Đột nhập "ốc đảo" chứa cả trăm xe gian

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 23/02/2011 08:27:00 +07:00

Từ giữa năm 2010, hàng trăm con xế hộp đắt tiền dùng để cho thuê xe tự lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... đột nhiên bốc hơi.

Từ giữa năm 2010, hàng trăm con xế hộp đắt tiền dùng để cho thuê xe tự lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... cùng những khách hạng sang đã thuê nó đột nhiên... "bốc hơi".

Thời gian gần đây, hàng loạt chủ các cơ sở cho thuê ô tô tự lái khốn khổ vì nhiều con xế hộp có giá trị cả tỷ đồng cùng người thuê nó đã "biến mất". Từ thám tử tư, công an, khổ chủ đến người thân đã mở các cuộc săn lùng để thu hồi tài sản. Ít ai ngờ rằng, những con xế hộp đó đang ẩn mình cách trung tâm Thủ đô chỉ 30km...

Xế hộp... bốc hơi

Từ giữa năm 2010, hàng trăm con xế hộp đắt tiền dùng để cho thuê xe tự lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... cùng những khách hạng sang đã thuê nó đột nhiên... "bốc hơi". Có cơ sở cho thuê ô tô tự lái ở Hà Nội mất cả chục con xe dù đã sử dụng đủ các biện pháp an ninh như: Lắp định vị cho xe; chỉ đưa cho người thuê xe giấy tờ xe phô tô; đến tận nhà riêng hoặc Cty người thuê để xác minh; chọn những gương mặt "vàng" như giám đốc, bác sĩ, công chức để cho thuê...

Anh Lê Văn H. ở phố Đội Cấn, Tây Hồ, Hà Nội than thở: "Tôi rất cẩn thận, chỉ cần hơi nghi ngờ khách là cương quyết không cho thuê xe, dù trả giá cao. Ấy vậy mà vẫn không thoát nạn. Tôi cho một phụ nữ là giám đốc của ba Cty, thuê hai xe để cán bộ đi giao dịch. Gần một năm đầu, bà ta thanh toán không lệch một ngày. Cuối năm ngoái bà ta "biến mất", điện thoại tò tí te. Khi chúng tôi đến tìm thì Cty đã sang nhượng hoặc đóng cửa, nhà riêng đã có người khác ở... Thời gian đầu, thiết bị định vị trên xe cho biết xe đang ở khu vực cuối Đại lộ Thăng Long. Khi chúng tôi dò gần đến nơi thì tín hiệu định vị tắt lịm, bọn nó đã tìm được thiết bị định vị và đập nát để tránh sự truy đuổi...".

Một góc xã Tiến Xuân. 

Một chủ cơ sở khác trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cho biết, anh đang thuê người tìm hai chiếc xe Toyota trị giá ngót hai tỷ đồng từ tháng 9-2010 đến nay nhưng vẫn "bặt vô âm tín". Anh còn tiết lộ là chưa báo công an vì sợ bứt dây động rừng, bởi hy vọng kẻ thuê xe của anh sẽ tự mang về trả để tránh dính vào kiện tụng, bắt bớ.

Một nhân viên thuộc Cty thám tử tư ở Hà Nội cũng thừa nhận, hiện Cty anh nhận được nhiều hợp đồng truy tìm để thu hồi các ô tô cho thuê tự lái đã "mất tích" đã nhiều tháng nay. Nhân viên này nói: "Khoảng tháng 9-2010, khi có rất nhiều xe ô tô cho thuê bị "bốc hơi", có nhiều sự đồn thổi về đường đi của những chiếc xe đó. Có nguồn tin nó bị bán sang Trung Quốc với giá rẻ, có nguồn tin cho rằng xe bị làm giả giấy tờ để bán vào Nam. Cũng có nguồn tin cho rằng, hầu hết các xe đã bị cho vào "lò mổ" để bán phụ tùng... Tuy nhiên, chúng tôi có cơ sở để khẳng định vị trí những chiếc xe "mất tích" ở khu vực ngã ba Láng - Hòa Lạc giao nhau với đường Việt Nam - Cu Ba (đường Xuân Mai - Sơn Tây - PV). Tuy nhiên, chính xác ở chỗ nào thì không xác định được vì tín hiệu bị "chết" rất nhanh do sự chuyên nghiệp của những kẻ trong đường dây chuyên tiêu thụ, cầm cố xe gian".

Trước tết Nguyên đán 2011, một gã chuyên làm về cầm đồ tại khu vực đường Láng cho tôi hay: "Có những thứ tưởng xa tận chân trời lại ở ngay trước mặt. Những chiếc xe đó chả vô Nam mà cũng không sang Trung Quốc, anh muốn tìm hiểu cứ vào xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất thì sẽ rõ! Vào đấy thì đi đứng cho cẩn thận kẻo lại hết đường về quê mẹ...". Tôi gặng hỏi mấy tay giang hồ cũng không chịu nói thêm. Tuy nhiên, những thông tin trên khiến tôi muốn thực hiện một cuộc điều tra của riêng mình...

Những cuộc gặp bất ngờ


Hôm đó, chỉ còn chưa chục ngày nữa là đến 30 tết. Trời rất lạnh, cái lạnh xuống đến mức lịch sử của mấy chục năm đổ lại đây. Dù vậy, cái không khí hối hả của những ngày cuối năm vẫn khiến dòng người đổ cuồn cuộn ra đường để mua sắm, thăm hỏi. Ngược với dòng người hướng về trung tâm Thủ đô, tôi lên xe, nhằm ngã ba Láng - Hòa Lạc tăng tốc... Phải mất vài lần hỏi thăm tôi mới tìm được con đường vào xã Tiến Xuân (một xã thuộc tỉnh Hòa Bình cũ), mới sáp nhập vào huyện Thạch Thất, Hà Nội từ cuối năm 2008. Từ đường Việt Nam - Cu Ba vào trung tâm xã chỉ khoảng 5 - 6km nhưng đá lởm chởm, đầy ổ trâu, ngập bùn đỏ quạch nên phải ngót 30 phút tôi mới tiếp cận được những quán bán hàng đầu tiên của xã miền núi đầy bí ẩn này. Trên đường vào xã, tôi vẫn tâm niệm, có thể mình dễ tin, ai dại gì mang hàng chục chiếc ô tô vào đây để "cắm", dân xã miền núi, ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền "cầm" bốn bánh...
Một góc của xã Tiến Xuân

Đỗ xe, tôi tấp vào một quán bia nhỏ cách trụ sở UBND xã chừng 1km. Cậu thanh niên có vẻ là người địa phương nhanh nhảu: "Anh cần cắm xe à? Có giấy tờ không em giới thiệu cho". Tôi ỡm ờ: "Đang định thế, lãi lờ thế nào em?". Cậu thanh niên đề nghị lãi 5.000đồng/triệu/ngày, thấy tôi chê đắt cậu ta cười khẩy, mua bao thuốc lá rồi lên xe máy phóng vào trong bản. Quan sát hai thanh niên khác ngồi trong quán với vẻ mặt trầm tư, tôi bắt chuyện. Khi biết tôi là dân Hà Nội vào mua đất và có ý "thiếu tiền thì cầm xe ô tô", câu chuyện mới cởi mở hơn. Thanh niên tên D. kéo tôi ra ngoài nói: "Anh đừng dại cắm xe ở đây, có hàng chục con xe đang nằm chết ở đây đấy. Nói thật với anh, em có cơ sở cho thuê xe tự lái ở Thanh Xuân. Em cho một thằng giám đốc thuê ba con xe, nó "chôn" cả vào đây lấy hơn tỷ đồng rồi chuồn mất. Bọn em vào theo dõi hai hôm rồi, chưa "phách vị" ra xe nằm ở nhà nào". Câu chuyện của D. làm tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, một câu chuyện thực sự khó tin nhưng tôi linh cảm là có thật.

Theo D., trong xã Tiến Xuân có hàng chục con xe bị đưa từ Hà Nội và các tỉnh lân cận lên đây để cắm. Sở dĩ những kẻ lừa đảo không ngại nơi đây xa xôi, hẻo lánh và bẩn thỉu đánh xe lên tận cái xã miền núi này để cầm cố vì đây được xem như "thiên đường", như "ốc đảo" của các loại xe gian. D. còn giảng giải: "Nếu ở Hà Nội, muốn cắm một chiếc ô tô, anh phải có đầy đủ đăng ký, sổ đăng kiểm, chứng minh thư nhân dân, thậm chí là phải chính chủ thì chủ cầm đồ mới dám giao dịch. Riêng ở đây, anh chỉ cần có xe, giấy tờ phô tô và viết một tờ giấy thỏa thuận đặt xe, giao ước về lãi suất là anh có thể vay được số tiền trị giá 80% giá trị của xe. Khi phát hiện xe ở đây, chủ xe muốn chuộc thì phải trả tiền, đừng nói với họ hành vi cầm cố như vậy là phi pháp, chẳng ích gì đâu...".

D. cũng chỉ cho tôi mấy thanh niên khác và nói: "Họ cùng cảnh ngộ với em đấy. Được người ta mách nên đến đây tìm xe, mấy ngày mà tìm vẫn chưa ra...".

Chủ xe khóc ròng

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện của D. tôi đi lòng vòng quanh những con đường của xã Tiến Xuân. Quả là có không ít người trông có vẻ "khả nghi" xuất hiện ở những quán ăn, trên những con đường bùn đỏ quạch với nét mặt căng thẳng. D. bảo tôi: "Toàn người ở Hà Nội vào tìm xe đấy anh ạ. Hôm qua còn có cả hai vợ chồng ở Hải Phòng lên, họ loanh quanh từ sáng đến tối mịt, cô vợ khóc suốt. Nghe đâu nhà đó mất 4 con ô tô xịn". Chọn một thanh niên cao to, đẹp trai, tôi lân la hỏi chuyện thì được biết anh tên là Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Cty TNHH Kinh Doanh khí đốt LPG và Dịch vụ Vận tải Đức Thành, chuyên cho thuê xe tự lái ở Hà Nội. Anh Thành nhăn nhó: "Năm 2010, Cty tôi có cho một phụ nữ tên là Bùi Thị Lan, ở Sóc Sơn thuê ba con xe, một con Civic, một con Innova, một con Everets để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cuối năm ngoái, bà Lan không trả tiền thuê xe, cũng không mang xe về trả và có dấu hiệu trả lời quanh co, cắt thiết bị định vị trên xe. Nhận thấy dấu hiệu bất bình thường, tôi cho người đến nhà bà Lan kiểm tra và làm thủ tục thu hồi xe thì bà này bỏ trốn, ba chiếc xe cũng "mất tích" luôn. Với một Cty nhỏ như Cty tôi ,ba chiếc ô tô trị giá hơn hai tỷ đồng là một khối tài sản lớn, tôi như ngồi trên đống lửa, tung mọi nguồn lực tìm kiếm và trình báo CA quận Đống Đa...".

Những chiếc xe tang vật bị giữ trong sân UBND xã. 

Anh Thành thở dài cho biết, khoảng một tháng trước đây, sau nhiều ngày lăn lộn, anh đã phát hiện cả ba chiếc xe của Cty mình đều đang nằm tại nhà riêng cán bộ thú y của UBND xã Tiến Xuân là Trần Đắc Khánh. Để thu hồi tài sản trả cho người bị hại và truy thu tang vật về phục vụ công tác điều tra, cán bộ điều tra CA quận Đống Đa đã vào xã Tiến Xuân để thực thi nhiệm vụ... Tôi cắt lời anh Thành: "Vậy anh đỏ quá còn gì! Bởi, hàng chục chủ xe khác vẫn đang phải mò kim đáy bể kia mà". Anh Thành nói như khóc: "Đỏ gì hả anh! Hơn nửa tháng nay, mấy anh CA và tôi đã lên đây cả mấy lần mà đã thu được xe về đâu". Tôi ngạc nhiên: "Xe tang vật vụ án đã được CQĐT khởi tố kia mà?". Anh Thành trả lời: "Vậy mới lạ, ai không chứng kiến thì khó mà tin được! Cách đây ít hôm, khi CA quận Đống Đa đến nhà ông Khánh để thu hồi tang vật, ông Khánh đã cản trở và điện thoại cho ai đó. Một lúc sau, đích thân ông Kiều Khánh Thiện, Trưởng CA xã cùng một CA viên xuất hiện. Hai vị này đã đẩy mấy anh CA quận Đống Đa ra và nhảy lên hai chiếc xe tang vật phóng như bay ra sân của UBND xã Tiến Xuân, họ khóa cửa xe và cấm chúng tôi đến gần chiếc xe của chính mình. Từ hôm đó đến nay, dù CA quận Đống Đa đã ba, bốn lần lên đây làm việc với CA xã Tiến Xuân, có lần còn có cả CA huyện Thạch Thất đi cùng nhưng ông Trưởng CA xã Tiến Xuân nói thẳng: "Chúng tôi phải giữ tài sản cho dân, cứ mang tiền lên đây mới được lấy xe". Quả là chuyện thật mà khó tin...".

Sau khi tôi cho biết "thân phận" của mình, anh Thành gửi tôi lá đơn tố cáo với lời nhắn nhủ: "Mong các anh đưa vụ này ra ánh sáng để người bị hại đỡ khổ, để pháp luật được nghiêm túc thực thi. Đau lắm anh ạ, mấy chiếc xe của em xịt lốp, vỡ đèn hết cả rồi... Ngày nào em cũng ăn chực nằm chờ ở đây vì sợ họ tẩu tán tang vật, Nhìn xe mà buồn đến phát khóc anh ạ".

Giữ cả xe tang vật


Sau khi xác minh, PV báo PL&XH khẳng định chuyện CA xã Tiến Xuân giữ bảy chiếc xe tang vật của mấy vụ án đã được CA các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên... là chuyện có thật 100%. Những chiếc xe này gồm toàn xe hạng sang như Civic, Tucson, Innova, Everest... chúng được giữ ngay trong sân UBND xã Tiến Xuân. Trong bảy chiếc xe trên có ba chiếc lốp đã hết hơi, bị rạn nứt, đèn và nhiều chi tiết nhựa bị vỡ... Một điều tra viên quận Thanh Xuân xác nhận, anh đã lên xã Tiến Xuân để thu giữ tang vật vụ án nhưng bị CA xã từ chối. Đại diện CA xã Tiến Xuân nói thẳng: "Người dân bỏ ra mấy trăm triệu để cầm xe, không trả tiền thì lấy thế nào được. Chúng tôi trả xe cho các anh thì nói thế nào với dân"...

Cán bộ này khẳng định, những chiếc xe trên là tang vật trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phạm tội đã thuê xe của các cơ sở kinh doanh xe tự lái rồi mang lên đây cầm cố. Pháp luật qui định rõ, đối tượng nhận cầm cố xe phải có giấy phép kinh doanh cầm đồ, xe cầm cố phải chính chủ, phải có đầy đủ giấy tờ theo xe (đăng ký và sổ đăng kiểm - PV) nhưng hầu hết những chiếc xe người dân xã Tiến Xuân đang cầm cố đều không đủ các điều kiện trên. Một chủ nhân của hai chiếc xe "mất tích" xác nhận: "Khi giao xe cho người thuê, chúng tôi chỉ giao giấy tờ phô tô. Vậy mà, một công dân của xã Tiến Xuân lại dám cầm đến cả gần 500 triệu đồng, bất chấp pháp luật".

Sau cả ngày căng thẳng, tối hôm đó trở lại Hà Nội khi Tết đã cận kề, dù mệt tôi vẫn liên lạc với một nhân vật tại vùng Xuân Mai, Sơn Tây để thu thập thêm thông tin. Người này đã cười và nói: "Ở Tiến Xuân có một vài thằng xe gì cũng nhận cầm cố. Có giấy tờ hay không, không quan trọng, quan trọng nhất là lãi suất. Cứ 5.000 đồng đến 7.000 đồng tiền lãi một triệu mỗi ngày là bọn nó xong ngay! Bọn anh nói nó là "ốc đảo" của xe gian. Gọi là ốc đảo vì hai lẽ, thứ nhất là lý do địa lý, ở đó chỉ có hai đường vào, thứ hai là vì Tiến Xuân từng chứa cả trăm cái xe gian mà chả ai biết sợ! Nếu ai đã bị cắm xe vào đây thì mệt mỏi đấy!".

Có dấu hiệu bảo kê?


Sau khi nhận đơn tố cáo của anh Thành, chúng tôi đã liên lạc với Đại úy Nguyễn Thái Hùng, đội Điều tra tổng hợp CA quận Đống Đa, cán bộ thụ lý vụ việc để xác minh vấn đề. Ông Hùng cho biết, ngày 17-1-2011, khi phát hiện hai chiếc xe tang vật trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang nằm trong sân nhà ông cán bộ thú y xã Trần Đắc Khánh, chiếc còn lại nằm trong sân nhà bà Đào Thị Thanh, đều ở thôn Chùa, xã Tiến Xuân. Lực lượng CA quận Đống Đa đã đến nhà hai ông bà trên để tiến hành làm thủ tục thu giữ tang vật vụ án theo các qui định của pháp luật. Bất ngờ là ông Khánh thừa nhận đã nhận cầm chiếc xe với số tiền lớn, dù xe không có giấy tờ nhưng không hề tỏ ra sợ hãi mà còn có thái độ thách thức rồi điện thoại báo cho ai đó. Chỉ vài phút sau, ông Kiều Lương Thiện, Trưởng CA xã Tiến Xuân và vài CA viên đến nhà ông Khánh. Cũng rất bất ngờ, hai chiếc xe tang vật được sự giúp đỡ của CA xã Tiến Xuân lao vút về phía trụ sở UBND xã đồng thời cũng là trụ sở của CA xã Tiến Xuân(?!)...

Xe tang vật vẫn nằm bẹp gí ở sân UBND xã Tiến Xuân. 

Một bị hại kể lại, vị đại diện CA xã Tiến Xuân nói thẳng với anh và lực lượng điều tra: "Chúng tôi phải giữ tài sản cho dân. Người ta bỏ ra mấy trăm triệu để cầm xe, kiếm chút lãi. Đúng là người dân không có giấy phép kinh doanh cầm đồ, xe cũng không có đăng ký, sổ đăng kiểm gốc nhưng có bản phô tô, có hợp đồng thuê xe có dấu đỏ hẳn hoi. Người ta kém hiểu biết pháp luật mới làm vậy. Phải trả tiền cho họ mới được lấy xe chứ"(?!). Dù những điều tra viên ở các quận nội thành giải thích thế nào về qui định thu giữ xe tang vật trong vụ án đã khởi tố, thế nào là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, mấy anh CA xã Tiến Xuân vẫn... lắc đầu nguây nguẩy.

Đại úy Hùng cho biết, CA quận Đống Đa đã làm việc với CA huyện Thạch Thất nhưng đã gần một tháng, tính từ lúc phát hiện những chiếc xe tang vật, dù có phối hợp của CA huyện Thạch Thất nhưng những chiếc ô tô tang vật vẫn nằm bẹp gí ở sân UBND xã Tiến Xuân với sự canh gác nghiêm ngặt của lực lượng CA xã. Vào ngày 15-2, khi PV đang trao đổi với vị Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân thì có tiếng ầm ầm dưới sân ủy ban. Một thanh niên nói: "Tôi là chủ xe. Tại sao xe tang vật mà các anh lại sử dụng để đi ra Sơn Tây. Tại sao xe của tôi lại xẹp hết lốp, vỡ đèn. Các anh bảo kê cho ông Khánh à". Tiếng huyên náo, tiếng la ó, tiếng một CA viên hô: "Ra ngoài ngay... trói nó lại"... Ra ngoài hè để quan sát cùng ông Bí thư, dưới sân là hai thanh niên tự xưng là chủ xe đi cùng với một điều tra viên quận Đống Đa. Một thanh niên bị đứt tung hết cúc áo...
Xe tang vật vẫn nằm bẹp gí ở sân UBND xã Tiến Xuân

Nói một đằng, xằng một nẻo

Tại buổi làm việc ngày 15-2-2011 về việc những chiếc xe tang vật bị giữ trong sân UBND, ông Kiều Lương Thiện, Trưởng CA xã Tiến Xuân thừa nhận: "Đây đúng là bảy chiếc xe tang vật, chúng tôi đã lập biên bản thu giữ. CA một số quận đã mấy lần lên định thu hồi nhưng họ chưa xuất trình đủ các giấy tờ liên quan, họ toàn đưa giấy phô tô. Nếu họ xuất trình quyết định khởi tố vụ án, quyết định thu giữ tang vật có dấu đỏ, chúng tôi lập tức bàn giao xe tang vật". Tuy nhiên, khi điều tra viên của CA quận Đống Đa xuất hiện với đầy đủ các giấy tờ như ông Thiện đã yêu cầu, trước mặt PV, ông Thiện lại nói: "Để tôi xin ý kiến CA cấp trên đã. Chúng tôi chịu nhiều sức ép lắm". Nói rồi, vị này bỏ xuống phòng nghỉ uống trà. Điều tra viên CA quận Đống Đa phân trần: "Tôi trình các quyết định có dấu đỏ nhiều lần rồi. Họ bất chấp pháp luật như vậy đấy".

Cũng tại buổi làm việc, ông Thiện cho biết, cuối năm 2010, có 37 chiếc ô tô cầm cố trái pháp luật tại xã Tiến Xuân đã bị các cơ quan chức năng thu hồi, có nhiều xe thu

Mọi công dân, bất kể là ai, giữ cương vị gì cũng phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Tại sao những chiếc ô tô trong các vụ án lại cứ đổ về Tiến Xuân? Việc bị gây khó dễ khi thu giữ xe tang vật ở xã Tiến Xuân liệu có sự bảo kê của ai? Những điều đó cần được CA TP Hà Nội làm rõ để không tạo tiền lệ xấu trong công tác điều tra.

hồi không đúng trình tự pháp luật. Ông cũng xác nhận, ước tính còn hơn 100 chiếc xe dạng "thuê rồi mang đi cắm" đã "tá túc" ở xã, nhưng giờ nó nằm ở đâu ông cũng không biết(?!) Trước câu hỏi của PV: "Các anh có tuyên truyền để dân hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố hình sự không?". Ông Thiện nói: "Cuối năm ngoái chúng tôi đã thông báo trên loa truyền thanh của xã. CA huyện Thạch Thất cũng có thông báo cảnh báo về vấn đề này nhưng khi đó các vụ cầm cố đã xảy ra rồi".

Ngay tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân, PV được nghe một câu chuyện hy hữu. Vào ngày mùng 4 tết, một vị lãnh đạo của xã dừng chiếc Toyota Altis gần tỷ đồng trước cổng trụ sở UBND để vào chúc tết anh em. Vài phút sau, ông này quay ra thì chiếc xe biến mất, dù chìa khóa vẫn cầm trong tay. Vị lãnh đạo xã này xác nhận: "Đúng là có chuyện đó. Trước tết có người thuê xe tự lái rồi mang lên tận đây cho tôi thuê lại. Tôi không cầm cố mà chỉ thuê lại xe và đưa cho họ vay 600 triệu đồng. Ai ngờ thằng chủ xe thật sự phục sẵn, nó dùng chìa khóa phụ, lợi dụng tôi sơ hở nhảy lên xe phóng về giao nộp cho CA quận Hai Bà Trưng. Hóa ra là xe tang vật. Tôi đã trình báo việc mất xe rồi". Tài ở chỗ, người ta thuê xe tự lái thì phải trả tiền, riêng ông này thuê xe tự lái nhưng cứ mỗi ngày thu lãi vài ngàn đồng/1 triệu(!?).

Ông Sơn, Phó Trưởng CA huyện Thạch Thất cho biết, do nhận thức người dân còn hạn chế nên chuyện cầm cố ô tô không đủ các căn cứ pháp lý tại xã Tiến Xuân là có thật. CA huyện cũng đã phối hợp với CA các quận trong công tác thu hồi tang vật vụ án nhưng có vụ chưa có kết quả vì không có sự hợp tác của người cầm cố tài sản. Trong những ngày tới, CA huyện Thạch Thất sẽ động viên người cầm cố ô tô hợp tác với cơ quan điều tra, nếu ai cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Về việc CA xã Tiến Xuân không bàn giao xe, ông Sơn cho biết: "Nếu CA xã đã lập biên bản giữ xe thì phải bàn giao đúng pháp luật". Tuy vậy, ngày 18-2, những điều tra viên CA quận Đống Đa một lần nữa lại từ xã Tiến Xuân về không. Việc thu giữ tang vật lại bất thành...

TheoM.Tuấn - PL&XH
Bình luận
vtcnews.vn