Bà ngoại kế, 3 đứa trẻ mồ côi và căn nhà xây dở (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 04/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Minh Anh khấn: “Tối rồi con mời mẹ về ăn cơm. Mẹ phù hộ cho chúng con, cho bà khỏe mạnh mẹ nhé!”. Ngoài trời, bão giật đùng đùng, mưa trút nước.

(VTC News) - Minh Anh khấn: “Tối rồi con mời mẹ về ăn cơm. Mẹ phù hộ cho chúng con, cho bà khỏe mạnh mẹ nhé!”. Ngoài trời, bão giật đùng đùng, mưa như trút nước lên những tấm bạt, át đi tiếng tụng kinh rè rè phát ra từ chiếc đài nhỏ.


Ngày chị Huyền đang mắc bạo bệnh, thì ngôi nhà 30 mét vuông chứa 8 con người bị TP. Ninh Bình giải phóng để làm con đường rộng rãi xuyên qua cầu Lim. Bà Trần Thị Yến, mẹ kế của chị Huyền, bà ngoại kế của 3 cháu bé Minh Anh, Minh Ánh, Bình An được phân một mảnh đất ở Khu tái định cư Phía Tây Ga. Không có nhà ở, mẹ con chị Huyền dựng một căn lều với khung tre, phủ bạt ở ngay bờ sông Vân, cách cầu Lim một đoạn, để có chỗ trú ngụ. Bà Yến và mấy người con cũng dựng một căn lều tương tự bên một con mương cạnh khu đất mới được phân để có chỗ trú ngụ. Số tiền đền bù bà dựng một ngôi nhà nhỏ trên phần đất được đền bù cho mấy người con chung sống.

Thương mẹ, Minh Anh khóc ròng cả tháng nay. 

Bệnh tật đầy người, không có tiền chạy chữa, lại sống cảnh lều bạt tạm bợ ven sông, nên sức khỏe của chị Huyền sa sút nhanh chóng. Chị đã về thế giới bên kia, để lại 3 đứa con nhỏ trong căn lều bên cạnh bờ sông Vân ấy.

Nghĩ tủi phận cho con, nghèo khổ, ốm yếu suốt đời, đến khi chết cũng không được chết trong mái nhà, rồi lo cho tương lai 3 đứa cháu, bà Yến đã làm đơn, xin phường xác nhận hộ nghèo, xác nhận tình trạng mồ côi của 3 đứa trẻ, rồi bà nhờ người chụp cảnh chị Huyền tiều tụy trong bệnh viện, chụp cảnh 3 đứa trẻ mồ côi trong căn lều rách bên sông, rồi đem gửi tứ tán đến các cơ quan chức năng. Vài hôm sau, một vị lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình xuống thăm căn lều của 3 đứa trẻ mồ côi. Trông thấy 3 đứa trẻ lít nhít với vành tang trắng, vị lãnh đạo kia đã len lén lau nước mắt rồi quay sang nói với mấy vị ở phường trước đông đảo người chứng kiến: “Cả cái thành phố rộng thế này mà các anh để cho 3 đứa trẻ nằm bờ sông thế này à?”.
Thợ xây không hoàn thiện nhà cho các cháu vì không có tiền trả cho họ. 

Thế là, chỉ hôm sau, bà Yến nhận được thông báo của phường mời ra khu tái định cư giữa cánh đồng, cách Trung tâm TP. Ninh Bình 6km để nhận đất. Nhà nước đã cho 3 đứa trẻ mồ côi mượn một lô đất có mặt tiền 5 mét, sâu 20 mét trong một khu đất phân lô. Đây là đất hộ nghèo, nên các cháu chỉ được quyền sử dụng, không được quyền bán. Khi nào các cháu lớn, có tiền trả cho Nhà nước thì mảnh đất mới thuộc sở hữu của mình.

Có đất rồi, bà Yến chuyển căn lều cạnh sông Vân ra miếng đất giữa đồng hoang cho các cháu. 3 đứa trẻ thì làm gì có tiền mà làm nhà. Khu vực này không có dân cư, điện nước không có, nên bà Yến phải thắp đèn dầu, rồi đạp xe mấy cây số chở từng can nước ra. Bàn thờ bố mẹ các cháu được bà Yến chuyển về căn lều mà bà từng ở cạnh bờ mương ở Khu tái định cư Phía Tây Ga.
Bà Yến không biết tìm đâu ra tiền để hoàn thiện nhà cho các cháu ở. 

Khi mẹ cháu vừa mất, thì lại có mấy vị lãnh đạo tỉnh xuống thăm. Vị lãnh đạo hỏi: “Các cháu mong ước điều gì nhất?”. Cô bé Minh Anh nước mắt ngắn dài: “Cháu chỉ mong có cái nhà nhỏ, có cái bàn thờ, để hàng ngày thắp hương cho cha mẹ thôi ạ!”. Nghe đứa bé 9 tuổi đầu nói thế, lòng các vị lãnh đạo cũng rưng rưng xúc động. Ngay hôm sau, phường lại gọi bà Yến lên nhắn nhủ rằng, Nhà nước sẽ cấp cho 3 cháu 30 triệu đồng với điều kiện phải xây nhà cho các cháu.

Với 30 triệu đồng thì biết xây nhà kiểu gì? Nhưng nếu không xây cho các cháu thì không những các cháu không có nhà ở, mà còn không được lĩnh số tiền kia. Bà Yến chạy vạy vay nợ khắp nơi mới được 8,4 triệu đồng và với số tiền ấy, bà quyết tâm xây nhà cho bọn trẻ.

Khi mẹ các cháu nằm xuống được vài ngày thì ngôi nhà rộng hơn 20 mét vuông được khởi công.
Hành trang cho ngày khai giảng của hai cháu là mấy cuốn sách và chiếc cặp cũ. 

Bà Yến rầu lòng kể: “Tôi và mấy đứa con xây ngôi nhà cho mình đã phải vay mượn khắp nơi rồi, giờ liều xây cho các cháu, nên nợ nần chồng chất. Làm nhà cho các cháu mà trong túi chỉ có hơn 8 triệu, đào xong cái móng là hết tiền luôn. Mấy bác bán gạch, ximăng, sắt thép thương xót nên bán chịu cho, nhưng không có tiền trả công thì các bác thợ xây không làm cho nữa. Hôm vừa rồi, mấy anh chở đá đòi dữ quá, tôi phải lên phường nói khó với các cán bộ, họ mới ứng cho 10 triệu đồng để trả. Họ bảo, số tiền này là bên Mặt trận cho vay, hôm nào trừ vào tiền hỗ trợ 30 triệu của Nhà nước”.

Vì ngôi nhà nhỏ đã xây xong phần thô, mà chưa trả tiền công, nên thợ không làm nữa, nên công trình đình lại. Đã mấy lần bà Yến lên phường ứng trước song phường cũng chẳng có tiền, bà lại về không. Bà chẳng biết lo kiểu gì để có tiền làm nhà tiếp cho các cháu, cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả nợ khi ngôi nhà này hoàn thiện.

Bà Yến kể, vài hôm nữa là vào năm học mới, mà bà cũng chẳng có tiền mua sách vở, quần áo mới cho các cháu. Bà Yến giở túi ra khoe, chỉ còn mấy ngàn lẻ, không biết mua sách vở cho các cháu kiểu gì. Hôm trước, bà Yến gọi điện nhắn bác và dì của các cháu về Ninh Bình bàn việc học hành của các cháu, song hai bác và dì đều bảo không có tiền mua vé tàu xe để về. Một bác của các cháu lấy vợ ở Thanh Hóa, phải ở nhờ nhà vợ, nghèo kiết xác, một bác lấy vợ ở Thái Nguyên, cũng ở nhà vợ, cũng nghèo rách nghèo rưới, một dì lấy chồng, chồng làm thuê làm mướn ở Hà Nội, dì không có công ăn việc làm, cũng nghèo lắm. Mấy người con đẻ của bà Yến cũng đều rất nghèo, người làm bốc vác, người làm lơ xe, lo cuộc sống cho mình cũng mệt nhoài, nên chẳng lo được mấy cho các cháu.
Căn lều đặt bàn thờ chị Huyền. 
“Tối rồi con mời mẹ về ăn cơm. Mẹ phù hộ cho chúng con, cho bà khỏe mạnh mẹ nhé!” 

Bé Minh Anh và Minh Ánh khoe với tôi hai chiếc cặp sách cũ nhuộm mực xanh lè mà một bạn hàng xóm tặng, cùng với mấy cuốn sách cũ là hành trang vào năm học mới của các cháu. Tôi thấy trong những thứ hành trang vào năm học mới của các cháu còn có hai đôi dép cũ, đứt quai. Bà Yến bảo, tối về lấy chỉ khâu lại cho các cháu đi tạm. Cả hai đôi dép đều rất rộng, như dép của người lớn, các cháu xỏ vào, lòi hẳn nửa bàn chân ra mũi dép.

Bà Yến bảo, các con của bà và con riêng của ông Việt toàn bỏ học sớm, chỉ có chị Huyền, mẹ của 3 đứa trẻ này là học cao nhất, hết… lớp 6. Đời ông bà, cha mẹ chúng đều khổ vì thất học, nên bà quyết tâm bằng mọi giá cho bọn trẻ được học hành tới nơi, tới chốn. Điều đáng mừng là Minh Anh và Minh Ánh đều học giỏi. Minh Anh là học sinh giỏi còn Minh Ánh là học sinh tiên tiến. Cả hai cháu đều ham học, mặc dù bố mẹ, cậu dì chẳng ai có chữ để dạy chúng. Bà bảo, bà già rồi, nhưng dù phải cắp nón đi ăn mày, bà cũng phải lo cho chúng được học hành đầy đủ.

Tôi hỏi Minh Anh: “Sắp khai giảng rồi, cháu có mong có quần áo mới không?”. Minh Anh nói: “Cháu không ạ, được đi học là cháu vui rồi. Cháu chỉ mong có nhà để ở thôi, chứ cứ ở lều thế này khổ lắm”. Minh Anh vừa nói xong, thì một cơn gió mạnh của bão số 3 thổi đến, hất tung bao cát đè trên nóc, bạt bay phần phật, mưa trút nước vào lều. Tôi, bà Yến cùng Minh Anh đội mưa chằng lại bạt cho chắc chắn.

Đêm xuống, khi cơn bão số 3 ập về, tôi đưa bà Yến và mấy đứa trẻ về căn lều ở Khu tái định cư Phía Tây Ga, nơi đặt bàn thờ của mẹ chúng. Ngày nào cũng vậy, cứ đến chiều tối bà Yến lại đạp xe chở Minh Anh và Minh Ánh từ khu lều giữa cánh đồng về căn lều này để cúng mẹ. Bà Yến xới bát cơm với quả trứng luộc để lên bàn thờ. Cô bé Minh Ánh, 7 tuổi, bật lửa để cô chị Minh Anh, 9 tuổi, châm hương cắm lên bàn thờ mẹ.

Hai chị em đứng chắp tay, nước mắt ngắn dài trước bàn thờ mẹ. Minh Anh khấn: “Tối rồi con mời mẹ về ăn cơm. Mẹ phù hộ cho chúng con, cho bà khỏe mạnh mẹ nhé!”. Ngoài trời, bão giật đùng đùng, mưa như trút nước lên những tấm bạt, át đi tiếng tụng kinh rè rè phát ra từ chiếc đài nhỏ.

VTC News kêu gọi bạn đọc hảo tâm ủng hộ cho 3 cháu bé mồ côi, để bà các cháu có thể hoàn thiện ngôi nhà nhỏ, giúp các cháu có nơi trú ngụ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Bà Trần Thị Yến, Lô C1, Khu tái định cư Phía Tây Ga, phố Ngọc Hà, Phường Nam Bình, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, hoặc về Báo Điện tử VTC News.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn