Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp: 100 ngày nước rút

Thời sựThứ Sáu, 11/02/2011 01:51:00 +07:00

Theo kế hoạch, trong thời gian 100 ngày từ nay đến ngày bầu cử 22/5, trên cả nước sẽ có hơn 30 công việc lớn phải thực hiện theo luật định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội, HĐND là cơ quan quyền lực, cơ quan giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng. Muốn vậy, đại biểu phải thực sự có năng lực. 
Gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử hợp nhất lần đầu tiên cho cả Quốc hội và HĐND địa phương, ngày 10/2, hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đã được Bộ Chính trị tổ chức tại Hà Nội. Theo kế hoạch, trong thời gian 100 ngày từ nay đến ngày bầu cử 22/5, trên cả nước sẽ có hơn 30 công việc lớn phải thực hiện theo luật định. Trong đó, bước đầu tiên vào 16/2 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phải dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương. Cùng ngày, UBND các tỉnh, huyện, xã phải thống nhất với thường trực HĐND, MTTQ cùng cấp để lập ủy ban bầu cử ở địa bàn mình…
Đại biểu đoàn Nghệ An đóng góp ý kiến thảo luận tại hội nghị (Ảnh: TTXVN) 

Chỉ tiêu cơ cấu nhiều, khó thực hiện

MTTQ các cấp chủ động hiệp thương lựa chọn người ứng cử

Sáng nay (11/2) tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016 cho lãnh đạo MTTQ các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt nội dung Thông tri số 13/TTr-MTTQ của MTTQ Việt Nam về việc MTTQ tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và hướng dẫn cụ thể quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND.

Theo đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tham gia với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử.Đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phối hợp với UBND cùng cấp để thành lập các tổ chức phục trách bầu cử ở địa phương. 
Tuy nhiên đến nay, hàng loạt văn bản hướng dẫn công tác bầu cử vẫn đang ở dạng dự thảo khiến một số địa phương tỏ ra khá lúng túng. Đại diện tỉnh Quảng Nam thắc mắc, văn bản của Ban Tổ chức trung ương không nêu rõ định hướng về tuổi với ứng viên dự kiến bố trí làm thường trực HĐND các cấp thì liệu có thể hiểu cứ theo luật bầu cử, công dân từ 21 tuổi trở lên là có thể ứng cử? Với ĐBQH, trung ương hướng dẫn là nhân sự dự kiến giới thiệu làm chuyên trách tại các ủy ban của QH thì phải cỡ vụ trưởng, phó chủ tịch tỉnh hoặc tương đương. Vậy tại sao không đặt tiêu chuẩn nào với ứng viên dự kiến vào thường trực HĐND các cấp?
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình, số ĐB người địa phương mà cử tri Quảng Ngãi được bầu theo dự kiến của Ban Tổ chức trung ương là quá ít. Cụ thể, Quảng Ngãi được bầu bảy người thì dự kiến có bốn do trung ương giới thiệu về ứng cử, tỉnh chỉ được bầu ba của mình - giảm một so với khóa trước. Tuy nhiên, trong ba ĐB của địa phương thì hai người đã được cơ cấu là lãnh đạo tỉnh. Tính ra, cả số trung ương giới thiệu về ứng cử và hai cơ cấu cứng của địa phương đều thuộc diện cán bộ cứng, tuổi không còn trẻ, đều là đảng viên và chủ yếu là nam giới. Còn lại duy nhất một suất của địa phương được bầu phải gánh hết các cơ cấu còn lại về trẻ tuổi, nữ, ngoài Đảng, dân tộc…
Đại diện tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Phúc, cho rằng với các yêu cầu như vậy thì khó đạt được chỉ tiêu về cơ cấu, nhất là yêu cầu tỉ lệ ngoài Đảng chiếm 15%-20% ĐB HĐND các cấp. “HĐND cấp tỉnh 50 ĐB, giỏi lắm chỉ được 2-3 người là ngoài Đảng thôi!” - ông Phúc nói.
Nhân sự đã chuẩn bị từ dịp đại hội đảng các cấp
Giải trình thêm trước các băn khoăn của địa phương, ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng Ban Công tác ĐB của QH, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử, thừa nhận việc dồn các yêu cầu cơ cấu về cho ĐB địa phương là thực tế của nhiều kỳ bầu cử nhưng khó có thể khắc phục được. Ông cho biết số ứng viên cho ĐB công tác ở trung ương do quân đội, công an giới thiệu về gần như không có nữ. Khối công tác tại các cơ quan của Chính phủ, cơ quan Đảng đưa về địa phương thì đều là cán bộ có kinh nghiệm thực tế lâu năm nên không thể trẻ. Vì vậy, chỉ còn 93 ghế QH, tất cả đều do địa phương tự lựa chọn, giới thiệu. Số này phải gánh hết các yêu cầu về cơ cấu.
Ông Tuyên cũng cho hay dự kiến số ứng viên do trung ương giới thiệu về các đơn vị bầu cử ở địa phương là không có số dư so với số được bầu. Vì vậy mong các cấp ủy địa phương hỗ trợ để họ có thể trúng cử.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Văn Quynh, công tác nhân sự chuẩn bị cho bầu cử QH và HĐND không phải là quá gấp gáp. Bởi từ đợt chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ở địa phương, trung ương đã yêu cầu các tỉnh ủy dự kiến trước cả nhân sự tham gia các chức danh chủ chốt ở HĐND. Dự kiến ấy đã có tính toán cả yêu cầu về tuổi, để đủ thời gian nắm giữ cương vị ở trong Đảng và chính quyền.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chất lượng
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch QH - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử, đánh giá cuộc bầu cử toàn quốc lần này là đặc biệt, chưa có tiền lệ. Vì vậy các cơ quan chức năng phải sớm hoàn thiện các văn bản, để 1-2 ngày nữa có thể phát hành cho địa phương kịp thời nắm bắt, triển khai.
Ông cũng hai lần nhấn mạnh với hội nghị là khi giới thiệu người ứng cử vào QH, HĐND các cấp không nên quá chú trọng vào cơ cấu, mà phải đặt yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng lên làm đầu. “Cần tránh tình trạng đồng chí nào thấy khó bố trí thì đưa sang làm HĐND. QH, HĐND là cơ quan quyền lực, cơ quan giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng. Muốn vậy, ĐB phải thực sự có năng lực. Thuyết phục nhân dân không phải bằng chức vụ mà phải bằng lý lẽ, trách nhiệm” - Tổng Bí thư nói.
Các mốc thời gian của tiến trình bầu cử

21/2: thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện, xã dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND được bầu ở cấp mình.

26/2: hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (cả cấp trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã) thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được bầu.

4/3: thực hiện bước hai của quy trình hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi người đó làm việc.

17g ngày 18/3: thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử.

20/3 đến 23/3: thực hiện bước ba quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

17g ngày 23/3: người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hồ sơ tại ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử.

12/4: tiến hành xong việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử.

17/4: niêm yết danh sách cử tri.

2/5: niêm yết danh sách những người ứng cử ở các khu vực bỏ phiếu.

12/5: ngưng việc xem xét khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

22/5: tất cả cử tri đi bầu cử. 

Cố gắng 15%-20% đại biểu là người ngoài Đảng

Theo dự kiến hướng dẫn của trung ương, cuộc bầu cử QH và HĐND toàn quốc lần này phấn đấu số ĐB là người ngoài Đảng đạt 15%-20% so với 18% hiện tại.

Riêng với ĐB chuyên trách của QH hoạt động tại địa phương, tiêu chuẩn phải là người có năng lực chuyên môn tương đương hoặc đang quy hoạch vào vị trí ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch HĐND, UBND. Với các ĐB chuyên trách trung ương về công tác tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, trình độ phải cỡ vụ trưởng hoặc tương đương và am hiểu hoạt động nghị trường. Các yêu cầu này đã đề cập ở kỳ bầu cử khóa trước, nay nêu ra chặt chẽ hơn và buộc phải thực hiện nghiêm hơn.

Để tăng số lượng ĐB chuyên trách làm việc tại các cơ quan của QH, kỳ bầu cử này khống chế mỗi tỉnh chỉ có một ĐB chuyên trách làm việc tại địa phương (riêng TP.HCM, Hà Nội có hai).Để đảm bảo tính kế thừa, kỳ bầu cử này sẽ có thêm nhiều ĐB QH khóa XII ứng cử vào khóa XIII. Mục tiêu phấn đấu là QH khóa mới sẽ có khoảng 40% tái cử, thay vì 30% như kỳ bầu cử trước.

(Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử PHẠM MINH TUYÊN)


Theo Pháp luật TP.HCM/ Chinhphu.vn/ TTO
Bình luận
vtcnews.vn