Bộ trưởng Thăng: Mỗi cây cầu, con đường phải có chủ

Thời sựThứ Bảy, 09/08/2014 07:05:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ GTVT đã bày tỏ bức xúc trước những hạn chế trong công tác quản lý, bảo trì quốc lộ ủy thác của các sở GTVT.

Tại Hội nghị tổng kết và đánh giá công tác ủy thác quản lý, bảo trì quốc lộ cho các sở GTVT diễn ra ngày 8/8 tại TP.Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ GTVT đã bày tỏ bức xúc trước những hạn chế trong công tác quản lý, bảo trì quốc lộ ủy thác của các sở GTVT.

Theo báo cáo của các sở GTVT và đơn vị có liên quan trong công tác ủy thác, quản lý, bảo trì quốc lộ (QL), việc giao ủy thác cho các địa phương đã phát huy được lợi thế của các sở GTVT trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo trì và vận hành khai thác.


Việc ủy thác cũng giảm bớt công việc, giảm bộ máy và biên chế hành chính của Cục Quản lý đường bộ, đồng thời, các sở GTVT có thêm cơ hội để tiếp cận, tham khảo và vận dụng vào việc quản lý hệ thống đường địa phương đối với các định hướng cũng như ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong đầu tư xây dựng, bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo trì QL ủy thác còn tồn tại nhiều hạn chế.

Nhiều Sở GTVT chưa làm tốt công tác bảo dưỡng QL, như: Chưa thực hiện đúng quy định về phát quang tầm nhìn, cắt xén cỏ cây, nạo vét lề đường, rãnh thoát nước, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường làm cho tuyến đường nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến ATGT; khối lượng đào rãnh thoát nước tại các QL ủy thác thấp hơn so với các tuyến QL do Cục QLĐB thực hiện...

Ngoài ra, công tác sửa chữa định kỳ, quản lý hành lang an toàn đường bộ, hồ sơ quản lý cầu đường và vấn đề ATGT ở những QL ủy thác cũng còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, so với các QL không ủy thác, chất lượng trong bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý các QL ủy thác, tỉ lệ đường tốt ít hơn.

Bộ GTVT, Đinh La Thăng, Hội nghị, Quản lý, tổng kết, cầu đường
Theo Tổng cục Đường bộ VN, hiện có 51/63 địa phương (Sở GTVT) được giao ủy thác, quản lý 9.646km, chiếm gần 50% số QL trên cả nước. 

Đây là các tuyến đường vành đai, đi qua nhiều vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, lưu lượng vận tải thấp so với các tuyến do các cục quản lý đường bộ quản lý. Phần lớn cấp đường có quy mô cấp thấp, chất lượng đường và tải trọng cầu còn nhiều bất cập, hạn chế.

Trước những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, bảo trì QL ủy thác, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Chúng ta thu tiền của dân để bảo trì, sửa chữa hệ thống đường, do đó phải sử dụng hiệu quả từng đồng để người dân sử dụng hiệu quả, an toàn nhất, đem lại lợi ích cho nhân dân”.

Với quan điểm nêu trên, ông Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đến năm 2015 phải đảm bảo giữ được kết cấu hạ tầng giao thông, tuổi thọ của các công trình, cũng như đảm bảo việc đi lại an toàn, thuận tiện cho người dân.

Tổng cục Đường bộ VN phải thực hiện được đấu thầu công tác bảo trì, bảo dưỡng các tuyến QL đang quản lý. Các địa phương được giao ủy thác cũng phải tổ chức đấu thầu nhằm xã hội hóa công tác bảo trì để thực sự mỗi cây cầu, con đường đều có chủ thực sự.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Tổng cục Đường bộ VN và các sở GTVT cần thay đổi tư duy để đưa khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào công tác bảo trì. Phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với chất lượng, tiến độ, trật tự ATGT đối với các đơn vị quản lý và sửa chữa đường. Địa phương nào làm tốt bảo trì, bảo dưỡng đường sẽ tiếp tục được giao thêm và nếu không làm tốt vai trò được ủy thác, sẽ thu lại.

Theo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn