Chuyện chưa biết về rùa khổng lồ ở Sơn Tây

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 21/03/2011 06:01:00 +07:00

(VTC News) - Để tìm được rùa khổng lồ, các nhà khoa học của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã liên hệ với chính quyền, lập “căn cứ” để theo dõi, tìm kiếm.

(VTC News) - Để tìm được rùa khổng lồ, các nhà khoa học của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã liên hệ với chính quyền, lập “căn cứ” để theo dõi, tìm kiếm.


Sau nhiều năm tìm kiếm rùa Hồ Gươm khổng lồ dọc lưu vực sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, vào thời điểm cuối năm 2006, các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á nhận được tin xuất hiện một con rùa trong một hồ nước ở Sơn Tây.

Đây là hồ nước cực lớn, rộng hơn 1.000ha, nằm lọt giữa dãy Ba Vì hùng vĩ, xung quanh có cảnh quan rất đẹp. Ngược về xa xưa, hồ nước này vốn là một nhánh của sông Đà, sau này, cống đập được xây dựng, biến hồ nước tự nhiên thành hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng vạn ha lúa, hoa màu của nhân dân vùng Ba Vì.

Những người đánh cá thường xuyên gặp rùa khổng lồ ở hồ nước này. 

Các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã thực địa nhiều lần ở hồ nước này và cũng đã được nghe rất nhiều chuyện ly kỳ về rùa khổng lồ. Cách đây vài chục năm, người dân quanh hồ săn được rùa khổng lồ như cơm bữa. Loài rùa Hồ Gươm được họ gọi là con ba ba. Với những thiết bị săn bắt chuyên dụng, họ lôi được cả những con rùa nặng cả tạ lên bờ làm thịt.

Cách đây 10 năm, ông Hưởng, một thợ đánh cá còn tóm được một con rùa nặng tới 60kg bằng… mái chèo. Lúc ông đi nhấc lưới, thấy một con rùa lưng to bằng cái mẹt đang gỡ cá ở lưới ăn. Ông chèo thuyền nhẹ nhàng đến gần, chọc mái chèo về phía con rùa, với ý định đuổi kẻ cướp cá phá lưới.

Cá mắc lưới bị rùa khổng lồ xơi mất đầu. 

Không ngờ, con rùa này không bỏ chạy mất tăm như những con khác, mà quay sang đớp mái chèo của ông Hưởng. Thấy con rùa này hung dữ, ông Hưởng để cho nó ngoạm mái chèo, rồi dứ dứ nhẹ nhàng. Càng dứ, con rùa càng ngoạm chặt hơn. Khi hàm răng sắc lẹm của nó đóng chặt vào mái chèo, ông Hưởng kéo tuột nó lên thuyền, vật ngửa nó ra. Nằm ngửa trên thuyền, nó vẫn cứ nghiến mái chèo, chả khác gì ba ba cắn người, phải có sấm sét hoặc tiếng cối xay gạo mới chịu nhả.

Chuyện săn rùa chỉ bằng mái chèo của ông Hưởng nổi tiếng quanh hồ nước này, ai cũng biết. Ông làm thịt, nấu chuối xanh và mời cả xóm đến thưởng thức. Đó cũng là con rùa to cuối cùng mà người dân săn được ở hồ nước này.

Rùa xé lưới của người đánh cá. 

Nhận được tin báo rùa thò cái đầu to như cái phích lên khỏi mặt nước, các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á lập tức có mặt ở hồ nước này để tìm hiểu. Người dân kể rằng, cả năm không thấy mặt mũi nó đâu, nhưng cứ đến mùa hè, là nó phá lưới trộm cá của dân, thi thoảng lại ngóc đầu lên thở. Giống rùa này thật lạ, mùa lạnh chả thấy nó đâu, cứ như thể nó ngủ dưới bùn như gấu ngủ đông, nhưng mùa nóng thì ngoi lên thở, thậm chí bò lên bãi cát phơi nắng.

Chuyện người dân kể nhìn thấy rùa nổi không có gì lạ, vì các cán bộ nghe nhiều. Biết đâu, con rắn nổi lên giữa hồ, trong màn sương mờ ảo, hoặc tranh tối tranh sáng, nhìn gà lại hóa cuốc. Nhưng lần này thì có nhiều thông tin chắc chắn. Các nhà khoa học của tổ chức này đã được tận mắt cả chục tấm lưới bị xé toạc, vết xé đủ vừa để con rùa có bề ngang cỡ mét chui qua.

Các nhà khoa học cũng được tận mắt những con cá bị mất đầu, mất đuôi dính vào lưới, hoặc nổi lều phều trên mặt hồ. Với kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm thực tế của người đánh cá trên hồ, thì đó đích thực là do rùa ăn.

Các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á truy tìm rùa ở hồ Đồng Mô. 

Để tìm được rùa khổng lồ, các nhà khoa học của tổ chức nước ngoài này đã liên hệ với chính quyền, lập “căn cứ” để theo dõi, tìm kiếm. Douglas B.Hendrie - Giám đốc Chương trình Rùa châu Á đã cùng các cán bộ dựng lều ăn ngủ bên hồ, tìm kiếm các dấu vết, quan sát mặt hồ.

Sau vài tháng tìm kiếm, theo dõi không có kết quả, các chuyên gia nước ngoài rút dần đi. Anh chàng Nguyễn Xuân Thuận được giao trọng trách mai phục ngày đêm bên hồ để theo dõi. Nhiệm vụ duy nhất của Nguyễn Xuân Thuận là chụp được ảnh rùa Hồ Gươm ở hồ nước ngọt này.

Và rồi, vào mùa hè năm 2007, chừng giữa tháng 6, vài tấm ảnh của Nguyễn Xuân Thuận đã khiến không những người Việt sửng sốt mà cả thế giới quan tâm, đó là những tấm ảnh chụp được rùa khổng lồ ngoài Hồ Gươm. Những tấm ảnh dù chụp qua ống nhòm, song khá rõ nét.

Rùa Hồ Gươm khổng lồ ở hồ Đồng Mô. 

Theo đó, cá thể rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ thứ 4 của thế giới, có tên khoa học Rafetus Swinhoei, đã được phát hiện ở một hồ nước nằm ở phía tây Hà Nội, cách Hồ Gươm 50km. Cụ rùa này có chiều dài 0,9m, ngang 0,7m, cân nặng 80-90kg, có đốm màu rằn ri trên đầu, mép màu vàng, mai màu trắng xanh, chưa xác định được giới tính. Cá thể rùa này sống tự nhiên hoàn toàn.

Mặc dù cả nước sôi sục với thông tin phát hiện cá thể rùa Hồ Gươm, song không ai biết cá thể rùa này ở đâu, hồ nào. Thậm chí, các nhà động vật học của nước ta cũng không hay biết. Duy nhất chỉ có các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á nắm rõ và họ giấu tịt. Lý do các chuyên gia này giấu kỹ là để giữ mạng cho cụ rùa. Có giữ được mạng cho cụ rùa này, thì mới hy vọng vào công tác bảo tồn.

Thông tin về cụ rùa khổng lồ này đã lộ ra vào tháng 10 năm 2008, khi Hà Nội bị trận lụt lội lịch sử, cụ rùa đã hứng chí bò ra khỏi hồ, và bị người dân tóm được. Lúc này, người dân cả nước, các nhà khoa học nước nhà mới biết cụ rùa mà các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện và công bố với toàn thể thế giới là ở hồ Đồng Mô, một hồ nước rộng lớn, là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn