Rồ dại cơn săn gỗ thủy tùng

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 16/11/2010 02:10:00 +07:00

Gỗ thủy tùng lên cơn sốt khiến người dân ở những vùng có loài cây này sinh sống ráo riết săn tìm, lặn xuống xới tung lòng hồ, quật tung đồng ruộng để tìm gỗ.

Mấy năm gần đây, gỗ thủy tùng lên cơn sốt khiến người dân ở những vùng có loài cây này sinh sống ráo riết săn tìm, lặn xuống xới tung lòng hồ, quật tung đồng ruộng để tìm gỗ.


Từ đầu năm đến nay, hồ Ea Ral nằm trên địa phận thôn 4 (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, Đăk Lăk) nhộn nhịp hẳn lên khi người dân khắp nơi đổ về đây trục vớt thủy tùng. Họ mang theo nào bè, máy bơm khí, cưa, dây cáp, ròng rọc để vớt những thân gỗ thủy tùng đã chết nằm dưới nước cả mấy chục năm nay. Những người dân ở đây kể lại, vào những năm 1980, để chắn nước xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, hàng trăm cây thủy tùng cỡ lớn bị đốn hạ và một số còn nằm lại trong hồ.

Tìm cây đáy nước

Cả vùng hồ biến thành một công trường khai thác, lúc nào cũng có hơn trăm người túc trực. Người có tiền thì đóng bè, sắm máy móc, người không thì chỉ cần cái can nhựa và sợi dây thừng là xong. Bên bờ hồ, một loạt các lán trại được dựng lên phục vụ việc mua gom thủy tùng.

Lặn vớt thủy tùng chỉ với cái can nhựa.  

Vừa lóp ngóp dưới hồ lên, hai anh em Y Thao và Y Thiên ướt nhẹp, run cầm cập. Đặt cái can nhựa và sợi dây thừng xuống, Y Thao châm vội điếu thuốc rít một hơi, kể: Ngụp lặn từ sáng đến giờ mà chưa kiếm được khúc nào, thấy người ta mua đắt nên tranh thủ những ngày rảnh rỗi xuống kiếm gỗ, bán đặng mua gạo. Ngày nào may mắn cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng.

“Họ có bè và ống thở, còn hai anh em mình không có gì hỗ trợ, nhiều khi ngoi lên không kịp là phải uống nước hồ ngay”, Y Thao nói.

Để có được một khúc thủy tùng, phải mò mẫm khắp đáy hồ, khi nào sờ thấy khúc gỗ thì lặn xuống móc bùn kéo lên, dìu vào bờ.

Anh Hưng, một người săn thủy tùng chỉ cho tôi thấy những cây tre được đóng khắp nơi trên hồ. Đó là những gốc thủy tùng đã có chủ. Họ chưa lấy kịp nên làm dấu để không ai được xâm phạm. Năm anh em nhà Hưng chung tiền đầu tư một cái bè khai thác được hai tháng, ngày kiếm được cả triệu bạc.

Anh Hưng đang đẽo gốc thủy tùng mới vớt dưới hồ Ea Ral lên.  

Theo một tay buôn thủy tùng thì các thân gỗ lớn đều được các đại gia ở nơi khác mua lại, thân càng lớn, vân đẹp thì giá trị càng cao. Nhu cầu thủy tùng rất lớn nên các vựa này đều nằm trong tình trạng cháy hàng.

Lật ruộng kiếm thủy tùng


Ngược về xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đăk Lăk), chuyện săn thủy tùng cũng nhộn nhịp chẳng kém. Vượt quãng đường lầy lội gần 10km từ trung tâm xã vào cánh đồng Ea Kuanh thuộc địa phận buôn Giêr mới thấy được sức hút của loài gỗ quý này. Cánh đồng rộng mênh mông đang bước vào vụ thu hoạch, trên những đám ruộng đã gặt, từng đoàn người hì hục đào xới để tìm kiếm gỗ.

Y Thiên dùng cây xăm bằng thép dài khoảng 3m thọc xuống đất, dỏng tai nghe tiếng gõ xem chạm gỗ hay đá. Cạnh Thiên, Y Duy - cậu học sinh lớp 9 tranh thủ ngày nghỉ theo chú đi kiếm tiền - cũng hì hục xăm.

Vốn ngày xưa cánh đồng này là nơi ngập nước, có khá nhiều thủy tùng, loài cây có khả năng tồn tại trong môi trường đầm lầy, ngập nước. Sau này người dân cải tạo đầm lầy thành ruộng lúa, cây thủy tùng bị đốn bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gốc cây chưa bị đào lên hay chưa cháy hết trong những đợt đốt cây làm ruộng.

Cánh đồng bị băm nát bởi những nhát cuốc của người xăm thủy tùng. Một cái hố sâu hoắm được mở ra, người đào, người tát nước, còn người khác cầm xăm băm nát cả cánh đồng mong thỏa mãn thú chơi hàng độc của những người lắm tiền.

Để lấy được một khúc thủy tùng, người dân phải bới tung cả ruộng.  

Ma Trang, cán bộ xã, cho hay, phải vào thăm buôn Giêr và buôn Vik mới thấy được thủy tùng sốt đến mức nào. Từ đầu đến cuối buôn Giêr đều nghe mọi người nhắc đến câu chuyện thủy tùng, người này mới tìm được một khúc to bán mấy chục triệu, người kia đổi đời nhờ thủy tùng.
 Ngày 15-11, Công an huyện Ea H’leo cho biết, vừa bắt quả tang Trần Văn Minh (SN 1978, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ trên xe của Minh 2 khúc gỗ thủy tùng, chưa giám định số lượng. Bước đầu, Minh khai nhận đang vận chuyển số gỗ trên về TP.Buôn Ma Thuột để bán kiếm lời. Hiện nguồn gốc của số gỗ thủy tùng trên đang được công an làm rõ.

Thấy người lạ vào buôn, một nhóm thanh niên đang ngồi bàn chuyện hỏi chúng tôi: Mấy anh đi mua thủy tùng hả? Khi ngỏ ý muốn có một khúc thủy tùng cao để tiện cặp độc bình chơi, thảy họ đều lắc đầu, bởi thứ hàng đó bấy lâu đã trở thành xa xỉ, chỉ mới đào lên đã được người ta trả với giá ngất ngưởng để rước về hết rồi. Giờ đây, có chăng chỉ là thứ mà người dân xứ này gọi là cành khô củi mục không đáng giá mà thôi!

Trên những con đường của thị trấn Krông Năng dễ dàng bắt gặp những phụ nữ đồng bào gùi sau lưng vài khúc thủy tùng ra chợ bán, hay đổi gạo, rau, thịt... thay vì như trước đây gùi các sản phẩm nông nghiệp.

Từ khi thủy tùng sốt giá, bọn trộm cắp địa phương bắt đầu chuyển sang tăm tia thứ hàng này, vừa dễ bán vừa ít khả năng bị báo công an, bởi người mất chẳng dám báo.

Một thợ tiện tại Krông Năng kể, bây giờ rất nhiều người mang gỗ thủy tùng đến thuê anh tạc tượng. Cách đây mấy tháng, anh bị mất một khúc gỗ thủy tùng, hai ngày sau có người nhắn tin đến chuộc với giá 7 triệu đồng. Anh cũng phải cắn răng móc tiền vì đó là gỗ của khách, nếu báo với công an chẳng khác chi “lạy ông tôi ở bụi này!”. Có nhiều gia đình mua được vài cái bình hoa trưng trên gian thờ cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy mất.

Buôn Vik và buôn Giêr của xã Ea Hồ, nơi có nhiều căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê được làm bằng thủy tùng thì già làng mất ăn, mất ngủ bởi nạn trộm. Buôn Vik có 5 nhà làm bằng gỗ thủy tùng, thì 4 nhà bị lấy mất cầu thang, cái cuối cùng bị cạy mất 4 tấm ván.

Chủ nhân của những ngôi nhà này luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, ngoài việc phải lo canh trộm, ngày nào cũng phải tiếp hàng chục khách đến hỏi mua. Những tấm lát sàn trước để hờ hững thì nay được đóng chặt bằng những cây đinh to, buộc thêm bằng dây thép, điện sáng suốt đêm để bảo vệ. Nhà nào nhà nấy phải cắt cử một người ở nhà để canh, không dám đi làm.

Thấy khách vào thăm, chị H’Salim ở buôn Vik đặt vội đứa con nhỏ xuống, ì ạch ôm chiếc cầu thang đặt xuống mời khách vào nhà. Rót nước mời khách, chị giãi bày: “Có căn nhà mẹ để lại, phải giấu cầu thang phòng trộm. Chồng đi làm rẫy, còn mình phải ở nhà vừa trông con vừa trông nhà. Khổ thật!”.

Bà H’ Biu ở buôn Giêr có cái chuồng bò làm bằng thủy tùng, ngày nào cũng ngay ngáy lo: “Bò không sợ mất, chỉ sợ mất chuồng thôi”- bà lo lắng.

Thủy tùng có tên khoa học Glyptostrobus pensilis, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm, là cây gỗ lớn, thường cao tới 25m, đường kính thân hơn 1,3m. Thủy tùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể ở huyện Ea H’Leo và Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk với khoảng 250 cây.

Theo Vạn Tiếp - Tiền phong
Bình luận
vtcnews.vn