Chàng nông dân mỗi tháng 2 lần vái lạy… cá sấu (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 03/08/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Vào ngày mùng một và ngày rằm, “tỷ phú nông dân” Cao Văn Tuyến ăn mặc trang trọng, đội mâm ngũ quả, với xôi gà, thắp hương, xì xụp khấn vái ở đền.

(VTC News) - Vào ngày mùng một và ngày rằm, “tỷ phú nông dân” Cao Văn Tuyến lại ăn mặc trang trọng, đội mâm ngũ quả, với xôi gà, rượu nếp, thắp hương, xì xụp khấn vái ở ngôi đền. Với Cao Văn Tuyến, cá sấu đã trở thành thứ linh thiêng, huyền bí và trường tồn.

Để nuôi được cá sấu ở miền Bắc, nơi một năm có 4 mùa, anh Tuyến phải xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín. Mùa hè, anh dỡ mái che để ánh nắng chiếu vào cho đàn cá sấu phơi nắng. Mùa đông thì đóng mái che, thắp điện công suất lớn, chạy máy sưởi để đàn cá sấu không bị chết cóng.

Với cách sáng tạo đó, đàn sấu lớn nhanh như thổi, hết lứa nọ đến lứa kia xuất chuồng. Thật khó có thể ngờ, trong khi nghề nuôi cá sấu ở trong Nam nhiều phen điêu đứng vì khó khăn đầu ra, thì cá sấu trong chuồng của anh lớn không kịp bán. Lý do là Hải Phòng gần Trung Quốc, nên việc vận chuyển, xuất khẩu cực kỳ dễ dàng.

 
Cá sấu trong trang trại của anh Tuyến nhiều như... châu chấu! 

Tuy nhiên, nếu chỉ nuôi cá sấu đem bán thì lời lãi không nhiều, nên anh Tuyến nghĩ cách làm da cá sấu. Anh học nghề thuộc da, rồi lập xưởng chế tác các sản phẩm từ da cá sấu. Hiện tại, anh đã có một xưởng lớn, làm đủ các mặt hàng giầy, túi, ví, dây lưng… thậm chí cả những cái móc khóa bằng da cá sấu. Các mặt hàng da cá sấu của anh đã có mặt ở khắp miền Bắc và xuất khẩu khá nhiều ra nước ngoài.

Để tiêu thụ lượng thịt cá sấu, anh xây dựng một nhà hàng rất lớn mang tên Nam Phương Queen, theo tên bà hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Khẩu hiểu treo trang trọng trước nhà hàng mà anh chàng nông dân này nghĩ ra khá ngộ nghĩnh: “Không sợ phụ nữ xấu, chỉ sợ không có đủ thịt cá sấu cho phụ nữ ăn”. Lý do anh Tuyến nghĩ ra câu khẩu hiệu độc đáo này là vì, theo anh, phụ nữ ăn thịt cá sấu thường xuyên sẽ trẻ lâu, đẹp da, người luôn toát mùi hương quyến rũ. Nam Phương hoàng hậu từng là người rất mê… thịt cá sấu.
Anh Tuyến (phải) cùng công nhân bắt cá sấu làm thịt. 

Hiện tại, trang trại cá sấu của anh Tuyến đã rất lớn, với hàng ngàn con cá sấu bơi lội bì bõm trong hệ thống chuồng. Tuy nhiên, số lượng vài ngàn con trong trang trại này chẳng thấm vào đâu so với số lượng các trang trại vệ tinh của anh ở khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… Anh cung cấp giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân ở các tỉnh này, rồi lại thu mua cá sấu trưởng thành của họ. Nhiều nông dân đã giàu lên nhờ anh.

Điều đặc biệt là anh đã nuôi thành công cá sấu sinh sản ở môi trường miền Bắc. Anh đã phối giống cá sấu hoa cà của Việt Nam với cá sấu Indonesia, cá sấu Thái Lan, Cuba… để cho ra đời một loại cá sấu lớn nhanh, lại chịu được cái lạnh của miền Bắc.

Khi cơ ngơi đã rất khang trang, tiền bạc cũng rủng rẻng, chàng “tỷ phú nông dân” Cao Văn Tuyến lại hay nghĩ về những ngày gian khó. Để có được như ngày hôm nay, với một trang trại nhung nhúc cá sấu, anh đã phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, nên đến một ngày, anh đột nhiên nghĩ ra việc lập đền thờ cá sấu, cũng là điều dễ hiểu.
Đền thờ cá sấu. 
Huyền thoại cá sấu Việt Nam. 
Văn tế cá sấu. 

Khu vực thờ cá sấu nằm ở trung tâm trang trại. Nói là đền thờ, song thực chất chỉ là một tấm bia đá xanh, gắn vài viên ngói đỏ trên nóc. Trên khối đá xanh đó ghi dòng chữ: “Ngạc Linh từ - Sức mạnh và phồn thịnh”. Hai bên cột ghi hai câu thơ: “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí – Nhân bất phong sương vị lão tài” (Văn chương không bắt nguồn từ núi sông không thể có được khí chất kỳ diệu – Con người không dạn dày sương gió không thể trở thành bậc tài năng lão luyện).

Hai bên miếu thờ là 4 chiếc cối đá dựng đứng như cột chống trời. Ngay dưới tấm bia đặt bát nhang trạm trổ bằng ngọc bích.

Phía bên trái đền thờ là tấm bia đá treo trên hàng rào thép gai kể về huyền thoại cá sấu. Chuyện rằng, cá sấu xưa kia được cha ông ta gọi là Ngạc Ngư. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông biết Nguyên Mông đang chuẩn bị tiến đánh nước ta, nên nhà vua động viên binh sĩ tập luyện. Nhà Trần vốn xuất thân từ dân đánh cá ven biển Nam Hải nên rất giỏi thủy chiến. Quân ta đã xăm mình giả Ngạc Ngư đánh chìm nhiều tàu chiến địch.

Anh Tuyến tin rằng, vị thần Thủy Tinh là chúa tể của nước, mà cá sấu là loài sống dưới nước, nên ngoài việc lập đền thờ cá sấu, anh còn lập cả đền thờ Thủy Tinh bằng chất liệu... thủy tinh (vỏ chai). 


Một truyền thuyết khác kể rằng, sau ba lần đại thắng Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã đi chân đất vào thăm và gả Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân. Vua Chiêm Thành rất đỗi cảm phục đã tặng vua Trần một đôi kiến khổng lồ, đôi voi trắng và một đôi cá sấu chúa. Đức vua Trần rất yêu quý và nuôi chúng trong vườn Thượng Uyển. Cá sấu chính là biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn của đất nước Đại Việt.

Phía bên phải đền thờ là một tấm biển cũng bằng phiến đá xanh sáng bóng khắc “Văn tế cá sấu” của Hàn Thuyên.

Điều đáng quan tâm nhất là con cá sấu nằm trong cái ao phía sau đền thờ cá sấu này. Anh chàng “nông dân” Cao Văn Tuyến tôn thờ gọi nó là Cá Sấu Chúa. Con cá sấu này là do anh lai giống giữa nhiều dòng mà ra. Hiện nó nặng gần 400kg. Với sức mạnh vô song, con Cá Sấu Chúa này có thể đớp chết một con trâu mộng.

Con Cá Sấu Chúa này là biểu tượng cho sức mạnh và sự phồn thịnh mà anh tôn thờ. Phía sau chuồng Cá Sấu Chúa là một khu vườn cây cối rậm rạp. Ở khu vườn đó, anh thả hươu, nai, lợn rừng… Cá Sấu Chúa thường lặn dưới bùn, rất ít khi gặp. Chỉ khi nào đói, nó mới thò đầu lên khỏi mặt nước rình đám thú rừng đến uống nước để tóm. Tôi đã có cả buổi nấp sau gốc cây những mong được thấy dáng vóc đồ sộ, đôi mắt tinh ranh, bước đi khoan thai, chậm rãi mà hùng dũng của Cá Sấu Chúa, song thất bại. Chỉ vài lần nhìn thấy cái đầu xù xì của nó nhô lên khỏi mặt nước vài giây rồi lại lặn mất tăm.

Một sản phẩm trang trí từ bộ hàm cá sấu. 

Từ ngày hoàn thiện khu đền thờ cá sấu đến nay, cứ mỗi tháng hai lần, vào ngày mùng một và ngày rằm, “tỷ phú nông dân” Cao Văn Tuyến lại ăn mặc trang trọng, đội mâm ngũ quả, với xôi gà, rượu nếp, thắp hương, xì xụp khấn vái ở ngôi đền. Với Cao Văn Tuyến, cá sấu đã trở thành thứ linh thiêng, huyền bí và trường tồn.

Cao Văn Tuyến kể, mới đây, một đại gia ở Hà Nội đã xuống trang trại của anh ở một ngày, rồi ra giá 100 tỷ đồng để mua. Số tiền đó quả là rất lớn. Tuy nhiên, dù có hơn thế, anh cũng lắc đầu. Với anh, cá sấu là sự đam mê, cũng như những bức tranh của các họa sĩ hàng đầu như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hà… hoặc rất nhiều cổ vật mà anh sở hữu. Những thứ gì đã trở thành đam mê, thì không thể định giá được.

Khát vọng của Cao Văn Tuyến là biến trang trại thành nơi tham quan, tìm hiểu về cá sấu, những mong người dân miền Bắc sẽ hiểu biết về loài cá sấu như con gà, con lợn. Rồi đây, khắp vùng nông thôn miền Bắc sẽ xuất hiện trang trại cá sấu. Khát vọng của anh là biến miền Bắc nước ta thành “Vương quốc cá sấu” của thế giới, việc mà Thái Lan đã làm được từ nhiều năm trước. Khát vọng của anh quả là xa vời, song biết đâu đấy, những thế hệ sau sẽ làm được. “Biết đâu, những đời sau, ngôi đền thờ cá sấu sẽ là nơi linh thiêng hội tụ, nơi mà những ông “vua cá sấu” khắp đất nước sẽ tìm về hương khói” – anh chàng nông dân Cao Văn Tuyến hóm hỉnh nói vui như vậy.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn