Xuống hang động đầy xương cốt ở Hà Nội

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Đang lò dò trong Bãi Ba Sào tối om, tôi đá phải một bộ xương, khiến sọ người lăn lông lốc. Cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể.

(VTC News) - Đang lò dò tìm kiếm trong vách đá xem có tìm được thứ gì hóa thạch không, tôi liền đá phải một bộ xương, khiến sọ người lăn lông lốc. Cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể.


Loanh quanh ở xóm Chợ dưới chân núi Sài Sơn một hồi, tôi cũng tìm được một người dẫn đường xuống “suối xương” huyền thoại trong lòng núi. Chàng trai dẫn đường tên Tuấn.

Tôi và Tuấn buộc thừng rồi đu người thả xuống một ngách nhỏ ngay phía bên phải bể xương. Bóng đêm lạnh lẽo bao trùm. Bốn bề chỉ có một màu đen kịt.

Chùa Thầy - danh thắng chứa đựng nhiều bí ẩn. 

Tôi cứ bám chân Tuấn mà bò. Thỉnh thoảng lại rờ thấy một mê cung. Chỉ cần tuột tay khỏi chân Tuấn là lạc trong động, chết đói trong một ngóc ngách nào đó là cái chắc. Ý nghĩ đó khiến tôi lạnh người. Nếu Tuấn lẩn mất ở ngách hang nào đó, chắc tôi chẳng còn biết đường ra.

Đến một cửa động có đường kính chừng một mét, Tuấn dừng lại và bảo, cách đây 4 năm, ông Phạm Văn Long và 2 người nữa, đều ở xóm Chợ, đem lưới vào chăng ở miệng hang này để bắt dơi. Khi mọi người đang gỡ hàng chục con dơi dính lưới, bỗng có một quầng sáng rực lửa như cái đuốc bay lơ lửng ngay trước mặt mọi người.

Đường lên hang Cắc Cớ. 

Cả mấy người đều sợ hãi, tròn mắt nhìn, không nói được lời nào. Cái đuốc lơ lửng chừng vài chục giây rồi tự dưng rơi mất hút xuống lòng hang. Mọi người bỏ lại lưới, chạy thục mạng khỏi hang. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng từ đó mấy người này không dám bước chân vào hang bắt dơi nữa.

Lần mò chừng hơn tiếng đồng hồ trong hang động, hết đi lại bò, một khoảng rộng mênh mông hiện ra. Luồng ánh sáng từ chiếc đèn pin Tuấn mang theo không xé nổi bóng đêm chiếu đến mái hang. Ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn bị bóng đêm đen đặc nuốt chửng.

Du khách xuống hang Cắc Cớ đều tò mò khám phá bể xương. 

Tuấn bảo: “Cứ nhắm mắt chạy nhảy lung tung cũng được”. Quả thực, mặt hang khá bằng phẳng, tôi cứ dạo bước một cách thoải mái trong cảnh có mắt cũng như không. Tuy nhiên, tôi thấy khá tức ngực vì thiếu không khí.

Người dân địa phương gọi hang này là Bãi Ba Sào, vì đơn giản là nó rộng bằng khoảng 3 sào Bắc bộ. Giữa hang có “chợ lợn”, là bãi đá mà hòn nào cũng có hình thù ụ ị như một con lợn.

Tuấn nhặt một hòn đá và ném mạnh lên mái hang. Sau khi tiếng “cạch” dội âm vào các vách đá, hàng loạt tiếng đập loạn xạ từ vách động dội xuống. Những con dơi hoảng hốt va vào người tôi “bịch bịch”.

Chiếc đầu lâu trong Bãi Ba Sào. 

Một lát sau, tiếng động của đàn dơi bay tán loạn ngớt dần, chúng tôi tiến vào sát vách động. Chiếc giày leo núi ngập dưới lớp phân dơi dày đặc. Trên vách đá, hàng vạn con dơi treo lơ lửng, ken đặc. Giống dơi ở trong động này chủ yếu là dơi ngựa khá nhỏ.

Lần mò một lúc thì Tuấn tìm thấy hai cột nhũ đá bên vách động. Chiếu đèn pin vào, một cột lóe lên màu vàng, còn một cột sáng lên màu bạc. Hai cột nhũ đá này giống hình cây, có cành, lá, nên những người chứng kiến gọi là “cây vàng, cây bạc”.

Xương cốt rất nhiều trong bể đá. 

Tuấn chỉ tôi mấy rẻ xương người nằm sát vách đá. Trên cổ. Bên cạnh bộ xương còn có một xâu tiền vung vãi. Không hiểu người này xâu tiền vào dây để cất giữ hay nó có ý nghĩa như một chiếc vòng trang sức. Tuấn bảo, một số người đã lấy đồng xu đem cho các nhà khoa học nghiên cứu xem loại tiền này thuộc đời nào, từ thế kỷ bao nhiêu, song chưa thấy có ai trả lời cả.

Đang lò dò tìm kiếm trong vách đá xem có tìm được thứ gì hóa thạch không, tôi liền đá phải một bộ xương, khiến sọ người lăn lông lốc. Cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể.

Xương cốt có rất nhiều trong lòng núi Sài Sơn. 

Tôi bàn với Tuấn tìm cách mang bộ xương này lên bể xương, nhưng Tuấn bảo cứ để cụ an nghỉ ở đó. Bởi nếu di chuyển lên trên, gặp không khí đậm đặc, hoặc ánh sáng tự nhiên, bộ xương hơn 2 ngàn năm tuổi này sẽ vụn ra như mùn.

Cách đây 4 năm, một đám thanh niên đã chuyển các cụ lên bể xương, nhưng khi mang các cụ đến nơi, đầu lâu cứ nổ lốp bốp, vỡ vụn hết, rất thương tâm.

Lần mò từng bước quanh Bãi Ba Sào, rồi Tuấn cũng tìm thấy một ngách động nhỏ. Chúng tôi bật cả 3 chiếc đèn pin chiếu xuống song tuyệt nhiên không thấy đáy. Ném hòn đá xuống thì một lát sau mới nghe thấy tiếng lốc cốc vọng lên. Tuấn bảo, muốn đi tiếp thì phải chuẩn bị thang dây rất dài và có nhiều người cùng đi để hỗ trợ nhau.

Cột nhũ đá hình Phật trong động Sài Sơn. 

Đi qua “giếng” này sẽ đến một khoảng rộng nữa gọi là Thung Lũng Tình Yêu. Tên đó là do một số lão nông đặt khi thám hiểm. Nó đẹp ra sao, lãng mạn thế nào Tuấn cũng không biết, vì dưới đó cũng tối om như mực.

Từ Thung Lũng Tình Yêu, phải đi qua nhiều ngóc ngách hiểm trở mới đến được “suối xương”.

Để xuống được “suối xương” phải chấp nhận nguy hiểm, thậm chí… mất mạng, vì rất có thể bị lạc, bị ngã hoặc bị ngộp thở vì thiếu không khí.

Hiện tại, ở Sài Sơn không ai có khả năng dẫn đường xuống tận “suối xương”. Những người từng xuống “suối xương”, người đã mất, người bệnh tật, người bị nạn, thậm chí, người từng xuống đó cũng không muốn nhắc lại chuyến đi đó nữa, vì những ám ảnh kỳ lạ.


Còn tiếp…

Vị Thủy

Bình luận
vtcnews.vn