300 nỗi ám ảnh "vô cớ" và những dẫn chứng ở Việt Nam

Sức khỏeThứ Ba, 18/05/2010 06:33:00 +07:00

(VTC News) – Có người thấy máu, thấy rắn: ngất xỉu; đứng trước đám đông: buồn nôn; bồn chồn vì luôn nghĩ mình quên khóa cửa...

(VTC News) – Có người thấy máu, thấy rắn: ngất xỉu; đứng trước đám đông: buồn nôn; bồn chồn vì luôn nghĩ mình quên khóa cửa; rửa tay, ngâm người trong nước tới 4 giờ mỗi ngày vì sợ bẩn…


Kè kè cái gương vì ám ảnh sợ… biến hình

Bị bạn bè gọi là mũi cà chua, Nga (Hà Nội) cảm thấy mất ăn mất ngủ với một phần cơ thể này của mình. Không những thế, cô bé luôn cảm thấy chiếc mũi của mình to ra từng ngày. Bởi thế, bất cứ lúc nào bên Nga cũng có một chiếc gương. Cô luôn luôn soi gương, xem mũi mình to lên, biến đổi như thế nào, bất kể đó là lúc học, ăn hay cả lúc trong toalet. Bất kể lúc nào cô cảm thấy mũi mình đang nở ra, cô đều chụp lấy cái gương để soi.

Với nhiều người rắn là nỗi sợ thường trực. Nhưng với người bệnh ám ảnh sợ rắn, họ sẽ ngất xỉu khi thấy rắn. 

Chưa hết, Nga còn thửa hẳn cái thước dây chính xác đến từng milimet để vào những thời điểm nhạy cảm trong ngày, cô đều đưa thước ra để đo, và ghi chép tỉ mẩn. Rồi cô thấy trong ngày, đúng là có lúc, mũi mình to thật, và cũng có lúc nó bị thu nhỏ mà cô cũng chả hiểu vì sao.

Để chắc ăn hơn, cô vời hẳn cô bạn thân về ở cùng mấy ngày, để cùng cô thí nghiệm đo mũi. Và kết quả cũng cho thấy, mũi cô bạn có lúc to lúc nhỏ và kích thước chẳng thua kém mũi cô là mấy. Càng ngày cô càng nhận thấy nỗi lo của mình là vô lý, nhưng hễ cất gương đi, cô lại không yên tâm vì sợ bỗng một lúc nào đó, chiếc mũi của cô to ra mà cô không biết.

Ngâm mình 4h mỗi ngày chỉ để… sạch hơn

Y khoa nhắc tới nhiều ám ảnh sợ như sợ rắn, sợ máu, sợ độ cao, sợ khoảng trống, sợ chỗ kín, sợ nước sâu, sợ côn trùng sâu bọ, sợ bóng tối, sợ sự chia ly, sợ lo âu, sợ sự lộn xộn, sợ xã hội (sợ nói chuyện trước đám đông, sợ làm việc khi ai đó đang nhìn mình, sợ nói chuyện trên điện thoại, sợ gặp người lạ, sợ hẹn hò, sợ ăn ở nơi công cộng, sợ trả lời câu hỏi trong lớp học…)

Cũng nhận thức được nỗi sợ… bẩn của mình là vô lý nhưng dược sĩ Minh Phương (Hà Nam) vẫn không thể kìm được hành vi rửa tay xà phòng liên tục của mình, hễ tiếp xúc với bất cứ vật dụng nào bên ngoài. Nếu không kịp rửa tay sau khi chạm vào bất cứ vật gì, cô thấy bứt rứt khó chịu trong người, làm việc gì cũng mất tập trung.

TS. BS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết: “Có lần cô Phương vào phòng tôi nói chuyện, vô tình chạm phải tờ báo. Trước đó, có một đoàn của tổ chức xã hội chuyên giúp đỡ người có HIV vào làm việc, có người đặt tay vào tờ báo. Và kể từ khi ra khỏi phòng tôi, cô luôn có nỗi ám ảnh về việc có thể có những con virus của người có HIV truyền qua những người kia và bám vào tay cô. Lúc bước ra không có thời gian rửa tay, nhưng cả buổi hôm đó tôi quan sát cô ấy không làm được việc gì nên hồn, luôn nhìn xuống tay mình. Và gần trưa thì cô ấy ra vòi rửa nước, rửa tay đúng 7 lần mới dừng lại”.

Chính dược sĩ này còn kể cho BS Hồi nghe nỗi ám ảnh của mình. Rằng mỗi ngày chị phải được ngâm mình trong nước sạch 4 tiếng. Và chị phải tắm vào lúc nước Hà Lan bắt đầu bơm. Chị phải thả cá ra bơi xem cá có chết không. Chị ngâm cho đến khi người nhợt nhạt ra. Nhưng nếu không ngâm, chị sẽ không thể gạt được cảm giác bẩn thỉu trên người mình. Đến chồng, con của chị nói kiểu gì, chị cũng không thay đổi thói quen này của mình, không thể gạt nỗi sợ ra khỏi đầu, dù biết đó là vô lý.

Với bệnh nhân này, phải mất 3 năm chữa trị, chị mới dần dần bớt sợ bẩn.

Bồn chồn vì ám ảnh quên khóa cửa

Trong quãng đời làm BS của mình, TS Ngô Thanh Hồi còn gặp một người bạn có nỗi ám ảnh rất khác người: luôn sợ quên khóa cửa.

Sự sợ hãi làm người ta không thể kiểm soát được hành vi của mình (ảnh minh họa).

Thói quen của ông bạn này là sau khi khóa cửa, nghe được tiếng tách giòn giã xong, ông phải chổng ngược ổ khóa lên, xem đã rút chìa khóa chưa, rồi giật giật 3 lần để xem chắc chắn mình đã khoá hẳn chưa... Nếu lần nào chưa chổng ngược ổ khóa lên kiểm tra chìa, hay chưa giật giật ổ khóa 3 lần, ông đều chưa yên tâm, cho dù có đi đâu cũng mau mau chóng chóng về nhà kiểm tra… ổ khóa.

Có lần, ông là chủ tọa của một hội thảo quan trọng diễn ra vào lúc 8h. Thế nhưng, mặc dù đã đến gần cơ quan, ông chợt nhớ ra mình chưa làm động tác giật giật 3 lần để xem thực sự khóa cửa hay chưa. Ngay lập tức ông quay về vì biết rằng, nếu không quay về, ông sẽ không thể điều hành được buổi hội thảo, vì cảm giác bồn chồn, bứt rứt.

Khi về đến nhà, thấy cửa đã khoá nhưng ông mở ra để kiểm tra nhà một lượt rồi lại khóa cửa đi tiếp. Lần này, ông khóa xong, làm các động tác quen thuộc rồi đi dự hội thảo. Nhưng ngồi dự hội thảo được một lúc, ông mới giật mình nhớ ra hình như mình chỉ giật khóa có 2 lần? Và thế là ông cứ bồn chồn, mất tập trung và đến trưa thì không thể ngồi lại ở cơ quan nữa, quyết định về nhà kiểm tra... ổ khóa!

...

Y khoa thế giới tổng kết, con người có tới hơn 300 ám ảnh sợ. Người bệnh nhận thấy nỗi sợ của mình là vô lý, nhưng khi đứng trước sự vật gây ra nỗi sợ đó, họ vẫn có các hành vi ngoài kiểm soát như ngất xỉu, tè ra quần, hoặc có những hành vi kỳ cục khác.

Theo TS. BS Ngô Thanh Hồi, đây chưa được gọi là bệnh hoang tưởng, nhưng là căn bệnh ám ảnh sợ, mà mặc dù bệnh nhân nhận thức được nhưng không thể kiểm soát được hành vi của mình.

Phần lớn con người đều có nỗi sợ riêng của mình, nhưng họ đều vượt qua được, hoặc qua rèn luyện để đối diện nỗi sợ hãi của mình. Nhưng với bệnh nhân của bệnh ám ảnh sợ thì họ không thể vượt qua, không thể đối diện… Nhiều người rơi vào trạng thái ngất xỉu, tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn… Người bệnh bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng đến nỗi nó can thiệp nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác của họ.






Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn