Sẽ áp dụng thẻ trả trước tiền điện cho các hộ ở thuê

Thời sựChủ Nhật, 27/02/2011 10:10:00 +07:00

Cục Điều tiết Điện lực tính toán để tránh chuyện cắt điện sinh hoạt, điện ở vùng nông thôn trong mùa khô năm nay.

Cục Điều tiết Điện lực tính toán để tránh chuyện cắt điện sinh hoạt, điện ở vùng nông thôn trong mùa khô năm nay.


“Với giá điện sinh hoạt, mức tăng thêm dự kiến là 32.000 đồng với các hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng; 39.000 đồng với 200 kWh/tháng; các mức 300 kWh/tháng, 400 kWh/tháng mức trả thêm lần lượt là 45.000 đồng và 52.000 đồng/tháng” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết tại buổi họp báo công bố biểu giá điện và tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2011 vào chiều 26-2.


Lấy ngân sách để hỗ trợ người nghèo


Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt biểu giá bán lẻ điện, áp dụng từ ngày 1-3 là 1.242 đồng/kWh, tăng khoảng 165 đồng/kWh so với năm 2010.


Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc điều chỉnh giá điện lần này chủ yếu để bù đắp các phí đầu vào (giá than và giá khí cho phát điện tăng) và chỉ để giảm một phần lỗ đã phát sinh cho doanh nghiệp, chứ không tăng giá để đầu tư cho hệ thống. Các chi phí phát sinh của EVN từ các năm trước vẫn chưa tính vào giá điện năm 2011 để thu hồi (các khoản chi phí chưa tính vào giá điện trong 2011 lên đến hàng chục tỉ đồng).


“Các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ giá điện 50 kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. UBND các tỉnh, TP thực hiện chi trả tiền này sau khi tiếp nhận kinh phí do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phân bổ. Các hộ nghèo được hỗ trợ hằng tháng tiền điện nên thực tế hộ nghèo chỉ phải trả 20.000 đồng, tức Nhà nước đã hỗ trợ giá điện lên đến 60% và giá bán lẻ điện thực tế áp dụng cho các hộ nghèo chỉ còn 400 đồng/kWh” - ông Vượng nói.

 

Các hộ thuê trọ như sinh viên, công nhân,… sẽ được tính theo giá điện sinh hoạt và có thể sẽ tiến tới sử dụng công tơ thẻ trả trước. Ảnh: HTD 

Ông Vượng thông tin thêm, hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu hộ nghèo, với mức hỗ trợ 30.000 đồng/tháng thì mỗi năm ngân sách mất khoảng 1.120 tỉ đồng. Thủ tướng đã cân nhắc và quyết định khoản tiền hỗ trợ này sẽ không lấy từ giá bán điện mà trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Cạnh đó, với các hộ thu nhập thấp, thường xuyên sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng cũng được hỗ trợ, chỉ trả 80% giá bán điện bình quân cho 50 kWh của bậc thang đầu. “Để được hỗ trợ giá, các hộ thu nhập thấp đăng ký với bên bán điện. Trong trường hợp ba tháng liên tiếp tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký lớn hơn 150 kWh thì bên bán điện sẽ tự động chuyển sang áp dụng mức giá điện từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo…” - ông Vượng nói.


Giá điện mới sẽ làm CPI tăng khoảng 0,46%


Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Phạm Mạnh Thắng cho biết: Việc tăng giá điện đã xem xét giữ ở mức thấp nhất việc tác động lên sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế. Theo đó, giá điện sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,46%. Với các ngành sản xuất, giá điện tăng bình quân khoảng 12% sẽ làm tăng giá thành sản xuất của các ngành 0,01%-1,33%. Riêng ngành thép, xi măng, sợi, tỉ lệ tăng giá thành khoảng 0,38%-1,33%. Các ngành thuốc lá, bia, bao bì, mức tăng giá thành 0,01%-0,46%...


Với các chủ nhà trọ áp đặt mức giá điện quá cao với người thuê, ông Thắng nói: Các hộ thuê trọ như sinh viên, công nhân… sẽ được tính theo giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế có việc các chủ nhà thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn rất nhiều so với cái giá mà họ phải trả cho ngành điện. Người thuê trọ có quyền mua điện trực tiếp từ ngành điện và Sở Công Thương phải giải quyết vướng mắc này. Sở phải kiểm tra, rà soát, xử phạt vì quy định của Luật Điện lực là không cho phép chủ nhà bán lẻ lại điện cho người khác.


“Để hạn chế và giảm bớt hiện tượng các chủ nhà trọ bán lẻ điện cho người thuê, Bộ Công Thương đang nghiên cứu thí điểm biện pháp kỹ thuật, sử dụng công tơ thẻ trả trước. Người thuê trọ dùng điện, mua điện ngắn hạn sẽ mua thẻ để lắp vào công tơ, giống như thẻ điện thoại trả trước” - ông Thắng nói.

 

Tính toán để cắt điện công bằng hơn


Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), về tác động của tăng giá điện và chuyện cắt giảm điện trong mùa khô năm nay…


. Người dân băn khoăn tăng giá điện nhưng ngành điện vẫn còn cắt điện, tập trung chủ yếu ở điện sinh hoạt và nông thôn, năm nay thì sao, thưa ông?


+ Năm ngoái chúng ta thiếu điện và lượng điện cắt giảm mùa khô khoảng 1,4 tỉ kWh, chủ yếu tập trung vào sinh hoạt, nông thôn. Điều này đã tác động lớn đến đời sống người dân. Năm nay, Chính phủ sẽ điều chỉnh lại chính sách cắt giảm, có thể sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, chú trọng vào các ngành lượng sản xuất không cao mà ngốn nhiều điện. Bộ sẽ giao cho UBND các tỉnh tính chi tiết lượng điện thiếu hụt và cân đối việc tiết giảm điện để hài hòa và công bằng.


. Biểu giá điện mới không áp dụng bậc 50 kWh đầu tiên, vì sao như thế, thưa ông?


+ Năm ngoái biểu giá điện cũng có bảy bậc và toàn xã hội được tính bậc thang đầu 50 kWh với giá 600 đồng/kWh, tức là được bù giá khoảng 50%. Nhiều người cho rằng cào bằng như thế là vô lý, bù giá luôn cho cả nguời giàu. Vì thế ngành điện điều chỉnh lại việc này.


. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng VN cần có một lộ trình điều chỉnh giá nhiều lần trong năm chứ không nên theo cơ chế “giật cục” tăng cao như hiện nay…


+ Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhìn nhận thực tế, giá điện cũng như giá hàng hóa khác thôi, giá điện không phải là cái gì khác thường cả. Tôi cho rằng Nhà nước không nên bao cấp giá điện nữa, Nhà nước không nên làm thay doanh nghiệp trong việc này.


. Xin cảm ơn ông.


 
Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn