Xót xa thầy nghiện

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 29/07/2010 06:00:00 +07:00

Họ đã phải trả giá sau những tháng ngày lầm lỡ bằng những cơn giày vò, hành hạ của ả phù dung, đánh mất niềm tin, hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Bấy lây nay, nghề "gõ đầu trẻ" luôn được xã hội tôn vinh bởi sự cao quý và mỗi giáo viên luôn là tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo. Một số thầy giáo trong phóng sự này đã không chiến thắng nổi cám dỗ khôn lường của ma túy. Họ đã phải trả giá sau những tháng ngày lầm lỡ bằng những cơn giày vò, hành hạ của ả phù dung, đánh mất niềm tin, hạnh phúc gia đình tan vỡ.


Nhiều người trong số họ đang khát khao phục thiện, cố gắng từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời và không ít thầy giáo đầy nghị lực đã vượt lên chính mình, tiếp tục quay trở lại bục giảng.

Vết trượt nghiệt ngã

Tại Trung tâm Giáo dục lao động Sơn La, hiện có hơn 1.000 học viên đang cai nghiện, trong đó đa phần là thanh thiếu niên, và không ít thầy giáo trót sa lầy vũng bùn ma túy. Cơn lốc ma túy tràn qua các trường học, len lỏi vào tận những lớp học heo hút nhất ở các vùng sâu, vùng xa. Và một số thầy cô giáo không cưỡng nổi đam mê tiền bạc và mãnh lực của ả phù dung, biến thành kẻ tội đồ buôn hàng cấm, mắc nghiện.

Thoạt mới tiếp xúc với Trần Như Hoàng ở tiểu khu 4, thị trấn Mộc Châu (Sơn La), ít ai nghĩ rằng đó là một giáo viên có thâm niên nghiện ma túy ngót chục năm nay. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, học xong cấp ba, Hoàng nối nghiệp chọn nghề làm thầy.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Chiềng Sinh, năm 2001, Hoàng được phân vào dạy tại Trường tiểu học Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Đó là một trường học xa xôi, hẻo lánh nằm cách Quốc lộ 6 tới 20km. Phải vượt qua quãng đường núi hiểm trở mới tới trường trung tâm, rồi lại trèo đèo lội suối 12 cây số tới điểm trường, gặp hôm trời mưa mất cả ngày đường mới tới nơi. Cuộc sống các giáo viên quanh năm bốn bề rừng núi vây quanh chồng chất khó khăn, thiếu thốn.

Sau những giờ lên lớp, điện không có, trò giải trí tiêu khiển của các thầy không gì khác là lấy rượu làm bạn để vơi bớt nỗi buồn quạnh hiu. Lần nào đi sang bản chơi, các thầy lại được dân bản thết đãi rượu. Ngất ngây vì tửu chưa qua, cơn say thuốc phiện triền miên "giải sầu" lại ập tới. Nó chẳng khác một thứ thần dược làm quên đi những phiền muộn và cả dao động luôn cố hữu của những thầy giáo cắm bản. Nhưng niềm vui lạc thú đầy cám dỗ nghiệt ngã đó lại nhấn chìm cuộc đời những thầy giáo nghiện. Trong cụm trường có 7 thầy giáo thì 2 người dính nghiện. Công việc dạy dỗ cũng chểnh mảng theo.

Được nhà trường tạo điều kiện cho đi cai nghiện 3 tháng, về tiếp tục giảng dạy trở lại, những tưởng Hoàng đã quá thấm, từ bỏ ma túy. Nhưng bản thân Hoàng không chiến thắng nổi cơn thèm, được đám bạn rủ rê lập tức tặc lưỡi dùng thử. Và thứ ma lực đó một lần nữa quật ngã, nhấn chìm cuộc đời Hoàng vào con đường không lối thoát.

Từng là giáo viên dạy Văn nên khi vào Trung tâm Giáo dục lao động Sơn La cai nghiện, Bùi Quốc Khánh được cán bộ tin tưởng cử dạy kèm lớp xóa mù. Đặc thù một tỉnh miền núi, điều kiện học tập còn khó khăn, nhiều người nghiện ở vùng cao thất học nên tỉ lệ học viên ở trung tâm mù chữ không nhỏ. Những lớp xóa mù được lập ra để học viên biết đọc, biết viết và đơn giản nhất là biết đánh vần được những khẩu hiệu phòng chống ma túy trên các bảng hiệu ở trung tâm, biết ký tên mình thay vì điểm chỉ như trước.

Gia đình thầy giáo Toàn. 

Đã xa rời bục giảng nhiều năm, nhưng khi đứng lớp, Khánh lại nhớ về cái buổi đầu tiên trở thành thầy giáo với bao ước mơ, hoài bão. Bố mẹ đều công tác trong ngành Sư phạm, hai anh trai cũng làm nghề giáo, nên Khánh luôn tâm niệm phải dạy tốt để không phụ lòng tin của gia đình. Nhưng cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ. Năm nay, 48 tuổi, Khánh đã có thâm niên nghiện tới 22 năm. Dạy học ở Trường THCS Mường Sang cách nhà 40 cây số, cuộc sống giáo viên thời bao cấp khổ cực, thiếu thốn trăm bề. Đồng lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi mình, có khi ba tháng liền chậm lương, Khánh cùng đồng nghiệp lao đao. Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn canh cánh trong lòng vẫn chưa bằng nỗi sợ thường trực mỗi khi lên cơn vật thèm ma túy.

Chỉ sau hai lần đi cắm bản vẻn vẹn 3 tháng, cuộc đời Khánh bước sang ngã rẽ khác. Dạy học ở một bản Mông xa tít trên đỉnh núi, nhà nào cũng có bàn đèn hút xách, thậm chí có nhà có ba bàn đèn dành cho ba thế hệ. Dân bản nghèo, chỉ có tấm lòng và khói thuốc phiện thết đãi, cảm ơn tấm lòng thầy giáo người Kinh cắm bản. Ban ngày ngồi chơi xơi nước vì người dân làm nương, ban tối lại chong đèn dạy xóa mù. Thời gian dạy trái quy luật nên khi thấy bảo chỉ cần hút vài mồi thuốc phiện sẽ khỏe ngay, Khánh dùng thử và mắc nghiện lúc nào không hay. Thiếu nó, anh không thể nào chịu nổi, mệt mỏi vật vã, bỏ cơm, lại đi tìm thuốc. Rồi những khó khăn của cuộc sống thường nhật làm giảm dần nhiệt huyết của thầy giáo trẻ. Dạy học được 8 năm, Khánh quyết định bỏ nghề, đi buôn để thoát nghèo.

Thời mới xóa bỏ bao cấp nên làm ăn dễ dàng, trúng mánh liên tục, sắm được cả xe máy. Năm 1998, trong một lần đi đánh hàng xe máy lên Điện Biên, trên đường không có bàn đèn thuốc phiện, Khánh chuyển sang xài hêrôin. Chuyển sang chích "hàng trắng" phê hơn hẳn thuốc phiện, lại nhanh chóng phi tang, đỡ lích kích. Khánh đã 14 lần cai nghiện tại nhà và trung tâm, nhưng chỉ bỏ được ít ngày rồi nghiện lại. Khánh kể, lần đầu tiên cắt cơn ở Bệnh viện Thuận Châu, 7 tháng sau đã tái nghiện. Lần đó, đi theo xe tải buôn ngô, thấy trên cabin xe của người lái xe có bàn đèn, cơn thèm ma túy bấy lâu ngủ quên lại trỗi dậy, Khánh lại dùng thử.

Sau những lần hứa quyết tâm dứt bỏ "người tình" ma túy nhưng không bỏ được. Khánh cũng dằn vặt bản thân vì chính mình đã tự đánh mất niềm tin của mọi người. Chị Đoàn Thị Dung, vợ Khánh cũng là một giáo viên, sau khi hết lời khuyên nhủ chồng không được đành buông xuôi bảo "cuộc đời anh tùy anh quyết định". Anh Khánh tâm sự, vào trung tâm cai nghiện cùng bọn trẻ tầm tuổi con mình, mới thấy xấu hổ. Chúng nó mới lớn, vấp váp còn chấp nhận được, mình ăn học đầy đủ, từng trải trường đời mà vẫn dính nghiện, thế mới nhục. Lần này, Khánh quyết tâm giã từ ma túy. Trước mắt, để lấy lại phần nào niềm tin với vợ con và gia đình.

Có trăm nghìn vạn nẻo đến với ma túy, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trung lại, bản lĩnh họ không chiến thắng nổi vòng bủa vây của làn khói trắng tử thần. Trước khi làm bạn với ma túy, Trần Tuấn Dũng là tay chơi bạc có tiếng ở Mộc Châu. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, được giáo dục ăn học tử tế, Dũng rất hiếu thảo. Vốn thông minh, lại siêng năng nên kết quả học tập ở những năm học Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và Đại học Sư phạm Thái Nguyên luôn đạt mức điểm cao. Ra trường, anh được phân dạy ở Trường THPT Mộc Hạ, cách Mộc Châu 40 cây số.

Ở xã Tua Múa, huyện Mộc Châu, nơi Dũng dạy học, đời sống người dân khấm khá và nạn đánh bạc từ lâu thành "nghề" kiếm cơm của nhiều người. Sau lần đầu chơi thử mất "cả chì lẫn chài", lần thứ hai đi chơi gỡ, Dũng thắng được hơn chục triệu. Và rồi sau lần thắng định mệnh đó, anh càng lấn sâu vào con đường cờ bạc. Càng thua, càng khát gỡ, và càng gặp vận đen. Chẳng mấy chốc, số tiền thua xóc đĩa đã lên tới vài trăm triệu đồng. Kết cục tất yếu, Dũng đem nhà, đi cắm xe để trả nợ. Con dại cái mang, bố mẹ Dũng xót con, dốc hết tiền của giải quyết hậu quả.

Thấy con ham mê cờ bạc, bố Dũng đã xin chuyển cho con trai ra dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Mộc Châu. Thế nhưng, máu cờ bạc đã ngấm quá sâu, không dễ gì từ bỏ, cứ lao vào canh xóc đĩa là quên hết sự đời. Vợ Dũng mặc dù đã tìm đủ mọi cách can chồng nhưng chỉ được ít lâu lại chứng nào tật ấy. Trong thời gian chơi bạc, ngành giáo dục nghi Dũng nghiện ma túy, đã nhiều lần làm test thử bất ngờ. Biết mình luôn nằm trong tầm ngắm, Dũng tự nhủ sẽ không dùng ma túy nữa.

Cuối năm 2005, Dũng bị cháy túi sau những canh bạc. Để giải sầu, Dũng hít hồng phiến cho quên sự đời. Dũng Bảo, uống rượu rồi mà chơi hồng phiến là hết say, nếu sử dụng ba viên một ngày hôm sau tỉnh như sáo, không ăn ngủ được mà vẫn không mệt mỏi. Hai năm sau, trong những lần đi chơi cùng đám bạn, chúng trộn hêrôin và hồng phiến hít cho đã, Dũng bắt đầu hít kèm hêrôin. Từ khi được bố xin cho đi làm lại, Dũng vẫn cố gắng soạn giáo án, lên lớp đều, thậm chí đi thi đoạt giải giáo viên dạy giỏi của huyện.

Khi chuẩn bị thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì Dũng bị phát hiện dính nghiện. Tự xích chân trong nhà 6 tháng cai nghiện, nhưng hôm 26 tết, khi đi uống rượu cùng đám bạn, Dũng chơi mấy khói hồng phiến rồi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Giờ đây, khi đã trắng tay, Dũng ân hận bảo đã phụ công mọi người, giờ đã thật sự mất tất cả, danh dự của bản thân và gia đình. "Lần này, tôi sẽ làm lại cuộc đời, nhất định sẽ làm được" - Dũng quả quyết vậy.

Khát vọng làm lại cuộc đời

Không chỉ mắc nghiện, có thầy giáo mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS sau những lần dại dột dùng ma túy nhưng đã không gục ngã, mà vẫn cố gắng đứng vững trên bục giảng. Ba năm trước, khi nghe tin nhiễm HIV trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, cuộc đời thầy giáo Hà Đức Toàn, Trường tiểu học Phú Lệ, Quan Hóa (Thanh Hóa) tưởng chừng đã chấm hết. Tiếp đó là những ngày vật lộn chống chọi với cơn lũ cuộc đời, trong tâm trạng hoang mang tột độ, trong sự dò xét của mọi người. Nhưng vòng tay rộng lượng của đồng nghiệp và bà con đã tiếp thêm nghị lực sống cho thầy giáo một thời sa ngã. Không ai xa lánh anh mà cảm thông, chia sẻ. Tình cảm của mọi người cũng chân thành, thoáng đạt như không khí bao la, hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng.

Trong một lần vui chơi quá đà, theo bạn bè không làm chủ được, Toàn dính nghiện. Được gia đình và nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ, Toàn vào

Nam
một thời gian, sau đó trở về học tiếp lớp cao đẳng. Thoát khỏi nạn ma túy thế nhưng Toàn đã trả giá cho những sai lầm bởi căn bệnh thế kỷ. Lỗi lầm thời trai trẻ bồng bột không thể thay đổi, anh tự nhủ vẫn tiếp tục phải sống không chỉ cho mình mà cho cả gia đình, vợ con và học trò của anh. Giờ đây anh không còn mặc cảm với căn bệnh mình mang trong người mà muốn mọi người nhìn vào anh để tránh lặp lại kết cục đau buồn.

Nghe tin chồng mắc nghiện, rơi vào hoàn cảnh bi đát, chị Khà Thị Thịnh, giáo viên dạy mầm non Trường tiểu học Phú Lệ cũng đã khóc hết nước mắt. Trong hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc không lối thoát ấy, chị lại vững tin quán xuyến công việc gia đình, vừa lo dạy học ở lớp mầm non, động viên chồng yên tâm công tác. Chị bảo, rất may hai vợ chồng được gia đình và nhà trường giúp đỡ, sẻ chia. Khó khăn thế nào, anh chị cũng vượt qua. Vòng tay nhân ái của tình người đã trở thành sức mạnh tiếp thêm nghị lực cho hai vợ chồng Toàn chiến thắng tất cả.

Ma túy không từ bất kỳ một ai và đã lấy đi tất cả của thầy giáo Trịnh Xuân Huê, Trường THPT Thảo Nguyên, Mộc Châu (Sơn La). Cũng chỉ thử một vài lần thuốc phiện cho biết, Huê mắc nghiện lúc nào không hay. Gia đình biết chuyện, được vợ động viên, nhà trường, đồng nghiệp giúp đỡ, tạo điều kiện cho đi cai nghiện, cộng với ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Huê đã giã từ vòng vây của nàng tiên nâu.

Chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Huê tâm sự, khi chồng cai khỏi, chị mừng khôn xiết cứ ngỡ là giấc mơ. Nhờ chủ trương nhân văn của tỉnh, sau 2 năm xa rời bục giảng, Huê được giữ nguyên chế độ và trở lại giảng dạy. Anh tâm huyết với nghề, say sưa trau dồi nghiên cứu, dìu dắt nhiều học sinh đi thi học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh. Từ đó, hình ảnh thầy giáo giỏi nghề, khỏe mạnh, có năng lực chuyên môn, một bí thư đoàn trường năng động ngày nào đã trở lại trong mắt mọi người.

Thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Lam rất cảm phục Huê. Thầy bảo, ai cũng có những sai lầm, Huê đã biết sửa sai, cai nghiện thành công là rất đáng mừng. Giờ đây, hạnh phúc đã hồi sinh trở lại. Trong căn nhà nhỏ ở tiểu khu cấp ba, thị trấn Nông trường Mộc Châu luôn đầy ắp tiếng cười. Những lúc rỗi rãi, thầy Huê lại phụ giúp vợ bán hàng. Họ có hai đứa con gái xinh xắn, ngoan, học giỏi. Bóng đêm u ám của ma túy đã thực sự lùi xa.

Và không chỉ có thầy Huê, thầy Toàn, với những học viên đang cai nghiện trong phóng sự này, con đường hoàn lương trở lại bục giảng không bao giờ muộn nếu thực sự quyết tâm vươn lên từ vấp ngã, khát khao làm lại cuộc đời. Những cái nhìn bao dung của bạn bè đồng nghiệp, gia đình và chính nghị lực mãnh liệt với khát khao đi về nẻo thiện trong họ đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho những phận đời trót lầm lỡ đứng dậy.











Theo Đức Hạnh (cand)
Bình luận
vtcnews.vn