Thủ tướng yêu cầu ưu tiên việc kiềm chế lạm phát

Thời sựThứ Tư, 02/03/2011 09:39:00 +07:00

(VTC News)- Thủ tướng yêu cầu, không thực hiện mục tiêu kép là vừa tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế lạm phát mà coi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu.

(VTC News) – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011, Thủ tướng yêu cầu, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên kiềm chế lạm phát, "lùi" tăng trưởng kinh tế, do đó, không thực hiện mục tiêu kép là vừa tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế lạm phát mà trước mắt “coi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011, chiều nay 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển tích cực.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, 2 tháng đầu năm 2011 giá cả lạm phát tăng cao đe dọa nền kinh tế vĩ mô (Ảnh: Chinhphu.vn) 

Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn của năm 2010 nhưng ta vẫn đạt và vượt kế hoạch 17/21 chỉ tiêu, trong đó GDP tăng 6,78%, cao hơn so với Quốc hội giao (6,7%). Cùng với đó, thu ngân sách tăng, chi ngân sách giảm, thiên tai lũ lụt hoành hành nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội...

Tiếp đó, tình hình kinh tế xã hội trong 2 tháng đầu năm 2011 cũng phát triển tích cực, thu ngân sách bằng 17,6% dự toán năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2010; xuất khẩu cũng tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp 4 lần chỉ tiêu Quốc hội thông qua (10%); nhập siêu bằng 14,8% kim ngạch xuất khẩu; Cùng với đó, người dân được quan tâm và chăm lo Tết Nguyên đán ấm no…

“Nhìn chung, các mặt kinh tế xã hội của chúng ta rất tốt, không có gì phức tạp” – Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phúc, năm 2010 kết thúc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2010 tăng tới 11,75% - lần đầu tiên vượt lên mức 2 con số. CPI tháng 2/2011 cũng tăng 3,87% so với tháng 12/2010. Tính bình quân, chỉ số CPI trong 2 tháng đầu năm 2011 tăng 12,24% so với cùng kỳ năm 2010 – “đây cũng là con số kỷ lục”.

Nguyên nhân, Bộ trưởng Phúc nêu, do giá cả trên thị trường thế giới, đặc biệt là xăng dầu, phân bón, lương thực, thực phẩm tăng mạnh gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Cạnh đó, nhu cầu mua sắm tiêu dùng dịp Tết nguyên đán tăng, cùng với những khó khăn, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại kéo dài cũng đã làm cho giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng.

Do đó, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ với những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đang được các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2011, kinh tế xã hội cơ bản phát triển tích cực, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng giá cả lạm phát tăng cao lại đe dọa nền kinh tế vĩ mô.

Theo Thủ tướng, giá cả tăng 3,87% gây lo lắng trong dân và xã hội nên cần phải làm rõ nguyên ngân bên trong và bên ngoài cũng như quyết tâm kiềm chế lạm phát của chúng ta.

Thủ tướng yêu cầu trên tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP, các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011 với chương trình, kế hoạch cụ thể, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, “lùi” tăng trưởng, không phục vụ mục tiêu kép là vừa kiềm chế lạm phát vừa tăng trưởng kinh tế mà “coi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay”.

Theo đó, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương phải hết sức lưu ý tới việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt với các giải pháp chủ yếu là giảm bội chi, tiết kiệm chi tiêu công, tăng thu ngân sách.

Cùng với đó, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; kiểm soát tốt tỷ giá, chống tình trạng đô la hóa, vàng hóa; Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả chính sách kiểm soát giá cả thị trường, chống tình trạng đầu cơ tăng giá bất hợp lý; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an sinh xã hội; an ninh quốc phòng…

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau; làm tốt công tác thông tin truyền truyền, nhất là về những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tạo sự đồng thuận xã hội.

Cũng tại buổi họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng đã có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ đưa Nghị quyết Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ vào cuộc sống, đặc biệt là triển khai xuống các tổ chức tín dụng.

Ông Giàu nêu, các tổ chức tài chính quốc tế lên tiếng cho rằng các giải pháp Việt Nam đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn, kịp thời, chắc chắn sẽ thành công và bền vững.

Các nhà khoa học và quản lý có kinh nghiệm của Việt Nam cũng đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ. Cùng với đó, sự thông tin tuyên truyền kịp thời và cụ thể của báo chí cũng tác động đến tâm lý xã hội, tâm lý người dân rất tốt, làm cho người dân yên tâm hơn.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn