VTV mua thiết bị máy ghi hình lạc hậu?

Thời sựThứ Bảy, 26/02/2011 06:55:00 +07:00

(VTC News) - “Ngày nay người ta không dùng băng nữa và bây giờ thế giới người ta đã bỏ đi. Khi mà ông thay đổi thì ông phải có cái thiết kế tổng thể...".

(VTC News) - “Ngày nay người ta không dùng băng nữa và  bây giờ thế giới người ta đã bỏ đi. Khi mà ông thay đổi thì ông phải có cái thiết kế tổng thể để cho những cái thiết bị thay đổi ấy”, ông Nguyễn Đặng Sơn, GĐ CTy TNHH công nghệ truyền thông BMTS cho biết.

 

Đi tắt đón đầu, áp dụng khoa học kỹ thuật mới thúc đẩy sản xuất là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Vậy nhưng vẫn có hiện tượng một số đơn vị đầu tư mua sắm những thiết bị, công nghệ lạc hậu gây lãng phí, tốn kém tiền của. Đài Truyền hình Việt Nam, cánh chim đầu đàn của ngành truyền hình cả nước, lẽ ra đi đầu về số hoá và đầu tư ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, thì thời gian qua lại mua nhiều thiết bị lạc hậu thậm chí đã ngừng sản xuất(?)

 

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, gói thiết bị trị giá hàng trăm tỉ đồng nằm trong tổng thể dự án hơn 4 nghìn tỉ đồng của Đài truyền hình Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lãng phí, khi mỗi ngày trôi qua những thiết bị vốn lạc hậu lại không được khai thác sử dụng kịp thời, sẽ càng lạc hậu thêm do sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền hình ngày nay.

 

Cụ thể thiết bị máy ghi hình của nhà sản xuất Panasonic có số hiệu AJ-D960 có xuất sứ từ Nhật Bản. Thiết bị này nằm trong dây chuyền sản xuất của Trung tâm sản xuất chương trình - Đài truyền hình Việt Nam. Nó đã lạc hậu đến mức mà nhà tư vấn NHK - Nhật Bản phải thông báo là “sản phẩm cũ đã ngừng sản xuất”, và đề nghị thay thế bằng sản phẩm đỡ lạc hậu hơn có số hiệu là AJ-D965. Nói đỡ lạc hậu hơn là bởi những sản phẩm này đều dùng băng chỉ có điều là băng to hoặc băng nhỏ mà thôi, và đã dùng băng thì theo nhiều chuyên gia là vẫn rất lạc hậu.

 

Ông Nguyễn Đặng Sơn, GĐ CTy TNHH công nghệ truyền thông BMTS:“Ngày nay người ta không dùng băng nữa và  bây giờ thế giới người ta đã bỏ đi. Khi mà ông thay đổi thì ông phải có cái thiết kế tổng thể để cho những cái thiết bị thay đổi ấy, nó đáp ứng được cho cái dây chuyền sản xuất chứ không phải trong một cái dây chuyền, tôi thay đổi cái góc này nó lại không phù hợp với góc kia thì nó không tốt cho hệ thống. Nếu như người ta thay đổi một vài thiết bị nhỏ thì không sao”.

 

Thế giới người ta bỏ đi vậy mà Đài truyền hình Việt Nam lại mua về. Và đâu phải chỉ có một thiết bị. Trong danh sách mà nhà tư vấn NHK Nhật Bản đưa ra có đến 93 đầu mục sản phẩm khác bao gồm máy quay, loa, màn hình v.v ... cũng đã ngừng sản xuất và đề xuất thay thế. Vì dây truyền sản xuất truyền hình có tính đồng bộ rất cao nên việc thay thế này có thể dẫn đến tính thiếu đồng bộ của hệ thống, và ảnh hưởng nhất định trong quá trình vận hành.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số thiết bị này đã được nhập về Việt Nam từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng đúng mục đích.  Thiết bị đã lạc hậu nay lại càng lạc hậu hơn bởi bởi sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền hình thế giới.

 

Đã 2 năm trôi qua, thời gian đang bào mòn những giá trị cuối cùng của khối thiết bị này. Theo một báo cáo có ghi số 1291của Đài truyền hình Việt Nam gửi các bộ ngành ngày 26 tháng 10 năm 2006 cho thấy: Gói thầu XL-2 cung cấp lắp đặt thiết bị công nghệ truyền hình có giá trị là hơn 3.8 tỉ Yên Nhật , quy đổi ra tiền Việt Nam Đồng vào thời điểm đó là hơn 557 tỉ VND. Và đó cũng là một trong 4 gói thầu đang thực hiện dở dang của Trung tâm  sản xuất chương trình Đài truyền hình Việt Nam.

 

Còn theo Kỹ Sư Vương Cộng, nguyên giảng viên Khoa điện tử viễn thông – Đại Học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Mỗi hãng đều có những đặc điểm riêng của nó. Nếu để phân tích kỹ chỉ tiêu từng hãng một giữa hai chuẩn này có sử dụng chéo cho nhau, lẫn cho nhau được không? Theo tôi dù có làm được thì cũng không nên làm”.

 

Trong ba công đoạn của sản xuất chương trình đáng chú ý là hệ thống sản xuất tiền kỳ thì dùng băng, trong khi hệ thống sản xuất hậu kỳ lại là hệ thống không dùng băng rồi đến hệ thống phát sóng thì lại dùng băng.

 

“Bản thân cách làm là đã không đồng bộ. Bởi vì, băng là tương tự chuyển sang hậu kỳ là số rồi, từ số chuyển sang phát sóng lại là tương tự. Như vậy, hai quá trình chuyển đổi đó đều làm cho chất lượng hình ảnh âm thanh giảm đi. Chỉ trường hợp đồng bộ được từ tiền kỳ, hậu kỳ thậm chí nếu cần là truyền hình số luôn thế thì mới đảm bảo được cái chất lượng. Bởi vì, về nguyên tắc mà nói tín hiệu tương tự mỗi khi chuyển đổi nó đều bị suy giảm đi cỡ 6 đề si ben. Đấy và qua càng nhiều lần chuyển đổi thì chất lượng lại càng kém”. Kỹ sư Vương Cộng nói.

 

Dây truyền sản xuất truyền hình có tính đồng bộ rất cao nên việc này có thể dẫn đến tính thiếu đồng bộ của hệ thống, và ảnh hưởng nhất định trong quá trình sản xuất vận hành.

 

Kỹ Sư Vương Cộng cho rằng:“Bản thân cái băng từ ấy, tức là ghi bằng băng thì cái băng ấy là băng từ, dù rằng tín hiệu là tín hiệu số nhưng cái tốc độ ghi tốc độ phát ấy lại là chuyện khác. Cho nên những cái băng đấy mà không đảm bảo được cái tốc độ thông tin thì vẫn ảnh hưởng tới chất lượng như thường. Tôi không rõ ngày nay người ta có thể sản xuất ra những loại băng có chất lượng như thế nào, nhưng mà có thể nói đã dùng đến băng từ thì khó lòng đảm bảo được về mặt chất lượng ”.

 

Trong khi cả nước đang chắt chiu từng hào vốn đi vay để đầu tư phát triển kinh tế vượt qua khó khăn, vậy mà  dự án Trung tâm  sản xuất chương trình của Đài truyền hình Việt Nam với khối tiền ngàn tỉ đi vay đang được sử dụng lãng phí?

 

Không ai dám nói Đài truyền hình quốc gia Việt Nam là thiếu kinh nghiệm và cũng chẳng ai dám bảo nhà thầu tư vấn Nhật Bản NHK là kém năng lực, ai có thể trả lời là tại sao dự án lại chậm tiến độ, và tại sao thiết bị lại lạc hậu đến thế ?

 

Nhóm PVĐT

Bình luận
vtcnews.vn