Vụ thảm sát ở Phú Thọ: Còn lại mình em với nỗi đau

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 13/07/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) - Một vụ án xôn xao, một tên sát thủ giết người không run tay và những mảnh đời còn lại sau vụ án, tất cả cứ tự nhiên ùa về trong tôi.

(VTC News) - Một vụ án xôn xao, một tên sát thủ giết người không run tay và những mảnh đời còn lại sau vụ án, tất cả cứ tự nhiên ùa về trong tôi.


Những mảnh đời còn lại sau vụ thảm sát ở Phú Thọ

Rời túp lều dựng tạm đầy nước mắt mà cháu Lan đang ngày đêm hương khói cho cha mẹ, tôi tìm sang căn nhà gần đó của gia đình chị Thơm, nạn nhân tiếp theo của tên Nguyễn Công Dụng. Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, cũ kỹ, buồn thảm lộ ra khỏi những tán cây.

Thấy có người lạ vào sân, từ trong bếp, cháu Ngô Quang Đức lom khom bước ra, đứng trên thềm lí nhí chào chúng tôi. Ngoài sân, đống cát nơi em trai Đức - cháu Ngô Đức Thịnh gục xuống do nhát dao của Dụng vẫn còn đó như một vết dao cứa vào tâm hồn Đức. Anh Dũng - Trưởng Công an xã Bình Bộ cho hay: Khi cháu Thịnh chạy ra sân, 1 tay ôm bụng, 1 tay vẫn cầm cái đùi ngan, và ngục trên đống cát này… Hôm đó nhà chị Thơm lợp mái gian bếp, chị mổ ngan để mời cơm cánh thợ.
Tại ngôi nhà này, mẹ con chị Thơm đã bị thảm sát. Ảnh: Lâm Sơn. 

Nghe anh nói, bất chợt tôi nhớ lại hôm 29/6 vào gặp Nguyễn Công Dụng trong Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, y nói rằng, lúc y cầm dao đâm chị Thơm thì thấy cháu Thịnh cầm cái gì đó, hình như là cái búa chạy vào, và y đã ra tay sát hại cháu. “Cái búa” theo như tên sát nhân kể, thực chất là cái đùi ngan… và hai hình ảnh đó bất giác khiến tôi ngậm ngùi, đau xót…

Trong căn nhà lá ẩm thấp giờ chỉ còn côi cút mình Đức. Từ hôm xảy ra chuyện, Đức xin nghỉ làm trên tàu khai thác cát sỏi dưới sông Lô, hàng ngày cùng bố nấu cơm cúng cho mẹ, cho em.

Cách đây 9 năm, bố mẹ Đức đã ly dị. Hai anh em Đức ở với mẹ, bố vào Nam làm ăn sinh sống. Sau hôm xảy ra vụ án, bố cậu về. “Khi nào làm xong chứng minh thư ở đây bố cháu lại đi” - Đức nói, giọng buồn buồn.

Cuốn chiếc khăn trắng lên đầu rồi thắp nén hương cho mẹ, cho em, Đức bảo: “Ảnh của em cháu học năm lớp 7 đấy, năm nay nó học lớp 9 rồi. Ngày trước anh em sống với nhau vui lắm chú ạ, hai anh em hòa đồng, yêu thương nhau. Cháu đi làm có tiền nhưng em cũng chẳng xin đâu, nó thương cháu kiếm tiền vất vả mà chú…”.
Trong chớp mắt, mẹ con chị Thơm đã mất mạng. Ảnh: Lâm Sơn. 
Mất 2 mạng người chỉ vì cái tường đổ - một cái giá quá đắt. Ảnh: Lâm Sơn. 

Mới 17 tuổi, song Đức đã là trụ cột của gia đình. Bố mẹ bỏ nhau, bố chán nản bỏ xứ vào Nam, rồi lấy vợ, có con. Người mẹ thương con, đành ở vậy tần tảo nuôi hai anh em Đức khôn lớn. Cuộc sống bữa đói bữa no, cái ăn còn khó, nói gì chuyện học hành. Do đó, tốt nghiệp lớp 9, Đức nghỉ học.

15 tuổi, Đức đã làm đủ mọi việc kiếm sống, đến mùa thì cấy gặt thuê, hết mùa thì đi làm phu hồ, xách vôi vữa. Công việc quá đỗi nặng nhọc với chàng trai 15 tuổi, song đồng lương lại chẳng được bao nhiêu. Do chịu khó, chăm chỉ, lại khỏe mạnh, nên Đức đã xin được công việc trên một con tàu khai thác cát sỏi trên sông Lô.

Khỏi phải nói công việc vất vả thế nào. Từ sáng sớm, đến tận đêm khuya, Đức cùng anh em lao động làm nhiệm vụ xúc cát sỏi trên các con tàu. Tiền lương cao thấp phụ thuộc vào thời gian làm việc và sức khỏe. Những đồng tiền Đức kiếm được là tiền mồ hôi và nước mắt. Nhìn chàng trai tuổi 17 với nước da đen cháy, đủ biết em vất vả thế nào. Đức bảo: “Cháu làm việc vất vả, nhưng kiếm được đồng nào, cháu đều gửi về cho mẹ để mẹ nuôi em Thịnh. Cháu chấp nhận hy sinh bản thân, mong em nó được học hành đến nơi đến chốn, cũng mong bù đắp cho mẹ nỗi vất vả. Vậy mà, giờ em đã ra đi, mẹ cũng đã ra đi. Cháu thực sự chả biết phải làm gì nữa”. Va đập với cuộc sống mưu sinh khá sớm, nhưng với Đức, mất mát vừa qua thực sự là cú sốc quá lớn.
17 tuổi, Đức đã sạm đen vì vất vả. Ảnh: Lâm Sơn. 
Giờ lại chỉ còn một mình trong căn nhà trống hoác đau thương. Đức bảo, em xin nghỉ làm để nấu cơm thờ cúng, hương khói cho mẹ. Ảnh: Lâm Sơn. 

Đôi mắt ầng ậng nước, Đức kể: “Hôm đó cháu đang ăn mỳ tôm trên tàu đỗ ở Tử Đà thì anh Việt chủ tàu chạy xuống bảo cháu về ngay, em cháu bị đâm. Cháu quẳng bát mỳ tôm, nhảy lên xe anh ấy chạy về nhà xem thế nào. Trên đường về cháu gọi điện cho mẹ nhưng không thấy mẹ nghe máy, chẳng bao giờ mẹ cháu lại không nghe máy như thế cả… Lúc đó cháu đã nghĩ có chuyện chẳng lành xảy ra với mẹ cháu. Về đến nhà thấy em nằm ở sân, mẹ nằm ở cửa bếp… Lúc đó cháu mới biết mẹ cháu cũng bị đâm…”

Hỏi Đức về chuyện bức tường rào, Đức bảo, khi làm cổng thì một góc bức tường ấy bị đổ, mẹ cháu và ông ấy (Nguyễn Công Dụng - PV) có cãi nhau. Từ trước đến giờ chỉ có cãi nhau việc đó… “Khi bố vào Nam cháu có đi cùng bố không?” – tôi hỏi, Đức trả lời: “Không, cháu vẫn ở lại, để còn hương khói cho mẹ và em mà chú”.
Làm sao em vượt qua được nỗi đau này? Ảnh: Lâm Sơn. 

Rời Bình Bộ khi nắng chiều đã nhạt, dọc theo dòng Lô giang nước ngăn ngắt xanh, chúng tôi mang theo mênh mang những nỗi buồn. Một vụ án xôn xao, một tên sát thủ giết người không run tay và những mảnh đời còn lại sau vụ án, tất cả cứ tự nhiên ùa về trong tôi. Làm thế nào để 3 đứa trẻ còn sót lại của vụ thảm sát kinh hoàng vượt qua nỗi đau, sự mất mát quá lớn đó, bằng cách nào để hàn gắn vết thương trong tâm hồn non trẻ của các em? Nói như Phó Chủ tịch UBND xã Bình Bộ thì hơn lúc nào hết, mỗi người hãy mở rộng tấm lòng, trước hết cho những người xấu số, hơn cả là cho các cháu, đơn giản bởi các cháu đều không có tội.

Những mảnh đời còn lại sau vụ thảm sát ở Phú Thọ

Lâm Sơn – Thanh Huyền


Bình luận
vtcnews.vn