Có một cụ bà nửa đời nuôi cá hồ Gươm

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 18/09/2010 03:00:00 +07:00

Hà Nội chìm sâu trong giấc ngủ thì xuất hiện cụ già (88 tuổi) lủi thủi lúc 0h đến các quán ăn, nhà hàng quanh phố xin từng mẩu bánh mì thừa về nuôi cá hồ Gươm.

Hơn 20 năm qua, khi người dân trong ngõ Phát Lộc, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang chìm sâu trong giấc ngủ thì xuất hiện hình bóng cụ già (88 tuổi) lủi thủi lúc 0 giờ đến các quán ăn, nhà hàng quanh phố xin từng mẩu bánh mì thừa về để nuôi cá hồ Gươm.

Nửa đời người mới tìm được thú vui

Loanh quanh trong những con phố ngược chiều, mãi chưa tìm được lối ra. Địa chỉ duy nhất để chúng tôi hỏi được nhà bà cụ đó là “ngõ Phát Lộc”, một con ngõ nằm sâu trong phố Hàng Bạc. Vừa bước chân xuống con ngõ nhỏ ấy, hỏi thăm cụ Quách Thị Gái, một người bán nước chè đầu ngõ nói: “Bà Gái nuôi cá hồ Gươm phải không? Ngày nào bà ấy cũng ở nhà thái bánh mì để chiều mang ra hồ cho cá ăn đó”.

Nhìn chị chủ quán chỉ đường có vẻ như dễ tìm, theo hướng chỉ tay của chị chúng tôi vẫn không thể nào vào được bên trong số nhà 46 bởi con hẻm đó chỉ vừa cho một chiếc xe đạp đi vào, phía cổng lại bị che chắn bằng những ngôi nhà cao tầng chót vót. Ngôi nhà của cụ chừng 20m2, lúc nào cũng tối om, chỉ khi có khách bà mới bật điện. Thấy có người vào nhà cụ vui lắm, không cần biết là ai cụ ngồi kể về cuộc đời và “nghề” nuôi cá của mình cho chúng tôi nghe.
Cụ Gái chuẩn bị bánh mì để chiều cho cá ăn 

Trước đây, cụ Gái làm nghề buôn thúng bán bưng quanh bờ hồ hoàn Kiếm cho khách du lịch. Vào một buổi chiều ế khách, cụ ngồi ăn chiếc bánh mì, mắt nhìn xa xăm bỗng một mẩu bánh mì nhỏ rơi xuống hồ, ngay lập tức đàn cá lao đến xâu xé. Thấy cá đói, cụ lại xé nhỏ cái bánh mì trên tay thả xuống cho cá ăn. Từ đó cứ mỗi buổi đi bán hàng quanh hồ, đến đúng giờ đó cụ lại dành ra một vài cái bánh mì cho cá. “Thấy cá ăn nhiều chứng tỏ nó đang đói. Cho cá ăn cũng thành thói quen, ngày nào đến giờ đó cá cũng bơi lên chờ tôi cho ăn. Thấy công việc cũng vui và làm cho mình thoải mái nên ngày nào tôi cũng đều cho cá ăn hết”, bà Gái nói.

Thời gian đầu làm công việc này nhiều người quanh hồ ngỡ bà bị điên. Có người còn nói “đúng là già đâm ra lẩm cẩm”, hết việc để làm rồi mới mang cơm, bánh mì ra đây thả. Rồi công việc của cụ mỗi ngày được nhân lên, mỗi buổi đi bán hàng cụ đều chuẩn bị trước từ nhà một nồi cơm nguội, cứ đến giờ ăn cá lại nổi lên chờ “cô Tấm”. Lâu thành quen, mọi người đến hồ đã phải nhìn bà bằng con mắt khác. Một con người kỳ lạ nhưng có lòng từ bi và yêu thiên nhiên.

“Vi hành” lúc nửa đêm

Trong con ngõ Phát Lộc mọi người ai cũng biết công việc của bà cụ. Nhưng làm sao có được thức ăn cho cá hàng ngày thì chắc không ai biết được cuộc hành trình lúc nửa đêm của bà cụ xấp xỉ 90 tuổi.

Một buổi tối cụ đi ngang qua các quán ăn, nhà hàng thấy những mẩu bánh mì thừa của khách còn trên bàn được các cô tiếp viên gạt hết vào thùng rác. Thấy lãng phí nên cụ đã nghĩ ra ý định xin bánh mì về cho cá ăn. Vậy là cuộc hành trình của cụ không lúc nào ngưng nghỉ. Để không phải lấy bánh mì từ thùng rác mất vệ sinh, cụ quyết định thức dậy lúc nửa đêm để đi xin bánh mì, cụ nghĩ: “Cá cũng như con người, không thể lấy cái bẩn cho nó ăn được, mà cái gì con người còn ăn được mới đem cho cá ăn”.

Lúc đầu đi xin bánh ở các nhà hàng, cụ đều bị xua đuổi vì họ nghĩ cụ là người ăn xin. Cụ vẫn không nói xin bánh thừa làm gì, ai nghĩ gì kệ họ! Không được chỗ này, cụ lại đi chỗ khác và cứ thế suốt đêm thâu, không kể mùa đông hay mùa hè đêm nào cũng vậy cụ rong ruổi trên phố cả chục cây số từ 0 đến 2 giờ sáng mới về. Mỗi lần như vậy về tới nhà là người mệt nhoài, chỉ đặt lưng xuống là ngủ một mạch cho tới sáng.
Tiếng lành đồn xa, rồi mọi người cũng biết cụ đi xin bánh nuôi cá hồ Gươm nên công việc xin bánh mì của cụ cũng tương đối thuận tiện. Có người thông cảm còn chủ động gom bánh lại gọn gàng chờ cụ đến lấy. Mỗi buổi “vi hành” như vậy cụ mang về tầm 3 đến 4 túi ni lông bánh. Công việc của sáng hôm sau là phân loại, sắp xếp băm nhỏ để chuẩn bị cho cá ăn. Hôm nào xin được nhiều cụ lại cất bớt làm “lương thực dự trữ” cho ngày khác.

Gần đây, sức khỏe của cụ ngày càng yếu. Con cháu trong gia đình đều phản đối, muốn cụ ở nhà nghỉ ngơiâ. “Chúng nó sợ tôi yếu, đi lại về khuya không tốt. Nhỡ có mệnh hệ gì thì khổ. Tuổi già chẳng biết làm gì cho khuây khỏa, khi nào tôi không còn đủ sức đi được lúc đó tôi mới chịu ở nhà. Nếu không cho cá ăn một ngày tôi thấy buồn và nhớ chúng, tôi nghĩ ngày nào cá cũng đang chờ tôi vậy”, cụ Gái tâm sự.

Chia tay chúng tôi, cụ lại tiếp tục với công việc thường ngày của mình. Hình ảnh một bà cụ lủi thủi trong đêm thâu, rồi chìm sâu trong bóng tối cùng với công việc ít ai nghĩ đến của mình khiến nhiều người thầm nể phục.

Theo Lâm Nguyên (Công an TPHCM)
Bình luận
vtcnews.vn