'Phong bì cám ơn không có gì đáng phê phán'

Sức khỏeThứ Năm, 20/10/2011 06:34:00 +07:00

(VTC News)- Phong bì phong bì cám ơn khi bệnh nhân đã khỏi bệnh về nhà không có gì đáng phê phán, Giám đốc một bệnh viện lớn nói.

(VTC News)- Phong bì bệnh nhân lót tay khi mới nhập viện nhất định không được nhận. Còn phong bì cám ơn khi bệnh nhân đã khỏi bệnh về nhà thì không có gì đáng phê phán, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết nói.

Phong bì từ đâu ra?

Quy tắc ứng xử của các bệnh viện luôn nêu rõ cần phải tận tình cứu giúp bệnh nhân, đặc biệt không được phép nhận phong bì. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, tình trạng phong bì lót tay tại hầu hết các bệnh viện đã trở thành “truyền thống, văn hóa”.

Lỗi của văn hóa phong bì không phải của riêng bác sỹ, bệnh nhân. Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nguồn gốc chính là do sự quá tải tại các bệnh viện. Khi số lượng, chất lượng của đội ngũ y tế quá mỏng so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đã nảy sinh ra nhiều tiêu cực.

“Khi quá tải, bệnh nhân nào cũng muốn mình được thăm khám trước, được bác sỹ, y tá quan tâm nhiều hơn nên nhờ đến chiếc phong bì. Không thể phủ nhận được rằng có thêm chút gia vị phong bì mọi thứ sẽ được bôi trơn hơn. Từ đó mà nảy sinh ra văn hóa phong bì, văn hóa bơi trơn tại bệnh viện” - GS Hùng chia sẻ.

Tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến càng khiến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến đầu thêm trầm trọng. Do đó, hiện tượng tiêu cực chủ yếu xảy ra tại các bệnh viện Trung ương. Bà Trần Thanh Tâm, phó chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết: “Tại các bệnh viện huyện rất ít thấy phong bì lót tay cho nhân viên y tế. Nếu người dân không hài lòng vì chất lượng lại bị sách nhiễu họ sẵn sàng lên bệnh viện tuyến trên với tâm lý mất tiền nhưng được chữa trị tốt thì vẫn hơn.”

Y đức của nhân viên y tế luôn được người dân quan tâm 

Số lượng bệnh nhân quá đông khiến cho các cán bộ y tế phải làm việc trong môi trường áp lực nặng nề. Tình trạng nhân viên y tế nặng lời, quát mắng, tỏ thái độ không tận tình, sách nhiễu bệnh nhân không phải là không có. Khi ấy, bệnh nhân tự biết ý dúi nhanh chiếc phong bao nhỏ nhỏ vào tay nhân viên y tế đó. Việc đòi hỏi, vòi vĩnh của cán bộ nhân viên y tế càng được đà khi chính người dân tiếp tay thêm.

Ngoài ra, mức lương chính của cán bộ nhân viên y tế chỉ rơi vào khoảng 4 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập theo ngân sách nhà nước là 3,65%, lương của đội ngũ y tế chỉ đứng thứ 16/18 nhóm ngành nghề. Trong khi đó, với 50.000 đồng/ 1 bệnh nhân, mỗi ngày chỉ cần 5 hồ sơ bệnh án có kèm phong bì, mức thu nhập của bác sỹ đã khác nhiều.

Nhìn chung so với công sức, thời gian đào tạo và cường độ công việc và với đồng lương đó khiến cuộc sống của đội ngũ y tế trở nên chật vật, khó khăn. Không ít bác sỹ phải “chạy sô” hết bệnh viện này đến phòng khám khác mới có thể đảm bảo chi phí cho cuộc sống đắt đỏ hiện nay. Chính mức thu nhập chính của cán bộ nhân viên y tế còn eo hẹp tạo điều kiện cho chiếc phong bao len lỏi vào mọi ngõ ngách của bệnh viện.

Bác sỹ Trần Văn Oánh (Khoa khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), nơi chịu áp lực nhiều nhất từ phía bệnh nhân, cho biết: “Đã không ít lần tôi bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Trong khi gia đình đang có việc cần tiền gấp chưa xoay đâu được, mà người nhà bệnh nhân cứ dúi tiền vào tay mình. Nhiều lúc cũng muốn mắt nhắm, mắt mở cầm lấy. Nhưng lại nghĩ mình nhận được lần đầu thì sẽ có lần thứ n tiếp theo nên đành kiên quyết không nhận.”

Do đó, để đội ngũ y bác sỹ đã từng phải sống nhờ số tiền phong bì hoặc vòi vĩnh từ bệnh nhân nói không với phong bì là điều không dễ dàng. Ngoài việc nâng cao y đức cho đội ngũ y tế, tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân không tiếp tay cho vấn nạn này, cần phải có thời gian, lộ trình thay đổi cơ chế.

Từ chối nguồn thu nhập lớn như thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức phong bì cũng có nhiều loại. Có loại nhất định không được nhận, có loại không nhận không được. Phong bì bệnh nhân lót tay khi mới nhập viện nhất định không được nhận. Còn phong bì cám ơn khi bệnh nhân đã khỏi bệnh về nhà thì không có gì đáng phê phán.

“Chỉ khi bác sỹ dành hết tâm và tài phục vụ bệnh nhân thì khi bệnh nhân đó xuất hiện họ mới nhớ đến mình. Lúc ấy món quà nhỏ, hay chiếc phong bì cảm ơn là điều tôi mong muốn các bác sỹ của chúng ta luôn được nhận. Còn các loại phong bì khác, không cho phép các bác sỹ nhận” – PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nhấn mạnh.

Với 101 lí do khiến văn hóa phong bì tồn tại nhiều năm nay, làm thế nào để đội ngũ y bác sỹ tự nguyện từ chối một khoản thu nhập lớn? PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ: “Mình làm việc tốt thì chắc chắn sẽ được người bệnh kính nể, được đồng nghiệp trọng dụng. Với danh tiếng y đức ấy, tay nghề y thuật ấy, các bác sỹ sẽ không thiếu việc để làm để tăng thêm thu nhập.”

Bác sỹ Đặng Đình Nam (Khoa Chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cũng góp ý kiến: “Ngoài làm việc chính tại bệnh viện, tôi và nhiều đồng nghiệp còn được mời làm thêm tại các phòng khám tư, các bệnh viện tuyến dưới. Nếu chăm chỉ thì cũng không lo bị đói..”

Tăng ca, trực đêm, đi làm thêm tại các phòng khám tư là những việc được nhiều bác sỹ lựa chọn để vượt qua khủng hoảng kinh tế và giữ nhân cách cao quý của nghề y. Bác sỹ Trần Văn Oánh chia sẻ: “Đáng lẽ mỗi tháng chỉ được làm tăng ca và trực đêm 2 đến 4 buổi. Nhưng nếu có thể tôi vẫn xin nhận tăng ca, trực đêm. Tuy vất vả nhưng giữ được cái tâm trong sáng”

Ngoài ra, bệnh viện cần có những quy chế xử phạt nghiêm để cảnh cáo cả đội ngũ y bác sỹ và người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phó phòng kế hoạch tổng hợp BV Việt Đức cho biết: “Nếu bác sỹ nào sách nhiễu người bệnh, nhận tiền của bệnh nhân chắc chắn sẽ bị kỉ luật thật nặng. Chúng tôi đã từng đuổi việc một bác sĩ sau khi phát hiện người này nhiều lần vòi tiền của bệnh nhân.”

 Bệnh viện Việt Đức cam kết nói không với phong bì

Tuy nhiên, để việc nói không với phong bì trở thành văn hóa tại bệnh viện cần giải quyết tận gốc của vấn nạn này.  PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Cần phải thấy rằng, tăng tiền lương cho cán bộ nhân viên y tế phù hợp với cường độ, áp lực công việc là điều cần phải quan tâm trước hết.

Việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là một biện pháp đem lại hiệu quả tối ưu nhưng cần thời gian lâu dài nhất.”

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng khẳng định, không thể loại bỏ ngay phong bì ra khỏi môi trường bệnh viện ngay sau khi phát động phong trào được. Nó là một việc làm rất khó khăn, cần thời gian và sự chung tay, chung sức từ đội ngũ y tế đến người nhà bệnh nhân và cả cơ chế của Nhà nước.

Bích Thảo

Bình luận
vtcnews.vn