Người truyền bá văn hóa Việt qua chén trà (Bài 5)

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 15/08/2010 10:41:00 +07:00

(VTC News) - Đôi lúc, tôi lại nghĩ anh như “nhà sư trà”, đã phát tâm nguyện đi truyền bá, phục hưng nền văn hóa ẩm thủy độc đáo của người Việt xưa.

(VTC News) - Tôi quen cha con nghệ nhân Trường Xuân - Hoàng Anh Sướng từ rất lâu rồi. Cả trăm lần ngồi thưởng trà với anh thì cả trăm lần, những câu chuyện đều xoay quanh chén trà. Hình như, với Hoàng Anh Sướng, trà Việt là lý tưởng, là lẽ sống, là khát vọng duy nhất của đời anh. Phải chăng, vì lý do đó, mà đến tận bây giờ, dù đã sắp sang tuổi 40, đêm đêm anh vẫn đi về lẻ bóng trong căn nhà nhỏ. Cụ Trường Xuân từng nói: “Trà ngon giống như mỹ nhân. Hương thơm của trà chính là nhan sắc của nàng. Hậu vị ngọt bền chính là vẻ đẹp tâm hồn của nàng”. Có phải đến giờ, Hoàng Anh Sướng vẫn chưa tìm được cho mình một người đẹp hương nồng sắc thắm của một chén trà sen?

Dù đã có hàng trăm bài viết về cha con nghệ nhân Trường Xuân – Hoàng Anh Sướng, song tôi vẫn chưa dám đặt bút viết dòng nào. Hình như, người ta chỉ nhìn thấy ở hai cha con anh sự cần mẫn của người “lái đò” của thú ẩm thủy trà Việt cổ xưa. Thực ra, điều ấp ủ đến cháy lòng của hai cha con anh, là thông qua chén trà Việt, người Hà Nội và rộng hơn là người Việt Nam, giữ lại được những nét văn hóa cổ xưa. “Chén trà là đầu câu chuyện” – thông qua chén trà để dãi bày tâm sự, nỗi niềm, để tìm thấy sự tri kỷ, tri âm. Nét đặc sắc nhất của chén trà chính là giúp người ta tĩnh tâm, gột rửa lòng tục, là hướng con người ta đến cái đẹp, cái chân, thiện, mỹ.

Cha con nghệ nhân Trường Xuân - Anh Sướng, là những người "lái đò" truyền bá văn hóa trà Việt. 

Có lần, tôi ngồi trên lưng chừng núi Chiêu Lầu Thi (Hoàng Su Phì, Hà Giang), uống trà với ông Phượng Quầy Phin, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X và XI của tỉnh Hà Giang. Ông Phin đã lấy loại trà mà ông trồng trên núi, pha với nước con suối bắt nguồn từ đỉnh núi cao 2.400 mét và tôi đã bị quyến rũ bởi vị ngọt bền vấn vít nơi cổ họng. Tôi đã điện cho nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và ngay hôm sau, đã thấy anh điện thoại bảo đang bắt xe lên Hà Giang tìm cụ Phượng Quầy Phin. Anh lên đó thử trà của cụ, rồi hướng dẫn cụ cách sao tẩm cho chuẩn. Giờ cụ Phin thành “nghệ nhân” trà của người Dao vùng núi Hoàng Su Phì.

Lại nhớ, hồi đầu năm, tôi cùng ông Trần Ngọc Lâm đi tìm vườn trà hoang dã bạt ngàn trên độ cao 2.000 đến 2.800 mét của Hoàng Liên Sơn. Tôi đã đi miên man giữa bạt ngạt rừng chè, với những cây chè hoang to mấy người ôm, cao đến 20 mét, ước chừng hàng ngàn năm tuổi. Tôi đã mang về một ba lô chè cho Hoàng Anh Sướng. Anh đã nâng niu những lá chè xanh đậm, rất dày rồi chậm rãi nấu nước, pha trà và rưng rưng xúc động khi nhấp môi chén trà xanh trong suốt mà ngọt đậm ngọt đà. Một lát sau, anh hào hứng bảo: “Đây chính là minh chứng sinh động nhất cho điều mà tôi vẫn tự hào quảng bá về trà Việt từ lâu: Nước ta là một trong những chiếc nôi trà cổ nhất của thế giới”
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng bên một gốc trà nhiều trăm tuổi ở Nậm Ty (Hoàng Su Phì, Hà Giang). 

Cha anh, nghệ nhân Trường Xuân là đời thứ 5 của Linh Dược trà nổi tiếng đất Hà thành suốt thế kỷ XX. Ông đã giành trọn cuộc đời để nghiên cứu về cây trà và nghệ thuật thưởng trà Việt Nam. Dấu chân ông đã in trên khắp vùng trà cả nước. Giờ ông bệnh tật nằm đấy, người con của ông lại tiếp bước công việc của cha, của tổ tiên mình.

Người đời nghĩ, Hoàng Anh Sướng làm trà để bán, mở quán trà để kinh doanh, để kiếm tiền, thậm chí đã từng có bài báo vu cáo anh làm trà để bán với giá… cắt cổ. Trà gì mà mấy chục ngàn một ấm, tiền triệu một kg? Nhưng có mấy ai biết rằng, để làm được 1kg trà sen, anh phải cầu kỳ như thế nào đâu? Anh phải bỏ ra cả tiền triệu mới lấy được 1kg trà Shan tuyết tuyệt hảo của vùng núi đá Hà Giang, hoặc phải đặt cả trăm triệu một lúc cho người Mông mới lấy được độ 100kg trà Shan trên núi Tà Xùa chìm trong mây lạnh. Mỗi năm, cả ngọn núi này chỉ cho ra đời được 100kg trà mà thôi. Rồi để có được 1kg trà sen, anh phải dùng 1.000 đến 1.200 bông hoa sen Hồ Tây thơm ngát. Người Hà Nội xưa phải bỏ ra 2-3 chỉ vàng mới mua được 1kg trà sen, thì giờ đây, 2-3 triệu 1kg trà sen vẫn còn rẻ lắm.
 
Hoàng Anh Sướng nói chuyện về trà Việt với các đại sứ. 

Ai cũng nghĩ Hoàng Anh Sướng là một đại gia, giàu có lắm. Nhưng ít ai biết rằng, anh vẫn sống một mình trong ngôi nhà nhỏ 30 mét vuông, trong một con ngõ nhỏ xíu gần bến xe Lương Yên. Tôi biết, lẽ ra Hoàng Anh Sướng có thể đi xe tiền tỉ, ở nhà biệt thự. Nhưng với Hoàng Anh Sướng, chàng trai thấm nhuần văn hóa của người Hà Nội cổ xưa, cái quan trọng với anh không phải nhà to, xe đẹp, ăn ngon mà là trí tuệ, là tri thức, là văn hóa, là nghệ thuật. Trà dạy cho anh hiểu về tình yêu, về cái đẹp, giúp anh hướng tới cái đẹp và yêu cái đẹp, đó là sự bất hủ của trà. Bao nhiêu tiền tài, của rả kiếm được, anh dành cả cho việc truyền bá văn hóa trà của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung.

Phần lớn các cuộc điện thoại của tôi cho Hoàng Anh Sướng, đều nhận được câu trả lời: “Xin lỗi chú, anh đang giới thiệu trà”. Làm được bao nhiêu tiền từ quán trà và hiệu trà, anh lại dành cả cho việc đi quảng bá trà Việt. Anh làm điều này mà chưa bao giờ đòi hỏi tiền công. Hễ đâu mời anh nói chuyện, dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù nói cho học sinh, sinh viên hay nói cho các nhà văn hóa, các lãnh đạo, anh đều vui vẻ nhận lời. Rồi các đoàn khách nước ngoài đến quán trà, muốn nghe về văn hóa trà Việt, anh cũng bỏ dở công việc của mình để làm công việc “mõ làng”, hay như các cụ nói thì “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Mới đây, anh năm lần bảy lượt khoe với tôi rằng, anh sẽ có hàng loạt cuộc truyền bá đáng nhớ về trà Việt nhân dịp “Đêm hội trà hoa” ở Hà Nội. Lần đầu tiên, văn hóa trà Việt sẽ được tôn vinh, cùng thăng hoa bên cạnh thơ ca và âm nhạc, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cuộc chuẩn bị cầu kỳ, tốn kém nhiều tỉ đồng của Nhà nước. Lãnh đạo đã có lời mời với anh hẳn hoi. Khách mời cho những buổi trò chuyện về trà hôm đó toàn là người quan trọng. Anh đã phải nhiều đêm gần như thức trắng để chuẩn bị mọi việc cho chu đáo. Nhưng rồi, “Đêm hội hoa trà” kết thúc, người ta cũng quên luôn anh. Riêng tiền trà anh mang đến phục vụ, đã tốn khoảng 30 triệu đồng, chưa kể còn nhiều chi phí khác nữa. Đến một lời cảm ơn cũng không có. Một số nhà báo thấy chuyện này bức xúc lắm, muốn làm cho ra nhẽ, nhưng cũng như cả trăm lần khác, Hoàng Anh Sướng gạt đi. Với anh, việc truyền bá, bảo tồn văn hóa thưởng trà của người Việt mới là quan trọng.
 
Hoàng Anh Sướng nói chuyện trong "Đêm hội văn hóa trà Việt". 

Tôi hỏi: “Cũng như văn hóa, lối sống của người Hà Nội xưa, nghệ thuật thưởng trà mỗi ngày lại mai một, liệu có phải do kinh tế phát triển, cuộc sống bận rộn, xô bồ?”. Hoàng Anh Sướng kể rằng, mới đây, trong cuộc nói chuyện về trà Việt với sinh viên Đại học FPT, khi anh thuyết trình về thú thưởng trà của các cụ xưa kia cầu kỳ, tinh tế thế nào, một sinh viên giỏi đã đứng lên nói: “Thời bây giờ, con người bận rộn, làm gì có thời gian mà thưởng trà cầu kỳ như thế…”. Câu nói của chàng sinh viên cũng là đại diện cho cách nghĩ của giới trẻ, đặc biệt là các lãnh đạo của Hà Nội, và của cả đất nước ta. Khi anh đặt ngược câu hỏi: “Chẳng lẽ người Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan không bận rộn à?”, thì không ai trả lời được.

Để truyền bá văn hóa trà Việt, Hoàng Anh Sướng đã nướng phần lớn gia sản của mình cho những chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, để tìm hiểu về trà và nghệ thuật thưởng trà của họ, đặc biệt là phương pháp truyền bá văn hóa trà. Rồi anh cũng đã có rất nhiều chuyến đi sang các nước châu Âu để tìm hiểu phương pháp làm trà, quảng bá trà hiện đại của người châu Âu. Anh đúc rút ra rằng, nếu đổ lỗi cho kinh tế phát triển, cho cuộc sống bận rộn, để rồi đánh mất văn hóa, đó là sai lầm, là cách bao biện vô duyên.
Hoàng Anh Sướng gặp gỡ các chuyên gia trà ở Trung Quốc. 

Hoàng Anh Sướng bảo rằng, chúng ta muốn bảo tồn cái gì, chẳng phải học đâu xa, học ngay đất nước Trung Quốc. Họ đã bảo tồn cái gì, là cái đó phát triển rực rỡ. Ở Trung Quốc, phần lớn những người đứng đầu tỉnh như chủ tịch, bí thư kiêm luôn chức vụ chủ tịch hiệp hội trà. Rồi tổng biên tập những tờ báo lớn trong tỉnh cũng kiêm luôn chức vụ chủ tịch, hoặc phó chủ tịch hiệp hội trà để tiện cho việc truyền bá. Rồi các buổi biểu diễn trà, họ mời Lưu Đức Hoa, Thành Long, Chương Tử Di… toàn những nhân vật nổi tiếng, thần tượng của giới trẻ đi… hái chè, uống trà và khen trà ngon. Những mẩu tin về các nhân vật này thường được phát đi phát lại vào các giờ vàng, với hàng trăm triệu người theo dõi. Và thế là giới trẻ đua nhau uống trà theo thần tượng của mình. Vậy nên, chẳng có gì khó hiểu, khi trên khắp đất nước Trung Quốc, đâu đâu cũng thấy quán trà, những quán trà rộng hàng chục ngàn mét vuông mà lúc nào người thưởng trà cũng đông đúc. Ở đất nước này, không có chỗ cho các loại trà tiện lợi như Lipton, Dimah…

“Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị. Ghét lòe loẹt mà thích diểm dắn. Tránh tiếng xa hoa. Dù giàu sang, áo có mớ năm, mớ bảy, cũng phủ một chiếc áo thâm hay tam giang... Vì là người kinh kỳ nên dân Hà Nội đi đâu cũng được người ta trọng, lại cũng được mến về tính yêu khách. Ở các nơi, khi người ta nói “nhà tôi có khách Hà Nội về”, là nhiều bà con muốn đến gặp”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy


Hoàng Anh Sướng nhớ mãi lần đầu tiên sang Trung Quốc cùng các lãnh đạo ngành chè Việt Nam. Sân khấu sang trọng, cán bộ cấp cao các nước có mặt. Anh nghĩ rằng, lát nữa, trên sân khấu, sẽ là một nghệ nhân, với râu dài ngang ngực, mái tóc bạc phơ, sẽ biểu diễn những màn nghệ thuật pha trà, thưởng trà cực kỳ độc đáo. Thế rồi, anh cũng như các quan khách nước ta suýt lăn đùng ngã ngửa, khi thấy người biểu diễn trà là hai cậu bé, chừng 11-12 tuổi. Thế mới biết người Trung Quốc giỏi truyền bá văn hóa thế nào. Đến đứa trẻ cũng là những nghệ nhân trà. Qua đó, có thể thấy, không có gì khó hiểu, khi có những loại trà giá trị tiền tỉ một kg, có những bánh trà giá vài chục ngàn đô la, mà thực tình, theo Hoàng Anh Sướng, thậm chí còn thua xa trà Việt.

Đã có lần, anh rơi nước mắt khi một sinh viên hỏi anh: “Anh ơi, trà Tân Cương là trà của Trung Quốc hả anh?”. Cũng đã có lúc anh nản lòng khi một sinh viên đến quán trà của anh xin việc hầu trà trả lời rằng: “Việt Nam có các loại trà như Lipton, Dimah…”. Và anh đã khóc thực sự khi đi khắp đất nước Trung Quốc, thấy nông dân làm trà toàn là tỉ phú, ở nhà lầu, đi xe hơi. Anh cũng đã khóc như đứa trẻ khi thấy người nông dân Việt Nam làm trà mà mãi lam lũ, mãi không thoát được đói nghèo.

Đôi lúc, tôi nghĩ, Hoàng Anh Sướng như chàng Đôn-ki-hô-tê đang một mình chiến đấu với cối xay gió. Đôi lúc, tôi lại nghĩ anh như “nhà sư trà”, đã phát tâm nguyện đi truyền bá, phục hưng nền văn hóa ẩm thủy độc đáo của người Việt xưa. Chẳng có ai đầu tư tiền bạc giúp anh làm công việc “vác tù và hàng tổng”, cũng chẳng có mấy lời động viên anh cả. Nhưng anh tin rằng, rồi sẽ đến ngày, có thể là đời con, đời cháu của anh, trà Việt sẽ lại phục hưng và theo đó, nét đẹp văn hóa của con người sẽ lại hiện về quanh những chén trà đậm hương vị Việt.






Còn tiếp...


Phạm Ngọc Dương



Bình luận
vtcnews.vn