Hành trình nuôi 5 con vào ĐH của bà mẹ nông dân

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 02/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Khi nào thèm thịt quá thì bà Ngoa bỏ 2 ngàn đồng, mua nửa lạng thịt bèo nhèo, kho lên, mỗi bữa ăn 1 miếng, cũng được mấy ngày mới hết.

(VTC News) - Khi nào thèm thịt quá thì bà Ngoa bỏ 2 ngàn đồng, mua nửa lạng thịt bèo nhèo, kho lên, mỗi bữa ăn 1 miếng, cũng được mấy ngày mới hết.


Nuôi 5 người con vào ĐH là hành trình cực kỳ vất vả của bà mẹ nông dân này. 

Ông Vũ Quang Khải, sinh năm 1948, ở bến Trại, vùng đất ngoài đê, ven sông Luộc, đi bộ đội từ năm 18 tuổi. Chiến trường nào trong Nam ông cũng có mặt. Đánh nhau từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc, sang tận cả chiến trường Campuchia. Sau 12 năm, trở ra từ chiến trường, năm 1976 ông lấy cô thôn nữ Đào Thị Ngoa, người cùng xã.

“Ông ấy đi đánh nhau suốt 12 năm mà chỉ mang về cho cô 1 triệu tiền huân huy chương gì đó. Rồi ông ấy mắc bệnh, nằm viện mấy tháng, tiêu hết 10 triệu của cô. Ông ấy chết thì sướng rồi, nhưng để lại cho cô một đàn con như thế thì đúng là trút hết gánh nặng lên vai cô còn gì” – bà Ngoa nhìn ảnh chồng nói lời trách móc, nhưng trong lòng thì thương nhớ người chồng hiền lành, tốt tính khôn nguôi.

Theo bà Ngoa, hồi ở chiến trường về, ông Khải mắc nhiều bệnh tật, rất ốm yếu, nhưng chẳng có chế độ gì. Bà cấy 3 sào ruộng, ông Khải dựng lều sửa chữa xe đạp, nhặt nhạnh từng đồng. Năm 2000, ông đổ bệnh nặng, đi khám ở Bệnh viện K trung ương, bác sĩ kết luận bị ung thư gan. Nằm viện 6 tháng, tiêu hết 10 triệu đồng, ông Khải nhất định đòi về, không nằm viện nữa.

Vất vả sớm hôm với quán bún ăn sáng ở vùng quê nghèo, mỗi ngày bà Ngoa lời được 10 đến 20 ngàn đồng.  

Ngày cuối cùng còn ở thế gian, dù đau đớn quằn quại, song ông Khải vẫn nắm tay vợ dặn dò: “Tôi đi sớm thế này là có lỗi với bà nhiều lắm. Một mình bà nuôi con thì vất vả, nhưng mong mà cố gắng cho chúng nó ăn học tới nơi tới chốn”. Dặn dò vợ xong, ông Khải nhắm mắt ra đi thanh thản.

Ông mất được mấy hôm thì cậu con thứ hai Vũ Quang Uẩn nhận giấy báo điểm trúng tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khi ấy, cậu con cả Vũ Quang Lê đang học năm thứ 3 ở trường này. Nghe tin con đỗ đại học, nước mắt bà rơi lã chã. Bà mếu máo: “Tao chịu thôi. Bố chúng mày vừa mất, tiền chữa bệnh còn nợ đầm đìa, giờ lấy tiền đâu mà đóng học”.

Bà Ngoa không biết lo cho con thế nào, nhưng Uẩn thì động viên mẹ: “Mẹ cứ yên tâm, con sẽ nghĩ cách kiếm sống”. Làng xóm người nói ra, người nói vào: “Người ta chạy chọt mấy chục triệu mà con không đỗ, con bà chẳng tốn kém gì mà cũng đỗ đại học thế thì cứ cho nó đi học đi”. Đầu còn đội khăn tang, bà phải bán đàn lợn mới đẻ, chấp nhận lỗ to, mới có tiền cho Uẩn nhập học.

Con lợn sề là "bạn đồng hành" cùng bà nuôi đàn con vào đại học.  

Cậu cả vừa ra trường, công việc còn chưa ổn định, cậu thứ 2 đang học năm thứ 3 thì Vũ Quang Huy lại nhập trường, rồi đến vũ Quang Tín. Bà Ngoa kể, mấy anh em toàn ăn đói mặc rách, nhiều khi khoai độn cơm, thế mà cứ cặm cụi học suốt ngày suốt đêm. Lắm hôm, bà dậy sớm cho lợn ăn, đã gần 5h sáng, mà vẫn thấy mấy anh em chong đèn học bài. Ngủ muộn thế, nhưng 6h đã thấy dậy đánh răng, rồi chào mẹ đi học. Mấy anh em chỉ học trường làng, không ôn thi, không học thêm, không luyện ở lò nào, nhưng từ lớp một đến lớp 12, đều là học sinh giỏi và thi đại học thì cứ đỗ ngay năm đầu.

Nhà đông con thế, nhưng chỉ có 3 sào ruộng, năm nào được mùa thì thu 6 tạ lúa, thất bát thì 2-3 tạ, nhiều khi còn mất trắng vì lũ lụt. Để kiếm thêm, bà Ngoa phải mở quán bán bún buổi sáng. Nhưng làng quê nghèo ngoài bãi, nên lời lãi chả được bao nhiêu. Người nào ăn sang lắm, thì gọi bát bún 5 ngàn đồng, còn bình thường thường thì chỉ gọi bát 3 nghìn đồng. Chị em phụ nữ quanh xóm vào quán, chỉ gọi bán con bún, chan muôi nước sôi, nên chỉ lấy 500 đồng. Bà Ngoa thức khuya, dậy sớm như vậy, nhưng mỗi ngày chỉ lời lãi được 10 đến 20 ngàn đồng từ quán bún.

Để có tiền cho con ăn học, gần như bà Ngoa không tiêu xài gì. Bà trồng rau ngoài bãi, mép sông, vừa hái bán kiếm thêm, vừa có rau ăn. Mò được con cua, con ốc nào thì ăn tạm cho qua bữa. Khi nào thèm thịt quá thì bỏ 2 ngàn đồng, mua nửa lạng thịt bèo nhèo, kho lên, mỗi bữa ăn 1 miếng, cũng được mấy ngày mới hết.

Cả đời bà ăn rau, ăn mắm, dành dụm nuôi con. 

Bà nghèo thế, lại nuôi đàn con ăn học, nên phải tiết kiệm triệt để. Đàn con lớn lên trong đói nghèo, lại hiểu mẹ, thương mẹ, nên cũng rất tiết kiệm. Mấy anh em thuê căn nhà nhỏ, rồi nấu nướng, rau cháo lấy sức học tập. Họ chẳng bao giờ dám vào quán cơm bụi ăn suất cơm mấy ngàn đồng, càng không bao giờ dám ngồi quán nước vỉa hè.

Đang lúc kiệt quệ, không dám vác mặt đi đâu vay tiền nữa, vì “nhẵn mặt” với làng trên xóm dưới, với người thân, thì đùng một cái, cậu con Vũ Quang Tín lại mang giấy báo trúng tuyển về trình diện mẹ. Lần này thì bà kiên quyết không có học với hành gì nữa. Không ngờ, trời thương, đúng năm ấy thì Nhà nước có chính sách cho vay học đại học. Khuôn mặt mếu máo mỗi khi nhận thông tin con đỗ đại học bỗng dãn ra. Sau này, cô út Vũ Thị Ngoãn trúng tuyển Học viện Ngân hàng, bà vui vẻ cho con đi học. Dù bây giờ và sẽ còn nhiều năm nữa, bà phải ngồi trên đống nợ như ngồi trên đống lửa, thì bà cũng mãn nguyện, vì đã làm được điều mà chồng bà mong ước trước khi nhắm mắt xuôi tay. Với bà Ngoa, chuyện Nhà nước cho các gia đình nghèo vay tiền cho con đi học chẳng khác nào ông Bụt hiện hình giúp đỡ người nghèo ở thời hiện đại.

Người con cả của bà, anh Vũ Quang Lê, sau khi tốt nghiệp, làm ở bộ phận kỹ thuật của Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ sức phụ giúp mẹ nuôi các em, nên đã chuyển sang làm việc ở Ngân hàng Công thương. Vũ Quang Uẩn và Vũ Quang Huy đều làm việc ở Nhà xuất bản bản đồ. Tín và Ngoãn thì đang đi học. Mấy năm trước, cậu anh cả vay mượn khắp nơi mua được miếng đất 30 mét vuông cách Hà Đông vài km, dựng lên ngôi nhà cấp 4, rồi cả mấy anh em kéo về ở. Anh Lê đã lấy vợ, đẻ liền 2 con, vợ lại cũng vẫn đang đi học. Uẩn cũng đã tổ chức một đám cưới nghèo ở quê để lấy vợ. Hồi hai người con lấy vợ, bà Ngoa chẳng có đồng nào lo cho con. Bà cứ mua chịu, cưới xong, bóc phong bì trả nợ là vừa. Vợ Uẩn cũng tiếp tục học thêm Đại học ngành dược cùng với vợ anh trai. Tính ra, sắp tới, cả con dâu, bà Ngoa là mẹ của 7 cử nhân.

Bà Ngoa nói vui: “Vợ thằng cu Lê vừa mổ đẻ, cô lên trông con cho nó. Nhưng nhà bé tí xíu, mà cả lũ ở chen chúc, nằm chồng đống lên nhau, ngột ngạt, nóng bức, không chịu nổi. Đã thế chúng nó lại thắp điện học suốt đêm, khiến cô không ngủ được, nên ở vài hôm, cô đòi về. Với lại, còn về bán hàng ăn sáng kiếm đồng ra đồng vào, rồi chăm con lợn sề nữa chứ”.

“Cô chỉ từng ngày mong chúng nó học xong, rồi muốn làm gì thì làm, cô chẳng thể xin việc được cho chúng nó. Cô chỉ ước chúng nó ra trường, lo được cho thân chúng nó, phụ giúp mẹ trả món nợ khổng lồ. Xong nợ nần rồi, tự cô lo cho thân cô, không cần đứa nào phải lo, thế là sướng nhất” – bà Ngoa tâm sự.

Tôi rời ngôi nhà cũ kỹ khi dòng sông Luộc đã biến mất trong bóng đêm. Người đàn bà hai sương một nắng mới lọ mọ đi băm bèo, trộn cám cho nàng lợn sề đang ngoạc miệng đòi ăn.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn