Đua nhau phá nát Vườn quốc gia Tam Đảo

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 08/01/2011 09:31:00 +07:00

“Cơn bão” săn tìm quặng thiếc đã xảy ra ở đây 10 năm, cũng từng đó thời gian kiểm lâm bất lực, để mặc người dân lấy đi tài nguyên quốc gia, phá hủy môi trường.

Vườn quốc gia Tam Đảo là khu vực thuộc diện phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng đã 10 năm nay, nạn khai thác quặng thiếc như vòi bạch tuộc phá rỗng rừng mà các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ.


Vườn quốc gia Tam Đảo trải dài trên 3 huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đại Từ (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). “Cơn bão” săn tìm quặng thiếc đã xảy ra ở đây 10 năm, cũng từng đó thời gian lực lượng kiểm lâm của Vườn “bó tay” bất lực, để mặc người dân lấy đi tài nguyên quốc gia, phá huỷ môi trường, triệt hạ cây cối...

Núi của lộ thiên

Mới 6 giờ sáng, khi sương núi còn giăng khắp những rặng tre, cánh đồng của xã Thiện Kế (Sơn Dương, Tuyên Quang), từng đoàn hàng trăm người, cả đàn ông, đàn bà, trẻ em lặng lẽ vượt dốc men theo con Suối Đất để chui vào tiểu khu 866, thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo.

Cứ tưởng bà con ở đây đi rừng sớm, tôi thắc mắc với ông chủ nhà Voong Chăn - người gốc Hoa lưu lạc vào vùng rừng này từ năm 1978, thì ông cho biết đó là những người đi đào quặng thiếc.

Người dân khai thác quặng thiếc trong khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo. 

Câu chuyện về núi của lộ thiên bắt đầu cách đây 10 năm. Một đám thợ rừng lên núi xẻ trộm gỗ, khi họ đào đất để làm bếp và nhóm lửa nấu cơm thì bất ngờ từ đống đất mới xúc lên phát ra những tiếng nổ lốp bốp. Thì ra sức nóng của ngọn lửa đã làm cho những cục quặng phát nổ.

Với kinh nghiệm sống ở vùng thiếc Sơn Dương lâu năm, đám thợ rừng biết ngay họ đang nhóm lửa trên một mỏ “vàng trắng”. Gọi quặng thiếc là “vàng trắng” vì giá quặng thiếc lúc đó khoảng 60.000 đồng/kg. Đám thợ rừng chẳng cần xẻ gỗ nữa mà về nhà vác xẻng, vác cuốc, đưa máng lên núi để đãi quặng.

Lúc đó quặng nhiều vô kể, chỉ việc gạt lớp đất mỏng ở bề mặt ra là xúc được quặng. Tin loang ra, người người, nhà nhà lên núi đãi quặng, trẻ em cũng bỏ học theo bố mẹ lên rừng kiếm ăn. Cao điểm là năm 2002, trong rừng có hàng nghìn người tranh nhau đào bới. Vì giá quặng cao, nhiều nhà với 2 vợ chồng một ngày kiếm được bạc triệu. Quặng thiếc làm cho người dân xã Thiện Kế như rực lên vì vớ được của, nhiều nhà đổi đời...

Những tệ nạn xã hội, cờ bạc, đĩ điếm... cũng dần dần tìm đường lên núi tụ lại thành những lán trại, tập đoàn. Tất cả đều giao dịch bằng... quặng. Hoạt động đào bới quặng nhộn nhịp bao nhiêu thì kéo theo tốc độ phá rừng cũng nhanh bấy nhiêu. Lò quặng đi đến đâu cây rừng ở vùng đó bị bật gốc, đất đá ở đó bị đào bới xới lộn ngổn ngang. Dòng suối nổi tiếng trong xanh là nguồn nước tưới cho cả cánh đồng trù phú của xã Thiện Kế bị bức tử, lúc nào cũng đục ngầu.

Vào mỏ

Để vào khu vực quặng thiếc, tôi phải đóng vai người đi lấy cây thuốc nam để tránh những cái nhìn soi mói của đám “quặng tặc”. Sau 2 tiếng luồn rừng, tôi vẫn thầm khen những người kiểm lâm ở đây làm tốt nhiệm vụ, vì suốt đường đi cây cói rậm rạp che kín cả bầu trời.
Quặng thiếc làm cho cả một vùng rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Tam Đảo với những cây cổ thụ hàng trăm năm đã trở thành vùng đất chết. Cho tới bây giờ đã 10 năm, cảnh bới đất lật núi vẫn tiếp diễn và chưa có lúc nào ngừng nghỉ.

Anh Phú - một thầy lang đi lấy thuốc và là người dẫn đường cho tôi nói: “Dân ở đây chặt gỗ làm quái gì? Lấy gỗ được ở rừng ra vừa nặng lại mang tội phá rừng. Ai có sức thì đi làm quặng hết rồi, chẳng phải đầu tư gì mà ngày có vài trăm bỏ túi”. Thì ra rừng ở đây còn tốt bởi lẽ người dân chưa thèm động tới.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi những tiếng nổ ùng oàng từ trên núi vọng xuống. Anh Phú nói: “Sắp đến vùng quặng rồi, tiếng mìn phá đá ở các hầm vọng ra đó”.

Tôi có cảm giác sau mỗi tiếng nổ, những đỉnh núi và gốc cây ở đây run bần bật. Men theo đoạn suối đục ngầu màu đất đỏ, tôi không tin vào mắt mình nữa: Lưng chừng một ngọn đồi có tới hàng trăm người, đàn ông thì ra sức đập đá, còn đàn bà thì miệt mài đãi quặng ở những vũng nước được ngăn lại từ suối. Khung cảnh tấp nập hối hả như một đại công trường.

Đây được coi là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Tam Đảo ở độ cao 800m, nhưng bị cày lộn lên, những cây cổ thụ bật gốc ngổn ngang, đá được xếp thành kè ở bên những miệng hố khai thác sa khoáng.

Tôi đang hý hoáy chụp ảnh, thì một ông cầm tảng đá to tướng như từ dưới đất chui lên, quát: “Làm gì đấy? Nhà báo à? Đừng động vào công ăn việc làm của bọn tao, không thì đừng hòng ra khỏi rừng”.

Chỉ vào mấy cây thuốc đựng sau ba lô, tôi đấu dịu: “Bác nóng quá, em chụp mấy cây thuốc thôi, việc ai người đấy làm chứ sao mà bác phải cảnh giác thế?”. Dứ dứ hòn đá vào mặt tôi, tay quặng tặc nói: “Liệu hồn đấy, bọn tao mất bao nhiêu công sức mới được vào đây làm mà phá thì ăn đòn đấy, hiểu chưa?”.

Chỉ tới khi thấy những người đi cùng tôi lỉnh kỉnh khoác những gốc Ngũ gia bì đi tới, người đàn ông đó mới vứt hòn đá xuống, dịu giọng: “Đây toàn đất với đá, làm gì có lá thuốc mà vào, sang khu khác tìm đi”.

Kéo tôi đi tiếp, anh Phú dặn: “Cẩn thận đấy, vào được vùng quặng không dễ đâu. Nhiều người lạ vào làm quặng còn bị đánh cho bật bãi, không trụ được”.

Còn nữa...

Theo Gia Tưởng - NTNN

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.

Bình luận
vtcnews.vn