Biến mộ người ăn mày thành mộ Hoàng Hoa Thám?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 19/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Xét về góc độ văn chương, bài thơ được cho là tìm được dưới mộ Hoàng Hoa Thám là một bài thơ không có vần vận. Phải chăng, đó là văn bản ngụy tạo?

(VTC News) - Xét về góc độ văn chương, bài thơ được cho là tìm được dưới mộ Hoàng Hoa Thám là một bài thơ không có vần vận. Phải chăng, đó là văn bản ngụy tạo?


Mối liên hệ giữa Hùm thiêng Yên Thế với mảnh đất Tân Lập có vẻ ngày càng nhiều hơn khi ông Sử kể cho tôi nghe một loạt những địa danh như gò Yên Ngựa, chuôm Yên Thế, giếng cụ Đề… Nhưng gây chú ý nhất, có lẽ là câu chuyện về “bài thơ truyền khẩu” mà theo ông đã được truyền lại nhiều đời trong gia đình mình. Ông Sử nói: “Đó là bài thơ của cụ Hoàng Hoa Thám trả lời người cha nuôi tên Bá Phức khi ông này viết một bài thơ chiêu hàng cụ Đề Thám về phía giặc Pháp. Nội dung bài thơ như sau: “Trong phong ba vùng vẫy bóng ngạc kình/ Ham mồi béo nạp mình cho ngư phủ/ Chốn rừng thẳm tung hoành bao mãnh hổ/ Ham mồi ngon ủ rũ xó chuồng con...”. Rồi đoạn tiếp theo: “Cha cũng chỉ là cha trong dĩ vãng/ Thôi hạ bút cho thâm tình gián đoạn/ Cho đời người kết án kẻ gian phi/ Thanh gươm thần tuốt sẵn để chờ khi…”.

Chân dung lãnh tụ Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Lê Trang chụp lại. 

Nhiều đoàn nhà báo về miếu cụ Đề Thám đã được ông Sử đọc cho chép nguyên văn bài thơ và có một vài báo đã đăng tải bài thơ này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, thực chất đây là bài thơ rất nổi tiếng, có nhan đề “Thư đoạn tuyệt” của đồng chí Hoàng Văn Thụ sáng tác và gửi cho cha vợ của mình ở vùng địch chiếm đóng, sau khi cha vợ của ông gửi vào một bài thơ vận động ông theo giặc.

Quay trở lại với bài thơ được cho rằng tìm thấy ở cạnh ngôi mộ người hành khất ở xóm Tân Lập: “Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/ Hậu thế nghìn năm ai biết không?/ Yên Ngựa nghỉ vào đây lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?”. Phía dưới bài thơ đề: “Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chin/Loan”.

Về lối diễn đạt bị nhiều người cho là khá hiện đại của bài thơ, ông Nguyễn Tá Nhí, giáo sư đầu ngành ở Việt Nam về Hán Nôm từng trả lời (trên báo chí) rằng, năm 1913, thậm chí là trước đó, lối viết này là khá phổ biến.

Hoàng Hoa Thám và con cháu. Ảnh chụp lại. 

Nhưng, xét về góc độ văn chương, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm Việt Nam) cho rằng: “Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, là một thể thơ cổ Đường Thi. Tuy nhiên, bài thơ này đã phá vỡ tính vần luật của thơ Đường. Nếu đọc theo mặt chữ (chưa dịch thành thơ) sẽ không ra vần vận của thơ. Hay nói cách khác, xét về góc độ văn chương, đây là một bài thơ không có vần vận.

Theo ông Diện, văn tự trong bài thơ rất trúc trắc, khó có thể đọc một cách chính xác được. Vì diễn xuôi, bài thơ gốc sẽ được đọc là: “Cờ nghĩa bao năm lanh lẹ (hoặc nhanh nhẹ) vần/ Hậu thế nghìn năm ai biết không? Yên Ngựa ngờ (hoặc nghi, ghi) vào nơi lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai dẫu (thấu) chăng?/ Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/ Loan”.

Vì thế, nhiều người chê ông Lý Loan viết thơ vụng cũng là hợp lý (lời của giáo sư Nguyễn Tá Nhí). Điều này sẽ không có gì đáng bàn nếu trong dân gian không tồn tại giai thoại về cuộc ứng đối thơ giữa cụ Đề Thám, bà Ba Cẩn và cụ Lý Loan: Trong một lần cụ Lý Loan lên Phồn Xương (căn cứ cuộc khởi nghĩa Yên Thế), cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn ra đón, hứng chí, cụ Thám ra vế đối: “Cờ nghĩa tung bay nhờ gió cả”. Bà Ba Cẩn đối: “Gươm thần chờ đón ánh trăng soi”. Cụ Thám ra vế đối thứ hai: “Pháo nổ mừng xuân vang bốn cõi”. Cụ Lý Loan đối lại: “Lời thơ chúc Tết động ba kì”.

Ông Sử (đứng thứ 2 từ bên phải) và bà con xóm Tân Lập chụp ảnh với bà Hoàng Thị Thế (đứng thứ 5 từ bên phải), cháu ngoại cụ Đề Thám, trong dịp bà Thế về thăm miếu thờ năm 2004.Ảnh chụp lại.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, đây là một vế đối rất chỉnh về mặt chữ nghĩa lẫn vần luật. Ông nói thêm, ngày xưa các cụ Lý trưởng đều là những người được học chữ Hán, chữ Nôm, đối thơ rất cẩn thận. Do đó, việc cụ Lý Loan giỏi làm thơ và ứng đối là chuyện bình thường.

Vậy thì bài thơ trúc trắc về vần luật được ký tên cụ Loan mà ông Sử tìm thấy có thực sự đáng tin không?

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang, người đã từng tiếp xúc trực tiếp với văn bản gốc cho rằng: “Dù chưa có báo cáo chính thức về tính chân giả của bài thơ, nhưng theo tôi, đây không phải văn bản được để lại từ thời cụ Lý Loan, bởi vì nét chữ trong văn bản không phải của người am hiểu và quen dùng chữ Hán Nôm. Hơn nữa, với cách bảo quản bằng vữa và lá cây, văn bản đó khó có thể tồn tại đến nay mà vẫn giữ được những nét chữ rõ ràng như thế. Tôi cho rằng đây là một văn bản ngụy tạo”.

Cẩn trọng hơn, ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang bày tỏ: “Việc nhân dân nhiều nơi, không riêng Tân Lập lập miếu thờ cụ Hoàng Hoa Thám là rất đáng trân trọng. Có điều, gò mộ kia có phải là gò mộ cụ Đề Thám không thì còn phải xem xét cẩn thận và văn bản kia có thật từ năm 1913 không cũng phải xem xét cẩn thận”.

Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang: "Gò mộ kia có phải của cụ Đề Thám không phải xem xét cẩn thận". 

Còn nhớ, trước khi chia tay, ông Sử ở Tân Lập đã chia sẻ với tôi về mong ước của mình: “Tôi mong muốn ngôi mộ cụ hành khất ở đây sớm được công nhận là phần mộ của cụ Hoàng Hoa Thám. Tôi cũng dự định đổi 1 sào đất nhà tôi lấy mảnh đất (khoảng 1 sào) có khu nhà Cầu Thày Mai (nơi cụ hành khất ở và mất) để xây dựng một khu di tích tôn thờ cụ Hoàng Hoa Thám, hàng năm mở lễ hội để tưởng nhớ cụ”.

Người dân ở xóm Tân Lập, con cháu cụ Đề Thám và chính quyền đều rất muốn tin người nằm dưới ngôi mộ ở xóm Tân Lập là cụ Đề Thám, tuy nhiên, để làm sáng tỏ sự thật thì cần phải được nhiều ban ngành, các nhà khoa học cùng vào cuộc tìm hiểu. Tâm lý người dân thường tin vào những lời đồn đại, có những lời đồn đại vô hại, nhưng cũng có những lời đồn có thể làm thay đổi lịch sử dân tộc trong tâm thức người dân, đó là điều vô cùng nguy hiểm.

Ông Dương Minh Châu (Yên Dũng, Bắc Giang) đã đào được nhiều đồng tiền cổ khi truy tìm kho báu Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Lê Trang. 

Việc xem xét cẩn thận như lời ông Lạng nói không bao giờ thừa, tuy nhiên bài thơ và ngôi mộ kia có thực sự khó xác minh đến mức 7 năm nay chưa có kết luận hay không? Việc xác định người nằm dưới mộ là ai rất đơn giản, chỉ cần dùng phương pháp xét nghiệm ADN.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường (người Việt Nam đầu tiên được cử sang CHDC Đức học về phục dựng lại mặt qua xương sọ năm 1979) cho biết, có thể dùng phương pháp xác định khác đơn giản hơn (so với phương pháp ADN), đó là phục dựng lại gương mặt qua hộp sọ. Ông khẳng định: “Nếu được phép khai quật (mộ cụ hành khất) thì tôi sẽ khẳng định được ngay đó có phải là cụ Hoàng Hoa Thám không vì ảnh chụp cụ Đề Thám vẫn còn. Tôi sẵn sàng vào cuộc mà không cần điều kiện gì. Vấn đề là Sở văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Bắc Giang có đồng ý cho làm hay không thôi”.

Thảo Lăng

Bình luận
vtcnews.vn