Thú vị làng nuôi cá mà mong cá… không lớn

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 18/01/2011 06:00:00 +07:00

VTC News) - Họ nuôi cá mà chả mong cá lớn. Nuôi cả năm trời mà chỉ mong cá bằng hai, ba đầu ngón tay rồi bán cho thiên hạ cúng ông Táo về trời.

(VTC News) - Tuy Lộc là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Người dân ở đây ngoài nghề ươm rau giống còn có nghề nuôi cá chép đỏ. Họ nuôi cá mà chả mong cá lớn. Nuôi cả năm trời mà chỉ mong cá bằng hai, ba đầu ngón tay rồi bán cho thiên hạ cúng ông Táo về trời. Câu chuyện về một làng quê miền trung du nuôi cá chép đỏ cứ như đùa mà lại phát tài.

Cá “ma” hóa... vàng

Xưa kia, ông Trần Văn Sáu thường đạp chiếc xe hai sọt hơn 130 cây số từ Tuy Lộc xuống thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) để mua cá giống rồi bán lẻ cho những gia đình có nhu cầu thả cá ở khắp các tỉnh đồng bằng. Ông thường đi cả tháng mới về một lần.

Một ngày cách đây 35 năm, ông Sáu thấy một người nuôi cá giống có mấy con cá đỏ chót, trông rất lạ mắt. Ông Sáu hỏi mua, song người đó không bán, họ bảo để nhân giống. Theo lời họ, giống chép đỏ này có xuất xứ từ Nhật Bản. Phải đến năm sau, khi họ nhân giống thành công, ông mới mua được 4 con bằng ngón tay đem về để nuôi và cho dân làng chiêm ngưỡng.

Một góc làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm. 

Lúc mang 4 con cá lạ về nhà, mọi người đổ xô đến xem, ai cũng thấy thích thú. Một số người mê tín thì loan tin ông Sáu mang cá “ma” về làng. Người dân có quan niệm “chim sa cá nhảy” nên rất sợ những loài cá lạ, chưa từng nhìn thấy. Nhiều người còn chỉ trích, phản đối việc ông Sáu rước cá “ma” về làng nuôi và yêu cầu ông phải mang ra sông thả. Tuy nhiên, mặc kệ đàm tiếu, ông Sáu cứ nuôi.

Khi 4 chú cá đỏ chót lớn một chút, ông Sáu mới nhận ra những chú cá đỏ đều là đực. Ông lại hộc tốc đạp xe xuống Trạm Trôi để mua con cái về nhân giống. Thế nhưng, ở Trạm Trôi có bệnh dịch nên trại cá giống của anh nọ chết sạch. Toàn bộ số cá chép đỏ anh này nhân giống đã mất trắng.

Cá chép "ma" giờ đã hóa vàng ở Tuy Lộc. 

Năm sau tát ao, gia đình ông Sáu và dân làng lại được bữa hoảng hồn. Trong ao nhà ông có rất nhiều cá “ma”, với thân mình nửa trắng, nửa hồng, loang lổ, trông phát khiếp. Ông Sáu thì hiểu rằng đó là do cá trắng và cá đỏ giao phối với nhau nên mới tạo ra lũ cá con kỳ lạ như thế. Ông Sáu lựa chọn những con toàn màu đỏ thả chung với nhau, và bây giờ cả xã Tuy Lộc có giống cá chép đỏ làm giàu. Ông Sáu nói vui: “Chép ma nay đã hóa vàng”. Nhiều người đã giàu lên trông thấy nhờ 4 con cá “ma” ông mang về.

Nuôi cá cả năm bán… một ngày

“Chả đâu có nghề nuôi cá lạ như ở đây. Nuôi cả năm rồi bán một ngày. Cứ chơi chơi vậy thôi mà cứu đói cho cả làng đấy!”- anh Nguyễn Xuân Lượng, cán bộ văn phòng thông tin tổng hợp xã Tuy Lộc, người dẫn chúng tôi đi thăm các ao cá khẳng định như thế.

Làng Thủy Trầm có 564 hộ thì có 500 hộ nuôi cá chép đỏ. 

Bắt đầu từ những ngày 15, 16 tháng chạp, cả xã Tuy Lộc đã nhộn nhịp như ngày hội. Khắp các thôn Thủy Trầm, Tăng Xá, Quyết Tiến, Dư Ba, ngày đêm nhộn nhịp tiếng xe máy, ôtô, tiếng máy nổ Hoa Sen, tiếng vòi nước phun ào ào. Suốt đêm, suốt ngày người dân làm việc cật lực, để những chú cá chép đỏ này đi đến những vùng miền khác nhau trên khắp đất nước. Công việc khẩn trương, gấp gáp vì cả năm mới có một ngày ông Táo, chậm chễ trong khâu tát ao, bắt cá, liên hệ tìm mối bán là coi như... công cốc cả năm.

Cả xã Tuy Lộc nuôi cá chép đỏ, nhưng thôn Thủy Trầm nuôi nhiều hơn cả. Thôn Thủy Trầm cũng là nơi khai sinh cho giống cá chép đỏ. Cả thôn có 564 hộ thì có gần 500 hộ có ao nuôi chép đỏ. Có gia đình đào 5-10 cái ao để nuôi giống cá này.

Trước kia, cánh đồng của thôn Thủy Trầm chỉ làm được một vụ. Mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên ngập một màu đỏ mênh mông, lúa không lên, rau không sống được. Nay có nghề nuôi cá thì đào ruộng, đắp bờ thành ao, vừa có kinh tế lại nhàn nhã. Dân Thủy Trầm ngày thường vẫn vi vu đi nơi này, nơi kia, thậm chí lên tận Yên Bái để bán rau giống, gần Tết bán cá chép đỏ. Cuộc sống cũng vì thế mà dư giả.

Những chú cá to thế này bán không được giá bằng cá nhỏ. 

Thôn Thủy Trầm có hai anh em Hà Công Kỷ và Hà Công Vụ nổi tiếng nhất làng về thu nhập cũng như tài nuôi cá chép đỏ. Mỗi anh có tới vài sào ao. Bình thường thì nuôi cá thịt, đến giữa năm họ đánh bắt hết cá thịt đem bán, rồi thả dày đặc chép đỏ.

Những ngày này, vợ chồng con cái đều bận rộn, mỗi người một việc. Anh Kỷ và anh Vụ phải dựng chiếc lều giữa cánh đồng để ngủ đêm canh cá. Cậu con cả tất tả chuẩn bị máy bơm nước. Ngày cũng như đêm, người người nhộn nhịp, điện thắp sáng trưng, nước chảy ra kênh ào ào, cá nhảy đành đạch, ai cũng vui vẻ, gọi nhau ầm ĩ khắp cánh đồng.

Mỗi gia đình ở thôn Thủy Trầm thường có vài cái ao, song mỗi ao chỉ độ 7-8 thước. Họ thường ngăn các ao lớn thành nhiều ao nhỏ rồi thả với mật độ thật dầy để chúng... chậm lớn. Thông thường, mỗi mét vuông mặt nước thả từ 500 đến 700 con, và như vậy, mỗi ao cá vài thước có đến hàng vạn con cá. Cá càng nhỏ càng dễ bán, càng nhỏ càng có giá và càng nhỏ nuôi càng đỡ tốn, đó là lý do khiến nghề nuôi cá chép đỏ ở Tuy Lộc trở thành nghề có lợi nhuận cao.

Người Tuy Lộc nuôi cá cả năm, song chỉ bán một ngày. 

Vào mỗi dịp Tết ông Táo, riêng thôn Thủy Trầm cung cấp tới trên dưới 40 tấn cá chép đỏ cho nhân dân khắp cả nước. Mỗi ao cá 10 thước của anh Kỷ, anh Vụ cho thu hoạch khoảng 150kg chép đỏ. Giá bán thông thường là 150 ngàn/kg. Như vậy, mỗi ao 10 thước, qua 6 tháng thả cá chép đỏ, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Và với vài cái ao như thế, ít nhất mỗi anh cũng có cả trăm triệu mỗi năm.

Anh Trần Văn Đức, người có tới 7 cái ao, rất tự hào về nghề nuôi cá chép đỏ của làng mình. Nhìn những cái ao vuông vắn, nhỏ nhắn ngoài đồng, nước xanh leo lẻo, cứ ngỡ ao hoang, vậy mà khi anh bốc nắm bột sắn ném xuống, cá nổi lên đỏ lựng cả mặt ao. Anh Đức kể: “Nuôi chép đỏ là dễ nhất, nhàn nhất. Cá giống đã có sẵn. Giữa năm tiêm thuốc kích thích cá giống là chúng đẻ ầm ầm. Sắn trồng bát ngát trên đồi, nên cứ xay cho chúng ăn thỏa thích. Cả năm cũng chỉ cho ăn hết tấn sắn, hết vài triệu bạc, không đáng là bao. Tiền đầu tư ít, cuối năm vét ao bán sạch là xong, quá nhàn nhã”.

Mặc dù năm nào người Tuy Lộc nuôi cá cũng được mùa và một số xã lân cận cũng đã học tập nuôi cá chép đỏ, song không vì thế mà cá bị ế. Từ ngày 14, 15 tháng Chạp, ao chưa tát xong, tư thương từ mãi Yên Bái, Việt Trì, Hà Nội... đã đánh ôtô, xe máy đậu kín đầu làng. Cá chép đỏ rực cả sân, ruộng. Cá được cho vào các thùng, sọt rồi chất lên ôtô, xe máy ầm ầm chạy về xuôi để kịp phân tán về những vùng miền khác nhau. Dân lái buôn thường phải lên Tuy Lộc dấm dúi tiền trước cả tháng, thậm chí nửa năm để chắc chắn có nguồn hàng, không bị mua hụt.

Con cá chép nhỏ bé đã mang lại no ấm cho người dân vùng trung du Tuy Lộc. 

Thấy nghề buôn cá có lời nên dân Tuy Lộc cũng đầu tư để trở thành ông chủ thu gom cá. Tuy Lộc hiện có 3 đại gia thu mua là anh Nghĩa, anh Minh và anh Tình. Nếu dân nuôi chép đỏ lãi một thì tư thương lãi gấp đôi, gấp ba. Mỗi vụ buôn này họ có thể kiếm được vài chục đến cả trăm triệu, đủ để ăn chơi cả năm trời chờ mùa cá tới.

Quả thực, nghề nuôi cá chép đỏ đang đem lại lợi nhuận lớn cho dân Tuy Lộc. Chẳng ai ngờ rằng, ở một xã trung du xa xôi như thế lại có cái nghề nuôi cá chép đỏ và chẳng ai nghĩ rằng mấy chú cá mà người dân xưa kia nghi là “cá ma” ấy đã xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Trước khi ra về, anh Trần Văn Hà - Chủ tịch xã Tuy Lộc còn khoe với chúng tôi: “Nuôi cá chép đỏ lãi gấp chục lần trồng lúa và hoa màu nên dân xã tôi thi nhau chuyển đổi. Chỉ tiếc là đồng áng quá nhỏ bé, không đủ sức cho người làm”.

Năm nay, ông Táo lại cưỡi chép đỏ để về trời, người dân Tuy Lộc lại có một cái Tết vui vẻ, no ấm.


Vị Thủy

 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.



Bình luận
vtcnews.vn