Bí ẩn những vách cao vực thẳm và nghĩa địa của loài voi

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 29/01/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ông Trị choáng ngợp khi thấy bộ xương còn nguyên vẹn. Chỉ cần nhìn khúc xương đùi dài hơn mét đủ biết rõ đó là xương voi...

(VTC News) - Ông Trị choáng ngợp khi thấy bộ xương còn nguyên vẹn. Chỉ cần nhìn khúc xương đùi dài hơn mét đủ biết rõ đó là xương voi...

Trước khi chết, loài voi sẽ có một cuộc hành trình về nơi chúng sinh ra? 

Cả cuộc đời sống giữa rừng rậm, nửa cuộc đời vác súng, bẫy vào rừng săn thú và từng có tuổi thơ thả trâu cạnh đàn voi thung thăng gặm cỏ bên bờ sông Ngàn Phố, ông Đào Xuân Trị cứ miên man với câu hỏi: “Khi voi chết, chúng chết ở đâu?”.

Đi rừng nhiều, ông đã từng gặp những bộ xương trắng phau của trâu rừng, bò tót, bị rơi xuống khe suối hoặc bị hổ xơi hết thịt, bị quạ rỉa sạch cả gân. Ông cũng từng gặp rất nhiều xác thú chết già, chết thối trong đại ngàn. Nhưng tuyệt nhiên, ông chưa từng nhìn thấy voi chết bao giờ. Những con voi to sù sụ như đống rơm giấu xác vào đâu? Chẳng lẽ loài voi trường sinh bất tử.

Đem những thắc mắc của mình hỏi những già làng, trưởng bản, những bộ tộc sống trong rừng già, thậm chí cả những bộ tộc bên nước bạn Lào, họ kể vô vàn những truyền thuyết ly kỳ về voi.

Dân gian thường có câu: “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, để nói đến tấm lòng hoài vọng cố hương, chứ chết rồi sao còn quay đầu về núi được nữa. Tuy nhiên, những bộ tộc sống ngàn năm trong rừng khẳng định với ông Trị rằng, trước khi voi chết, nó luôn quay đầu về núi.

Ông Chủ tịch xã Sơn Tây Nguyễn Văn Tiến chỉ nơi đàn voi thường tìm về. 

Theo họ, loài voi có những khả năng đặc biệt. Chúng có thể giao tiếp với nhau dù đứng cách nhau trăm dặm (điều này đã được khoa học chứng minh). Loài voi thường biết trước khi nào thì nó chết. Trước khi chết, nó sẽ đi về nơi nó sinh ra để chết. Còn nếu vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó, không đi tiếp được, nó sẽ quay đầu về nơi đó rồi mới chết.

Chuyện này tôi cũng đã được đọc trong cuốn “Tiếng gọi ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi. Ông kể rằng, con voi một ngà ở vườn Bách Thảo, hồi Mỹ đánh phá miền Bắc, trước khi chết, cũng rống lên một tiếng, như chào giã biệt ngàn xanh, rồi khuỵu chân xuống, đầu hướng về phía Tây Nam để chết. Và con voi cái, một trong hai con đưa ra từ Quảng Bình, chết ngày 1-11-1974, đầu cũng quay về hướng Tây Nam (dãy Trường Sơn, Thượng Lào).

Những gã sơn tràng thường kể nhiều huyền thoại về “ngậm ngải tìm trầm” và “ngậm ngải theo voi tìm đến mộ voi”, nhưng thực tế chưa có ai tìm được mộ voi cả. Những kẻ sơn tràng luôn ao ước sẽ tìm được nghĩa địa voi, để khai thác mỏ ngà khổng lồ. Ông Trị cũng ao ước tìm được nghĩa địa voi như trong những truyền thuyết, không mong kiếm được mỏ ngà, mà chỉ mong tìm được câu trả lời khiến ông day dứt suốt bao nhiêu năm.

Ông Trị và chiếc hàm voi tìm được. 

Một ngày cách đây đúng 10 năm, ông Trị cơm nắm cá khô như bao lần khác, tiếp tục hành trình luồn rừng, leo núi theo một lộ trình đã vạch sẵn trên chiếc bản đồ địa hình. Chiếc bản đồ đã bị vạch nát bởi cả trăm nét bút trong các chuyến sơn hành. Trước khi vào rừng, ông chắp tay khấn vái thần núi, cầu mong được tận mắt mộ voi cho thỏa chí tò mò.

Lần này, ông Trị đi ngược sông Ngàn Phố, xuyên qua vùng đệm, tiến thẳng vào lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang, vòng sang cả đất bạn Lào, rồi lại vòng về. Suốt cả tuần trời, ông cứ đi theo những dấu chân voi, lúc in rõ mồn một trên nền đất mềm, lúc biến mất ở những đoạn đá cứng.

Ông cứ lần tìm theo những truyền thuyết, những câu chuyện truyền miệng của các bộ tộc người Lào. Đi đến đâu ông cũng hỏi và chỉ cần người ta chỉ ngọn núi này, thung lũng nọ, lập tức ông Trị vạch rừng, xuyên núi tìm đến.

Truyền thuyết của các bộ tộc Lào đều kể rằng, khi biết mình sắp chết, bao giờ voi cũng tìm về nơi nó sinh ra, chỗ đó có một nghĩa địa riêng, một nơi vô cùng hiểm trở thuộc núi cao, rừng sâu, nơi con người không bao giờ đặt chân đến được.

Con đường dẫn voi về là độc đạo, một bên vách đá hiểm trở, một bên vực sâu cận kề, voi chỉ đủ sức đi đến, không thể quay lại được nữa. Nơi đó, chính là nghĩa địa của voi.

Ông Trị đã đặt chân lên hầu hết những đỉnh núi cao nhất, những khe núi, thung lũng hiểm trở ở những cánh rừng giáp biên giữa hai nước. Ông đã trèo lên tận đỉnh Rào Cỏ cao 2.286m, là nơi bắt nguồn ba con sông Nam Truồi, Rào Nô và Khe Tre, cùng vô số những con suối tuyệt đẹp. Ngọn núi Rào Cỏ bạt ngàn đỗ quyên, quanh năm chìm trong mây mù. Tuy nhiên, nghĩa địa mộ voi vẫn chẳng thấy đâu.

Đang lúc chán nản, trên đường trở về sau một tuần lang bạt trong đại ngàn, ông Trị chợt sững sờ khi phát hiện ở khu vực Khe Đá, cạnh con suối có một khúc xương khổng lồ, dài hơn mét lòi ra khỏi tổ mối. Bộ xương bị tổ mối trùm lên.

Không rõ là xương gì, song nhiều khả năng chỉ có xương voi mới lớn như vậy. Ông Trị nhặt củi khô chất quanh tổ mối đốt lửa bùng bùng để diệt hết lũ mối. Ông phát quang cỏ dại, dây leo, rồi tiến hành đào bới. Ông Trị choáng ngợp khi thấy bộ xương còn nguyên vẹn. Chỉ cần nhìn khúc xương đùi dài hơn mét đủ biết rõ đó là xương voi.

Ông Trị tiến hành mở rộng tìm kiếm quanh nơi phát hiện bộ cốt voi đó, song tuyệt nhiên không thấy thêm dấu hiệu nào cả. Ông cũng đi theo hướng con voi quay đầu khi chết, song cũng chẳng phát hiện được gì thêm.

Theo dự đoán của ông Trị, có thể con voi này bị thương và đã chết trên đường tìm về với tổ tiên, hoặc nơi nó sinh ra. Cách đó vài năm, đã có một số voi bị trúng đạn của đám thợ săn khi chúng tìm về phá nương rẫy.

Đây là con voi cái nên không có ngà. Sau khi lấy bộ xương hàm và một chiếc xương đùi nặng như cục đá, ông Trị lấp đất kín bộ cốt voi rồi tìm đường trở về. Hành trình cuốc bộ gần 30km trèo đèo, lội suối vác theo hai hàm răng voi cùng chiếc xương đùi từ rừng về nhà vô cùng gian nan, vất vả.

Đặt hai chiếc xương hàm lên bàn cân, thấy một chiếc nặng 7kg, một chiếc nặng 3kg. Chiếc xương đùi nặng tới 30kg. Tổng cộng, ông Trị vác trên vai 40kg xương voi.

Sự kiện ông Đào Xuân Trị ở Làng Mới (xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) tìm được mộ voi đã gây dư luận ầm ĩ, khiến rất nhiều người đến xem. Một số lái buôn tìm đến gạ ông Trị bán… ngà voi. Người ta đồn rằng, ông Trị đã tìm thấy cả nghĩa địa mộ voi và kiếm được cả tấn ngà voi.

Thậm chí, một giáo sư chuyên nghiên cứu về loài voi đã lặn lội từ Hà Nội vào Hương Sơn để tìm gặp ông Trị. Vị giáo sư này đã viết lại câu chuyện đi tìm mộ voi của ông Trị vào một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về các phương án bảo vệ voi cũng như những loài động vật quý hiếm trong rừng Hương Sơn. Ông Trị đã tặng vị giáo sư này một chiếc xương hàm voi và chiếc xương chân khổng lồ. Một chiếc hàm ông giữ lại làm kỷ niệm.

Ông Trị hướng đôi mắt về phía đại ngàn thẫn thờ bảo: “Tôi đã 75 tuổi, không còn đủ sức đi rừng nữa, nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ, những tưởng tượng về nghĩa địa mộ voi trong rừng thẳm…”.

Phạm Ngọc Dương

* Bạn đã từng thấy hoặc biết những bí ẩn về nghĩa địa của loài voi? Hãy chia sẻ với toàn thể độc giả VTC News thông qua box thảo luận ở cuối bài. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn