'Lão ngư Hoàng Sa' và ký ức chiếc la bàn 'bảo vật'

Thời sựThứ Sáu, 18/07/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Sáu mươi tuổi với hơn nửa đời gắn với biển Hoàng Sa, lão ngư Dương Minh Thạnh bùi ngùi kể lại ký ức về Hoàng Sa máu thịt.

(VTC News) - Sáu mươi tuổi với hơn nửa đời gắn với biển Hoàng Sa, lão ngư Dương Minh Thạnh bùi ngùi kể lại ký ức về Hoàng Sa máu thịt.

"Cuộc đời tui gắn liền với biển"

Ở Lý Sơn, không ai không biết tên lão ngư Dương Minh Thạnh (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn) bởi không chỉ sự dạn dày kinh nghiệm biển cả mà còn ý chí quật cường của những con người nơi đảo tiền tiêu.

Ngư dân, Hoàng Sa, Lý SƠn, lão ngư, ký ức, nửa đời người
'Lão ngư Hoàng Sa' Dương Minh Thạnh, với chiếc la bàn 32 năm trước đã dẫn đường ông và các bạn chài ra Hoàng Sa. 

Ông Thạnh được các thế hệ ngư dân trẻ Lý Sơn ngày nay xem như vị chỉ huy trưởng đội Hoàng Sa, kể từ sau sự kiện Trung Quốc đưa quân chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974.

Đã bước sang tuổi “lục tuần”, nhưng lão ngư Dương Minh Thạnh, chủ tàu cá QNg 96059 TS trông vẫn trẻ hơn so với tuổi của mình. Gia đình có nhiều thế hệ đi biển nên đối với ông, việc gác chèo lên bờ để nghỉ thì ông chưa nghĩ đến. Không phải vì kế sinh nhai mà vì một lẽ đơn giản, ông yêu biển, yêu Hoàng Sa, suốt đời gắn bó với vùng biển đảo của cha ông để lại.

“Lên bờ thì nhớ biển, nhớ sóng, nhớ những bãi cát vàng, những luồng cá, những rặng sạn hô ở Hoàng Sa nên cứ dong buồm vươn khơi nơi vùng biển cha ông để lại”, ông Thạnh bùi ngùi nói.


Trong căn nhà khang trang được xây dựng bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình suốt hành trình 32 năm bám biển, ký ức về biển, về Hoàng Sa lại ùa về trong ông.

“Năm 1981, trước khi bước chân xuống tàu đi Hoàng Sa, tôi đang là Bí thư đoàn xã. Đầu năm 1982 nhà nước có chủ trương đóng tàu cá giao cho ngư dân vươn khơi làm ăn và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi và anh ruột là Dương Minh Chính (64 tuổi), cùng anh Nguyễn Lợi (62 tuổi) được chọn để nhận tàu vươn khơi. Rồi tiếp theo đó, 3 chiếc tàu gỗ mang số hiệu 071, 072, 073 được giao cho ba người. Đây là những con tàu gỗ lớn nhất đảo Lý Sơn lúc bấy giờ, mỗi tàu đều chỉ công suất 20 CV”, ông Thạnh kể.


“Hồi ấy, nhận tàu, vươn khơi khiến anh em bỡ ngỡ lắm, nhưng được sự động viên của anh em, bạn bè rồi bén duyên với nghề lưới chuồn. Khi ấy, có máy móc, thiết bị hiện đại gì đâu, chỉ mỗi cái la bàn và chiếc bản đồ cũ mấy anh em phải thức suốt đêm để lên phương án, hết kẻ vẽ đo đạc để xác định tọa độ, xác định dòng nước chảy, thời gian đi về, rồi lập phương án vươn khơi sao cho hợp lý. Cuối cùng chúng tôi quyết định cả ba tàu cùng từ Lý Sơn vươn khơi Hoàng Sa. Và từ đó, cuộc đời tui gắn với biển cho đến nay”, lão ngư Thạnh bồi hồi nói.

Ký ức nửa đời người trên biển

Ông Thạnh nhớ lại, thời gian ấy, cả 3 tàu dàn hàng ngang tiến thẳng Hoàng Sa, chiếc này cách chiếc kia từ 2-3 hải lý. Chiếc nào phát hiện đảo thì sử dụng tiếng còi ốc u để báo hiệu cho nhau cùng thả lưới.

Như giao hẹn, sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu 071 của anh Chính phát hiện đảo Tri Tôn (đảo gần nhất từ Lý Sơn ra Hoàng Sa), tiếp cận được đảo cả 3 tàu khẩn trương thả lưới. Và chỉ với 3 mẻ lưới là các tàu đều đầy ắp cá chuồn. Cuốn lưới, đánh dấu bản đồ, xác định tọa độ, cả 3 tàu tăng tốc tiến về đất liền. Phiên biển đầu tiên ấy họ đã trúng lớn.

Ngư dân, Hoàng Sa, Lý SƠn, lão ngư, ký ức, nửa đời người
Chiếc la bàn cũ kỹ, bảo vật được ông Thạnh gìn giữ bấy lâu nay

Liên tiếp những năm sau đó, đội tàu cá 071, 072, 073 đã thực hiện hàng loạt các chuyến biển ở Hoàng Sa với những khoang cá đầy. Những lúc rảnh rỗi, những chiếc tàu cá này còn rong ruổi khắp đảo nổi, đảo chìm tại Hoàng Sa.

Thực hiện hàng ngàn chuyến biển, mỗi chuyến biển là mỗi kỷ niệm của ông Thạnh với Hoàng Sa. Nhưng đối với lão ngư này thì ký ức về trận bão số 1 năm 1991 là vết hằn sâu khó quên.

“Tôi nhớ hôm nớ là ngày 26/2/1991, khi đang cho tàu thả lưới tại đảo Bom Bay thì bão số 1 bất ngờ đổ bộ vào Hoàng Sa. Sau những cơn gió hung hãn rít mạnh là những cột sóng cao như núi liên tục xô bờ, dù đã được neo nọc kỹ nhưng chỉ vài cơn sóng dữ con tàu cá cùng toàn bộ ngư cụ đã bị sóng biển đánh tan, 13 ngư dân dìu nhau trong biển lạnh, bám trụ trên thân đèn biển, hết lương thực không nước uống, chỉ với chiếc quần đùi rách nát các ngư dân chỉ còn biết ăn cá sống và uống nước biển để cầm hơi mong có tàu cá bạn đến ứng cứu.


Bão vừa tan, các ngư dân trên tàu bị nạn được một tàu cá của ngư dân Bình Định phát hiện và kịp thời cứu sống. Còn ở quê nhà, người thân nghĩ rằng anh em đã bỏ mạng giữa biển khơi xa nên chuẩn bị tang lễ”, ông Thạnh nhớ lại.

Ngư dân Dương Minh Chính, anh ruột ông Thạnh, chủ tàu cá 071 xúc động kể lại: “Khi bão vừa tan, tàu chúng tôi vừa chở thi thể của 9 ngư dân Lý Sơn bị nạn trong bão vào đất liền, vừa tìm kiếm tung tích tàu cá 073 trên biển, tất cả sự tìm kiếm đều vô vọng bởi cơn bão quá hung hãn, tàn phá tất cả những gì khi quét qua”.

“Ở đất liền thấy tàu 071 trở về nhưng chờ mãi không thấy tàu 073 cùng 13 ngư dân về cùng, gia đình người thân của các ngư dân đi trên tàu 073 chỉ còn biết khóc than, bởi họ nghĩ rằng những ngư dân này đã tử nạn trên biển. Vì vậy, lo xong hậu sự cho 9 ngư dân xấu số, tàu của tôi lại khẩn trương ra khơi để tìm kiếm tàu 073 cùng các ngư dân, cũng may là các ngư dân này đều sống sót trở về", ông Lợi nói.

Ngư dân, Hoàng Sa, Lý SƠn, lão ngư, ký ức, nửa đời người
Ngư dân Bùi Lợi, thuyền viên đi trên tàu cá 072 kể về kỷ niệm tại Hoàng Sa. 

Sau tai nạn bởi cơn bão hãi hùng đó, trở về đất liền ông Thạnh lại cùng các bạn chài của mình vay mượn tiền bạc tiếp tục đóng tàu vươn khơi Hoàng Sa. Hiện nay 4 con của ông cũng đều có tàu vươn khơi bám biển Hoàng Sa-Trường Sa.

Những năm 1985 trở về sau, nhờ chỉ dẫn của lão ngư Dương Minh Thạnh, Dương Minh Chính, Nguyễn Lợi, hàng chục tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã có mặt tại Hoàng Sa, đánh bắt hải sản và góp phần gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.

Với “lão ngư” Dương Minh Thạnh, Hoàng Sa là một phần của con người ông, khi ký ức về những hòn đảo nhỏ, bãi cát vàng nơi đây đều in dấu chân ông. Và ông luôn là vị chỉ huy trưởng đội Hoàng Sa trong lòng ngư dân trẻ Lý Sơn luôn quyết tâm giữ vùng biển máu thịt của quê hương

Mịnh Văn
Bình luận
vtcnews.vn