.

Theo tôi, ở đây không nên đem “góc độ văn chương” để xem xét bài thơ. Bởi vì tác giả không gửi bài thơ để lưu giữ trong văn đàn, không tham gia thi cử, mà tác giả chỉ vùi sâu bên cạnh người nằm dưới mộ. Phải chăng tác giả chỉ muốn “gửi lại mai sau” một thông điệp về người nằm dưới mộ. Người tiếp nhận có trách nhiệm với lịch sử, với dân tộc thì không nên bỏ mặc sự việc trôi đi với thời gian, để rồi nó tiếp tục bị vùi vào dĩ vãng.

Ông Nguyễn Văn Thực là một trong số những người dịch bài thơ tìm được dưới ngôi mộ. 

Chúng ta đang đi tìm lịch sử, tìm nơi yên nghỉ của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế lịch sử; một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân, của dân tộc. Muốn đến với lịch sử, tìm được lịch sử một cách chân thực, trước hết cần có thái độ trân trọng lịch sử, quý trọng những gì dù là nhỏ nhất mà có tác dụng gợi mở, cung cấp cho chúng ta những thông tin về lịch sử một sự vật, hiện tượng.

Cờ - Hậu – Yên – Thế, một thông điệp quý rất đáng quan tâm nghiên cứu để góp phần tìm ra nơi yên nghỉ đích thực của cụ Hoàng Hoa Thám, cho dù có phải thay đổi cái kết luận theo sử liệu của thực dân Pháp xưa kia cung cấp: "Ông bị mắc mưu ba người Tàu giả danh lính Lê Dương. Họ trá hàng với lời hứa sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo thuốc nổ và vận hành súng Thần Công. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, họ chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của ông. Họ mang đầu ba ông ra Nhã Nam giao nộp cho Pháp. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1913. Thủ cấp của Đề Thám cùng thuộc hạ bị Pháp bêu ở cả Nhã Nam, Bắc Ninh để thị uy dân chúng." [Nguồn: wikipedia.org].

Bản photocopy bài thơ tìm thấy ở ngôi mộ người hành khất tại xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung do ông Nguyễn Văn Thực, trung tá nghỉ hưu, người thôn Cẩm Trang, hiện ở thôn Nội Quan, xã Mai Trung cung cấp.

Ông Nguyễn Văn Thực được ông Ngô Quang Dự, CCB xã Mai Trung giao cho bản photocopy bài thơ để nhờ người dịch. Ông Thực đã nhờ ông Thuần ở thôn Trung Hưng, xã Mai Trung và cụ Nguyễn Văn Viên ở thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng dịch. Đối chiếu 2 bản dịch thấy giống nhau, ông Thực giao lại cho ông Dự một bản. Ông giữ lại một bản này. Tôi đã chụp 2 ảnh này tại nhà ông sáng 22/3/2011.

Băn khoăn về bài viết của Thảo Lăng trên VTC News, sáng nay tôi đã trực tiếp đến gặp ông Nguyễn Văn Sử ở xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung để hỏi lại một số việc mà tôi còn băn khoăn giống như Thảo Lăng.

Khi tôi đến nhà, hai ông bà ông Sử đang ngồi chẻ nan đan thúng ở hiên trước cửa nhà. Ông Sử dừng công việc tiếp tôi. Nhà ông Sử có bàn thờ cụ Hoàng Hoa Thám, tôi thắp hương các cụ rồi chúng tôi ngồi nói chuyện hết cả buổi sáng.

Trước tiên tôi thẩm định lại bản photocoppy bài thơ mà ông Thực cung cấp cho tôi hôm qua. Ông Sử khẳng định ngay đúng là bản do ông photo giao cho ông Dự CCB xã đem đi để nhờ người dịch. Tôi hỏi ông có còn bản nào không? Ông bảo: “Ngày trước có mấy bản, nhưng mỗi người đến hỏi chuyện xin một bản, nay không còn bản nào”. Tôi đưa lại cho ông một bản tôi mới photo.

Tôi hỏi việc phát hiện 2 xương dóng chân người trong mộ lộ ra vào năm nào? Ông Sử nói là năm 2004. Tôi hỏi: Sao ông nói với Thảo Lăng ở VTC News là năm 1991? Ông Sử nói: Có mà cô ấy nghe nhầm hoặc viết sai.

Để chứng minh điều ông nói, ông Sử đưa cho tôi xem bản lưu “ĐƠN TRÌNH THAM KHẢO” gửi các ban ngành nghiên cứu. Tờ đơn ông viết ngày 03/10/2005 (Âm lịch), có bút tích những câu hỏi thêm và chữ ký của ông Trọng Lưu, cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bắc Giang bằng mực đỏ, ghi rõ ngày 27/11/2005 (6/10 Âm lịch). Trong đơn ông Sử viết: “Khi xương cụ năm 2004 bị mưa to phần chân mộ bại đi 2 xương dóng chân lộ ra…”. Ông Trọng Lưu đã viết thêm bằng bút mực đỏ là: tháng 5 – 6/2004 (Âl). Nghĩa là ông Sử không nhớ chính xác tháng 5 hay tháng 6, nhưng năm 2004 thì ông nhớ, vì đơn ông viết ngày 03/10/2005.

Tôi hỏi: Ông phát hiện cái liễn có bài thơ vào thời gian nào? Ông sử nói vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 (ÂL) năm 2005. Ông không nhớ chính xác ngày tháng, nhưng năm thì nhớ vì sau đó là chuyện đi nhờ dịch bài thơ và trình báo bới chính quyền.

Tôi hỏi: “Khi ông phát hiện thấy cái liễn, có ai biết không?”. Ông nói có nhiều người. Vì ông định đào hố để trồng một cây hoa đại, khi ông làm thì vẫn có người qua lại. Khi phát hiện, ông cũng chưa biết là cái gì. Ông vùi kín lại, đi báo cho ông Bí thư chi bộ. Ông Bí thư chi bộ bảo ông báo với Trưởng thôn. Mọi người đến rồi cùng bới lên, còn chụp cả ảnh nữa. Ảnh ông còn giữ. Ông đã đưa cho tôi xem. Tôi đã chụp lại.

Tôi hỏi: “Sao người ta bảo ông đem về nhà rồi sau đó mới báo với chính quyền?”. Ông nói: “Không có điều đó. Thực tế là khi đào lên, cậy ra, nhiều người có mặt cùng biết”.

Tôi hỏi lại điều Thảo Lăng nghi vấn: “Ông nói gia đình thờ cúng cụ Đề Thám từ khi cụ mất, đã truyền đến anh cả ông. Sao bao nhiêu năm trước kia không trình báo với chính quyền?”. Ông Sử nói với tôi khác với Thảo Lăng ghi.

Ông nói ý: “Nhân dân nơi đây vẫn thờ cúng cụ với danh nghĩa là ông ăn mày có tên là Ngô Tá Điền. Gia đình tôi có bằng chứng gì đâu mà bảo với bà con là mộ cụ Đề Thám, mà để trình với Nhà nước. Có ai biết chuyện cụ Đề Thám hoạt động ở vùng này đâu. Đến khi phát hiện ra xương cốt, di vật bài thơ, tôi trình lên trên, nhiều người, nhà nghiên cứu, nhà báo đã viết nhiều bài mà Nhà nước đã xem xét để kết luận xem có phải mộ cụ Đề Thám không. Thấy gia đình cụ đúc tượng đem về đây để thờ cúng, nhân dân chúng tôi cứ tin, cứ thờ cúng cụ theo tấm lòng thành kính đối với cụ thôi”.

Tôi đối chiếu thì thấy điều ông nói giống với nội dung đơn trình của ông. Tôi xin trích nguyên văn đoạn cuối: ‘Năm 2004 tôi đã có tờ trình và được ban văn hóa huyện, tỉnh về xem xét. 2 cô ở phòng văn hóa huyện và chị Lan Anh ở tỉnh, anh Dưỡng ở Sở Văn hóa về đo và được kiểm tra thấy rõ xương cốt cụ.

Tôi viết tờ trình tham khảo bằng hồi ức trí nhớ của tôi không có tham vọng đầy đủ được nhưng để góp phần cùng quý ban ngành nghiên cứu ngôi mộ ông ăn mày Ngô Tá Điền mất cách đây hơn 90 năm phải chăng đây là mộ cụ Hoàng Hoa Thám thì giải nỗi oan thua trận của cụ và minh chứng cho gia đình tôi và bà con quê tôi không cúng thờ người ăn mày bình thường”.

Dưới đây là một số ảnh khi phát hiện cái liễn có bài thơ (ảnh chụp lại):

 
Ông Sử và mọi người đào cái liễn có bài thơ.
 
Ông Trọng Lưu (người không đội mũ, đứng bên phải), cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bắc Giang chụp ảnh cùng ông Sử. 
Lễ rước tượng cụ Hoàng Hoa Thám do con cháu cụ tặng bà con xóm Tân Lập để thờ ở đền. 
Ngôi mộ được xây xung quanh liền với đầu hồi đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám của bà con xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa. 

Nguyễn Thế Tính


Bình luận
vtcnews.vn