"Điều hành ngắn hạn tốt, dài hạn thì có vấn đề"!

Chính trịThứ Tư, 08/12/2010 12:01:00 +07:00

(VTC News)– ĐB Nguyễn Việt Hưng thẳng thắn “mổ xẻ” 2 căn bệnh “nước đến chân mới nhảy” và “bệnh thành tích” và lấy dẫn chứng bằng các công trình mừng Đại lễ...

(VTC News) – ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh) thẳng thắn “mổ xẻ” hai căn bệnh “nước đến chân mới nhảy” và “bệnh thành tích” và lấy dẫn chứng bằng các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Đại lễ).

Chiều 7/12, thảo luận về nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KTXH), an ninh quốc phòng năm 2011 của TP Hà Nội, nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm tới vấn đề xung quanh việc tổ chức Đại lễ như chi tiêu cho Đại lễ, điều hành Đại lễ...


“Cái bệnh nước đến chân mới nhảy"!

Là người đầu tiên đưa nêu ý kiến trược HĐND, ĐB Bùi Thị An (Hai Bà Trưng) yêu cầu việc chi tiêu cho Đại lễ cần được tách bạch. Cùng với đó, UBND TP cũng cần làm rõ công trình nào hiệu quả, công trình nào không để tạo ra sự tin tưởng cho cử tri.

ĐB HĐND TP Hà Nội Bùi Thị An (Ảnh: Kiều Minh) 
“TP nên có đánh giá giám sát hậu Đại lễ” - bà An đề nghị.

Chung mối quan tâm, ĐB Vũ Đức Tân (Ba Đình) thẳng thắn cho biết, cử tri Hà Nội yêu cầu TP làm rõ tổng chi cho sự kiện này là bao nhiêu? Theo đó, cần làm rõ bao nhiêu tiền là từ ngân sách nhà nước và bao nhiêu tiền từ nguồn xã hội hoá?

Phát biểu mạnh mẽ hơn, ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh) còn cho rằng, bên cạnh những thành tựu mà TP nêu trong 21 trang thành tích tại báo cáo phát triển KTXH, TP cũng cần phải xem xét cả về điều hành và những việc đã làm. ĐB Hưng nói: “Cái bệnh nước đến chân mới nhảy”, sát đến ngày Đại lễ mới dồn dập cắt băng khánh thành, tạo nên căng thẳng không đáng có – bệnh này rõ nhất! Bệnh thứ hai là bệnh thành tích, ví dụ Đại lộ Thăng Long sau khi cắt băng khánh thành 1 tuần mà vẫn rối loạn giao thông, không có biển chỉ dẫn, tôi cũng lạc vào đó. Rồi công viên Hòa Bình khánh thành xong ngổn ngang, còn nhiều hạng mục phải làm. Hay như Tượng đài Thánh Gióng, là công trình xã hội hóa cũng chạy đua cho khánh thành, sau đó lại làm tiếp…”.

"Đừng để mảng sáng thành mảng tối"

Theo ĐB Hưng, cứ dịp nào tổ chức lễ kỷ niệm hay hội nghị quốc tế thì Hà Nội rất bình yên, nhưng sau hết kỳ họp và kỷ niệm thì cả TP lại đâu vào đó, lại tắc xe – “chứng tỏ điều hành ngắn hạn của ta thì tốt nhưng điều hành dài hạn của lãnh đạo thì… có vấn đề”. Cho thấy bệnh chạy theo thành tích, chạy đôn đốc khắp nơi, sau Đại lễ lãnh đạo thì thở phào, còn cử tri thì nói “kỷ niệm 1000 năm căng thẳng thế!”.

ĐB Hưng thẳng thắn, TP nên nhìn thẳng vào vấn đề để sau này làm lễ kỷ niệm nào đó mà rút kinh nghiệm. “Sau Đại lễ còn nhiều việc để làm lắm. Hôm qua báo chí đăng thanh tra Đại lộ 1000 năm chi sai, mà chúng ta còn nhiều công trình lắm, chúng ta chưa có báo cáo tài chính, làm Quốc hội cũng đặt câu hỏi chi cho Đại lễ là bao nhiêu, chi các ngành các cấp thế nào… chúng ta phải công khai minh bạch đừng để mảng sáng thành mảng tối” – ĐB Hưng nhận định.

Theo đó, ĐB Hưng cũng yêu cầu việc chi tiêu cho Đại lễ càng công khai sớm bao nhiêu thì “mảng sáng càng đẹp hơn”. Theo đó, phải sớm có kết luận thanh tra kiểm tra, làm rõ những điểm mà mọi người quan tâm, “nếu không có gì xảy ra về chi tiêu thì Thủ đô sáng rực rỡ chứ không phải sáng mờ mờ!”.

Đồng tình với nhận định của ĐB Hưng, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Quang Nhuệ dẫn chứng tiếp về hạn chế trong triển khai các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, như công trình xây dựng Trường Amsterdam được quyết định xây từ năm 1999, nhưng đến 2007 mới triển khai và thi chọn thiết kế - “như vậy trong 9 nam ta chỉ loanh quanh thiết kế với vẽ, trong khi đất đó là đất sạch!” Rồi, “chúng ta đủng đỉnh 9-10 năm trong khi tập trung 2 năm để làm Bảo tàng Hà Nội…”

“Đề nghị UBND TP rà soát kinh phí để công bố cho dân biết có bao nhiêu công trình chuẩn bị kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, đề nghị làm rõ, phải công khai” – ông Nhuệ nhấn mạnh.

Về quy hoạch Thủ đô, ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh) góp ý: “Tôi đi Hàn Quốc, thấy dự án TP sông Hàn của Seoul nếu đem TP đó áp vào sông Hồng thì… “bất hạnh” cho chúng ta! Vì hai bên sông Hàn toàn là nhà bê tông cao tầng, nếu như vậy thì Thủ đô của chúng ta không còn gì lãng mạn nữa! Xin đừng đưa nó vào mà làm hại cho Thủ đô của chúng ta!”.

Cũng trong buổi thảo luận, bàn về chỉ tiêu kinh tế năm 2011 mà Hà Nội đặt tốc độ tăng trưởng GDP là 12%, phấn đấu đạt ở mức cao hơn – nhiều ĐB muốn UBND TP giải trình rõ hơn để yên tâm phấn đấu GDP đạt được 12% trở lên.

ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh) nghi vấn: TP chỉ nói định tính, nói ang áng, thấy năm trước ta đạt được thế này thì năm sau lại theo đó mà đề đạt chỉ tiêu… “Có người nói 7 đồng vốn làm ra 1 đồng GDP, có người lại nói 9 đồng vốn mới làm ra được 1 đồng GDP, vậy chúng ta hạ thấp chỉ tiêu phát triển KT đi hay phải như thế nào? Nếu không có những yếu tố này thì chỉ tiêu 12% chúng ta khó mà đạt được”, ông Hưng nói.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn