1,82 mạng người đổi 1 triệu tấn “vàng đen”

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 21/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tôi hỏi con cái cụ thế nào, cụ bảo: “Tôi có hai thằng. Một thằng đã chết mà chưa chôn, còn một thằng đã chôn mà chưa chết”.

(VTC News) - Hầu như tháng nào cũng có người tử nạn vì “vàng đen” và mỏ nào cũng từng có người nằm lại trong lòng đất. Có một vị cán bộ đã tính toán rồi đưa ra một con số cụ thể đến xót xa: 1 triệu tấn than đổi lấy 1,82 mạng người.

Có làm việc trong hầm than, nghe công nhân tâm sự, mới thấy nghề thợ mỏ có quá nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chỉ cần hệ thống quạt gió ngừng hoạt động, nếu công nhân không thoát ngay ra khỏi hầm, có thể gục ngã, tắt thở vì thiếu ôxi, vì khí độc xâm nhập.

Phần lớn các vụ tai nạn hầm mỏ trên thế giới là do nổ khí. Trong môi trường hầm mỏ, nếu hệ thống thông gió gặp vấn đề, các loại khí dễ cháy tập trung đậm đặc, đặc biệt là khí mêtan, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Khai thác than lộ thiên như thế này ít nguy hiểm tính mạng hơn. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tai nạn hầm mỏ chủ yếu do bục túi nước. Chúng ta thường nghe các thông tin tai nạn hầm mỏ do bục túi nước, song không mấy ai hiểu bục túi nước là gì.

Ở Quảng Ninh, hiện tượng khai thác than thổ phỉ diễn ra rất phổ biến. Họ đào núi thành những đường hầm như kiểu hang chuột, khai thác than rất liều mạng. Khi công nhân mở hầm ngang dọc trong lòng núi để đào than, có thể không biết rằng, ngay trên đầu mình, giới khai thác than thổ phỉ cũng đang đào hầm, nổ mìn ầm ĩ.

Công nhân khai thác than thời Pháp. 

Khi những cái hầm này bỏ hoang, nước mưa tích tụ đầy, hoặc nước từ các khe chảy ngập hang, sẽ tạo thành những túi nước khổng lồ, chứa hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước. Nếu những cái túi nước này nằm gần hầm khai thác của công ty, có thể thủng, bục bất cứ lúc nào. Chỉ trong chớp mắt, hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước ộc xuống, sẽ nhấn chìm công nhân. Công nhân làm việc ở nơi bị bục túi nước, nếu không chết đuối, thì cũng bị đất đá hoặc than vùi lấp.

Tôi đã đến nhiều ngôi làng ở vùng mỏ, với những gia đình có nhiều thế hệ làm than, và thấy rằng, thật khó có thể tìm ra một ngôi làng không có người mất mạng vì nghề than.

Tôi nhớ mãi câu chuyện với một cụ già ở vùng than Quảng Ninh. Cụ vốn là công nhân kỳ cựu của ngành mỏ. Tôi hỏi con cái cụ thế nào, cụ bảo: “Tôi có hai thằng. Một thằng đã chết mà chưa chôn, còn một thằng đã chôn mà chưa chết”. Mãi sau, tôi mới hiểu, người con mà cụ cho rằng đã chết mà chưa chôn đang nghiện nặng, còn người con đã chôn mà chưa chết thì đang làm công nhân khai thác mỏ.

Phóng viên trong hầm than ở độ sâu âm 50m so với mực nước biển.  

Những người mẹ, những người vợ chỉ có thể thở phào khi đứa con, khi người chồng xuất hiện ở đầu ngõ sau mỗi ca vào lò. “Chiều nào em đi làm về, cũng thấy vợ ôm con đứng chờ ở đầu ngõ. Em đi làm than thì vất vả rồi, nhưng vợ lại phải sống trong nỗi lo toan thấp thỏm, còn mệt mỏi hơn em. Giờ bỏ nghề thì không biết làm gì. Thôi thì cứ làm được ngày nào hay ngày ấy. Lận lưng được một khoản, thì tính chuyển nghề sau vậy” – Nguyễn Đức Nguyên vạch khẩu trang nói mấy câu rồi lại cắm mặt vào gương than bụi mù đục đẽo.

Ông Khuất Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Vàng Danh cho hay, trong các ngành nghề, có lẽ công nhân khai thác hầm mỏ hay bỏ việc nhất. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 1.500 thợ lò bỏ việc. Mặc dù thu nhập rất cao, từ 5-10 triệu đồng một tháng, song nếu chuyển được nghề, dù thu nhập thấp hơn nhiều, họ sẽ bỏ ngay. Chuyện công nhân bỏ việc không phổ biến ở Công ty Than Vàng Danh, nhưng rất trầm trọng ở nhiều đơn vị khác. Vậy nên, có vị lãnh đạo nói vui rằng, các công ty khai thác than hầm lò phải chiều công nhân chả khác gì chiều… vong!

Tai nạn ở mỏ than luôn thảm khốc. 

Chỉ tính từ năm 2001 đến 2009, số lao động tử nạn trong ngành than ở Quảng Ninh là 253 người. Trong đó, năm 2006 là năm đau thương nhất, với 50 người bị chôn vùi dưới lòng đất. Mười tháng đầu năm nay, có 19 vụ tai nạn trong ngành than ở Quảng Ninh, làm chết 23 người.

Mới đây nhất, ngày 12-11-2010, vụ bục túi nước ở mỏ than Dương Huy đã cướp đi sinh mạng của 4 công nhân. Xa hơn một chút, năm 2008, vụ nổ khí mêtan tại mỏ than Khe Chàm, đã chôn vùi 9 thợ lò. 9 người đàn bà bỗng một ngày thành góa bụa, hơn 20 đứa trẻ tự dưng mồ côi cha.

Hầu như tháng nào cũng có người tử nạn vì “vàng đen” và mỏ nào cũng từng có người nằm lại trong lòng đất. Có một vị cán bộ đã tính toán rồi đưa ra một con số cụ thể đến xót xa: 1 triệu tấn than đổi lấy 1,82 mạng người.

Những tấm biển an toàn như thế này có ở khắp nơi trong hầm mỏ. 

Ai vào nhà truyền thống của Công ty Than Mạo Khê, cũng đều thắp một nén nhang khấn vái cho linh hồn 19 công nhân xấu số trong vụ nổ hầm mỏ vào ngày đầu năm 1999. Vụ nổ dưới lòng đất ấy, đã làm rung động lòng người. Hình ảnh thị trấn Mạo Khê trắng một màu khăn tang vẫn còn bàng hoàng trong ký ức của người dân nơi đây.

Có lẽ, chẳng có công nhân ngành nào về hưu sớm như công nhân mỏ than. Hầu như, công nhân hầm lò chỉ làm việc được 15 năm là kịch kim, còn lại chỉ trên dưới 10 năm là hết sức. Vậy nên, công nhân hầm lò toàn nghỉ hưu ở độ tuổi 40 đến 45.

Sau tai nạn, cái chết, thì nỗi ám ảnh lớn nhất với công nhân là bệnh tật, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Mỗi lần đi chữa bệnh, anh em công nhân thường nói vui: “Đi rửa phổi lấy than”.

Gần 2 mạng công nhân mới đổi được một triệu tấn than. 

Ở Quảng Ninh cũng có một số trung tâm y tế có nhiệm vụ chữa bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành than, đặc biệt là bệnh bụi phổi, song không đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng, nên công nhân được đưa lên tận Hà Nội để điều trị.

Tôi đã bị ám ảnh thực sự trong lần vào Trung tâm y tế lao động TKV, nằm sâu trong ngõ ở đường Phan Đình Giót. Tại ngăn tủ đặt ở cuối hành lang khoa điều trị, có rất nhiều chai nhựa chứa nước màu đen như múc lên từ sông Tô Lịch. Trên mỗi chai nhựa đều ghi tên tuổi công nhân, đơn vị, ngày rửa phổi… Ví như: Nguyễn Văn Long, Công ty Than Vàng Danh, ngày rửa phổi: 29-9-2009… Những chai nước đen sì chính là thứ nước nhuộm than và silic lấy ra từ phổi của công nhân. Mục đích trưng bày là cảnh tỉnh với công nhân, để họ biết sợ, tự biết chăm sóc cho mình.

Đã dấn thân vào nghề thợ mỏ, là chấp nhận gần như chắc chắn mắc các bệnh liên quan đến phổi. Nếu không điều trị sớm, họ sẽ dễ dàng bị lao phổi, thậm chí là ung thư phổi.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn