Nhà khoa học ăn mì tôm và ước mơ đoạt giải Nobel

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 10/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Sáng ông ăn bánh mì, trưa, chiều ăn mì tôm pha nước sôi để nghiên cứu khoa học trong căn phòng chưa đầy 6m2, với ước mơ đoạt giải thưởng Nobel!

(VTC News) - Sáng ông ăn bánh mì, trưa, chiều ăn mì tôm pha nước sôi để nghiên cứu khoa học trong căn phòng chưa đầy 6m2, với ước mơ đoạt giải thưởng Nobel và nhận được 1 triệu đô-la!

Ở tuổi 78, ông Lê Quý Minh (số nhà 17, ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên, Hà Nội) đã có hơn 40 năm nghiên cứu, đưa ra 40 giải pháp, sáng chế và các công trình khoa học. Hàng chục năm qua, sáng ông ăn bánh mì, trưa, chiều ăn mì tôm pha nước sôi để sống và nghiên cứu khoa học trong căn phòng chưa đầy 6m2, với ước mơ đoạt giải thưởng Nobel và nhận được 1 triệu đô-la! Với mơ ước đó, ông bị nhiều người coi là …dở hơi.

Ít ai biết rằng, sau sự dở hơi đó là nỗ lực không ngừng của một người thương binh, suốt đời cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp khoa học nước nhà.

Chưa thể khẳng định những công trình khoa học của ông Minh có hữu dụng gì với đất nước, với thế giới, nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của ông rất đáng trân trọng.

VTC News xin giới thiệu với độc giả chân dung nhà khoa học nghèo và những công trình khoa học của ông.

Nhạc công đam mê nghiên cứu khoa học

Từ căn nhà sâu tít tắp cuối ngõ nhỏ, ông Minh khệnh khạng bước ra chào đón khách lạ. Ông rất vui vì đã lâu rồi không có ai đến thăm. Hiện ông sống cô độc trong căn phòng nhỏ xíu.

Ông Minh là người gốc Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông cùng gia đình tản cư về quê ngoại ở Hà Nam. Tại đây, ông làm liên lạc ở Đại đội 50, Tiểu đoàn 73, thuộc Trung đoàn 34 Hà Nam Ninh. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương. Hiện ông là thương binh hạng 4/4.

Nhạc công Lê Quý Minh thời trẻ. 

Năm 1949, ông học nhạc tại Trường Thiếu sinh quân. Vốn có năng khiếu về âm nhạc, nên sau một năm học tại trường này, ông đã được làm giáo viên dạy nhạc cho khóa sau.

Năm 1959, khi miền Bắc hòa bình, ông lên Sơn La, Lai Châu dạy nhạc. Ông đã bán chiếc xe đạp cổ gắn bó với mình suốt mấy năm, để mua một cây đàn Phong Cầm rồi lên vùng cao Tây Bắc truyền dạy cho trẻ em vùng cao.

Sau 10 năm công tác ở Tây Bắc, năm 1969, ông xin về Hà Nội để tiện chăm sóc mẹ già. Ông xin vào làm công nhân sửa chữa đàn Phong Cầm tại xưởng nhạc cụ Việt Nam. Năm sau, ông thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Việt Nam và đỗ.

Ông Minh nhớ lại: “Năm 1970, tôi thấy trong người có sự thay đổi lớn. Tôi có cảm giác trong mắt mình có cái ống nhòm, nhìn sự vật hiện tượng không phù hợp là tôi lao vào nghiên cứu, tìm giải pháp”.

Từ đó, mỗi khi ra đường, thấy gì chướng mắt là ông mày mò nghiên cứu tìm giải pháp. Cứ thế, 40 năm qua, ông đã nghiên cứu 40 giải pháp, sáng chế, mà theo ông, có tầm ứng dụng cao, thiết thực với cuộc sống hàng ngày.

Trong căn phòng nhỏ của ông Minh, khắp bốn bức tường đều treo những mô hình giải pháp ông đã nghiên cứu và vẽ ra. 

Những công trình nghiên cứu của ông gồm đủ thể loại, từ nhỏ xíu đến to tát. Công trình nhỏ là những chiếc bẫy chuột, cách dụ chuột vào bẫy. Lý do ông nghiên cứu công trình này là vì xóm ông ở có rất nhiều… chuột. Từ khi “công trình bẫy chuột” ra đời, đàn chuột đã bị ông tiêu diệt đáng kể.

Rồi những công trình mang tầm cỡ quốc gia như: Xây dựng bền vững đập Hòa Duân (Huế), để không bị vỡ triền miên như trước nữa.

Mỗi khi ra đường lúc trời mưa to, thấy đường ngập, giao thông đi lại khó khăn, ông rất trăn trở. Thế là ông nghiên cứu công trình cống thoát nước ở thủ đô Hà Nội.

Hằng ngày ông Minh làm việc trong căn phòng chưa đầy 6m2. 

Ông nhận thấy những hệ thống cống xây dựng từ thời Pháp không còn phù hợp với quá trình đô thị hóa của Hà Nội ngày nay nữa. Ông muốn làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước với phương châm “thoát nước thông minh, sức chứa vô hạn”. Không dừng lại ở đó, ông còn nghiên cứu và tìm ra giải pháp “Khai thác kho báu Tô Lịch”…

Xưa kia, gia đình ông thuộc hộ khá giả. Khi chiếc xe cúp 81 còn quá xa lạ với người dân Hà thành, thì nhà ông đã tậu được một chiếc mới tinh. Chiếc xe đó đã đưa ông đi khắp nơi tìm tài liệu để nghiên cứu rồi lại đưa ông đến Cục Sở hữu trí tuệ và Cục bản quyền để đăng ký bản quyền tác giả.

Tiếp thị công trình

Điều khiến ông Minh buồn là hầu hết giải pháp, sáng chế của ông đã không được Cục sở hữu trí tuệ công nhận bản quyền. Ông Minh giọng buồn rầu: “Nhiều công trình của tôi chỉ được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là giải pháp chứ không phải sáng chế. Tôi cho rằng, đó là do cơ chế và cách làm việc của họ lạc hậu!”.

Năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thông báo tới các cá nhân nghiên cứu khoa học rằng, có thể mang những công trình chưa được công bố đến trưng bày tại triển lãm Giảng Võ. Nghe được thông tin này, ông Minh lập tức đi làm thủ tục. Ông đã nhận được một gian hàng trong cuộc triển lãm.

Phải khó khăn lắm một giải pháp của ông Minh mới được Cục Bản quyền tác giả chứng nhận. Đây là giải pháp diệt chuột hiệu quả.

Trong đợt triển lãm đó, ông Minh mang 3 giải pháp, sáng chế, gồm: Dụng cụ vụt côn trùng bằng cơ năng, Hệ thống thoát nước chảy bằng, Vòi tưới cây chuyên dụng tự nhiên. Tuy nhiên, cả 3 “phát minh” của ông đều không được chuyển giao công nghệ.

Cuối tháng 9 vừa qua, ông lại một lần nữa đem những sáng chế, phát minh của mình đến tham dự Hội chợ công nghệ và thiết bị thủ đô 2010 (Techmart), từ ngày 23 đến 26-9, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Rút kinh nghiệm từ thất bại cách đây hai năm, lần này ông quyết tâm tìm cách biểu diễn những sáng chế của mình cho mọi người xem ngay tại cuộc triển lãm.

Để biển diễn được những sáng chế thì phải có mặt bằng. Nhưng nếu muốn dùng mặt bằng khác ngoài diện tích đã cho thì phải thuê. Ông Minh nhẩm tính, nếu thuê mặt bằng thì số tiền lên đến vài chục triệu đồng. Một nhà khoa học suốt ngày ăn bánh mì, mì tôm, đi xe ôm, thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy!

Ông Minh cùng kỷ vật chứng nhận đã tham gia Hội chợ công nghệ chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. 

Trước hôm diễn ra hội chợ, ông đã đến gặp đại diện doanh nghiệp tổ chức hội chợ và đề xuất cần một máy bơm, hoặc bể nước trên cao có vòi nước chảy từ trên bể xuống. Họ ra giá 4 triệu đồng. Số tiền đó ông cũng không có.

Đang lúc chán nản, tính buông xuôi, thì ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội móc túi đưa cho 2 triệu đồng.

Có tiền, ông Minh tự tay trang trí gian hàng cho bắt mắt. Một mình ông lọ mọ lắp đặt các thiết bị.

Còn tiếp...

Văn Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn