Nhà sáng chế đất cảng muốn chuyển giao tất cả máy móc

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 10/10/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ông muốn, những ngày cuối đời, ông tập trung sáng chế thật nhiều máy móc, vừa làm giàu cho đất nước, lại cổ vũ tinh thần sáng tạo cho giới trẻ.

(VTC News) - Sau khi VTC News đăng loạt bài 3 kỳ về những sáng chế của ông kỹ sư già Vũ Hồng Khánh, ông Khánh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả cũng như một số cơ quan Nhà nước. Xúc động với sự quan tâm đó, ông Khánh tuyên bố, sẽ chuyển giao tất cả những sáng chế của mình cho các cá nhân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức nào có năng lực và tâm huyết để phục vụ đất nước.

Ông Vũ Hồng Khánh là một người có đầu óc làm kinh tế, song rất lãng tử. Những sáng tạo của ông phần nhiều đều xuất phát từ những cảm xúc bất chợt. Chiếc máy đầu tiên ông sáng chế là máy nghiền mắm, cũng xuất phát từ cảm xúc xót xa khi chứng kiến các thôn nữ bị lở loét cả bàn tay khi tiếp xúc với muối mặn, cá thối. Chiếc máy sản xuất vành xe đạp tự động cũng bắt đầu từ nỗi buồn khi chứng kiến người dân phải bỏ ra mấy tạ thóc để mua đôi vành xe đạp từ Nhật.

Nhưng cũng chính cái tính cảm xúc đã giết chết một tỉ phú giàu có hàng đầu đất cảng một thời. Những chiếc máy sản xuất vành xe đạp inox tự động đã đánh bại hoàn toàn vành xe đạp nhập khẩu từ Nhật bởi chất lượng tương đương mà giá thành chỉ bằng 1/6. Chỉ trong vài năm, hàng loạt xưởng chế tạo ra đời, đưa ông trở thành một tỉ phú hàng đầu đất cảng thời đó.

Ông Vũ Hồng Khánh trong phòng thí nghiệm. 

Ông Khánh dẫn tôi vào căn phòng phủ bụi dưới chân cầu Niệm. Đó là căn phòng lưu giữ những bức ảnh phóng lớn, treo kín bốn bức tường. Những tấm ảnh chụp hàng chục lãnh đạo cấp cao về thăm ông Khánh và Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, một doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Hải Phòng. Doanh nghiệp của ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho cả ngàn công nhân với mức thu nhập cao gấp nhiều lần cán bộ Nhà nước.

Tuy nhiên, chỉ vì con đường Tô Hiệu mở ra, xưởng sản xuất bị mất vì chính quyền thu hồi đất, không được đền bù đồng nào (mặc dù đất của ông, mang tên ông đàng hoàng), ông đã mất niềm tin với cuộc sống, mất niềm tin vào tương lai, và ông cũng mất luôn cảm hứng làm việc, kiếm tiền.

Ông Khánh giới thiệu những loại máy móc ông mới sáng chế.

Ông đắp chiếu toàn bộ máy móc của mình và sống thu mình trên mảnh đất trong ngõ sâu thuộc quận Kiến An. Ông đã làm một công việc rất kỳ quặc: Xây mộ và tìm hiểu kỹ thuật để tự ướp xác cho vợ chồng. Ngôi mộ của ông cực kỳ đặc biệt, nằm dưới một cái hồ nước. Sau này, xác ông sẽ ướp dưới mộ, rồi bơm nước ngập vào hồ. Ông bảo, ông thích nằm dưới nước cho mát mẻ, nên xây dựng cái mộ như thế. Tỷ phú Vũ Hồng Khánh, nhà sáng chế Vũ Hồng Khánh nổi danh một thời tự dưng biến mất hoàn toàn và chỉ còn là ký ức với người dân đất cảng.

Sống thu mình và miệt mài chế tác, xây dựng ngôi mộ để tự chôn mình, ông coi như mình đã chết. Không còn tham vọng, không còn thấy cuộc sống có ý nghĩa gì nữa.

Tuy nhiên, óc sáng tạo đã ngấm vào máu ông rồi, nên khi đặt lưng lên giường, hình ảnh kết cấu của những chiếc máy cứ hiển hiện trong đầu, cả trong mộng mị. Thế là, hàng ngày, từ tán cây bên ngôi mộ, ông vẽ vời, sáng chế ra không biết bao nhiêu máy móc.

Chiếc máy phát điện di động. 

Ông bảo, sáng chế máy móc không có gì khó cả, chỉ cần ham học hỏi và có lòng đam mê. Ngày bé, cha mẹ mua cho thứ đồ chơi gì, như ôtô, máy kéo, cậu bé Vũ Hồng Khánh đều tháo tung ra tìm hiểu, rồi ráp lại. Đến bây giờ, dù đã bước qua tuổi 70, song niềm đam mê tìm hiểu vẫn không ngừng nghỉ. Thế giới có máy móc gì mới, có ứng dụng tốt, ông cũng mua về tìm hiểu, học hỏi và tiếp tục sáng tạo.

Việc sáng chế dây chuyền biến rác thải thành nhiên liệu cũng xuất phát từ tình yêu với môi trường. Những thứ chất thải nhựa, cao su thải ra môi trường thì không biết bao nhiêu thế kỷ mới phân hủy được.

Chiếc máy khổng lồ này đã đốt của ông không biết bao nhiêu tỉ đồng. Để làm xong một chiếc máy, phải tốn vài tỉ đồng. Tuy nhiên, đã mấy lần, do sự bất cẩn của công nhân, chiếc máy đã cháy thành tro bụi.

Chiếc máy chế biến rác thải thành chất đốt do ông Khánh chế tạo rất đồ sộ, phức tạp. 
 

Chiếc máy đặc biệt này hoạt động theo quy trình như sau: Rác nhựa, cao su được đưa vào hệ thống phân loại, làm vệ sinh, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn phụ gia. Băng chuyền đưa rác vào lò kín, đốt ở nhiệt độ 700 độ C để tạo thành khí. Khí bay vào lò tiếp theo và bị hóa chất làm ngưng đọng. Khí bị nén ở áp lực cao trong hệ thống gồm 7 buồng ngưng hoàn toàn. Tiếp đó, nhiệt độ giảm đột ngột xuống 12 độ âm, sẽ thu được chất đốt hóa lỏng.

Điều đặc biệt, trước khi chất đốt hóa lỏng ra lò thì khí thải đã bị đốt cháy hoàn toàn ở nhiệt độ cao, nên không gây ô nhiễm. Chất lỏng khi đó là một loại dầu hỗn hợp. Loại chất này dùng để đốt lò, nung gốm sứ, nấu thủy tinh, nấu nhôm, thay thế dầu FO trong cán thép… Tiếp tục chưng cất sẽ thu được dầu diezen và xăng, dùng để chạy ôtô và xe máy. Nhựa và cao su được sản xuất từ dầu mỏ, nên chiếc máy của ông Khánh có công dụng chưng cất thành nhiên liệu. Ông Khánh bảo, nếu mỗi tỉnh thành có vài chiếc máy như thế này, thì không sợ rác thải nhựa và cao su tác quái môi trường.

Chất đốt sản xuất từ rác thải. 

Tuy nhiên, hiện chiếc máy này đang phải đắp chiếu vì người dân Kiến An không đồng ý cho đặt ở khu dân cư. Mặc dù máy không gây tiếng ồn, ô nhiễm, song những chiếc xe tải chở phế liệu đến tập kết đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực.

Từ chiếc máy này, ông Khánh có thể sáng chế ra hàng loạt máy đốt rác thải độc hại, y tế. Theo ông Khánh, việc sản xuất những chiếc máy xử lý rác thải là quá dễ. Các cơ quan, doanh nghiệp có thể nhờ sự giúp đỡ của ông để sản xuất hàng loạt, không việc gì phải bỏ ra nhiều triệu đô-la để nhập từ nước ngoài.

Cũng vì lòng xót thương người nông dân, nên trong thời gian ngắn, ông Khánh sáng chế ra hàng loạt máy móc giúp người nông dân làm giàu. Đơn giản như chiếc máy chế biến tinh bột sắn. Qua tìm hiểu, ông thấy người nông dân bán củ sắn, củ khoai với giá rất rẻ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán ra nước ngoài. Nước ngoài chế biến, rồi lại nhập về Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam chế biến thành thức ăn gia súc, rồi bán lại cho nông dân chăn nuôi. Tính ra, người nông dân bán 1kg sắn với giá 1 ngàn đồng, rồi lại đi mua thức ăn chăn nuôi với giá 10 đồng/kg.

Một trong số hàng chục chiếc máy tự động do ông Khánh sáng chế. 

Thấy việc này quá bất công, ông Khánh đã sáng chế chiếc máy sản xuất tinh bột sắn. Chỉ việc cho củ sắn, khoai vào một đầu, đầu kia sẽ cho ra tinh bột sau khi đã loại bã. Người nông dân có thể bán tinh bột cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao gấp 10 lần bán nguyên liệu thô. Cũng theo ông Khánh, với ông, việc sản xuất một chiếc máy chế biến thức ăn cũng quá dễ. Nếu ông tiếp tục nghiên cứu, ông sẽ cho ra đời chiếc máy tự động biến sắn, khoai, ngô thành thức ăn chăn nuôi để phục vụ bà con.

Niềm mong ước của ông Khánh là chuyển giao cho một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào đó, có đủ lực để sản xuất hàng loạt loại máy này để phục vụ bà con nông dân. Khi mỗi gia đình, hoặc vài gia đình nông dân miền núi có được chiếc máy này, thì mới giàu có, mới công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn được.

Rồi còn hàng loạt máy móc nữa, như: máy ép dầu điều, máy sản xuất cồn, máy sản xuất xăng sinh học, máy phát điện di động… đều đã được ông Khánh sáng chế thành công, đang hoạt động rất tốt. Ông muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc này để phục vụ đất nước.

Ông Khánh muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc do mình sáng chế cho các nhà sản xuất. 

Ngay cả chiếc máy điều chế hydro từ nước, một sản phẩm mà ông rất tâm huyết, ông cũng muốn chuyển giao nốt. Đây là chiếc máy ông mất đúng 5 năm trời nghiên cứu và đã tiêu tốn vào nó hơn 6,1 tỉ đồng.

Kỹ sư Vũ Hồng Khánh tâm sự: “Con cái tôi, đứa ở nước ngoài, đứa lập doanh nghiệp may mặc, đều làm ăn khấm khá cả. Có mỗi cậu con trai trót đam mê sáng chế như tôi nên cứ suốt ngày vất vả, lận đận với dầu mỡ, máy móc. Tôi thì già, mà cậu con thì chỉ ham mê sáng chế chứ không ham kinh doanh, làm giàu. Do đó, tôi muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc, sáng chế cho những cá nhân, tổ chức, cơ quan nào đủ điều kiện để nghiên cứu, sản xuất hàng loạt, phục vụ đời sống, làm giàu cho bản thân và cho đất nước”.

Ông Khánh bảo, ông đã tự xây mộ cho mình, là coi như không còn ham hố gì cho bản thân nữa. Ông muốn, những ngày cuối đời, ông tập trung tư tưởng, sáng chế thật nhiều máy móc, vừa để làm giàu cho đất nước, nhưng cái quan trọng hơn là để cổ vũ tinh thần sáng tạo cho giới trẻ nước nhà.


Phạm Ngọc Dương





Bình luận
vtcnews.vn