Chuyện ly kỳ về… con bò cái già

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 13/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Có một câu chuyện kỳ lạ cứ như truyện cổ: cán bộ giao cho dân nghèo nuôi một con bò cái già. Con bò chết. Hơn 10 năm sau, cán bộ đòi 9 con bò.

(VTC News) - Có một câu chuyện kỳ lạ cứ như truyện cổ: cán bộ giao cho dân nghèo nuôi một con bò cái già. Con bò chết. Hơn 10 năm sau, cán bộ đòi 9 con bò.

Ngày xửa ngày xưa, có một tên địa chủ giao cho vợ chồng nông dân nghèo nọ 1 quả trứng thối để rồi ít lâu sau lại đòi đàn gà. Chuyện này tưởng chừng chỉ có trong chuyện dân gian, thể hiện bản chất bóc lột đến bần cùng của giới địa chủ đối với tầng lớp lao động nghèo ở chế độ phong kiến cũ. Thế nhưng, ngày nảy ngày nay, ngay giữa thế kỷ 21, chuyện này vẫn ngang nhiên diễn ra…

Cách đây 15 năm (đầu năm 1995), cán bộ huyện Chu Văn Hiền - Phó BQL dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Krông Pa đến nhà anh Rơ Ô Hoa, thường gọi là ama Truy (bố của Truy) và chị Rơlan H’Thanh, tức mih Truy (mẹ của Truy) - buôn Ơi Đăk, xã Ia Mlăh (huyện Krông Pa, Gia Lai), gửi nuôi 1 con bò cái theo hình thức chăn rẽ.

 Rơ Ô Hoa là người nhận nuôi con bò cái già của cán bộ Hiền. 

Thế nhưng, con bò cái mà cán bộ Hiền giao cho gia đình anh Rơ Ô Hoa, chị Rơlan H’Thanh nuôi đã quá già, không còn khả năng sinh sản nữa, lại đau bệnh liên miên. Năm 1996, con bò bị kiết lỵ. Không biết làm cách nào, vợ chồng Rơ Ô Hoa, Rơlan H’Thanh lặn lội từ buôn Ơi Đăk ra tận thị trấn Phú Túc báo cho cán bộ Hiền, nhưng ông Hiền không nói gì, chỉ ậm ừ cho qua chuyện…

Vì không thể chịu nổi thời tiết khắc nghiệt vốn có tại vùng đất khát này, đầu năm 1998, con bò cái chết vì sức khỏe cạn kiệt và do tuổi già.

Những tưởng báo cho cán bộ Hiền xong thì không còn gì vướng bận với con bò già, vợ chồng Rơ Ô Hoa dồn sức chăn nuôi rẽ bò của một số chủ khác trong xã, cùng với việc cày thuê cuốc mướn để trang trải cuộc sống gia đình với 6 miệng ăn…

Cụ thể, năm 2006, gia đình anh chị Rơ Ô Hoa nhận nuôi 5 con bò của ông Trần Bá Diệp - một chủ trang trại chăn nuôi tại xóm Kinh, xã Ia Mlăh. Đây là một đàn bò khỏe mạnh. Với sự chăm sóc tận tình của vợ chồng Rơ Ô Hoa, nên cuối năm 2009, đàn bò đã sinh sản được 6 bê con. Sau khi phân chia phần giữa chủ bò và người nuôi rẽ (mỗi người được 3 con bê), ông Diệp tin tưởng tiếp tục gửi đàn bò lúc này đã lên đến 8 con cho gia đình Rơ Ô Hoa chăm sóc.

Đầu tháng 9/2009, khi cán bộ Chu Văn Hiền đi công tác ngang qua xã Ia Mlăh, thấy gia đình Rơ Ô Hoa đang nuôi một đàn bò lớn mạnh và đẹp. Không tin vào mắt mình, vì gia đình Rơ Ô Hoa nghèo kiết xác lấy đâu ra tiền đầu tư vào đàn bò này? Có lẽ vì thế cán bộ Hiền cho rằng đàn bò này chính là đàn bò của mình được sinh sôi, nảy nở từ con bò cái gửi vào đầu năm 1995.

Gia đình ama Truy bên bếp lửa. 

Thế là buổi trưa ngày 13/9/2009 trở thành ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chị Rơlan H’Thanh.

Hôm ấy, ông Hiền cùng ông Thiện - anh vợ của ông Hiền và ông Kpă Jao - Chủ tịch UBMTTQVN xã Ia Mlăh đến nhà chị H’Thanh đòi… 10 con bò và đã dắt lên xe tổng cộng 8 con bò hiện có do gia đình chị nhận nuôi rẽ.

Ông Thiện tính đi tính lại rằng đàn bò của cán bộ Hiền được 10 con, trả công cho người chăm sóc 1 con còn lại 9 con nên tiếp tục yêu cầu Rơlan H’Thanh kiếm thêm bò về cho đủ nếu không sẽ bỏ tù cả nhà!

Bấm bụng nhìn đàn bò nhận nuôi rẽ của người khác bị dắt đi, nhưng sợ hơn là lời hăm dọa đầy uy lực của cán bộ Hiền, nhân thấy 1 con bò đực của ai đó trong buôn Ơi Jik đang được buộc bên gốc cây gần con suối Ea Kia, H’Thanh đành dắt liều trao cho cán bộ Hiền…

Nhớ đến cảnh tượng lúc ấy, Rơlan H’Thanh ngập ngừng không dám nói lớn: “2 vợ chồng cùng 4 đứa con nhỏ của tôi sống giữa buôn Ơi Đăk này từ bao năm nay. Nghèo cũng sống được, khổ cũng chịu được, nhưng cán bộ Hiền dọa nếu không trả đủ bò, ông ấy sẽ bỏ tù cả nhà khiến tôi lo… vì chẳng ai nuôi con nên tôi đành liều đại”.

Nhiều năm nay, người đồng bào dân tộc J’rai tại các xã Ia Mlăh, Đak Bằng, Chư Ngọc… huyện Krông Pa thường nhận nuôi bò rẽ của những chủ bò. Đây là hình thức nhận nuôi bò thuê khá phổ biến tại các huyện Chư Sê, Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa… (Gia Lai).

Những người nông dân nhận nuôi rẽ thuê được quyền sử dụng sức kéo vào công việc đồng áng, nhưng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò. Khi sinh sản, bê con sẽ được phân chia theo tỷ lệ: chủ bò 1 con và người chăn nuôi rẽ được 1 con. Phương thức chăn nuôi này giúp người nông dân nghèo, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số vừa tận dụng được thời gian nông nhàn, huy động được sức kéo đồng thời có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.

Còn tiếp…

Yến Viễn

 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn