E.Coli độc lực cao: diễn biến nhanh nên ít lan rộng

Sức khỏeThứ Ba, 14/06/2011 06:28:00 +07:00

(VTC News) - Thực tế, nhiều bệnh nhân tiêu chảy tại Việt Nam vẫn được xác định do E.coli. Vậy có cách gì để ngăn ngừa chủng e.coli gây chết người này?

(VTC News) - Thực tế, nhiều bệnh nhân tiêu chảy tại Việt Nam vẫn được xác định do E.coli. Vậy có cách gì để ngăn ngừa chủng e.coli gây chết người này?

Đợt dịch này, trên thế giới đã có hơn 2.000 người bị nhiễm khuẩn E.coli, hơn 400 trường hợp mắc bệnh nặng và 29 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương giám sát tại các sân bay, cửa khẩu…để ngăn chặn dịch này.

Dưới đây là trao đổi của PV với GS.TSKH Phùng Đắc Cam, Nguyên trưởng khoa vi khuẩn Viện vệ sinh dịch tễ TƯ, chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn gây đường ruột tại VN, chuyên gia Trung tâm phòng chống bệnh châu Âu.

E.coli luôn có ở Việt Nam

Thưa GS.TSKH Phùng Đắc Cam, nhiều người lo ngại vi khuẩn E.coli đang gây ổ dịch tiêu chảy nghiêm trọng ở Đức và nhiều nước châu Âu khiến 29 người chết và 400 người bệnh nặng sẽ lan truyền tới Việt Nam?

GS.TSKH Phùng Đắc Cam 
Chúng ta không nên quá lo ngại về loại vi khuẩn này sẽ lan truyền ra thế giới và tới Việt Nam. Bởi Ecoli ít lây truyền từ người sang người mà chủ yếu là do ngoại cảnh như: ăn thực phẩm chưa qua nấu chín, qua tiếp xúc và phơi nhiễm với phân người, phân động vật bị bệnh…

Hơn nữa, đây là bệnh cấp tính, khi bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh thường có biểu hiện ngay nên ít có khả năng di chuyển. Do đó, nguy cơ dịch lan rộng ra các nước, trong đó có Việt Nam là rất khó.

Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo rằng, Việt Nam là nước bị tiêu chảy do E.coli rất nhiều và thường xảy ra quanh năm, do đó chúng ta không nên chủ quan.

- Ông nói, hàng năm chúng ta vẫn có rất nhiều bệnh nhân nhiễm Ecoli, vậy cớ gì chúng ta lại không lo ngại về loài vi khuẩn này?

Chủng vi khuẩn này rất đáng lo ngại nhưng từ khi được tìm thấy cách đây 25 năm, EHEC đã từng gây bệnh ở Nhật Bản, một số nước châu Âu và Mỹ song vẫn chưa tìm thấy ở Việt Nam.

Dựa vào khả năng gây tiêu chảy, E.coli được phân chia làm 5 loại: E.coli EPEC gây bệnh đường ruột, ETEC sinh độc tố ruột, EIEC xâm nhập ruột giống hội chứng lỵ, EHEC gây xuất huyết ruột và EAEC gây bám dính ruột.

Loại vi khuẩn E.coli đang gây ổ dịch tiêu chảy nghiêm trọng ở nhiều nước châu Âu được coi là một chủng hoàn toàn mới - EHEC - 0104, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ. Đây là loài E.coli độc nhất trong 5 loài E.coli kể trên. Bởi loài này không chỉ gây tiêu chảy mà còn sinh ra các độc tố gây xuất huyết đường ruột gọi là verotoxin hay Shigalike-toxin gây hội chứng tan máu – ure huyết cao (HUS) gây suy thận, sốc và tỷ lệ tử vong nếu ở giai đoạn hội chứng HUS là 80%.

Còn chủng gây bệnh chủ yếu tại Việt Nam là  EPEC và EAEC.

Rất khó phân biệt chủng E.coli?

- Các bác sĩ tại các bệnh viện, sau khi xét nghiệm bệnh nhân tiêu chảy thường chỉ kết luận chung chung là E.coli, chứ không phân loài nguy hiểm hay không. Tại sao lại như vậy thưa GS.TSKH?

Các phương pháp để xác định E.coli gây tiêu chảy thường khá phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ thực hiện được ở các labo có trang bị hiện đại. Do đó, sự phân bố của các chủng E.coli gây tiêu chảy chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ tại các nước mà bệnh tiêu chảy còn rất phổ biến như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để tiện cho việc xác định và nghiên cứu, Viện vệ sinh dịch tế TƯ và Trung Tâm Y sinh học học viện Quân Y mới nghiên cứu sản xuất ra bộ kít PCR đa mồi chẩn đoán E.coli.

PGS.TS có thể nói rõ hơn về loại kit này?

Đối với xét nghiệm PCR cổ điển, sau khi phân lập vi khuẩn, tách chiết AND, sẽ phải nhân lên bằng máy khuếch đại hàng tỷ lần. Thường thời gian khuếch đại phải mất 4 ngày mới đủ số lượng AND để xác định và thường chỉ xác định một loài E.coli.

Với kỹ thuật PCR đa mồi mới, quá trình khuếch đại trình tự AND của vi khuẩn E.coli với cặp mồi đặc hiệu của vi khuẩn giúp thu nhận một số lượng lớn bản sao của một đoạn AND và xác định trong thời gian ngắn - 2 ngày.

Đặc biệt, AND từ khuẩn lạc E.coli sau khi được tách chiết đưa vào phản ứng với các cặp mồi đặc hiệu sẽ cho ngay kết quả của từng loại, thậm chí cả 5 loài E.coli hiện có. Bộ kít này chỉ thực hiện được tại các cơ sở có máy tách chiết AND.

Đó là trong phòng thí nghiệm. Vậy còn ở ngoài thực tế, có cách nào để người dân phát hiện được mình đang bị nhiễm E.coli chủng nguy hiểm như ở châu Âu không, thưa GS.TSKH?

Khi bị nhiễm khuẩn E.coli người bệnh thường có biểu hiện tiêu chảy, kèm theo nôn và đau bụng. Với người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau khi nhiễm bệnh sau khoảng 7- 10 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ và người lớn nguy cơ cao (những người suy giảm hệ miễn dịch: HIV, ung thư…) khi bị bệnh thường nghiêm trọng hơn.

Với chủng EHEC thường gây tiêu chảy ra máu, dễ gây ra hội chứng tan huyết ure, gây sốc, suy thận và tử vong. Vì vậy, nếu thấy tiêu chảy ra máu nhiều cần phải đến bệnh viện để xác định.

- Bộ Y tế VN đã đề nghị các địa phương giám sát tại các sân bay và cửa khẩu, để ngăn ngừa dịch. Với người dân, ông có lời khuyên gì để phòng ngừa chủng vi khuẩn này?

Đối với E.coli nói chung và E.coli EHEC nói riêng, cách phòng bệnh tốt nhất là ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.Việc ăn rau sống rất nguy hiểm bởi dù có được ngâm nước muối, thuốc tím cũng chỉ có tác dụng giảm vi khuẩn chứ không diệt được. Hơn nữa, có một số loại vi khuẩn đơn bào về đường ruột có trong rau, nước muối đặc và thuốc tím không những không có tác dụng, còn khiến nó kháng lại và phát triển thêm.

- Xin cảm ơn GS.TSKH!

Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng trong tháng 5 đã có 10 vụ ngộ độc thực phẩm tại 7 tỉnh với 138 người mắc, 116 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó 4/10 vụ ngộ độc là do vi sinh vật mà chủ yếu là E.coli. 
Hiền Hà

Bình luận
vtcnews.vn