Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 24/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tôi quyết định vạch rừng tìm đường trèo núi, với khát vọng dù không là người đầu tiên, thì cũng là nhà báo đầu tiên chinh phục “nóc nhà Đông Bắc".

(VTC News) - Tôi đã quyết định vạch rừng tìm đường trèo núi, với khát vọng dù không là người đầu tiên, thì cũng là nhà báo đầu tiên chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” của Việt Nam.


Kỳ 1: Hành trình thất bại

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, quá yêu môn địa lý, cô giáo đã tặng tôi một tấm bản đồ nước Việt. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn ngắm tấm bản đồ, rồi ao ước được đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Những đỉnh núi chìm trong mây mù luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Gần 10 năm làm báo, tôi đã đi khắp mọi miền Tổ quốc và đã đặt chân lên rất nhiều đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với tôi, hai đỉnh núi, gồm Fansipan – “nóc nhà Tây Bắc” và Tây Côn Lĩnh – “nóc nhà Đông Bắc Việt Nam”, là hai đỉnh núi hấp dẫn nhất.

"Nóc nhà Đông Bắc" lúc nào cũng chìm trong mây mù. 

Tôi đã trèo Fansipan vài lần và mỗi chuyến đi như cuộc rong chơi, ngoạn cảnh. Xưa kia, con đường từ Xín Chải cuốc bộ lên Fan mất 5 ngày còn vất vả, chứ đường từ Núi Xẻ lên như bây giờ quá dễ dàng, không còn sức hấp dẫn nhiều nữa.

Ở Tây Bắc, có vô vàn đỉnh núi cao và hiểm trở. Ngay cạnh đỉnh Fansipan được coi là “nóc nhà Đông Dương”, còn có đỉnh Phu Ta Leng cao tới 3.096m. Đỉnh này nằm ở phía Tây Bắc đỉnh Fansipan, thuộc đất Lai Châu. Ngay cạnh đỉnh núi này, cũng trên dãy Hoàng Liên Sơn, là ngọn Bạch Mộc Lương Tử, cao 2.998m.

Ít ai biết rằng, ngoài những đỉnh cao huyền thoại của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, còn có một đỉnh núi khác cũng cao vượt ngưỡng 3.000m, đó là đỉnh Pu Si Sung, cao tới 3.076m. Đỉnh này nằm ở Tây Bắc của Lai Châu, là đầu nguồn của hàng loạt con suối đổ ra sông Đà và sông Nậm Na, sát biên giới Việt – Trung. Quanh chân ngọn núi ấy, chỉ có người La Hủ ở, những cư dân có đôi chân nhỏ, nhưng bắp và gân chân quấn quện như những sợi dây thừng.

Phóng viên vượt đoạn đường đầu tiên của quá trình chinh phục Tây Côn Lĩnh. 

Ở nơi giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái và Sơn La, còn có đỉnh núi huyền thoại, là đỉnh U Bò, cao tới 2.879m. Không rõ ngọn núi này nằm trên địa phận của tỉnh nào, nhưng chinh phục từ phía xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) hoặc từ hướng xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) đều được. Tôi đã từng trèo lên đỉnh núi này trong chuyến vào “vương quốc hoa anh túc”, với 5 ngày cuốc bộ.

Hầu hết những “nóc nhà” ở vùng Tây Bắc Việt Nam tôi đã chinh phục thành công, nhưng đỉnh Tây Côn Lĩnh, “nóc nhà Đông Bắc”, ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam vẫn như thách thức.

Phóng viên trên đỉnh Fansipan. 

Sau khi đã tham khảo đủ các loại bản đồ địa chất, các cán bộ địa phương, đồng bào ở vùng Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, tôi nhận thấy, có nhiều con đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Một đường từ xã Cao Bồ (thuộc huyện Vị Xuyên) đi lên. Tuy nhiên, con đường này xa xôi, hiểm trở, lại phải cắt hết cả Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh rộng cả chục ngàn héc-ta, quả là không khả thi.

Con đường thứ hai từ phía đường mòn dọc biên giới. Đây là con đường nhỏ xíu, cheo leo vách đá, được mở ra lẫn với giao thông hào hồi chiến tranh biên giới. Con đường này nối tắt từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đến cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên). Nhưng con đường này cũng không khả thi, bởi vì, phải đi xe máy mất cả ngày trời rất vất vả qua Pố Lồ đến Lao Chải. Từ Lao Chải, theo bản đồ địa hình, đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh còn rất xa, mà không thể tìm được người dẫn đường, vì quanh khu vực không có dân cư.

Phương pháp leo núi của đồng bào sống dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh. 

Cứ chiếu theo bản đồ, chỉ có con đường chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” từ hướng xã Túng Sán là khả thi nhất. Kẻ chỉ trên bản đồ, tính theo tỉ lệ, thì từ trung tâm xã Túng Sán, theo đường chim bay, lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh không xa lắm. Đường chim bay thì là vậy, nhưng đường bộ loanh quanh trên núi thì phải gấp vài lần. Nhưng may mắn là từ trung tâm xã, còn có một bản nằm dưới chân ngọn núi này, đó là bản Chúng Phùng. Từ bản Chúng Phùng sẽ tìm đường lên mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh huyền thoại.

Đã có tổng cộng 3 lần tôi tìm đường vào tận bản Chúng Phùng, nhưng chỉ dừng ở chân núi. Lần thứ nhất là mùa thu năm 2007, lần thứ hai là năm 2008 và lần thứ ba cũng là mùa thu 2009.

Phút hiếm hoi lộ ra khỏi mây mù của "nóc nhà Đông Bắc". 

Năm 2007, sau khi đánh vật với chiếc xe win 100 suốt một ngày trời, rã rời tay chân, tôi mới vào đến UBND xã Túng Sán. Ông Bí thư xã Giàng Quáng Hòa nhìn tôi như người… ngoài hành tinh. Bởi vì, con đường 30 cây số từ thị trấn Vinh Quang vào Túng Sán là đường… đi bộ. Ông không hiểu bằng cách nào mà tôi cưỡi được xe máy vào. Thực ra, tôi và anh Trịnh Tưởng, cán bộ Ngân hàng chính sách huyện Hoàng Su Phì cưỡi xe thì ít, mà đẩy xe, khiêng xe thì nhiều, mới vào được đến nơi. Bây giờ, đường vào Túng Sán đang được mở rộng, xe chạy ra vào ngon lành, nhưng khi đó, đồng bào, cán bộ xã vẫn phải về huyện họp chợ bằng đôi chân.

Sau khi trình bày ý muốn chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, ông Hòa có vẻ mặt trầm trọng. Ông gọi chủ tịch, công an xã, công an cắm bản, xã đội… sang phòng ông, cùng bàn bạc với phóng viên. Ông bảo, gần 60 năm sống ở Túng Sán, khả năng leo núi như sơn dương, luồn rừng như cầy cáo, leo cây như khỉ vượn, thế nhưng, ông chưa từng đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Một trong số hàng vạn thân cây khổng lồ trong rừng Tây Côn Lĩnh. 

Ông Hòa hỏi han toàn bộ anh em cán bộ trong xã, song ai cũng lắc đầu, chưa từng lên cái đỉnh núi mà nhắc đến tên ai ai cũng biết đó. Theo lời ông Hòa, từ ngày ông lớn lên ở xã Túng Sán, rồi làm cán bộ xã mấy chục năm nay, ông chưa nghe nói đến ai từng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Còn trước khi ông sinh ra, thời Pháp, đã có ai leo lên đỉnh núi hay chưa, thì ông không biết.

Nghe tôi đề xuất leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ông Hòa xúc động lắm. Ông bảo, có lẽ cũng phải lên đó một lần, kẻo sinh ra ở chân núi, rồi chết đi cũng ở dưới chân núi, không một lần trèo lên “nóc nhà Đông Bắc”, thì sống quả phí một đời.

Thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh trong thân cây khổng lồ  đã mục ruỗng giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh. 

Rồi ông Bí thư Giàng Quáng Hòa dẫn tôi ra phía sau trụ sở ủy ban xã chỉ tay về phía mây mù bảo: “Phải cuốc bộ một ngày đường đến điểm trường Túng Quá Lìn, rồi nửa ngày nữa đến bản Chúng Phùng, mới nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh. Mình cũng chỉ mới đi đến bản Chúng Phùng thôi, vì từ đó là hết đường rồi. Theo phán đoán của mình, từ bản Chúng Phùng lên đỉnh núi phải mất ngày rưỡi đến hai ngày”.

Nghĩ đến đoạn đường chinh phục mỏm núi cao nhất của dãy núi huyền thoại Tây Côn Lĩnh mà oải. Tuy nhiên, tôi đã quyết định vạch rừng tìm đường trèo núi, với khát vọng dù không là người đầu tiên, thì cũng là nhà báo đầu tiên chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” của Việt Nam.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn