Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy ở phổ thông

Thời sựThứ Năm, 21/07/2011 04:24:00 +07:00

(VTC News)- "Rất cần đưa việc dạy lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình phổ thông", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói.

(VTC News) - "Tôi thấy rất cần thiết phải đưa việc dạy về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình học trong trường phổ thông để từng trẻ em có thể hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ của nước mình. Trên cơ sở đó, có thể nhận được sự ủng hộ của toàn thể dân tộc, cộng thêm với dư luận quốc tế để chúng ta bảo vệ vững chắc được chủ quyền của mình".

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Ông có thể cho biết quan điểm của Việt Nam (VN) đối với vấn đề Biển Đông như thế nào?

Quan điểm của chúng ta là luôn giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Những quy định này thể hiện rất rõ chúng ta có quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình. Chúng ta phải làm rõ cho thế giới biết rằng chủ quyền của chúng ta đối với khu vực này đã xác định từ rất lâu.

Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lịch sử, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân ủng hộ mà thế giới cũng thấy rõ vấn đề mọi người để ủng hộ lập trường của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề này.

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm 

Tôi tin rằng lập trường của VN sẽ được ủng hộ. Dù là người ta có gây vấn đề gì phức tạp cũng không thể xóa bỏ được thực tế này. Tôi cho rằng chúng ta có thái độ rõ ràng như vậy, nhân dân ta bảo vệ như vậy, đồng thời làm cho thế giới hiểu rõ quyền của chúng ta trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước quốc tế về luật biển.

Việc Trung Quốc mang giàn khoan lớn nhất của họ ra đặt ở Trường Sa có phải là hành vi xâm phạm chủ quyền của VN và cách xử lý của chúng ta như thế nào?

Thông tin này trước tháng 7 họ đã đưa ra, giờ chững lại một thời gian và cũng không biết tới rồi sẽ thế nào. Như vậy, tất nhiên chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, đấu tranh với Trung Quốc nhưng không gây căng thẳng, phức tạp vì vấn đề không chỉ liên quan đến chúng ta mà còn một số nước khác nữa, tôi tin chắc họ cũng sẽ đồng tình.

Gần đây, trên cơ sở chúng ta trao đổi với các nước để bạn bẽ thấy rõ thì họ sẽ ủng hộ thôi. Vậy nên dù nước nào làm gì vi phạm công ước, chúng ta vẫn sẽ giữ được chủ quyền của mình.

Hiện Trung Quốc có hướng lái yêu cầu thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề biển Đông. Chúng ta nên xử lý vấn đề này thế nào, có kiên quyết phải đưa ra đa phương?

Lập trường của ta rất rõ, về Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc và VN, các nước khác không có liên quan. Đó là chủ quyền của ta nhưng Trung Quốc đã 2 lần, một lần năm 1974 và trước đó đã xâm phạm. Hoàng Sa thì có thể giải quyết 2 bên được.

Nhưng Trường Sa thì liên quan đến nhiều bên, ít nhất là 6 bên. Đồng thời, đường chữ U hay đường 9 đoạn này chiếm gần 80% biển Đông nên chắc chắn liên quan đến nhiều nước khác vì ảnh hưởng đến tự do hàng hải, tự do lưu thông tàu bè chở dầu, hàng hóa...

Vấn đề này không thể giải quyết song phương được mà phải giải quyết tập thể. Các nước có liên quan cần cùng ngồi lại giải quyết vấn đề. Vấn đề Trường Sa, nếu chỉ 2 bên ngồi lại giải quyết với nhau, nhưng kết quả sau cùng các nước khác lại không đồng ý thì làm thế nào?

Cho nên, tuy rằng Trung Quốc nêu ra như vậy nhưng tôi tin rằng bằng cách này cách kia, sau rồi họ cũng phải đồng ý giải quyết đa phương vì chỉ có thế mới giải quyết được vấn đề.

Quan điểm của ta rất rõ, cái gì chỉ liên quan 2 bên thì giải quyết song phương. Tất nhiên, Trung Quốc là nước mạnh hơn nhưng Philippines hay Brunei chắc cũng đồng ý cách giải quyết đa phương này.

Dư luận Quốc tế thời gian qua, từ việc Trung Quốc lần đầu cắt cáp tàu Bình Minh 02, đa phần đều ủng hộ Việt Nam và phê phán sự lấn lướt của Trung Quốc trong việc này. Theo ông, các bước đi tiếp theo của chúng ta là gì để tăng cường hiệu quả việc này?

Như tôi đã nói, mình vẫn phải làm cho thế giới thấy rõ hơn, hiểu hơn vấn đề vì không phải nước nào cũng quan tâm và hiểu rõ chuyện này. Chúng ta phải làm rõ lịch sử của nó (khu vực Biển Đông-PV) là thế nào, chúng ta có chủ quyền từ bao giờ để nhân dân trong và ngoài nước đều hiểu rõ.

Khi bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn vấn đề thì họ sẽ ủng hộ quan điểm của chúng ta vì VN từ rất lâu rồi đã có chủ quyền và thực thi chủ quyền ở vùng biển của mình. Vậy nên vấn đề trong thời đại bây giờ thông tin tuyên truyền là rất cần thiết. Thông tin tuyên truyền tốt bạn bè quốc tế sẽ biết và ủng hộ mình. Thế giới càng ủng hộ thì không ai xâm phạm của mình được.

Công ước luật biển 1982 cho phép những trường hợp như VN có thể khởi kiện ra tòa án quốc tế. Khi khởi kiện, dư luận quốc tế cũng sẽ biết rõ hơn bản chất sự việc và mình cũng có thêm cơ hội khẳng định rõ chủ quyền. Theo ông việc này có cần thiết?

Bây giờ có 2 vấn đề. Việc chiếm lĩnh các đảo này thì đã rõ, có từ trước rồi, mình đã thực thi nó qua nhiều thế kỷ, kể từ thời các vua chúa nhà Nguyễn và trước đó. Bây giờ, VN phải làm cái đó rõ hơn.

Còn Công ước Luật Biển thì VN đã làm rất đúng: lãnh hải 12 hải lý, vùng thềm lục địa là 200 hải lý. Mọi việc mình tiến hành đều trong phạm vi đó cả. Mình khai thác dầu khí cũng trong phạm vi đó, nên lâu nay không ai có ý kiến gì. Bây giờ đặt lại vấn đề là không đúng.

Vậy nên kiểu gì mình cũng phải làm, phải thông tin cho thế giới thấy rõ hơn qua lịch sử chủ quyền từ trước đến nay của VN chứ không phải mới đặt ra bây giờ. Hai căn cứ của mình như vậy đều đúng. Tôi tin chắc không gì có thể lật lại được lẽ phải của chúng ta vì nó phù hợp và được luật pháp quốc tế công nhận.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, điều cơ bản nhất là làm sao ngư dân phải bám được biển và mình tổ chức khai thác tài nguyên biển hợp lý. Nhưng hiện có rất nhiều khó khăn cho ngư dân bám biển, phần vì Trung Quốc gây khó khăn, phần vì giá dầu cũng hạn chế nhiều việc ra khơi bám biển. Theo ông, để ngư dân yên tâm và tổ chức khai thác biển hiệu quả thì chúng ta phải làm gì?

Để bảo vệ ngư dân, chúng ta phải thành lập những tổ ngư dân, tất nhiên những tổ đó phải làm khéo như kiểu thành lập tổ hợp tác, cùng nhau bảo vệ lẫn nhau.

Nhà nước cũng cần có biện pháp như có tàu bảo vệ ngư dân, chống lại việc người dân bị phía nước ngoài bắt bớ, làm nhục khi đang khai thác trên chính vùng biển của mình.

Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh cử tri rất quan tâm đến tình hình biển Đông và thông tin trong nước đến với người dân chưa nhiều, đầy đủ. Theo ông, tại diễn đàn QH lần này có nên thông tin rộng rãi để toàn thể nhân dân có thể nhìn thấy thái độ ứng xử của Chính phủ VN?

Theo tôi được biết thì lần này trong chương trình họp QH có nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề này. Khi nghe báo cáo tất nhiên QH sẽ trao đổi, cho ý kiến nhưng quan điểm của ta thực ra cũng đã rõ ràng.

Vừa rồi chúng ta cũng có một số biện pháp để làm nhân dân hiểu rõ lịch sử của 2 quần đảo này thế nào, lẽ phải của chúng ta ở đâu và lý lẽ của Trung quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Chúng ta cần tiếp tục thông tin tới dân về vấn đề này.

Chúng ta gần đây cũng đã đề cập tới việc phải đưa lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa này vào chương trình học trong trường phổ thông, tôi thấy điều này rất cần thiết. Vì việc này sẽ giúp mỗi trẻ em có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ của mình, trên cơ sở đó, có thể nhận được sự ủng hộ của toàn thể dân tộc. Cộng thêm với dư luận quốc tế, chúng ta chắc chắn sẽ bảo vệ được chủ quyền trên các vùng biển của mình.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


Châu Anh
 

Bình luận
vtcnews.vn