Đại gia đồng nát bỏ 150 tỉ đồng mua cây

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 10/02/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ trong vòng khoảng 2 năm, vị đại gia chuyên buôn bán đồng nát đã bỏ ra 150 tỉ đồng để mua rất nhiều cây đẹp về chơi.

(VTC News) - Cái tên Phạm Đức Thịnh, hay còn gọi là Thịnh “Hải Phòng”, Thịnh “đồng nát” mới chỉ được biết đến khoảng 2 năm nay, song đã nhanh chóng nổi đình nổi đám. Chỉ trong vòng khoảng 2 năm, vị đại gia chuyên buôn bán đồng nát này đã bỏ ra 150 tỉ đồng để mua rất nhiều cây đẹp về chơi.


Giới chơi cây cảnh vốn choáng nhất là 2 đại gia Toàn “đô la” ở Việt Trì và Phiến “cá” ở Vĩnh Phúc. Đại gia Toàn “đô la” nổi tiếng là vì trong 10 năm qua, đã bỏ ra tổng cộng 120 tỉ đồng mua tổng cộng 500 cây, đều thuộc loại cực đẹp, có tên có tuổi. Đại gia này lập ra mấy công ty khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thép để sản sinh ra tiền phục vụ thú chơi cây cối.

Cây sanh dáng siêu thế Long hồi tích thủy của anh Thịnh. 

Đại gia Phiến “cá” cũng khiến giới chơi cây Hà thành méo mặt khi anh mua sạch cây cối của thủ đô đem về “vườn thượng uyển” rộng mấy ha của mình ở giữa TP. Vĩnh Yên. Ai đã từng vào vườn cây của đại gia này thì đều ngả mũ bái phục. Đi xem cây phải ngồi ô tô, chứ đi bộ thì có mà cả ngày cũng không hết vườn. Chưa ai định giá vườn cây của đại gia này, song có lẽ, có đến quá nửa cây đẹp vốn thuộc sở hữu của các đại gia Hà thành đã bị bứng về đây.

Ngoài ra, một người nữa của Phú Thọ (lại là người đất Tổ), cũng đã ghi tên vào câu lạc bộ tỉ phú chơi cây, đó là ông Thành “vàng”, chủ mấy hiệu vàng có tên Nam Thành. Năm qua, đại gia này đã nổi đình nổi đám bởi có cây “mâm xôi con gà”, mà tự ông định giá lên đến 120 tỉ đồng. Chuyện cây “mâm xôi con gà” có đến từng đó hay không, còn phải chờ người mua, song có thể khẳng định, ông chủ hiệu vàng này cũng là một đại gia hàng đầu về cây cảnh ở Việt Nam, hiện sở hữu vườn cây trị giá cả trăm tỉ.

Cây sanh cổ Lực sĩ của anh Thịnh.

Nếu mấy năm trước, hai đại gia Toàn “đô la” và Phiến “cá” gây sóng gió với giới chơi cây cả nước, vì khả năng thu gom sạch sẽ cây đẹp, thì 2 năm nay, cái tên Thịnh “Hải Phòng”, Thịnh “đồng nát” lại nổi lên như “bom tấn”. Đại gia này không nổi danh trên báo chí, nhưng nổi danh trên các diễn đàn cây cảnh, thường xuyên xuất hiện trong các cuộc bàn luận sôi nổi của giới chơi cây.

Nhiều người đồn thổi, rằng tay này chắc là “xã hội đen” rửa tiền bằng cách mua cây cảnh, lại có người đồn chắc là quan lớn cướp được tiền thiên hạ, nên mới mua cây bạc tỉ cứ như mua mớ rau. Tóm lại, trong giới chơi cây, ai cũng biết cái tên Thịnh “Hải Phòng”, nhưng tuyệt nhiên chả biết ông này là ai. Người ta chỉ biết rằng, anh đã càn quét khắp đất Nam Định và mua rất nhiều cây đẹp nhất, đắt nhất.

Anh Thịnh bên cây Long giáng thế Thần Vũ Hoàng đế. 

Mới đây, “đại gia đồng nát” Phạm Đức Thịnh tiếp tục gây sửng sốt giới chơi cây cả nước, khi mang mấy bao tải tiền mua cây “Đằng vân thập toàn” của ông Cường “giống” ở Hải Dương với giá 7,5 tỉ đồng. Giới chơi cây thủ đô cũng được một phen kính nể khi anh bỏ 10 tỉ đồng mua vãn vườn cây của đại gia Huy “Mai Lĩnh” ở Hà Nội.

Anh Thịnh bên cây "Đằng vân thập toàn" mà anh mua với giá 7,5 tỉ đồng. 

Bỏ 20 tỉ làm siêu phẩm cây cảnh

Tên tuổi anh Thịnh được biết đến nhiều hơn sau cuộc đại triển lãm Sinh vật cảnh 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hôm diễn ra khai mạc, hàng chục vạn người đã xếp hàng, chen chúc vào Bảo tàng Hà Nội để chiêm ngưỡng cây cối và ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm kì vĩ có tên “Chiến thắng Bạch Đằng”.

“Chiến thắng Bạch Đằng” gồm 5 tác phẩm cây cảnh có một không hai, được trồng trên những khối gỗ lũa khồng lồ có hình dáng con thuyền.


Anh Thịnh bên tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng". 

Theo lời anh Thịnh, để chào mừng thủ đô 1.000 tuổi, anh đã nung nấu ý định làm một tác phẩm khác người từ nhiều năm nay. Anh muốn đại diện cho người Hải Phòng, dâng lên thủ đô một thông điệp thật ý nghĩa. Để biểu đạt được tinh thần đại lễ, anh Thịnh nghĩ phải có một tác phẩm mang tính lịch sử. Hải Phòng là nơi diễn ra trận chiến Bạch Đằng hùng tráng, nên anh đã lấy trận chiến đó làm cảm hứng sáng tạo.

Có ý tưởng rồi, anh bắt tay vào thực hiện. Anh đã đi dọc dải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để tìm cho kỳ được những thân lũa sao đen đẹp nhất, lớn nhất. Để mua được những cây lũa sao đen có tuổi từ 1.000 đến 2.000 năm này này là cả một kỳ công, trong đó có phần may mắn.

Có những thân lũa to, anh lập xưởng trong TP. Hồ Chí Minh, thuê các chuyên gia tạo tác gỗ lũa thành những con thuyền, rồi trồng, chăm sóc cây cảnh, cấy đá trầm tích trên những con thuyền có đường kính 1,4m và dài tới 10m.

 

Mỗi chiến thuyền đều mang một ý tưởng riêng. Chiến thuyền trồng mai chiếu thủy có tên “Thụ lâm bồng thạch”, có nghĩa là rừng cây cổ thụ nằm trên đá. Tác phẩm gồm 28 cây mai chiếu thủy, tương ứng với 28 chùm sao trên bầu trời. Trong lĩnh vực chiêm tinh, bầu trời gồm 7 chùm sao, chia ra 4 hướng gọi là nhị thập bát tú. Từ các chùm sao, các nhà chiêm tinh luận giải thời tiết, cuộc sống con người…

Chiến thuyền “Ngũ đại thập quốc” cũng rất ý nghĩa. Ý của tác phẩm là 5 triều đại với 10 vương quốc đã từng thất bại khi xâm lược nước ta. Tác phẩm này trồng toàn tùng la hán. Tùng la hán biểu tượng cho quân xâm lược Nam Hán, đã bị thảm bại trong trận Bạch Đằng giang.

Du khách đều ngỡ ngàng trước những "thuyền cây". 

Hai chiến thuyền có tên “Cổ tùng sơn” và “Thạch thụ tương sinh” trồng toàn duyên tùng. Hai con thuyền cây này thể hiện khí phách ngút trời song cũng đầy lòng bao dung của người Việt.

Hiện tại, anh Thịnh có một số vườn cây ở Hải Phòng, nhưng riêng 5 tác phẩm cây cảnh độc đáo này anh đặt trước trụ sở công ty ở Quán Toán để được ngắm nghía, chiêm ngưỡng hàng ngày.

Để có được những tác phẩm độc nhất vô nhị này, anh đã phải tốn rất nhiều công sức, lặn lội gần chục năm trời và chi phí ngót 20 tỉ đồng. Với anh, tác phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng” là là một tác phẩm cây cảnh… vô giá.

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn