Người đàn bà bỏ phố đi… chăn ngựa bên sông Hồng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 04/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Người đàn bà mặc áo đỏ, mái tóc búi thả ngang vai, trông nhanh nhẹn và năng động, nổi bật trên nền trắng toát của ngựa và xanh mướt của đồng cỏ.

(VTC News) - Người đàn bà mặc áo đỏ, mái tóc búi thả ngang vai, trông nhanh nhẹn và năng động, nổi bật trên nền trắng toát của ngựa và xanh mướt của đồng cỏ.


Buổi chiều tà, hoàng hôn đổ bóng, đứng trên đê sông Hồng đoạn xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), tôi được chứng kiến một khung cảnh tuyệt đẹp: Cả trăm con ngựa bạch, lông trắng như tuyết thong dong gặm cỏ, hoặc nô đùa phi nước đại bên triền đê, giữa cánh đồng cỏ mênh mông bát ngát. Một cảnh tượng đẹp mê hồn, tưởng như chỉ có ở những thảo nguyên Tây Tạng hay Mông Cổ xa xôi. Không cưỡng được sự tò mò, tôi tìm đến trang trại ngựa ven đô ấy.

Trang trại ngựa bạch ở xã Yên Mỹ. 

Khu đồng cỏ nơi có đàn ngựa trắng như tuyết nằm ngay triền đê, thế mà tôi phải đi lòng vòng, hỏi thăm cả chục lần mới tới. Sở dĩ khó khăn thế là vì không có đường qua đê. Đê sông Hồng là bức “tường thành” vĩ đại, bảo vệ thủ đô ngàn năm nay, nên đâu có thể xẻ bừa bãi làm đường được. Phải vòng qua con đường nhỏ duy nhất dẫn vào xã Yên Mỹ, xuyên qua những ngôi làng, cắt qua cánh đồng mênh mang rau khoai ngô sắn bời bời mới tới được trang trại ngựa.

Dù nằm giữa thủ đô, song tôi có cảm giác, trang trại ngựa là một vùng đất tách biệt và bí ẩn. Vùng đất ngoài đê chỗ lở, chỗ bồi, chỗ là đầm hố, chỗ gồm những gò đất khum khum như những quả đồi nhỏ. Chỉ có con đường ven mương ngoằn ngoèo dẫn vào trại ngựa.

Khu trang trại được chia làm 2 phần. Bên tả có hồ nước uốn lượn vòng quanh, những mô đất nhô cao, chuồng trại thành dãy, những ngôi nhà tạm, những vườn cây rợp bóng. Bên hữu là cánh đồng bằng phẳng, rộng bằng vài sân bóng đá, nơi có cả trăm con ngựa bạch đang gặm cỏ, nô đùa.

Chị Hằng bên chú ngựa bạch Tây Tạng. 

Người đàn bà mặc áo đỏ, mái tóc búi thả ngang vai, trông nhanh nhẹn và năng động, nổi bật trên nền trắng toát của ngựa và xanh mướt của đồng cỏ. Chị vạch mắt chú ngựa cao lớn lừng lững để xem bệnh. Xoa đầu chú ngựa nhỏ như người mẹ âu yếm con. Hóa ra, người đàn bà đó là chủ trang trại ngựa này. Chuyện kể cũng lạ. Việc mở trang trại nuôi ngựa giữa Hà thành đã lạ rồi, đằng này lại là một người đàn bà, một cô gái Hà Nội hẳn hoi, thì còn lạ nữa.

Tôi đứng bên ngoài trang trại, trông chị nô đùa, huấn luyện đàn ngựa, cố hình dung mãi mà không thấy chị giống nữ hiệp khách trong những bộ phim dã sử Trung Quốc tẹo nào.

Chị là Nguyễn Thị Hằng. Chị Hằng xởi lởi và dễ gần. Chị bắt đầu câu chuyện từ niềm đam mê và khát vọng làm giàu cùng với bà con nông dân nước mình.

Chị Hằng sinh năm 1959. Các cụ bảo, đàn bà tuổi Kỷ Hợi, mệnh Bình Địa Mộc, thì vất vả long đong đủ bề. Có sướng, có thành nghiệp cũng chỉ về hậu. Đã đi quá nửa đời người, ngẫm lại, chị thấy cuộc đời mình đúng như cái mệnh mơ hồ vẽ sẵn.

Khám bệnh cho ngựa.

Chị Hằng từng có 10 năm sống và làm việc tại Đức. Đang sống ở nơi phù hoa của thế giới, tự dưng chị nhất quyết đòi về Việt Nam lập nghiệp. Khi đó, đất nước mình còn nghèo, nên làm cái gì cũng khó, tính toán nát cả óc. Với chuyên môn là một kỹ sư nông nghiệp, chị mong muốn làm những thứ liên quan đến nông dân, nông nghiệp.

Chị mở đại lý cung cấp thức ăn gia súc cho bà con. Thức ăn gia súc được vận chuyển từ miền Nam ra. Tuy nhiên, đường sá vận chuyển xa xôi, khí hậu miền Bắc lại khắc nghiệt, nóng ẩm, nên việc bảo quản thức ăn gia súc rất khó. Nhiều lô hàng nhập về được thời gian đã mốc xanh mốc đỏ, không bán được, hoặc bán tống bán tháo, chịu lỗ nặng.

Ngựa bạch Tây Tạng là loài vật quý, có giá trị cao. 

Tính toán thiệt hơn, chị quyết định nghiên cứu mở xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi lấy tên là Nhà máy sản xuất cám Vạn An, đặt tại Gia Lâm. Chị nhờ các chú, các bác ở Hội Thú y Việt Nam cung cấp công thức chế biến thức ăn gia súc, rồi sắm máy móc sản xuất trực tiếp. Để bán được hàng, để giúp đỡ bà con làm giàu, chị nhận cung cấp thức ăn cho bà con nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước, đến khi nào bà con xuất chuồng được gia súc, gia cầm thì chị mới thu hồi vốn.

Tuy nhiên, đen đủi thế nào mà từ ngày chị mở nhà máy sản xuất cám, dịch bệnh liên miên. Bà con nông dân thua lỗ, phá sản, mất cả vốn lẫn lãi, chị không đòi được nợ. Nhiều bà con bán được gia súc, gia cầm, có tiền trong tay thì mua sắm này nọ, trong khi vẫn nợ các đại lý, còn các đại lý thì nợ chị. Chị mất cả vốn lẫn lãi. Càng làm càng lỗ vì không thu hồi được nợ, chị phải đóng cửa nhà máy sản xuất cám.

Chị Hằng bảo: “Trước khi về Việt Nam, chị không lường được rằng ở trong nước việc làm giàu lại khó đến vậy. Dù là kỹ sư, có chuyên môn cao hơn hẳn so với bà con nông dân, thế mà mình như người học việc, vẫn phải mò mẫm từng bước mới có được kinh nghiệm thực tế. Ở môi trường nước ta, lý thuyết khoa học và thực tế là một khoảng cách xa vời”.

Làm ăn thua lỗ liểng xiểng, khó khăn chồng chất, song chị Hằng không chịu đầu hàng. Cung cấp thức ăn cho bà con để cùng bà con làm giàu không được, thì tự sản xuất thức ăn, tự nuôi gia súc gia cầm và tự làm giàu cho mình.

Khách tham quan thích thú chụp hình cùng ngựa bạch. 

Nghĩ là làm luôn. Chị lang thang khắp vùng ngoại ô thành phố để tìm một miếng đất phù hợp với việc mở trang trại. Bước chân chị đã dừng ở cánh đồng hoang rộng mênh mông ngoài đê sông Hồng thuộc xã Yên Mỹ (Thanh Trì). Mảnh đất này đã bỏ hoang cả trăm năm nay, cỏ ngập lút đầu người.

Thấy mảnh đất có triển vọng lập trang trại, vả lại, trong nhiều năm nữa mảnh đất này sẽ không nằm trong diện quy hoạch gì, nên chị Hằng đã gặp lãnh đạo xã Yên Mỹ hỏi thuê. Nhiều năm nay lãnh đạo xã động viên nhân dân cải tạo khu đất để trồng trọt, chăn nuôi, song chả ai thèm ngó ngàng, nên khi chị Hằng đề xuất thuê đất lập trang trại, đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương


  Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn