Người Việt Nam 60 năm “ngự” trên ban thờ ở Lào

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 30/09/2010 06:00:00 +07:00

Trên cái “ngai” thờ ma quỷ chứa đầy xương thú của bà, bà hỏi “ma” đủ cách rồi, họ giả lời, đúng là con rể bà đã chết mất xác ở ngoài suối lũ Tùng Khoa.

Tìm nhà ông Hoàng Văn Phẩm ở Luang Nậm Thà bây giờ, nó cũng khó như tìm kim đáy bể. Thứ nhất không ai từng nghe cái tên Hoàng Văn Phẩm bao giờ, bởi nhiều năm ông hoạt động ở đó với cái bí danh (vỏ bọc) duy nhất: Xít A. Thứ hai, cả khu vực, cả gia đình đều tin là “anh” Phẩm xấu số mỏng phận đã chết trẻ từ 60 năm trước. Ban thờ đấy, vợ và đàn con ông đấy, ai cũng biết là ông đã chết. Mẹ vợ ông Phẩm là một thầy cúng có hạng trong bản Lào, bà cũng chữa bệnh, cúng đuổi ma tà, giữ “bình an” cho biết bao nhiêu người. Trên cái “ngai” thờ ma quỷ chứa đầy xương thú (hiện nay vẫn ở trong buồng) của bà, bà hỏi “ma” đủ cách rồi, họ giả lời, đúng là con rể bà đã chết mất xác ở ngoài suối lũ Tùng Khoa khi đang đi bắt cá nuôi đàn con đói khát.


Kì 2: Cuộc sống của cựu binh Hoàng Văn Phẩm!

Họ đã khóc hết nước mắt, đã chờ đợi và cầu Phật phù hộ trong 3 năm, rồi mới quyết định lập bàn thờ. Bàn thờ không có ảnh, theo đúng phong tục của người Lào trong vùng; nhưng kể cả có cố sức tìm một bức ảnh thì cũng không tài nào có được. Đơn giản, ở rừng Lào, chưa bao giờ ông Xít A có ý định chụp ảnh, mà rừng rú nửa thế kỉ trước, làm gì có ai hình dung ra chiếc máy ảnh nó thế nào! Ban thờ ông có một cánh nỏ, một chùm lông chim tẩm máu, vài mũi tên tre cũ nát. Bởi thế, cả 3 người con của ông Phẩm đều chưa bao giờ hình dung ra gương mặt của bố mình,… cho đến cuộc trùng phùng vừa rồi ở thị trấn Thảo Nguyên.

Cùng còn sống mà bố - con như Âm - Dương cách biệt!

Đặc biệt đáng trăn trở là trường hợp của bà Hoàng Thị Phom, trăn trở đến mức người viết bài này đã đem tiền kip (tiền của Lào) ra biếu, rồi rớt nước mắt, rồi hứa đài thọ tiền cho bà sang Việt Nam thăm ông bố 92 tuổi của bà.

Bà Phom năm nay 65 tuổi, già hom hem, yếu sụp như một cụ già 85, tóc vấn cao theo phong tục của các cộng đồng Lào - Thái, chồng chết, con cái 12 người đều nghèo đói trong bản heo hút bên bờ Nậm Khoa. Khi ông Phẩm đi khỏi bản, cô bé Phom mới 4 tuổi đầu, kí ức về ông bố người Việt chỉ là con số không. Hơn 60 năm trôi qua, bà tin rằng bố đã chết, trên ban thờ cũng không có lấy một tấm ảnh, không một ai còn ảnh của bố cả. Tất cả đã lòa đi, đã mờ chập vào đất phù sa bên dòng Nậm Khoa.

Bà luôn tin, chỉ khi chết đi, may ra bà mới có dịp gặp bố ở nơi xa xanh đó. Thế rồi Bun Uồn và Bun Hon (hai người em của bà, hai con trai bên Lào của ông Phẩm) được đưa sang Việt Nam thăm cha, tận mắt nhìn thấy bố Phẩm còn sống, bố khóc hỏi tên con… là gì. Hai em đầu bạc của bà Phom còn chụp cả ảnh bố về cho bà xem, lúc ấy bà mới dám tin bố còn sống.

Con cháu và hàng xóm của ông Xít A (bí danh của ông Phẩm) trong buổi gặp gỡ PV ở Luang Nậm Thà, biên giới cực Bắc nước Lào. 

Lại nhớ trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ của bà Phom (tên là Te) chỉ một mực nhìn lên khu thờ tự trên gần nóc nhà, rồi thở dài: không biết bố của lũ trẻ đã chết thật chưa? Lập bàn thờ hơn nửa thế kỉ rồi, bà vẫn lờ mờ nghĩ rằng: biết đâu chồng bà lại chẳng vẫn còn sống, ông đang đi thực hiện một nhiệm vụ vĩ đại nào đó vì bình an và thịnh vượng của hai nước Việt - Lào như ông hằng tâm huyết. Bây giờ, bà Phom càng ngẫm, càng thấy linh cảm của mẹ mình là đúng.

Ở tuổi 65, bà Phom bảo tôi: “Không dám tin là đi sang được đến Việt Nam gặp được bố đâu, không có tiền, không có gạo ăn, cũng không biết đường”. Cả đời bà đã bao giờ dám ra khỏi bản đâu, huống hồ vượt trăm núi nghìn đèo ra tận nước khác. “Nước khác có phải bầu trời khác không?”, bà Phom nói, tôi nhờ ông Tú (một Việt kiều sống ở Luang Nậm Thà) phiên dịch sang tiếng Việt, với nội dung như vậy. Nói rồi bà khóc. Bà và tôi cùng biết, ông bố mắt mờ chân chậm, mõm mòm như chuối chín cây của bà (ông Phẩm) chắc chắn không tài nào vượt hàng nghìn cây số đường cực xấu, cực đèo dốc mà cách đây vài tháng vẫn còn chưa phá đá phát lối kia để xuyên quốc gia thăm lại bản Tùng Khoa được. Chúng tôi ngỏ ý muốn đưa bà sang Việt Nam thăm bố, sẽ giúp đỡ tiền nong, thủ tục, bà Phom khóc to hơn, bà hứa sẽ cố gắng. Dường như bà hứa cho khỏi phụ lòng những người trẻ đến từ xa xôi như chúng tôi mà thôi.

Lại nói chuyện ông Hoàng Văn Phẩm, sau khi sang Trung Quốc hoạt động, trở về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông giải ngũ về sống tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu, rồi lấy vợ ở nông trường chè, nửa đời còn lại gắn chặt với thị trấn Thảo Nguyên vùng Tây Bắc. Vợ ông là một cô hái chè thuần túy, là người gốc Thái Bình, sinh cho ông những người con trí thức, như cô giáo Hoàng Thị Thu, thầy giáo Hoàng Đức Huân (cả hai đều đang dạy học ở Mộc Châu)… Bà “vợ hai” (sau bà vợ Lào) chẳng may mất sớm, ông Phẩm tục huyền với một người đàn bà chất phác, họ không có thêm người con nào, “lấy nhau để làm ông làm bà”, sống thanh bần ở ven các đồi chè của thị trấn.

Một lần, bom Mỹ đánh vào hang 66 (hang đá vôi lớn nằm ven Quốc lộ 6, ở km 66 tính từ Suối Rút, theo cách gọi xưa) khiến 14 người dân Mộc Châu chết, ông Phẩm sống sót nhưng nhà bị cháy, toàn bộ giấy tờ liên quan đến cuộc đời cách mạng của ông cháy hết. Dù được hưởng nhiều huân huy chương, kể cả huân chương hữu nghị đoàn kết Việt Lào, nhưng những giấy tờ cơ bản để có tiền “chế độ” (tiền) hằng tháng của nhà nước thì ông Phẩm lại không giữ được.

Thế là, bao nhiêu mảnh đạn trong người, bao nhiêu đau thương li tán, cuối đời, người cựu binh thấy thân xác đau đớn vì mảnh đạn miếng bom trong thịt da đã nhiều, nhưng xót xa vì những thiệt thòi danh dự và vật chất của mình cũng nhiều không kém. Ông không đói khát, nhưng cái ông cần là một sự tôn vinh cần thiết cho những hi sinh âm thầm mà quá lớn lao của ông và đồng đội.

Chúng tôi sang tận Luang Nậm Thà, đã gặp gỡ nhiều nhân chứng kính trọng và khâm phục tinh thần cách mạng, lòng tốt, đức hi sinh của những người như ông Phẩm, những “anh hùng” đã biết nhóm và giữ ngọn lửa đánh Pháp cùng bè lũ tay sai từ độ ấy. Tôi hiểu, nỗi buồn nào đó của ông Phẩm khi nghĩ về bao nhiêu bi tráng trong cái đời xả thân vì cộng đồng kia.

Nửa thế kỉ bất lực trước trăm đường trắc trở

Cô giáo Hoàng Thị Thu không nhắc về những thiệt thòi “chế độ” cho ông bố một đời tung hoành trận mạc của mình. Mà chị khóc tủi phận, là bởi vì suốt thời bao cấp và mãi gần đây, gia đình quá nghèo, bố mẹ chị không được hưởng một chế độ gì, dẫu sự cống hiến của ông Phẩm là không nhỏ tí nào.

Thời bao cấp, mỗi lần đi “xếp hàng” nhận lương thực thực phẩm, chị buồn và trách, rồi cái suy nghĩ tủi hờn trong ông bố ưu thời của của chị cứ lớn dần. Thương đàn con nheo nhóc, lại nhớ đàn con bên Luang Nậm Thà xa xôi, ông Phẩm bị cái nghèo vịn xuống, không bao giờ ông dám nghĩ đến việc xuyên biên giới tìm vợ con. Nhất là trong thời miền Nam chưa giải phóng, mãi đến thời bao cấp cũng chẳng “thoáng” hơn tí nào. Rồi bao khó khăn trắc trở của đường sá và sự khốn khó về kinh tế gần đây nữa chứ. Cho nên, cái việc vượt hàng nghìn cây số đường rừng Tây Bắc và Bắc Lào để tìm người vợ và 3 đứa con mang hai dòng máu Việt Lào kia, với ông Phẩm, nó cũng khó như mở đường lên trời vậy.

Bà Hoàng Thị Phom, người con gái bên nước Lào của ông Phẩm. Khi ông được phao tin là đã chết, cô bé Phom mới 4 tuổi; sau 60 năm ông Phẩm ngự trên bàn thờ rồi đột ngột "bước xuống" dương gian, cũng là lúc "đứa con gái nhỏ" trở thành một bà cụ như thế này đây. Nay, bố con đều còn sống, mà như âm dương cách biệt. 

Cái việc đường bùn nhão đá hộc cực kì nguy hiểm có thể vượt từ cửa khẩu Quốc tế Tây Trang sang Phông Sa Lỳ, dọc Mường Mày, Mường Khoa đi Udomsay (vào tháng 9 năm 2010) mà chúng tôi tôi thực hiện hôm nay, với chính những người trẻ như chúng tôi cũng không thể hình dung được, chứ đừng nói gì đến ông già 92 tuổi như cựu binh Hoàng Văn Phẩm.

Sau khoảng 40 năm ông Phẩm ngồi trên bàn thờ ở bản Tùng Khoa, ông Lê Văn Tú (người phiên dịch cho tôi hôm đó) mới đến tuổi được sang Việt Nam “du học” ngành thương nghiệp. Thế mà, bấy giờ ông vẫn phải đi bộ mất đúng 10 ngày cật lực từ Luang Nậm Thà, cắt núi vượt rừng sang đến đường ô tô qua cửa khẩu Tây Trang về… Hà Nội.

Bởi thế, việc ông Phẩm biết rõ, nhiều khả năng vợ và các con vẫn sống ở Tùng Khoa, nhưng việc không thể đi tìm gia đình trong thời buổi ấy, sự khó khăn mọi bề ấy là không có gì khó hiểu. Đấy là chưa kể, một thời gian dài, việc những “thường dân” như ông Phẩm đi nước ngoài không dễ dàng tí nào. Ngay cả việc Việt Nam, Lào và nhiều nước bỏ chế độ vi-da như bây giờ, cách đây ít năm người ta vẫn không thể hình dung được. Đấy là chưa kể, sau khi ông Phẩm biến mất khỏi Tùng Khoa, “quan Tây” và chức dịch địa phương đã gây khó dễ rất nhiều cho vợ con ông. Thậm chí, bà Phom nói với tôi: “Bố đi rồi, nhiều người ác còn đồn là bố bỏ cách mạng theo gót giày của bọn Tây, là người phản động, nhiều người nói ra nói vào lắm. Nay tìm thấy bố, vui vì còn được nhìn thấy bố, vui nữa là để mọi người thấy rõ: bố Xít A của chúng tôi là người kiên trung với cách mạng”.

Cuộc trùng phùng bắt đầu bằng một ngày trái gió giở giời, trời cao nguyên Mộc Châu xám xịt. Các mảnh đạn nổi u trên cánh tay ông Phẩm được phen tác yêu tác quái. Cơn đau quằn quại. Ông Phẩm gọi cô con gái rượu Hoàng Thị Thu đến, rằng con cũng sắp thành bà rồi, bố cũng gần đất xa trời lắm rồi. Trước lúc đi theo các cụ, bố muốn con cóp nhóp tiền bạc, tìm đường sang Lào, đến tỉnh Luang Nậm Thà, tìm bản Tùng Khoa hỏi cho bố xem tình hình vợ con bố bên đó thế nào. Chứ để vợ và 3 người con phiêu bạt bên đó, chắc họ thờ bố đã 60 năm, không một ngày nào bố không sốt ruột nghĩ đến họ.

Cô giáo Thu chết lặng. Rồi ông Phẩm kể. Đó không phải là một người đàn ông cuối đời thú nhận vợ bé con riêng, cô ấy là người vợ đầu tiên, cưới hỏi đàng hoàng của bố; 3 người con cũng thật sự là con của bố, mà vì nhiệm vụ bố phải giả chết ra đi, vì bao khó khăn của một thời bố phải để cho họ… thờ bố 60 năm qua.


Còn tiếp…

TheoPhạm Thị Thảo GiangTuổi trẻ thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn