Đi tìm sự thật về "Đá Mẹ" và "nước Thánh" giữa đại ngàn

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 28/10/2010 06:00:00 +07:00

Ở chốn “thâm sơn, cùng cốc”, những bí ẩn về “Đá Mẹ” và "nước Thánh" vẫn được thêu dệt bằng những câu chuyện rất ly kỳ, mê muội, cuồng tín.

Nghe nhiều người truyền tai nhau về hồ Đá Xẻ (xã Ninh Lộc, Ninh Hòa, Khánh Hòa) có “Đá Mẹ” rất linh thiêng. PV đã băng rừng để đến được tận nơi. Ở chốn “thâm sơn, cùng cốc”, những bí ẩn về “Đá Mẹ” vẫn được thêu dệt bằng những câu chuyện rất ly kỳ, mê muội, cuồng tín. Trên đường đi, chúng tôi còn phát hiện, rừng đang bị triệt phá nghiêm trọng bởi hàng trăm lâm tặc. Tiếng cưa máy xẻ gỗ vang rền khắp núi…


Kỳ 1: Từ những tin đồn về "nước Thánh"


Ai cũng kháo nhau “Đá Mẹ” rất linh thiêng, huyền bí. Người nào dù bệnh tật nặng, làm ăn thất bát, vợ chồng hiếm muộn, muốn sinh con..., chỉ cần đến xin “nước của Mẹ” uống vào là sẽ được như ý muốn. Không biết thực hư thế nào, chúng tôi lên đường để tìm cái gọi là “nước thánh”.

Hồ Đá Xẻ. 

Băng rừng tìm "Mẹ"

Qua khỏi khu vực đèo Rọ Tượng (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) khoảng 2km, khi chúng tôi hỏi thăm người dân đường lên hồ Đá Xẻ, họ chỉ ngay: “Lên Đá Mẹ phải không, gần tới rồi, đến làng văn hóa Tân Vạn Khê đi thẳng là tới”. Rẽ vào cổng làng văn hóa, chúng tôi băng qua một cánh đồng lúa chừng 1km thì thấy ngay một bãi giữ xe khá rộng. Hỏi đường lên “Đá Mẹ”, chủ bán hàng (trái cây, nước uống, bánh kẹo, nhang...) cạnh đó, cho biết: “Đi xa lắm, lội bộ lên núi cũng mất hai tiếng đồng hồ”. Một anh thanh niên ngồi gần đó chen vào: đường lên núi có nhiều lối mòn rất quanh co, nếu không biết đường sẽ dễ bị lạc. Anh ta ngỏ ý muốn dẫn đường lên “Đá Mẹ”, tuy nhiên chúng tôi đã khéo léo từ chối. Mua một ít “lương khô”, nước uống phòng đường xa, mệt có cái để dùng và một bó nhang, chị chủ quán nhắc nhở nên mua thêm đèn cầy vì lên hang Đá Mẹ rất tối. Chúng tôi lên đường và kịp nghe lời của một thanh niên gọi điện thông báo cho người nào đó rất bí ẩn: “có ba người chuẩn bị lên đó!”.

Gần 10 giờ, trời nắng như đổ lửa. Băng qua một con suối nhỏ, chúng tôi rẽ sang lối mòn tiến thẳng lên núi. Cái nắng vẫn rọi nóng hổi qua những tán lá cây bên đường. Con đường mòn chỉ đủ cho một người đi, dốc, gập ghềnh. Do không quen leo núi, chúng tôi phải dừng lại nghỉ mệt nhiều chặng trong suốt hành trình, toàn thân mồ hôi nhễ nhại. Đi chừng hai, ba cây số nữa, chúng tôi giật thót mình khi giữa rừng có một bàn thờ được che tạm bằng tôn còn rất mới. Tiếp vài chục thước lại thêm một bàn thờ có nhiều chân nhang cắm xung quanh gốc cây. Cách đó không xa là một ngôi mộ được quét sơn cẩn thận. Giữa rừng núi âm u, hoang vắng, xuất hiện nhiều bàn thờ, ngôi mộ giữa đường đi càng tăng thêm sự bí ẩn và tạo cảm giác rùng rợn. Đang ngồi nghỉ chân, chúng tôi bắt gặp hai phụ nữ đi xuống núi. Một người ân cần: “Sao lên Mẹ trưa quá vậy, trên đó có một đoàn mới tới từ hôm qua, lên đó đi rồi sẽ có người dọn cơm cho ăn”. Qua chuyện trò, được biết một trong hai người phụ nữ khoảng chừng 50 tuổi có tên là cô Mười Hợi, là người cai quản “Đá Mẹ” 16 năm nay. Hôm nay cô xuống núi để về thăm nhà ở dưới làng, ngày mai lại lên với “Mẹ”. Sẵn tiện, cô Mười liền hỏi: “Tụi con lên Mẹ xin điều gì?”. Chúng tôi đáp bằng giọng rầu rĩ: Lấy chồng nhiều năm rồi mà chưa có con nên lên đây để xin “Mẹ”. Cô Mười chắc nịch: “Ừ phải đó, lên xin đi rồi Mẹ cho”. Bà còn bảo tôi giơ hai bàn tay cho bà coi. Ngó nghiêng một lát, cô Mười phán: “Vợ chồng cãi nhau dữ lắm phải không? Chồng cô đòi chia tay nè”, rồi lại phán: “Cô chết hụt mấy lần phải không?”. Tôi dạ cho qua chuyện. Cô Mười tiếp “Anh em đông lắm nè, nhưng không còn đầy đủ” (anh em nhà tôi không đông, mà cũng chẳng có ai mất cả). Ngỏ ý muốn gặp lại cô Mười nữa thì phải làm sao, cô Mười cười thân thiện: “Lên với Mẹ xong, chiều tụi con ghé nhà cô chơi. Nhà cô có bàn thờ mẫu lớn lắm”. Mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi chia tay với cô Mười và tiếp tục lên “Đá Mẹ”.

Bàn thờ “Đá Mẹ”. 

Ung thư uống "nước Mẹ"... cũng khỏi

Hơn hai tiếng đồng hồ leo núi, “Đá Mẹ” đã hiện ra. Băng qua một số tảng đá và cây cầu khỉ, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều quần áo phụ nữ phơi trên các mỏm đá. Cạnh đó là một dòng suối tuôn nước ào ào giữa hai khối đá lớn mà người ta gọi là hồ Đá Xẻ. Nước của hồ Đá Xẻ chảy xuống khu du lịch Trường Bơi bên dưới. Phải công nhận là dòng nước thật trong vắt và mát lạnh. Một người đàn ông khoảng 50 tuổi, bận bộ đồ bà ba đen tiến đến. Khi biết chúng tôi tìm lên “Đá Mẹ”, ông ta ân cần: “Tụi con ăn cơm chưa, vô ăn cơm đã, rồi tí nữa lên Mẹ”. Chúng tôi được dẫn vào một hang đá, lại một bàn thờ nữa đặt gần lối vào, bên trong là một lán trại khá rộng, có khoảng 10 phụ nữ đang nằm ngủ trưa và ba người đàn ông khác đang ngồi uống trà. Nghe câu chuyện của chúng tôi muốn đến “Đá Mẹ” để cầu con, một chị đưa cho tôi chai nước bảo: “Uống đi em, khỏe liền à, nước Mẹ mới lấy xuống đó”. Hớp đại một ngụm rồi ngồi bên các chị để trò chuyện. Qua đó, chúng tôi được biết, họ là những người dân buôn bán quanh khu vực chợ Phương Sơn, (đường Phương Sài, Nha Trang) đã biết Đá Mẹ 7-8 năm. Thỉnh thoảng, họ thuê xe cùng nhau lên thăm “Mẹ”, và xin “nước thánh” về làm phép để được khỏe mạnh và mua may bán đắt. Một phụ nữ lên tiếng: “Tụi em không đem theo bình đựng nước Mẹ, thì ở đây có bán 10 ngàn đồng/can 5 lít, lát nữa nếu xách xuống không nổi thì thuê người ta xách cho. Hôm qua tụi chị thuê người khiêng gạo, rau củ, trái cây lên đây cúng Mẹ, trả tiền công hết 100 ngàn, thuê người xách dùm 8 lít nước của Mẹ xuống núi thêm vài chục ngàn nữa”. Một chị khác mách: “Nước Mẹ thiêng lắm đó, bệnh gì uống cũng hết, có người ung thư nhờ uống nước mẹ mà hết đó(?). Tụi em hiếm muộn nên thường xuyên về đây xin nước Mẹ uống, Mẹ sẽ cho”.

Thấy chúng tôi còn nghi ngại, người đàn ông ngoài 40 tuổi tên là Bảy Trân, làm bốc xếp ở Chợ Đầm, Nha Trang cho biết: “Nước thánh” linh lắm đấy.Tôi bắt đầu lên với Mẹ cách đây 8 năm, lúc đó gia đình làm ăn thất bát nợ nần lung tung. Nghe người ta rỉ tai, tôi cũng đến xin, rồi đem về làm phép ở quầy trái cây của vợ. Quả nhiên, sau đó vợ tôi ngày càng mua may bán đắt. Cả gia đình đã trả hết nợ. Giờ hàng tháng, dù bận mấy, tôi đều thu xếp về với Mẹ để tỏ lòng biết ơn. Nhiều người ở gần nhà tôi cũng rủ lên đây xin nước Mẹ...”.

Cốc chủ Mười Hợi tranh thủ bói ngay giữa rừng. 

Sự thật về "Đá Mẹ" và "nước Thánh"

Tìm hiểu xung quanh về những bí ẩn của Đá Mẹ, chúng tôi được biết có rất nhiều câu chuyện khác nhau. Người kể mơ hồ rằng: có ai đó ở TPHCM nằm mơ thấy Mẹ gọi đi và đã đến đây. Sau đó, họ phát hiện thấy cái hang trong một vách đá có tượng Mẹ bằng đá nên lập bàn thờ cúng bái cho đến giờ. Còn theo lời kể của cô Ba - một trong những người “cai quản” ở đây: 16 năm trước, những người đi rừng phát hiện một hang động, trong đó có tảng đá màu đen bóng loáng rất giống hình dạng của người phụ nữ nhưng bị mất đầu, bên dưới tảng đá có dòng nước chảy ra rất trong và mát”. Rồi người này kể người kia, một đồn mười, mười đồn trăm. Thế là, người ta kéo nhau tìm đến cúng bái Mẹ ngày càng đông, nhất là ở TPHCM, các tỉnh miền Tây và cả miền Bắc. Lúc trước, họ đi thành từng đoàn mấy chục người và ở lại ngủ đêm trong các lán trại. Theo những người sùng bái, hồ Đá Xẻ còn có một tên gọi khác là hồ Tây Lầu. Vì hang Đá Mẹ nằm ở phía tây, lại nằm trên núi cao nên bá tánh thập phương thường gọi là hồ Tây Lầu. Cái tên này tuy rất quen thuộc với một số người dân sùng bái ở các tỉnh, nhưng lại xa lạ với người dân địa phương.

Một phụ nữ được mọi người gọi là cô Ba, bận bộ đồ nâu nhà chùa lom khom nhóm lửa hâm nóng thức ăn và dọn cơm cho chúng tôi. Trò chuyện mới biết nhà cô ở thị trấn Ninh Hòa. Chồng chết cách đây 20 năm, có 3 con đã có gia đình riêng. 10 năm trước theo lời đồn đại nước Mẹ linh thiêng, cô Ba tìm đến và ở luôn với “Mẹ”. Ăn cơm xong, chúng tôi được một người đàn ông mặc áo nâu gọi là thầy Sáu dẫn đường lên chỗ Mẹ và không quên dặn chúng tôi mang theo can nhựa đựng nước. Dọc đường đi có nhiều dấu tích của bàn thờ. Hiểu được thắc mắc của chúng tôi, thầy Sáu cho biết: “Ở đây thờ đủ thứ hết, bàn thờ ông Hổ, bàn thờ Phật, bàn thờ Ngũ Linh gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ...”. Chỉ sang cái chòi bị đổ sập, thầy Sáu cho biết đó là “cốc” của cô Mười (người mà chúng tôi đã gặp trên đường lên núi). Đi qua“ cốc” của cô Mười, chúng tôi trèo lên mấy tảng đá và hai cây cầu bằng ván gỗ khá nguy hiểm vì dưới chân là vực sâu chừng 5m, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể rớt xuống bên dưới, bỏ mạng như chơi.

Nhiều bàn thờ như thế này dựng trên đường. 

Vào khu vực hang Đá Mẹ, lại thấy ba bàn thờ khác, theo giải thích của thầy Sáu: ba bàn thờ này tượng trưng cho ba người gác cổng. Thầy ra hiệu cho chúng tôi thắp nhang và dẫn đi sâu vào bên trong. Đá Mẹ nằm bên phải cửa hang, trong hang tối om, phải bật quẹt ga lên soi mới thấy rõ mọi thứ bên trong. Đá Mẹ là một tảng đá màu đen, phía trên hơi dẹp nhưng bên dưới lại nhô ra như đôi nhũ hoa của người phụ nữ. Bên cạnh Đá Mẹ có một bàn thờ. Thầy Sáu khom người chui vào hang trước. Sau khi thắp nhang cho Mẹ, thầy lồm cồm thêm vài bước nữa vào bên trong và lấy can nhựa hứng nước “thánh”. Quan sát kỹ thứ được gọi là “nước thánh linh thiêng”, thì hóa ra đây chỉ là một dòng nước từ khe đá chảy ra. Làm sao có thể chữa được bách bệnh như nhiều người đồn thổi? Quả là hoang đường!

Có những lúc cao điểm, nhất là những ngày rằm tháng giêng, mùng 8, 18, 28 (ngày vía Mẹ) người dân các nơi kéo về có khi hơn trăm người, tụ tập và lập bàn thờ cúng kính ngay giữa rừng gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt là trong mùa nắng nóng kéo dài như hiện nay. Càng nguy hiểm hơn khi mỗi ngày có hàng chục người dân kéo đến thắp nhang khấn vái xin nước Mẹ ở nhiều điểm thờ cúng và nấu ăn ngay giữa rừng.

Dọc đường lên hồ Đá Xẻ, chúng tôi phát hiện nhiều dấu vết kéo gỗ của bọn lâm tặc. Hai bên đường, nhiều cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, chỉ còn trơ lại gốc. Lâm tặc công khai vận chuyển gỗ khi chiều về...

Còn tiếp...

Theo Thiên Thanh - CA TP HCM


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn