Khai mạc Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII

Thời sựThứ Hai, 27/12/2010 06:47:00 +07:00

(VTC News)- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII khai mạc sáng nay 27/12, tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.500 đại biểu.

(VTC News) - Sáng nay (27/12), Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc, Hà Nội với 1.500 đại biểu tham dự. Trước giờ khai mạc, các đoàn đại biểu sẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ. 

Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương dự và phát biểu khai mạc đại hội. 

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc Đại hội.


Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 và 28/12, với sự tham dự của 338 đại biểu là cá nhân Anh hùng Lao động (AHLĐ), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT); đại diện tập thể AHLĐ, AHLLVT; Chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, 1001 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, cũng sẽ tham dự Đại hội, trong đó 323 đại biểu nữ; 148 đại biểu người dân tộc tiêu biểu; 322 đại biểu tiêu biểu cho tài năng trẻ, thiếu niên nhi đồng xuất sắc, công nhân, nông dân, trí thức, đại diện các tôn giáo, nhân sỹ, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ, nghệ nhân nhân dân và ưu tú, gia đình và người có công với cách mạng, người khuyết tật vượt khó vươn lên trong cuộc sống; 10 đại biểu là người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài và 5 người nước ngoài có công với Việt Nam; 64 đại biểu tiêu biểu trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc với sự tham dự của 1.500 đại biểu. 

Hà Nội là địa phương có số lượng đại biểu tham dự đông nhất với 52 đại biểu, tiếp đó là TP. HCM với 51 đại biểu, Nghệ An (21), Thanh Hóa (20), Hải Phòng (19)... Về phía các Bộ, ngành TW, đại biểu đại diện Bộ Công thương đông nhất với 86 đại biểu, Bộ NN&PTNT có 45 đại biểu, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Bộ GTVT mỗi bộ 27 đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông (22)...

Đại biểu cao tuổi nhất là một giáo sư, AHLĐ 94 tuổi, đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Trần Ngọc Diễm Huyền 10 tuổi, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội.

Cũng tại hội này, nhiều nhân vật đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm trong thế kỷ 20 hội ngộ tại Hà Nội như: AHLLVT La Văn Cầu (SN 1932); AHLLVT Nguyễn Thị Chiên, người có mặt trong 7 kỳ đại hội thi đua yêu nước tổ chức trước đó và đây là lần thứ 8...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc Đại hội. 

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong 5 năm qua gắn với các phong trào thi đua - yêu nước ở mọi tầng lớp nhân dân, đoàn thể, doanh nghiệp...

 Thiếu nhi Hà Nội chào mừng Đại hội (ảnh trên) và gương mặt Đại biểu nhí của Thủ đô Trần Ngọc Diễm Huyền.

Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII là dịp tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát động phong trào học tập các tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong phạm vi cả nước, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc

Tiếp đó, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2006 – 2010) và phương hướng nhiệm vụ (2011- 2015).

Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2006 – 2010) và phương hướng nhiệm vụ (2011- 2015) 

Bà Nguyễn Thị Doan điểm lại những mặt nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước của các ngành thời gian qua luôn gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển con người...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; thi đua phải có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thiết thực, không dàn trải, nội dung các tiêu chí thi đua càng cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan đơn vị, thì hiệu quả phong trào thi đua càng cao”.

Cụ thể, các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm; phong trào thi đua “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”…

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ và du lịch, phong trào thi đua đã có bước phát triển tạo động lực cho sự phát triển lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.

Ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đã tạo không khí đổi mới, góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) trình bày tham luận tại đại hội. 

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ về xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài nguyên môi trường…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả, tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào xây dựng “Nhà đại đoàn kết”… Kết quả, 5 năm qua Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động được 2.728,5 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa được 491.470 nhà cho người nghèo. Từ năm 2009 đến nay,  số hộ nghèo được hỗ trợ là 157.735 căn nhà, trong đó đã tập trung đầu tư cho 62 huyện nghèo và đồng bào Khơme Tây Nam bộ…

Giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, với nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ rõ, trong 5 năm tới, phong trào thi đua phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước…
 
Anh hùng trong chống nghèo nàn, lạc hậu…

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương các anh hùng, chiến sỹ thi đua, các điển hình tiên tiến đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tâm huyết: “Đất nước ta, nhân dân ta đã rất anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngày nay càng phải nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống nghèo nàn và lạc hậu”. 

Bên cạnh những thành tích xuất sắc, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan. “Việc tổ chức thi đua có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc” – ông Nông Đức Mạnh lưu ý.

Về công tác thi đua – khen thưởng 5 năm tới, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người nhân thấy rõ vai trò, vị trí của công tác thi đua. Để phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao, cần quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến…

Chia sẻ với gần 1.500 đại biểu Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua và các điển hình tiến tiến về dự đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tâm huyết nói: “Đất nước ta, nhân dân ta đã rất anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngày nay càng phải nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống đói nghèo nàn và lạc hậu”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Tuyến - Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro trình bày tham luận tại Đại hội. 

Cũng trong sáng nay (27/12), đại biểu Nguyễn Hữu Tuyến - Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro và PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) trình bày tham luận tại đại hội.

Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 97 Huân chương Sao vàng, 243 Huân chương Hồ Chí Minh, 5.740 Huân chương Độc lập, 268 Huân chương Quân công, 25.593 Huân chương Lao động, 456 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 178 Anh hùng Lao động, 61 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 2.711 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 159 Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú).
Về khen thưởng thành tích hai cuộc kháng chiến: Từ năm 2006-2010, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 80.764 Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ; 8.199 Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp; 6.329 Bằng khen kháng chiến của Thủ tướng Chính phủ. Hai năm 2009 - 2010, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 663 trường hợp (377 tập thể, 286 cá nhân, trong đó truy tặng 208 cá nhân). Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng kịp thời đã có dư luận ảnh hưởng tốt trong xã hội như: Tập thể 8 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 217, Ban Xây dựng 67-Đoàn 559, Tập thể 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn - Nghệ An, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh…


Lê Hùng - Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn