34% phụ nữ VN cho biết từng bị chồng bạo hành

Thời sựThứ Sáu, 26/11/2010 06:52:00 +07:00

(VTC News) - Kết quả nghiên cứu của GSO và UN đưa ra nhiều con số đáng báo động: 34% phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.

(VTC News) – Hơn một nửa phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bạo lực gia đình, hiện trạng này đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của người phụ nữ, ở một khía cạnh liên quan, trẻ em cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vấn nạn này.

Bạo lực tình dục, thể xác

Nhân n
gày Quốc tế xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, 25/11, Tổng cục Thống kê (GSO) và Liên Hợp Quốc (UN) công bố nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam. 

Kết quả nghiên cứu đưa ra nhiều con số đáng báo động: 34% phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nếu xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần thì có 58% phụ nữ Việt Nam cho biết mình đã từng là nhân của ít nhất một hình thức bạo hành kể trên… 

Trong đó có 26% phụ nữ đã từng bị lạm dụng tình dục hoặc thể xác do chồng gây ra cho biệt đã bị thương tích, 60% trong số này bị thương tích nhiều hơn một lần và 17% bị thương tích nhiều lần.

Bạo lực gia đình gây nên nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho người phụ nữ

Nhấn mạnh về hậu quả của nạn bạo lực gia đình, bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng Cục trưởng GSO, cảnh báo: “Bạo lực gia đình gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách của trẻ em, hạn chế cơ hội để các em có cuộc sống bình thường và vi phạm nghiêm trọng đến các quyền con người”.

“Ngày hay đêm, hễ anh ta về nhà là trống ngực tôi lại dồn dập và kéo dài hàng giờ. Cô con gái tôi đang chơi ở nhà và đôi khi có cả bạn của nó ở đấy nữa, nhưng anh ta không quan tâm, mỗi khi về nhà là anh ta đè nghiến tôi xuống và giật tung quần áo tôi ra. Tôi không thể chống cự hoặc làm gì khác”, một phụ nữ Hà Nội cho biết.

Báo cáo mới nhất về Bạo lực gia đình sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cách nhìn chính xác về bạo lực gia đình khi soạn thảo các chính sách công

"Con trai lớn của tôi (20 tuổi) chạy ra khỏi nhà khi chứng kiến cảnh này nhưng con gái tôi không hiểu điều gì đang xảy ra. Nó chỉ không thích hành vi mà nó thấy giữa hai vợ chồng và nó khóc. Nhưng rồi cũng phải nín sau khi bị chồng tôi tát cho mấy cái, nó sợ không dám nói một lời. Tôi đành phải chịu đựng”.

Tỉ lệ nạn nhân của bạo lực gia đình trong cộng đồng người Mông là 8%, trong khi người Kinh là 36%.
Không chỉ bạo hành về mặt tình dục, nhiều người đàn ông còn thẳng tay “phang” vợ mình. Một nạn nhân khác tâm sự: “Ôi giời, ông ấy cầm ghế – cái ghế con để ngồi ăn cơm, hoặc là ông ấy cầm gạch… ông ấy rút ngay cái dép phang vào mặt, đau ơi là đau… Tôi nấp sau cửa nhà thì cái ghế nó đập vào cửa rơi bụp xuống, thế là hàng xóm người ta nghe thấy, người ta chạy sang. Họ giữ tay ông ấy lại, rồi bảo tôi là “mày chạy đi”. Tôi lách người qua cửa chạy thì ông ấy ném gạch theo”.


Các số liệu được đưa ra trong báo cáo đã nêu bật lên một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời họ. Trong đó, có tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực gia đình có khác nhau về vùng miền, dân tộc, khác biệt lớn nhất là về dân tộc, ví dụ như tỉ lệ nạn nhân của bạo lực gia đình trong cộng đồng người Mông là 8% trong khi người Kinh là 36%.

Ông Vũ Phong, Vụ trưởng GSO cung cấp thêm thông tin chứng minh rằng, ngoài nguy cơ bị chồng gây bạo lực, phụ nữ trên 15 tuổi còn hứng chịu bạo lực thể xác do người không phải chồng gây ra mà chủ yếu là các thành viên khác trong gia đình gây ra. “Phụ nữ không an toàn trong ngôi nhà của chính mình”, ông Vũ Phong quan ngại.

Im lặng

Bản báo cáo nêu rõ rằng 1/2 phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình gặp phải đến khi được phỏng vấn. Bên cạnh việc xấu hổ và kì thị khiến cho phụ nữ giữ im lặng, nhiều phụ nữ nghĩ bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện “bình thường và rằng phụ nữ phải làm quen và chịu đựng những gì đang diến ra vì hạnh phúc gia đình mình”. 

Nếu phụ nữ tiết lộ với ai đó về tình trạng bị bạo lực của mình thì thật không may, thường thì mạng lưới xã hội gần kề chỉ làm thăng thêm xấu hổ và kì thị bằng các quan điểm đổ lỗi cho người phụ nữ hoặc khuyên họ chịu đựng. Hơn nữa, việc nói cho người khác biết cũng là tăng nguy cơ bị bạo lực.

Chị Hoa (một nạn nhân) đang xem bích họa vận động chống bạo lực giới tại bệnh viện huyện Đoan Hùng (Phú Thọ)

Một phụ nữ ở Bến Tre chia sẻ về thái độ của hàng xóm khi biết chuyện của chị: “Hàng xóm thì nói "chuyện vợ chồng của nó, để nó giải quyết, đừng có ai xen vô nên người ta đâu có dám". Lúc trước người ta còn mời công an chứ lúc này người ta không có dám, nó nhậu về nó muốn làm gì thì làm, người ta cũng không có can thiệp vô nữa, can thiệp vô nó nói, nó chửi luôn người ta thì sạo. Nó vậy đó nên người ta kệ nó”.

Chính vì tâm lý coi chuyện bạo lực gia đình là “bình thường” mà hiện nay nhiều phụ nữ đang trở thành nạn nhân của vấn đề này và chưa có xu hướng giảm. Ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc phá bỏ sự im lặng mang tính cấp thiết” và “tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.

“Các nhà hoạch định chính sách và các luật sư bảo vệ quyền phụ nữ cần có hành động ngay, quyết liệt và dứt khoát, chống lại tất cả các hình thức bạo lực gia đình tại Việt Nam”, ông Alberto Virella, Phó Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam nhấn mạnh: “Cần có những hành động cụ thể, nếu không mọi bản báo cáo đều vô nghĩa”.

“Chị nghĩ là nếu bị bạo lực thì nên lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của tập thể hoặc tư vấn, tùy từng trường hợp chứ không phải ai cũng giống ai, nhưng mà không nên chịu nhịn, bởi vì chịu nhịn là chết đấy”- một phụ nữ ở Hà Nội lên tiếng.

Khánh Minh
Bình luận
vtcnews.vn