"Sóng ngầm" ở nơi có 8 án tử hình, 12 án chung thân

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 25/07/2010 04:10:00 +07:00

Bao giờ bóng ma ma tuý thôi ám ảnh, bủa vây lấy thung lũng Hang Kia, bao giờ cái điểm nóng nhức nhối nhất trên “cung đường ma tuý Tây Bắc” này dịu lại?

Bao giờ bóng ma ma tuý thôi ám ảnh, bủa vây lấy thung lũng Hang Kia, bao giờ cái điểm nóng nhức nhối nhất trên “cung đường ma tuý Tây Bắc” này dịu lại? Những câu hỏi ấy đang khiến chính quyền cùng người dân xã Hang Kia bối rối, không tìm ra câu trả lời…

Buồn đau quá khứ, mịt mờ tương lai

Ở Hang Kia, ông Khà A Gia là người tiên phong (và cũng là người duy nhất) làm kinh tế du lịch. Gọi là làm kinh tế cho sang chứ thực ra ông biến ngôi nhà rộng 5 gian của mình thành nơi nghỉ chân cho dân du lịch bụi. Trong nhà, ông kê mấy tấm phản liền nhau, thành một dẫy, tạo thành những chiếc giường tạm bợ. Khách ở thành phố, tây ba lô sau một ngày thám hiểm phong cảnh mộng mơ ở thung lũng này sẽ đến nhà ông để nghỉ chân. Trước đây, nhà ông vui lắm. Hầu như đêm nào trong nhà cũng tấp nập người. Họ đốt lửa để sưởi, nướng ngô để ăn và xì là xì lồ những ngôn ngữ lạ. Tuổi già, ông cũng lấy thế làm vui. Thế nhưng, mấy tháng nay, ngày qua ngày, ông Gia hết ngồi bên cửa sổ uống trà vặt lại quay ra nghe radio cá nhân. Sau sự kiện ngày 5-2-2010, khách du lịch bỗng dưng bặt vắng. Những chiếc chăn, chiếc đệm cuốn chặt trong buồng mặc cho cáu bụi vương đầy. Trò chuyện, ông bảo, hình như bây giờ chẳng ai còn muốn đến xứ xở mộng mơ này nữa.

Phút bình yên ở thung lũng Hang Kia. 

Theo Phó trưởng Công an xã Vàng A Nhà thì kể từ khi cơn lốc ma tuý ập về (tính từ năm 1998) Hang Kia đã có 8 đối tượng bị kết án tử hình, 12 đối tượng bị kết án chung thân. Các đối tượng từng bị lĩnh án tù thì… nhiều không kể hết. Hiện nay, số đối tượng đang thụ án ở xã này là 44 đối tượng. Nguy hiểm hơn, tại xã này hiện đang có hơn chục đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt.

Sau sự kiện động trời ngày 5-2-2010, ngỡ tưởng những kẻ làm đầy tớ cho thần chết này sẽ án binh, nghe ngóng tình hình, thậm chí rửa tay gác kiếm, thế nhưng không phải vậy. Như những con thú say mồi, các đường dây buôn bán cái chết trắng ở thung lũng này vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp sự vào cuộc rầm rộ của các cơ quan chức năng. Những đường dây ma tuý lớn vừa được công an tỉnh Hoà Bình cùng Bộ Công an bóc dỡ trong thời gian vừa qua là minh chứng cho sự thật đáng buồn đó. Theo Phó Công an xã Vàng A Nhà, người dân Hang Kia đa phần là những quần chúng tốt. Thế nhưng, có một bộ phận coi buôn bán, vận chuyển ma tuý như một nghề để sinh tồn. Với những đối tượng này, kiếm tiền từ việc gây tang tóc cho nhân loại trên là một thói quen, một cơn nghiền khó bỏ. Hễ đời sống gặp khó khăn, hễ cần tiền là họ nghĩ ngay đến việc vượt rừng tìm mua ma tuý hay xách “hàng” thuê cho những ông trùm giấu mặt.

Đứa con của bản và sứ mệnh lớn lao

Khi Hang Kia trở thành điểm nóng về ma tuý, tỉnh Hoà Bình cũng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Và, trong năm nay, trước cả khi sự kiện ngày 5-2-2010 nổ ra, sự quan tâm đó càng được thể hiện rõ ràng. Ngoài những chính sách phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân thì Công an tỉnh, một lực lượng nòng cốt, cũng đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ về cắm chốt tại thung lũng này. Đặc biệt, để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội về lâu dài, đồng thời giúp người dân nơi đây dần từ bỏ “thói quen” buôn bán, vận chuyển thứ độc dược chết người trên, công an tỉnh cũng đã tăng cường cho Hang Kia một phó trưởng công an xã năng nổ, nhiệt tình. Người gánh trên vai sứ mệnh lớn lao ấy chính là trung uý, Phó trưởng Công an xã Vàng A Nhà.
Sứ mệnh lớn lao đặt lên vai anh Vàng A Nhà.  

Trung uý Vàng A Nhà là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất dữ này. So với những thanh niên cùng thế hệ, Nhà là niềm hi vọng của nhân dân trong xã. Ngay từ tấm bé, Nhà đã được lựa chọn để theo học trường thiếu sinh quân, tiếp đến là Học viện An ninh, sau đó về công tác tại công an tỉnh. Được đơn vị điều động về điểm nóng Hang Kia, Nhà bảo, cầm quyết định trên tay, anh thấy mình có nhiều lo lắng. Tuổi đời còn trẻ (Nhà sinh năm 1982), còn thiếu kinh nghiệm, lại gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề như vậy không mất ăn mất ngủ sao được! Thế nhưng, nỗi lo lắng ấy đã nhanh chóng tan biến bởi theo Nhà, được làm việc, được chiến đấu để giúp quê hương thoát khỏi sự vây hãm của bóng ma ma tuý là trách nhiệm, là vinh dự cho bất cứ người con của đất Hang Kia nào.

Về quê cũ, trên cương vị mới nhưng Nhà quan niệm, muốn nắm vững được tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương thì phải hiểu dân, phải được dân quý, dân tin. Tuy nhiên, để đạt được những thứ đó thì cần phải có một quá trình dài. Khi vừa mới bắt tay vào công việc của mình thì sự kiện Vàng A Khua xảy ra khiến công việc của Nhà gặp nhiều sóng gió. Tuy nhiên, bằng niềm tin người dân nào cũng có thể là một quần chúng tốt, Nhà đã vượt qua được “thử thách ban đầu” này.
Nhà Phó trưởng Công an xã Vàng A Nhà ở ngay đầu xã Hang Kia. Biết chúng tôi chuẩn bị về Hà Nội, Nhà đã mời chúng tôi lại nhà chơi. Ngồi ở trong nhà Nhà, nhìn qua cửa sổ, tôi vẫn thấy có người đang dõi theo mình. Khi chúng tôi bất ngờ đứng dậy ra về, không kịp “ém quân”, những người lạ mặt trên mới chịu lên xe máy bỏ đi…

Nhà kể, sau khi chuyện không mong muốn xảy ra với gia đình Vàng A Khua, vợ con, họ hàng của Khua đã có nhiều bức xúc. Họ bị kẻ xấu thừa cơ kích động, thiếu hiểu biết nên đã có thái độ không mấy thiện cảm với chính quyền địa phương, đặc biệt là với bản thân anh. Theo họ thì anh chính là tác nhân không nhỏ dẫn tới cái chết của Vàng A Khua, Vàng A Của. Họ trách móc anh rằng tại sao biết lực lượng chức năng vây bắt chồng, cha mình mà lại lặng im, không vì nghĩa xóm tình làng mà… báo trước. Thậm chí, nhiều kẻ đã tranh thủ mối hận lòng ấy mà đổ thêm dầu vào lửa, xúi giục một số thành viên trong gia đình Khua “xử đẹp” vị phó trưởng công an xã mới chân ướt chân ráo về xã ấy. Trước tình thế khó xử ấy, Nhà đã chọn cách đối phó là… im lặng. Nhà bảo, khi ấy, anh thấu hiểu nỗi đau đớn mà những nguời còn sống trong gia đình Khua phải bất ngờ gánh chịu. Trước nỗi đau ấy, Nhà biết mọi lời giải thích đều là vô ích. Anh muốn mọi người trong gia đình Khua hiểu chuyện không ai muốn đó là do chính Vàng A Khua gây ra chứ không do ai khác. Công lý, pháp luật luôn công bằng, Nhà muốn những người trong gia đình Khua hiểu điều đó.

Tuy nhiên, thành thật, Nhà cũng thấy khó xử. Một bên là công việc, một bên là những người thân thiết với mình từ tuổi thơ bé. Chính bởi nỗi niềm ấy mà tự đáy lòng mình, Nhà rất muốn chia sẻ, giúp đỡ gia đình Khua vượt qua những ngày giông bão này. Bởi suy nghĩ thế nên từ sau ngày Vàng A Khua chết, hễ gia đình ông trùm ma tuý này có việc gì, Nhà và chính quyền xã cũng nhiệt tình giúp đỡ. Nhà quan niệm, những người lỡ bước sa chân vào con đường phạm tội là do họ nhận thức kém, lại thêm cuộc sống bần hàn nên đã loá mắt vì tiền. Ba tháng trước, con dâu Vàng A Khua (vợ Vàng A Tráng, người con còn lại của Khua) trở dạ. Người Mông thường sinh nở tại nhà nhưng vợ Tráng khó đẻ. Thấy vợ đau quằn quại, tím tái mặt mày Tráng mới đưa vợ đến trạm y tế xã, nơi vợ Nhà làm hộ sinh. Đang đêm, Tráng đập cửa thình thình. Biết chuyện, Nhà đã động viên vợ cố gắng ra tay cứu giúp. Nghe lời chồng, vợ Nhà tất tưởi đi. Đến trạm xá, với kinh nghiệm của mình, vợ Nhà biết nếu không đưa vợ Tráng lên tuyến trên thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Vậy là, ngay trong đêm đó, vợ Nhà đã cùng vợ chồng Tráng vội vàng xuống bệnh viện huyện.

May mắn, ngay trong đêm đó, vợ Tráng đã mẹ tròn con vuông. Các bác sĩ ở đây bảo, nếu xuống viện chậm vài phút nữa thôi thì vợ con Tráng đã thành người thiên cổ mất rồi. Ôm đứa con trai kháu khỉnh trên tay, nghe các bác sĩ nói vậy, Tráng thấy biết ơn vợ chồng Nhà nhiều lắm.

Ở Hang Kia, khi biết gia đình Tráng gặp khó khăn về giấy tờ để lo thanh toán bảo hiểm với bệnh viện, Nhà đã nhiệt tình đôn đáo khắp nơi giúp đỡ. Những việc làm ấy của Nhà khiến bà Dợ, vợ Vàng A Khua thực sự xúc động. Hôm đón đứa cháu nội từ bệnh viện trở về, bà đã đến tận uỷ ban để cảm ơn Nhà. Bà bảo, không có vợ chồng Nhà thì bà đã chẳng có đứa cháu nối dõi này. Từ ấy, hễ nhà có việc gì, bà đều tham khảo ý kiến của Nhà và làm theo những lời góp ý chân thành ấy.

Không chỉ có gia đình Vàng A Khua, ở người Mông ở Hang Kia bây giờ thấy mến, thấy tin Nhà nhiều lắm! Nhà bảo, niềm tin chỉ có từ những việc làm thực tế chứ không bắt đầu từ những lời nói suông. Người Mông sống thật, thế nên khi đã có sự tin tưởng thì hướng dẫn họ sống theo pháp luật, làm theo cái tốt cũng rất dễ dàng.

Lời kết

Giữa những ngày hè nóng nhất thì chúng tôi ở Hang Kia. Khi khắp mọi nơi kêu trời vì sự ngột ngạt thì ở thung lũng này, khí hậu dịu mát đến khó tin. Nắng vàng như mật ở trên những tán mận, trên những nếp nhà yên ả. Một cảm giác thanh bình ập đến. Thế nhưng, giây phút đắm trong cõi thực mà như mộng ấy của chúng tôi đã bị phá vỡ bởi một hiện tượng lạ lùng: Mấy đứa trẻ con hồn nhiên ra quán mua những lon nước giải khát đắt tiền. Ở chốn hoang vu và nghèo khó này thì lấy đâu ra tiền để bọn trẻ có “mức sống cao” đến vậy? Câu hỏi ấy khiến chúng tôi rùng mình sợ hãi. Có lẽ nào bên trong cái vỏ bọc yên bình này vẫn có những “cơn sóng ngầm” cuốn theo nhiều tội ác?


Theo Đào Tuệ Linh (Tuổi trẻ thủ đô)

Bình luận
vtcnews.vn