Bệnh lạ VN: Tiền tỉ tan biến vì cơn nghiện đánh bạc

Sức khỏeThứ Tư, 22/09/2010 06:26:00 +07:00

(VTC News) - Biết bao gia đình ly tán, khánh kiệt chỉ vì trong nhà có người say máu cờ bạc. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đó là một bệnh nghiện cần chữa trị.

(VTC News) - Biết bao gia đình ly tán, khánh kiệt chỉ vì trong nhà có người say máu cờ bạc. Tuy nhiên, thay vì chì chiết, xỉ vả nhau, nhiều người không biết rằng, máu me cờ bạc cũng là một loại bệnh cần phải chữa trị.

Thua thảm hại vì thèm cảm giác thắng bạc

Anh Nguyễn Văn X (40 tuổi, Hà Nội), là chủ một quán cà phê kiêm ăn nhanh, kiêm luôn việc lén lút tổ chức cá độ bóng đá. Ban đầu anh X phục vụ dân cá độ, nhưng dần dần, anh cũng bị hút vào trò chơi đen đỏ. Từ việc chỉ chơi cho vui, nhưng sau đó, anh gần như thay đổi hẳn sau một lần thắng cá độ cực lớn, rồi lại thua gần hết.

Không phải ai thích đánh bạc đều là bệnh nhân. Để gọi là bệnh nhân nghiện đánh bạc, có tới 10 tiêu chí đánh giá. Ảnh minh họa. 

Cú sốc từ một người tưởng có tất cả rồi lại trắng tay, anh X lên cơn xung động, hăng máu, lao vào cá độ liên tục, thâu đêm suốt sáng. Hậu quả là từ ô tô, xe máy đến cửa hàng bố mẹ để lại làm ăn, anh X nướng hết vào, với tổng số tiền lên tới 4 tỉ đồng. Anh này còn đánh cả vợ khi bị vợ can ngăn, và luôn mồm nói: Đánh bằng thắng thì thôi.

Thấy con trai trở lên hung hăng quá độ, thái độ bất thường, bố mẹ X cùng vợ đã phải lên kế hoạch áp tải X vào viện tâm thần điều trị. Đồng thời, những vật giá trị còn lại như sổ đỏ, tiền học của con, chìa khóa két sắt… cả nhà giấu biệt; thông báo cho người thân, bạn bè biết tránh tình trạng X vay mướn tiền bạc để thỏa cơn khát bạc.

“Lúc mới vào viện, X tỏ ra phát cuồng, tìm mọi cách trốn, kể cả trèo tường, phá khóa. Đặc biệt vào ban đêm, X rất bồn chồn, bức xúc, bất an, vì đây là thời điểm các con bạc say máu nhất. Do đó, sau khi thống nhất với gia đình, chúng tôi đã cách ly X trong vòng 1 tuần, cho uống thuốc ngủ liều cao. Nhưng quan trọng hơn là lập 1 kế hoạch sau khi ra viện để X không quay trở lại con đường cũ” – BS Ngô Thanh Hồi, giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương kể về trường hợp mới đây nhất, phát bệnh khi World Cup đang vào giai đoạn căng thẳng.

Sau khi bệnh nhân qua cơn xung động vì phải sống trong môi trường quá kích thích, gia đình cùng các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị ngoại trú cho X. Theo đó, gia đình đã mở cả 1 cửa hàng bán sách trên đường đi Sơn Tây, kiểm soát và cách ly với những người bạn có thể tác động xấu, tránh xa môi trường bia, rượu cũng như bóng đá. Tuy vậy, cả bác sĩ lẫn gia đình đều không thể biết được bệnh nhân có “phát bệnh” lần nữa không.

Đỡ cơn xung động đánh bạc khi đã khánh kiệt

Một thầy thuốc ưu tú, cũng đã phải bó tay trước bệnh nhân nghiện đánh bạc – con trai của chính mình!

Sau khi ông đi nghiên cứu sinh trở về, bao nhiêu đồng hồ Liên Xô, xe cuốc, lúc đó là cả một tài sản lớn, đều bay đi hết với những trận đỏ đen của đứa con này. Chưa dừng lại ở đó, đứa con trai duy nhất ông có còn mượn cả xe máy, tiền bạc của họ hàng để cắm. Có ngày, cậu ta thua cả vài chục triệu đồng.

Là bác sĩ, ông đã từng dùng hết các biện pháp từ tâm lý đến thuốc thang, nhưng vẫn không thể đỡ được căn bệnh quái ác của con mình. Từ việc đóng cũi nhốt con sau mỗi lần trộm tiền, cắm xe máy, đến việc nhờ gửi con vào quân đội, nơi có kỷ luật sắt là trông coi kho quản lý thuốc nổ, để nội bất xuất ngoại bất nhập… nhưng chỉ cần tái hòa nhập cộng đồng một thời gian ngắn, cậu này lại lao vào các trận cờ bạc đỏ đen.

Đường cùng, vị thầy thuốc này chỉ trông chờ các bác sĩ tâm thần tiêm cho liều thuốc tê liệt thần kinh để đứa con trai lành lặn trở thành ngớ ngẩn. Nhưng ước mong tiêu cực đó không thể và không ai nỡ giúp ông thực hiện.

Chỉ khi đứa con tội lỗi này tốt nghiệp đại học, lấy vợ, rồi tài sản trong nhà ông cũng không còn nhiều thứ giá trị, dần dần, cậu ta mới đỡ các cơn xung động đó vì phải thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của mình.

WHO đã công nhận có bệnh đánh bạc

Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh đánh bạc có thần kinh yếu, dễ bị kích động khi sống trong môi trường có nhiều yếu tố gây kích thích.

BS Hồi cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận bệnh đánh bạc là rối loạn bệnh lý, rối loạn xung động hành vi… Riêng Mỹ đang xếp bệnh đánh bạc là một hình thức nghiện mới, vì trước nay WHO chỉ công nhận chỉ có nghiện chất, giờ có thêm các bệnh nghiện mà tác nhân gây nghiện không phải là chất, như nghiện đánh bạc, nghiện trộm cắp…

“Ở căn bệnh nghiện đánh bạc, bệnh nhân có cảm giác say máu, khát bạc. Họ khao khát một cảm giác thắng bạc. Cảm giác này xâm chiếm toàn bộ nội tâm, không thể suy nghĩ việc khác. Họ vẫn tỉnh nhưng gần như không biết gì xung quanh, không thể tập trung vào việc khác, mà bị hút hồn vào cờ bạc. Các bác sĩ gọi đó là xung động. Sau cơn xung động đó là mệt rũ, và nhất định là họ thua, thua thảm hại” -  BS Hồi rút ra kết luận.

 Có tới 10 tiêu chí để kết luận về một người thực sự có phải mắc bệnh nghiện đánh bạc hay không. Trong đó, những tiêu chí chính như:

- Thèm khát đánh bạc xâm chiếm hết cả nội tâm;

- Nếu phải cai đánh bạc sẽ có cảm giác bồn chồn, bứt rứt như những người nghiện chất;

- Lần đánh bạc sau sẽ hăng máu và đánh lớn hơn lần trước;

- Bám đuổi dai dẳng một tỉ số nào đó, một con số (trong lô đề), một nước cờ…;

BS Ngô Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương


Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn